Toan tính sai lầm của Trung Quốc ở Biển Đông thời COVID-19

Đại dịch COVID-19 là cơ hội cho nỗ lực của Trung Quốc nhằm kéo các nước Đông Nam Á lại gần hơn về phía mình. Vì vậy, trong việc xử lý xung đột ở Biển Đông, hành động cho để nhận và một cử chỉ hào phóng nào đó có thể là cách thức hữu hiệu để Bắc Kinh giành được lòng tin và sự tôn trọng từ các nước láng giềng nhỏ hơn.

Toan tính sai lầm của Trung Quốc ở Biển Đông thời COVID-19

Bài viết của tác giả Goh Sui Noi, biên tập viên Đông Á, phóng viên cao cấp tại The Straits Times. Bài viết được đăng trên báo The Straits Times.

Đối với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải vật lộn với dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (COVID-19), việc Trung Quốc hứa hẹn cung cấp 100 triệu khẩu trang và 10 triệu bộ quần áo bảo hộ, cùng với các trang thiết bị y tế hết sức cần thiết khác, là một điều may mắn bất ngờ. Việc cung cấp những trang thiết bị này, qua kênh viện trợ và kênh thương mại, đã được Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết tại Hội nghị trực tuyến đặc biệt mới đây giữa ASEAN và 3 đối tác khu vực – Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Một động thái khác đáng hoan nghênh là việc Trung Quốc cam kết xây dựng cơ sở phục hồi sau COVID-19 với số vốn ban đầu trị giá 5 tỷ USD theo đề xuất của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) do nước này dẫn dắt.

Tuy nhiên, cũng có những động thái không được hoan nghênh như việc các tàu cá Trung Quốc, được các tàu của lực lượng Cảnh sát biển nước này hộ tống, đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo Natuna của Indonesia hồi tháng 2 vừa qua, và việc một tàu khảo sát của Trung Quốc, được nhiều tàu khác hộ tống, mới đây đã đi vào vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, gần Việt Nam, Brunei và Malaysia. Ngoài ra, đầu tháng 4, một tàu cá của Việt Nam đã bị đâm chìm ở vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp sau khi va chạm với một tàu Hải cảnh Trung Quốc, với việc hai bên cùng cáo buộc đối phương đâm vào tàu của mình.

Việt Nam, Brunei và Malaysia cùng với nước thân hữu trong khối ASEAN là Philippines đã có những tuyên bố chủ quyền cạnh tranh với Trung Quốc đối với các cấu trúc địa hình khác nhau ở vùng biển đông đúc và giàu tài nguyên này. Trung Quốc và Indonesia không có các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn, nhưng Bắc Kinh khẳng định vùng biển xung quanh quần đảo Natuna là khu vực đánh cá truyền thống của Trung Quốc và ngư dân của họ có quyền đánh cá ở đó, cho dù khu vực này nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia.

Việc Trung Quốc khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông vào thời điểm các nước trong khu vực đang phải vật lộn với đại dịch và dễ bị tổn thương chắc chắn sẽ khiến ASEAN lo ngại, cho dù họ đang hào hứng tiếp nhận sự giúp đỡ y tế từ người láng giềng khổng lồ này.

Trong khi các nước khác vẫn đang trong vòng vây đại dịch, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc đã thuyên giảm và nền kinh tế nước này đã bắt đầu bước vào tiến trình tái khởi động. Đây là thời điểm thuận lợi để Trung Quốc nắm lấy cơ hội mà đại dịch mang lại nhằm cải thiện quan hệ với khu vực Đông Nam Á vốn đang trong trạng thái căng thẳng do những tranh chấp lãnh thổ những năm gần đây, như họ đã làm trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Tuy nhiên, những hành động gây sức ép cùng những tuyên bố chủ quyền trên biển vào thời điểm này đã làm cho những nỗ lực của Bắc Kinh trở nên vô ích.

Giành được thiện cảm trong khủng hoảng

Trong những năm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng Đông Nam Á đã bị hủy hoại bởi những tranh chấp lãnh thổ giữa họ ở Biển Đông. Điều này bắt đầu vào năm 1995, khi Philippines phát hiện ra rằng Hải quân Trung Quốc đã và đang xây dựng các cấu trúc cố định trên Đá Vành Khăn (Mischief Reef), một đảo san hô vòng cách hòn đảo Palawan của Philippines 217 km. Đảo san hô này đều được Trung Quốc, Philippines, Việt Nam và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc nói rằng họ xây dựng các cấu trúc này làm nơi cư trú cho các ngư dân, nhưng trên thực tế đó là hành động chiếm đóng đảo san hô này. ASEAN nhận được nhiều lời cảnh báo tới mức các ngoại trưởng trong khối đã phải họp tại Singapore để đưa ra tuyên bố chung bày tỏ lo ngại sâu sắc trước diễn biến tình hình và kêu gọi sớm đưa ra giải pháp.

