Tổng quan về lý thuyết quản trị của Peter Drucker

Peter Drucker là chuyên gia hàng đầu thế giới về tư vấn quản trị. Ông được coi là cha đẻ của ngành Quản trị kinh doanh hiện đại, là tác giả nhiều cuốn sách quản lý nổi tiếng, trong đó có cuốn Những thách thức của quản lý trong thế kỷ 21. Những đóng góp của ông được đánh giá rất cao, tạp chí Financial Times (Thời báo Tài Chính) đã bình chọn ông là 1 trong 4 nhà Quản lý bậc thầy của mọi thời đại (cùng với Jack Welch, Philip Kotler và Bill Gates).

Tổng quan về lý thuyết quản trị của Peter Drucker

I. Tiểu sử

Peter Ferdinand Drucker (19/11/1909 – 11/11/2005) sinh tại thủ đô Vienna của Áo, lấy bằng tiến sĩ luật quốc tế tại Đại học Frankfurt (Đức). Trong thời gian từ năm 1931 đến 1939, ông cùng gia đình phải chạy trốn khỏi Đức Quốc xã. Peter Drucker làm rất nhiều nghề và từng là nhà báo tại London, sau đó nhập cư vào Mỹ năm 1940.

Là một bậc thầy về kinh tế học, ông còn nghiên cứu về các khoa học khác. Trong quá trình truyền đạt kinh nghiệm quản lý của mình, ông áp dụng cách truyền đạt những bài học qua những phương pháp thuật học khác nhau như sử học, tâm lý học, xã hội học, vật lý học, văn hóa, tôn giáo…

Ông được trao tặng rất nhiều giải thưởng cũng như huân chương cáo quý của các nước trong đó có: Huân Chương Tự Do Tổng Thống do tổng thống George W. Bush trao tặng 9/7/2002; Huân chương Hạng Nhất của Áo 1991, Huân chương của Nhật Bản v..v. Ông cũng nắm giữ 25 chứng chỉ học vị tiến sĩ các loại của các trường Đại học từ Hoa Kỳ, Bỉ, Czech, Anh, Tây Ba Nha cho đến Thụy Sĩ.

II. Một số tác phẩm nổi bật

Lý thuyết quản trị của Drucker có thể được chia thành ba phần chính với những tác phẩm xuất sắc đi liền với nó.

1. Quản trị theo Mục Tiêu (MBO)

Ngay từ những năm đầu trong sự nghiệp của mình, Peter Drucker đã bắt đầu xây dựng lý thuyết MBO của mình.

1946, ông viết “Concept of Corporation” (tạm dịch “Quan Niệm về Doanh Nghiệp”) sau 2 năm nghiên cứu cung cách quản lý của General Motor, lúc đầu công ty rất hài lòng với kết quả của Drucke. Nhưng sau khi cuốn sách được xuất bản cùng với những lời gợi ý về “phân quyền” thì GM coi đây là sự phản bội với công ty họ. Alfred Sloan – giám đốc GM lúc bấy giờ đã dành hẳn quyển tự truyện của mình như một sự phản đối với “Concept of Corporation”. Dù vậy, đây là quyển sách đánh dấu sự manh nha ra đời của MBO với lý thuyết về sự phân quyền (Decentralizing).

Tới năm 1954, với sự ra đời của “The Practice Of Manager” (tạm dịch “Thực Hành Quản Trị”), Drucker đã hoàn thiện lý thuyết “Quản trị theo Mục Tiêu”.

2. Quản trị bản thân

Với Drucker, một nhà quản trị thành công là một nhà quản trị “hiệu quả”. Drucker đã định nghĩa sự “hiệu quả” này qua 4 đặc điểm đã viết trong cuốn sách “The Effective Execute” (bản dịch “Nhà Quản Trị Thành Công”) được xuất bản năm 1967, và bổ sung một số điểm mới trong cuốn sách gần cuối đời, xuất bản năm 2001 “The Essential Drucker” (bản dịch “Tinh hoa Drucker”).

