Tổng quan về kinh tế Hàn Quốc giai đoạn 1961-1997

Mô hình kinh tế của Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã chứng tỏ về sự thành công của nó và hiện nay Hàn Quốc đang phấn đấu trở thành đầu mối của khối kinh tế hùng mạnh ở khu vực châu Á trong thế kỷ 21.

1962-1979

Từ năm 1962 đến 1979, dưới thời Tổng thống Park Chung-hee cầm quyền, Hàn Quốc bắt đầu bước vào một giai đoạn phát triển mới với những bước đi thăng trầm và sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục. Đây là giai đoạn Hàn Quốc xây dựng kinh tế theo mô hình hướng ngoại chiến lược công nghiệp hoá hướng về xuất khẩu, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, dựa vào khai thác thị trường thế giới và liên kết quốc tế. Để thực hiện mục tiêu chiến lược kinh tế nêu trên, Chính phủ Park đã thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, mở rộng chức năng kinh tế của nhà nước và thực hiện cải cách hành chính, trong sạch hoá bộ máy chính phủ.

Hai là, thực hiện kế hoạch hoá kinh tế bằng các kế hoạch kinh tế 5 năm, cụ thể:

Dưới thời Park Chung- hee, với sự thành lập của EPB (cơ quan Kế hoạch hoá Trung ương, bao gồm cả cục Ngân sách thuộc Bộ Tài chính và Cục Thống kê thuộc Bộ Nội vụ nằm trong dinh tổng thống thường gọi là “Nhà xanh” chỉ đạo mọi hoạt động kinh tế của quốc gia do Phó Tổng thống trực tiếp điều hành), các kế hoạch hoá kinh tế mới trở thành hệ thống. Đó là các kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1962-1966), kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1967-1971), kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1972-1976), kế hoạch 5 năm lần thứ tư ( 1977-1981).

Trải qua hai thập kỷ xây dựng và phát triển quốc gia, mặc dù còn có những hạn chế nhất định, nhưng Chính phủ Park Chung-hee đã đạt được những thành tựu bước đầu rất cơ bản, đưa đất nước vượt qua khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, trở thành một nước có nền kinh tế phát triển khá trong khu vực. Nền kinh tế luôn giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao về GNP và GDP trong các thời kỳ (trừ năm 1980 sau cái chết của Tổng thống Park, GNP giảm 5.2 %, GDP giảm 3.2 %).

Tuy nhiên, nếu tính bình quân thì trong 15 năm, GNP tăng 19 lần và GDP cũng có có sự gia tăng tương ứng. Cụ thể, về công nghiệp, tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao đạt 13.5%/năm (1967-1971), 18.1 %/ năm (1972-1976) và 10,3 %/năm (1978-1981) [6]. Bên cạnh những thành tựu kể trên, trong giai đoạn 1961-1979, Hàn Quốc cũng phải đối mặt với những khó khăn thách thức và đòi hỏi chính phủ phải có những biện pháp để khắc phục như nền kinh tế phát triển thiếu cân đối trong các ngành sản xuất, nợ nước ngoài tăng nhanh, các tập đoàn kinh tế lớn (Chaebol) do được chính phủ ưu tiên nên dễ dẫn đến sự độc quyền về kinh tế và lấn át về chính trị, lạm phát gia tăng.

1979-1997

Kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn 1979 đến trước khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 gồm các kế hoạch 5 năm lần thứ năm (1982-1986), lần thứ sáu ( 1987-1991) và lần thứ bảy ( 1992-1996). Nội dung chủ yếu của nền kinh tế Hàn Quốc trong giai đoạn này được tập trung vào một số vấn đề sau:

Trước hết là, sự đổi mới về vai trò kinh tế của nhà nước và cơ chế vận hành kinh tế. Nói cách khác là tính chỉ huy trong kinh tế của chính phủ phải được loại bỏ và thay vào đó là nhà nước phải hoạt động trong khuôn khổ của nền kinh tế thị trường.

Thứ hai là, kinh tế Hàn Quốc tiếp tục thực hiện kế hoạch hoá, chuyển từ mô hình tăng trưởng mất cân đối sang mô hình tăng trưởng cân đối, đẩy mạnh việc tự do hoá thị trường, hạn chế sự can thiệp của nhà nước

Thứ ba là, nhà nước có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy bộ phận công nghiệp nhỏ và vừa phát triển, nhằm khắc phục sự mất cân đối trong cơ cấu công nghiệp và hướng hoạt động của các bộ phận này vào xuất khẩu.

Cuối cùng là, Hàn Quốc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp bằng việc phát triển các ngành kỹ thuật- công nghệ cao của dân tộc nhằm thay thế nguồn công nghệ nhập khẩu từ các nước tư bản phát triển, gắn liền với việc đẩy mạnh khoa học kỹ thuật đi vào chiều sâu phục vụ đắc lực cho tăng trưởng kinh tế.

Về thành tựu kinh tế, sau hơn thập kỷ xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của các Chính phủ Chun Doo Hwan và Chính phủ Roh Tae Woo cũng như những năm đầu Chính phủ Kim Young Sam, Hàn Quốc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế. Nền kinh tế tiếp tục giữ được mức tăng trưởng GNP và GDP với mức cao và ổn định, bình quân hàng năm là 8.1 %. Sản xuất kinh tế công nghiệp có sự phát triển cao theo chiều sâu, bình quân tăng hàng năm là 12.6 %. Năm 1994, công nghiệp điện tử chiếm vị trí thứ 5 thế giới. Hàn Quốc cũng là nước xuất khẩu tiêu biểu trong các nước NICs. Chẳng hạn, xuất khẩu tầu biển năm 1992 đạt 4,11 tỷ USD chiếm 5 % giá trị xuất khẩu quốc dân.

Như vậy, mô hình kinh tế của Hàn Quốc trong nhiều thập kỷ qua đã chứng tỏ về sự thành công của nó và hiện nay Hàn Quốc đang phấn đấu trở thành đầu mối của khối kinh tế hùng mạnh ở khu vực châu Á trong thế kỷ 21.

Theo ĐÔNG PHƯƠNG HỌC

Tags: , ,