Tuy nhiên, đến cuối những năm 1990, mọi việc giữa Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN đã thay đổi. Yếu tố làm thay đổi cuộc chơi là cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Việc đồng tiền các nước trong khu vực, trong đó có Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore, thay nhau mất giá đã dẫn đến suy thoái kinh tế trên toàn khu vực.

Trong lúc các cường quốc phương Tây như Mỹ còn chậm chạp trong việc dang tay giúp đỡ, Bắc Kinh đã làm được một số việc và giành được thiện cảm của các quốc gia chịu tác động của khủng hoảng. Thứ nhất, Bắc Kinh đã không phá giá đồng nhân dân tệ cho dù điều này có thể giúp bảo vệ tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu từ Trung Quốc so với hàng xuất khẩu từ các nước chịu tác động của khủng hoảng, bởi vậy tránh gây thêm sức ép cho những nền kinh tế này. Thứ hai, Trung Quốc đã viện trợ 4 tỷ USD cho các nước trong khu vực thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) – tổ chức này đã cung cấp các khoản vay để ổn định các nền kinh tế gặp khó khăn – và thông qua các kênh song phương.

Đồng thời, theo các nhà phân tích, trong cuộc khủng hoảng tài chính này, Trung Quốc cũng có cách tiếp cận linh hoạt, bớt hung hăng đối với những tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi trước đó Bắc Kinh từ chối tiến hành các cuộc đàm phán bất chấp lời kêu gọi từ các nước ASEAN, thì vào năm 1999 Trung Quốc đã bắt đầu đối thoại với ASEAN về vấn đề Biển Đông. Kết quả của những cuộc đàm phán này là Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 không mang tính ràng buộc. Tuyên bố này đặt ra các tiêu chuẩn về hành vi ứng xử để duy trì hòa bình ở những vùng biển tranh chấp. Đây cũng là khúc dạo đầu cho Bộ quy tắc ứng xử (COC) mang tính ràng buộc pháp lý để giải quyết các tranh chấp.

Trong bầu không khí nồng ấm hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc và ASEAN cũng đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán vào năm 2000 về một thỏa thuận thương mại tự do, nhất trí về thỏa thuận khung vào năm 2002. Năm 2003, hai bên cũng đã bước vào mối quan hệ đối tác chiến lược. Sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á là một thập kỷ quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN trở nên gần gũi hơn bao giờ hết trong khi những tranh chấp lãnh thổ được xếp lại và hai bên thăm dò khả năng cùng phát triển các khu vực tranh chấp. Điều này diễn ra vào thời điểm Mỹ đang bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố ở Iraq, Afghanistan và ít can dự hơn vào khu vực Đông Nam Á.

Những tranh chấp quay trở lại

Tuy nhiên, những tranh chấp ở Biển Đông đã quay trở lại. Năm 2009, Malaysia và Việt Nam cùng đệ trình lên Liên hợp quốc kiến nghị về việc mở rộng thềm lục địa của họ theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Trung Quốc đã bác bỏ kiến nghị này với lập luận rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các hòn đảo Biển Đông và các vùng biển gần kề khi đưa ra tấm bản đồ “đường 9 đoạn” đáng hổ thẹn bao trùm gần như toàn bộ Biển Đông.

Căng thẳng gia tăng đã dẫn tới những xung đột như cuộc đối đầu năm 2012 giữa tàu giám sát của Trung Quốc và Hải quân Philippines ở bãi cạn Scarborough và cuộc đối đầu năm 2014 giữa các tàu của Việt Nam và Trung Quốc ở vùng biển ngoài khơi bờ biển Việt Nam sau khi Trung Quốc triển khai một giàn khoan dầu ở khu vực này.

Về kinh tế, Trung Quốc đã cạnh tranh với một số nước thành viên ASEAN về đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, Thỏa thuận thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc dường như đem lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích hơn so với một số nước thành viên ASEAN, khiến những nước này không hài lòng.

Việc Trung Quốc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên các bãi đá và đảo san hô cũng như đặt các cơ sở quân sự trên những hòn đảo này đã làm gia tăng căng thẳng. Mặc dù các bên tuyên bố chủ quyền khác như Việt Nam và Philippines cũng tiến hành cải tạo và quân sự hóa các đảo mà họ chiếm giữ, nhưng quy mô và mức độ cải tạo và quân sự hóa của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều, gây lo ngại không chỉ cho các nước thành viên ASEAN mà còn cho các cường quốc khác như Mỹ và Nhật Bản.