3. Quản trị trong thời đại mới

Drucker là một bộ não đi trước thời đại. Trong khi các công ty, xí nghiệp vẫn loanh quanh với hệ thống quản trị chưa được định hình rõ ràng và mang nặng cách làm việc mệnh lệnh , Drucker đã nhìn thấy những cơ hội và thách thức của thế kỉ 21 – một thời đại mới với những trật tự mớ. 2 cuốn sách thể hiện rõ tầm nhìn vượt trội của ông là “The Age of Discontinuity” (tạm dịch là “Thời đại của Sự Gián Đoạn”) xuất bản năm 1969 và Management: Tasks, Responsibilities, Practices (Quản trị: Các Nhiệm Vụ, Trách Nhiệm và Thực Hành). Trong hai tác phẩm này, Drucker tiên đoán về một trật tự xã hội mới – xã hội của các tổ chức – và cách để các thành phần đó làm việc với nhau để cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp. Đặc biệt, những định nghĩa, lời khuyên của ông cho “khu vực tư nhân” – tức là các tập đoàn, công ty – có thể coi là sự khai sáng, là mấu chốt của mọi công việc kinh doanh cũng như bán hàng.

III. Lý thuyết quản trị hiện đại của Peter Drucker

Như đã đề cập ở phần trên, chúng ta có thể chia lý thuyết quản trị của Drucker thành ba phần chính: quản trị bản thân, quản trị theo mục tiêu và quản trị trong thời đại mới.

1. Quản trị bản thân

Các cuốn sách về quản trị thường nói về việc quản lý người khác. Tuy nhiên, “kẻ lãnh đạo tệ nhất là kẻ không làm chủ được bản thân mình”. Rõ ràng nếu bạn không tự quản lý để đạt hiệu quả trong công việc thì bạn khó mà quản lý được những người khác. Tư tưởng của Drucker đã cho thấy quản trị chủ yếu được thực hiện bằng cách làm gương, do đó những nhà quản lý không biết cách làm việc hiệu quả sẽ không thể làm gương cho người khác noi theo. Một nhà quản trị xuất sắc trước hết phải “quản trị” được bản thân một cách “hiệu quả”. Drucker cũng khẳng định “tính hiệu quả” có thể học tập và rèn luyện được thống qua bốn đặc tính đã được đề cập trong “The Effective Executive” và chúng là: quản lý thời gian, xác định sự đóng góp của bản thân, sử dụng điểm mạnh, ra quyết định đúng đắn.

Quản lý thời gian

Công việc của người quản lý là chú ý tới xu hướng thị trường và khiến công ty thích nghi với chúng nhưng anh ta sẽ không thể tránh khỏi việc lãng phí thời gian vào những “cơn khủng hoảng theo chu kỳ” mà những người khác có thể được giải quyết bằng một quy trình định sẵn.

Cách duy nhất để quản lý hiệu quả thời gian là ghi lại chi tiết mọi công việc mà người quản lý làm cũng như thời gian dành cho chúng. Tiếp theo, anh ta cần xác định những việc có thể ủy thác và giao chúng cho người khác. Cuối cùng dành riêng một khoảng thời gian lớn, không gián đoạn, cho những việc quan trọng nhất.

Xác định sự đóng góp của bản thân

Mục tiêu của tất cả mọi người trong một công ty nên là đóng góp một thứ gì đó và nhà quản trị “hiệu quả” lại càng cần cân nhắc điều này. Rõ ràng “tăng lợi nhuận” không phải là câu trả lời tốt. Thời đại cũng những công ty chỉ chăm chú vào lợi nhuận mà quên mất mục đích của mọi công việc kinh doanh là thỏa mãn nhu cầu của khách hàng đã qua. Bất kỳ công ty nào chỉ hoạt động vì lợi nhuận sẽ phải trả giá cho cách nghĩ đó. Cũng như vậy, một nhà quản trị chỉ treo lên chức danh CEO, vận dụng sức mạnh và ảnh hưởng của mình một cách bừa bãi chỉ là những kẻ thích khoe khoang chứ không phải nhà quản trị đích thực.

Zig Ziglar – một bậc thầy về nghệ thuật bán hàng đồng thời là một tác giả nổi tiếng – đã nói “Bạn sẽ nhận được tất cả những gì bạn muốn trong cuộc sống, nếu bạn giúp đỡ những người khác đạt được thứ họ muốn”.

Bằng cách tự hỏi mình có thể đóng góp gì cho tổ chức, nhà quản trị thoát khỏi tầm nhìn cũng như khả năng có hạn của bản thân mà hướng tới cái nhìn toàn vẹn. Cũng nhờ tự trả lời câu hỏi này mà các nhà quản lý sẽ hợp tác tốt với cấp dưới hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển của bản thân cũng như những người khác.

