⠀
Trận đấu xe ngựa lớn nhất lịch sử cổ đại giữa Ai Cập và người Hittite
Với lực lượng cỗ xe ngựa chiến lên tới hàng ngàn chiếc từ cả 2 bên, trận Kadesh giữa người Ai Cập và người Hittite được nhiều nhà sử học công nhận là trận chiến xe ngựa lớn nhất trong lịch sử.
Khoảng năm 1274 trước Công Nguyên, pharaoh Ramesses của Ai Cập và vua Muwatalli của Đế chế Hittite đã mang quân đội hoàng gia của mình tới vùng đất phẳng gần Kadesh – nơi cả 2 đều chọn làm địa điểm quyết chiến. Về phía mình, Rameses mang theo 20.000 binh sĩ, bao gồm 2.000 cỗ xe ngựa. Trong khi đó, Muwatalli có lực lượng đông hơn hẳn với 40.000 binh sĩ và 3.000 cỗ xe ngựa, trong đó có cả những cỗ xe ngựa hạng nặng chở 3 người.
Người Ai Cập bắt đầu trận đánh với 1 bất lợi cực kì lớn. Theo đó, khi đang hành quân tới Kadesh, vua Ramesses nhận được tin quân đội của vua Muwatalli vẫn còn ở rất xa.
Vì binh đoàn tiên phong Amun đã đi trước để thiết lập trại, ông quyết định giảm tốc độ hành quân để giữ thể lực cho binh sĩ. Thế nhưng, ông không ngờ rằng mình đã bị lừa: quân đội Hittite đang ở ngay phía bắc Kadesh cùng với gần 20 đồng minh khác nhau của mình. Chỉ khi bắt được 2 lính trinh sát Hittite, ông mới nhận ra cái bẫy này.
Khi đang trên đường tới trại, lực lượng của Ramesses đã bất ngờ bị các cỗ xe ngựa Hittite, lúc này đã vượt qua sông Orontes, tấn công. Lợi dụng đội hình kẻ địch bị tan vỡ, quân Hittite bắt đầu đốt phá khu trại của quân Ai Cập. Dù rất tinh nhuệ, thế nhưng binh đoàn tiên phong Amun vẫn không thể cản nổi những cỗ xe ngựa hạng nặng của đối thủ.
Rất nhanh chóng, pharaoh Ramesses cùng các hộ vệ của mình đã dẫn đầu vài cuộc tấn công vào quân Hittite đang đốt phá trại, đồng thời tập hợp binh đoàn Ra và binh đoàn Amun lại để cùng phối hợp phản công, đẩy lực lượng của vua Muwatalli về phía đông nam hướng ra sông Orontes.
Trong tình thế này, xe ngựa chiến hạng nhẹ của Ai Cập đã phát huy sở trường của mình. Các cỗ xe nặng nề của người Hittite tỏ ra bất lực trước các đối thủ di chuyển linh hoạt, dẫn tới thiệt hại rất nặng. Nhận ra điều này, vua Muwatalli đã tập hợp những cỗ xe ngựa còn lại của mình di chuyển để đánh thọc sườn quân Ai Cập. Cuộc tấn công đã mang lại kết quả đúng như Muwatalli mong muốn: quân Ai Cập bị đe dọa đẩy lùi về trại của mình còn lực lượng xe ngựa Hittite có thể vượt sông để tập hợp lại.
Hai giai đoạn của trận đánh.
Tuy nhiên, ngay lúc này, vận may đã đến với người Ai Cập: lực lượng đồng minh Ne’arin đã tới kịp lúc. Khi biết được đội quân này đang vòng qua trại theo hướng đông nam để tấn công nhánh quân thứ 2 của vua Muwatalli, Ramesses đã cho người của mình tấn công thẳng hướng bắc, thọc sườn và bao vây quân Hittite. Nhận ra sự thất bại của mình, người Hittite buộc phải bỏ lại các cỗ xe ngựa để bơi qua sông trốn thoát, đánh dấu kết thúc trận đánh Kadesh.
Khi nói về kết quả trận chiến, nhiều tài liệu đưa ra kết luận khác nhau. Trận Kadesh thường được miêu tả là chiến thắng của người Ai Cập. Tuy nhiên, một số tài liệu lại khẳng định đây là 1 trận hòa hoặc thậm chí là chiến thắng cho người Hittite. Thế nhưng, không thể phủ nhận rằng dù bị lực lượng Hittite càn quét tới 2 lần, vua Ramesses vẫn thu được nhiều lợi ích hơn vua Muwatalli. Vào thời đó, xe ngựa chiến thường là biểu tượng của đế chế và thường được trang trí, thậm chí là ốp bằng kim loại quý hiếm. Do đó, dù lấy được Kadesh hay không, người Ai Cập vẫn có thể hài lòng với chiến lợi phẩm là gần 1.000 cỗ xe ngựa mà người Hittite bỏ lại.
Trong chiến tranh cổ đại, xe ngựa (chariot) là một phương tiện vận chuyển tinh nhuệ, kiêm nhiệm nhiều vai trò tương đương “xạ kỵ” (bắn cung di động), “trọng kỵ”(càn quét, xuyên thủng hàng phòng ngự) và “khinh kỵ” (truy đuổi) của các quân đội cổ Đông Á.
Xe được kéo bởi 2 con ngựa và thường chở 1 người điều khiển và 1-2 binh sĩ. Các binh sĩ trên xe có thể mang theo 1-2 chiếc cung (cơ số khoảng 100 mũi tên), giáo ngắn/giáo dài cũng như khiến và kiếm cong để cận chiến khi cần thiết.
Tuy nhiên, sức mạnh của xe ngựa chiến nằm ở sự linh động và thích nghi nhanh chóng. Các chiến binh trên xe có thể linh hoạt chuyển từ bắn cung sang ném giáo ở khoảng gần và sẵn sàng cận chiến nếu xe bị vô hiệu hóa.
Theo DÂN VIỆT
Tags: Sự kiện lịch sử thế giới, Thế giới cổ đại, Ai Cập cổ, Văn minh Lưỡng Hà