Tuy nhiên, sau khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết năm 2016 bác bỏ những tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông, và khi tình trạng đối địch giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng dưới thời Tổng thống Donald Trump, Bắc Kinh đã tìm cách đàm phán về COC với ASEAN, điều mà họ đã trì hoãn trong nhiều năm. Hai bên đã đạt được một số tiến bộ với việc nhất trí về bản dự thảo vào năm 2019.

Việc Trung Quốc tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong khu vực những năm gần đây thông qua sáng kiến “Vành đai và Con đường” cũng đã góp phần cải thiện quan hệ kinh tế giữa hai bên. Giờ đây, với sự bùng phát của dịch COVID-19, Trung Quốc một lần nữa có cơ hội để cải thiện quan hệ và gia tăng ảnh hưởng đối với khu vực Đông Nam Á, như họ đã làm trong năm 1997.

Trung Quốc đã cam kết cung cấp trang thiết bị y tế và cử các chuyên gia y tế đến một số nước ASEAN. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể làm nhiều hơn thế. Mặc dù cũng phải vật lộn với dịch bệnh trong nước vẫn chưa đạt đỉnh nhưng Mỹ, đối thủ của Trung Quốc trong khu vực, vẫn đang trợ giúp cho khu vực Đông Nam Á cả về chuyên gia lẫn tài chính. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, có văn phòng ở 6/10 nước ASEAN, đang hỗ trợ và tư vấn các nước về cách thức đối phó với đại dịch.

Mỹ cũng đã cam kết viện trợ 18,3 triệu USD cho các nước ASEAN để giúp các nước này chuẩn bị các phòng thí nghiệm có thể tiến hành xét nghiệm trên quy mô lớn, tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin về nguy cơ dịch bệnh, thực hiện các kế hoạch đối phó với tình huống khẩn cấp liên quan đến sức khỏe cộng đồng tại các điểm kiểm soát biên giới, đào tạo và trang bị lực lượng phản ứng nhanh trong điều tra và truy vết tiếp xúc, cùng nhiều hoạt động khác.

Phó giáo sư Lý Minh Giang thuộc Trường nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Đại học công nghệ Nanyang, Singapore cho rằng Trung Quốc có thể trợ giúp về kỹ thuật và công nghệ cũng như tài chính. Nước này cũng có thể giúp xây dựng các cơ sở y tế như các bệnh viện dã chiến đã được triển khai nhanh chóng ở thành phố Vũ Hán, tâm dịch của Trung Quốc trong thời gian vừa qua.

Mặc dù đại dịch cũng đem lại cơ hội để Trung Quốc khẳng định tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình, nhưng hành động này sẽ là phản tác dụng sau những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm kéo khu vực này đến gần quỹ đạo của mình hơn. Ngày càng có nhiều người ở châu Á lo ngại việc Trung Quốc có thể tận dụng thời điểm dịch bệnh đang tác động đến các lực lượng tiền tuyến của Mỹ trong khu vực để đẩy nhanh những tham vọng của mình ở Đông Nam Á. Tàu sân bay Theodore Roosevelt của Mỹ, được triển khai ở Thái Bình Dương, đã bị dịch bệnh tấn công, với hàng trăm ca nhiễm trong đoàn thủy thủ 5.000 người.

Ông Lye Liang Fook, chuyên gia Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore cho rằng nếu Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng đối với Đông Nam Á thay vì chỉ chi phối khu vực này thông qua sức mạnh tuyệt đối của mình, thì họ cần phải nhạy cảm hơn với những lo ngại và lợi ích của các nước trong khu vực.

Trong việc xử lý xung đột ở Biển Đông, hành động cho để nhận và một cử chỉ hào phóng nào đó có thể là cách thức hữu hiệu để Bắc Kinh giành được lòng tin và sự tôn trọng từ các nước láng giềng nhỏ hơn. Do đó, thay vì tranh giành với ngư dân của khu vực trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, hay đuổi các ngư dân nước ngoài ở các vùng biển tranh chấp và thanh minh cho những hành động như vậy bằng lập luận rằng đây là những vùng biển đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc (chúng cũng là những vùng đánh cá truyền thống của các ngư dân ở các nước xung quanh những vùng biển này), Bắc Kinh có thể bắt đầu bằng việc thăm dò khả năng ký kết các thỏa thuận đánh cá với các nước ASEAN.

Kể từ thời điểm có được một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc – chứ không phải một bộ quy tắc ứng xử không mang tính ràng buộc được Bắc Kinh ủng hộ – có tính bao trùm nhằm duy trì các vùng biển mở đến khi đạt được mục tiêu duy trì ổn định và hòa bình ở Biển Đông sẽ là một chặng đường dài.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,