Sử dụng điểm mạnh

Bất cứ ai trong bất kì một tổ chức nào cũng đều có những điểm mạnh và điểm yếu. Đó là lý do vì sao chúng ta cần những “tỗ chức” chứ không phải vài cá nhân riêng lẻ. Một tổ chức hoạt động hiệu quả bởi nó tập hợp điểm mạnh của nhiều người và bù đắp điểm yếu của mỗi cá nhân. Do vậy, điều nhà quản trị phải làm không phải là luôn nhìn chăm chú vào điểm yếu của bản thân hay của người khác rồi ra quyết định dựa vào đó mà họ cần phải tập trung vào điểm mạnh của mỗi người để giao những công việc phù hợp, không cần quá lo lắng tới những điểm yếu.

Ra quyết định

Có thể nói ra quyết định là một trong những công việc quan trọng nhất của các nhà quản trị. Một nhà quản trị xuất sắc không cần làm ra quá nhiều quyết định nhưng chúng phải được tư duy ở một tầm cao với tầm nhìn dài hạn. Nhiều nhà quản trị thường nhìn những tình huống theo xu hướng và hay lặp lại là những công việc khẩn cấp vì thế họ lãng phí thời gian của mình vào chúng và không còn thời gian dành cho những gì thật sự quan trọng.

2. Quản trị theo Mục Tiêu (MBO)

“Quản trị theo mục tiêu có hiệu quả – nếu bạn biết mục tiêu là gì. 90 trong số 100 lần, bạn không biết” – Peter Drucker.

Sự manh nha của lý thuyết MBO – ý tưởng về “phân quyền” – đã bắt đầu từ rất sớm trong sự nghiệp của Drucker với cuốn sách “Concept of the Corporation” – được coi là một sự phản bội với GM, ban lãnh đạo GM không nhận rằng hệ thống của họ không hoàn hảo, phải vài chục năm sau GM mới nhận ra sai lầm ấy, khi đó Drucker đã tới làm việc với người Nhật và giúp các công ty của Nhật vượt lên các đối thủ Mỹ.

Ý tưởng của MBO rất đơn giản nhưng cho tới nay nó vẫn là từ “thời thượng” không chỉ trong giới quản trị và vẫn là hệ thống quản trị hiệu quả nhất. Quản trị theo mục tiêu tức là nhà quản trị đặt ra mục tiêu dài hạn phù hợp với tầm nhìn và sứ mệnh của công ty, sau đó chia nó thành các mục tiêu ngắn hạn hơn và giao cho cấp dưới toàn quyền để hoàn thành mục tiêu đó – hay nói cách là việc “phân quyền”.

Tại sao Drucker lại nghĩ tới lý thuyết này khi mà vào thời của ông cách quản lý chỉ dừng lại ở việc “ra lệnh và làm theo”? Bởi Drucker quan niệm người lao động là “tài sản” mà không phải chi phí, không phải những cỗ máy “biết nói” mà nếu không “đang làm việc” thì chúng là vô dụng. Ông nhận thấy một xu hướng mới của một thời đại mới – thời đại của “lao động trí thức” – những con người không chỉ biết làm việc như những cỗ máy mà còn có khả năng sáng tạo, biến đổi và phát triển. Kiểu quản lý cũ sẽ mất đi vị trí của nó.

Ở đây ta có thể nhận ngay ra điểm giống và khác biệt giữa lý thuyết hiện đại của Drucker với lý thuyết cổ điển mà tiêu biểu là: F.W.Taylor và Henri Fayol.

Lý thuyết của Taylor có thể được tóm gọn trong ba từ: tối ưu hóa, tiêu chuẩn hóa và chuyên môn hóa. Tư tưởng của ông đẩy “hiệu suất” cũng như “năng suất” làm việc lên tới đỉnh cao và mặt trái là nó khiến công nhân bị coi như những cỗ máy “biết nói”, họ bị bóc lột cả về sức lao động lẫn tinh thần khi mà phải lặp đi lặp lại những công việc đơn giản trong một thời gian rất dài, thuyết của ông còn bị coi là sự bào chữa che dấu bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư sản thời bấy giờ. Rõ ràng, sự coi trọng, nhấn mạnh về con người trong một công ty, một tổ chức của Drucker hoàn toàn tưởng phản với Taylor.

Ngoài ra, quản trị Drucker có điểm giống với Henri Fayol, lý thuyết của hai , về bản chất, là lý thuyết về tổ chức xã hội tức là về mối quan hệ giữa con người với con người trong một tổ chức và xây dựng một hệ thống nâng đỡ, nuôi dưỡng và hài hòa các quan hệ đó để mọi người hợp tác, làm việc cùng nhau và khiến bộ máy tổ chức hoạt động hiệu quả và trơn tru nhất.

MBO có thể nói là cái nền tảng và cốt lõi trong lý thuyết quản trị của Peter Drucker vì vậy ông đảm bảo sự xuyên suốt của nó bằng 5 nguyên tắc:

  1. Ban giám đốc cần quyết định rõ ai có quyền ra những quyết định sống còn
  2. Tính chính trực là điều kiện bắt buộc với nhà quản trị
  3. Yêu cầu cao về kết quả
  4. Coi tự thân quản trị là một phần thưởng chứ không phải một bậc của nấc thang thăng tiến
  5. Hệ thống thăng chức hợp lý

Mỗi nguyên tắc đều có vai trò của nó và là nền tảng cho những nguyên tắc khác, bằng sự chặt chẽ đó, chúng khiến MBO khả thi và hoạt động như nó vốn có.

3. Quản trị trong thời đại mới

“Không có cơ quan nào có thể sống lâu hơn cơ thể mà nó phục vụ” – Peter Drucker.

Tầm nhìn về một thế giới mới, một thời đại mới bắt đầu được Drucker nhắc tới trong tác phẩm “The Age of Discontinuity”. Thế giới mới có thể được mô tả bằng cụm từ “xã hội của các tổ chức” gồm khu vực công – chính phủ, khu vực tư nhân – các công ty, tập đoàn và khu vực xã hội – các tổ chức phi lợi nhuận (như UNICEF).

Các tổ chức phi lợi nhuận đã rất phổ biến trong thế kỉ 21 nhưng Drucker lại nhìn thấy sự tồn tại của nó từ cuối những năm 60 của thế kỉ 20 và nó là một điều tất yếu, hiển nhiên sẽ xảy ra. Nếu ta nhìn xã hội như một cơ thể thì các tổ chức sẽ được ví như những cơ quan và hiển nhiên “không có cơ quan nào có thể sống lâu hơn cơ thể mà nó phục vụ”. Mỗi tổ chức trong xã hội đó sớm muộn gì cũng sẽ nhận ra rằng để tồn tại chúng phải hoạt động với sự quan tâm tới lợi ích chung. Chúng cần tập trung làm tốt công việc của mình và giao những công việc không cần thiết cho khu vực khác. Công việc mà nhà nước làm tốt nhất là “cai trị” không phải “tạo lợi nhuận” vì vậy nhà nước nên tập trung vào việc của mình giao những gì họ không có chuyên môn cho khu vực khác. Đó là lý do tồn tại của các tổ chức phi lợi nhuân vì xã hội. Bằng cách làm những công việc mình làm tốt nhất, các tổ chức sẽ thúc đẩy xã hội phát triển và tiến lên.

Drucker đặc biệt chú trọng tới vị trí của khu vực tư nhân trong xã hội mới, ông chỉ ra những gì họ phải làm một cách chi tiết trong cuốn “Management: Tasks, Responsibilities, Practices” (1973) đây cũng là một trong những điều thể hiện sự vượt trội và đi trước thời đại của Drucker. Ông đã chỉ ra lý do tồn tại của một công ty, một tổ chức và cái nền tảng, cái căn bản của công việc marketing. Không chỉ vậy, ông viết ra những lời “khai sáng” này khi mà lý thuyết về marketing vẫn còn đang làm bước chuyển từ những lý thuyết về kinh tế ứng dụng sang lý thuyết về hành vi ứng dụng (mà người đi đầu là Kotler – cha đẻ của lý thuyết Marketing hiện đại). Một trong số những câu mà ông đã viết: “Mục đích của việc kinh doanh là tìm kiếm và giữ khách hàng” và “Mục tiêu của marketing là khiến cho việc bán hàng trở nên dư thừa”. Rõ ràng Drucker đã khái quát những ý tưởng nền tảng nhất của công việc kinh doanh qua hai câu nói trên.

IV. Tổng kết

Lý thuyết quản trị mà Drucker để lại không chỉ là kho tàng vô giá của các nhà quản trị mà còn cho tất cả mọi người. Những lời khuyên của ông rất thực tế và bất cứ ai cũng có thể áp dụng. Lý tưởng của Drucker cho tới nay vẫn là kim chỉ nam cho mọi nhà quản trị, thể hiện giá trị, sự trường tồn vượt thời gian của nó và vẫn sẽ là trong tương lai tới đây. Ông xứng đáng được vinh danh là “nhà Quản Trị bậc thầy của mọi thời đại”.

Theo LEVERAGADLIFE

Tags: