Tình cảnh của người dân Myanmar sau cuộc đảo chính ngày 1/2

Thức dậy với tin tức rằng quân đội đang nắm quyền kiểm soát đất nước, người dân Myanmar hồi tưởng về thời kỳ quân quản trước đây và lo ngại quá khứ sẽ lặp lại.

Tình cảnh của người dân Myanmar sau cuộc đảo chính ngày 1/2

Thư Myanmar: Ngày u ám

Từ sáng sớm ngày 1/2, chúng tôi đã bị đánh thức theo cách không như thường lệ. Cha chồng tôi thông báo với vợ chồng tôi rằng đất nước đang có đảo chính quân sự.

Không thể tin những gì vừa nghe thấy, tôi vội kiểm tra trên truyền thông chính thống và hiểu rằng chuyện này đã thực sự xảy ra.

Điều khiến tôi suy sụp hơn là liều vắcxin định kỳ 6 tháng cho đứa con trai mình. “Đảo chính” có nghĩa là tôi không thể quyết định liệu có đưa thằng bé tới bệnh viện công hay không. Rốt cuộc, không còn cách nào khác, chúng tôi tới một phòng khám nhà nước lúc 10h sáng.

Chỉ một vài người cũng quyết định như tôi, và thật không may, điều này dẫn đến việc bệnh viện không tiến hành tiêm do không đủ số lượng. Y tá thông báo rằng phải quay lại vào hôm sau nếu có trên 10 người tiêm. Việc này buộc tôi phải đưa thằng bé tới một bệnh viện nhi để có vắcxin.

Trái ngược với khung cảnh vắng vẻ của phòng khám, bên ngoài là những đám đông xếp hàng dài trước các ngân hàng. Tôi đã chứng kiến người ta đổ xô đi rút tiền, và xếp hàng tại các cửa hàng bán gạo nữa.

Sự hỗn loạn này như được nâng lên khi dịch vụ Internet và mạng di động bị cắt tại nhiều nơi khắp đất nước, trước khi phần nào được khôi phục vào giữa trưa một cách hạn chế.

Thông tin tới với người dân trong khi đó bị ảnh hưởng khi các mạng truyền hình quốc gia cũng bị cắt, ngoại trừ kênh do quân đội bảo trợ. Tất cả trôi vào hoang mang, âm u và thiếu hi vọng khi được tin quân đội tuyên bố họ đang nắm quyền kiểm soát quốc gia trong một năm tới tính ngay từ lúc này.

Điểm đáng nói là tôi không tin rằng quân đội sẽ tôn trọng pháp luật vào một ngày nào đó, bởi vì nếu họ tuân thủ luật lệ họ sẽ hành động vì lợi ích của người dân và đất nước, họ sẽ không tái diễn việc này một lần nữa.

Chúng tôi không muốn quay trở lại với những ngày đen tối khi quốc gia bị cô lập vì tôi đã sinh ra trong giai đoạn đáng sợ này, và từng tràn trề hi vọng khi đất nước mở cửa vì đó là lúc chúng tôi biết rằng mình có quyền, mình dám nói mọi thứ thuộc về quyền của mình.

Điều người Myanmar lo ngại nhất chính là quay trở lại những ngày cô lập và tranh chấp. Rồi tôi sẽ phải kể với con trai mình những trải nghiệm này sao, và chúng tôi sẽ để lại di sản cho thế hệ sau bằng những điều như hiện nay? Không. Chúng tôi phải đấu tranh để ý chí của mình được tôn trọng.

Giờ đây, những gì chúng tôi mong muốn nhất là một Myanmar cởi mở, hòa bình, lấy lợi ích người dân làm gốc. Chúng tôi không muốn các lãnh đạo dân sự bị bắt bớ. Chúng tôi sát cánh với pháp luật, dân chủ và nói không với bất kỳ biểu hiện lạm dụng quyền lực nào, vì một Myanmar tươi sáng hơn.

Theo BI BI THU / TUỔI TRẺ ONLINE

.

Hôm 1/2, người dân Myanmar thức dậy với tin tức về vụ chính biến của quân đội. Lãnh đạo dân cử của đất nước, bà Aung San Suu Kyi, bị bắt giữ cùng các thành viên khác trong đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà.

“Tôi nghĩ giờ tôi sẽ tường thuật trực tiếp trên Twitter về một cuộc đảo chính”, cựu nhà báo Reuters Aye Min Thant viết trên Twitter ngay trước 7h (giờ địa phương).

“Mọi thứ hiện tại vẫn khá yên tĩnh, mặc dù mọi người đã thức dậy và cảm thấy sợ hãi. Tôi đã nhận được cuộc gọi từ bạn bè và người thân từ 6h sáng. Internet lúc có lúc không và SIM điện thoại của tôi không còn hoạt động”.

Bắt giữ “toàn bộ” từ sáng sớm

Vụ chính biến được công bố trên đài truyền hình thuộc sở hữu của quân đội. Thông báo cho biết tổng tư lệnh quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing, đã lên nắm quyền, và tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm được ban bố.

Động thái diễn ra sau chiến thắng vang dội của NLD trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020 mà quân đội tuyên bố đã có gian lận. Bà Suu Kyi đã kêu gọi những người ủng hộ bà “phản đối vụ đảo chính”.

Myanmar, tên cũ là Burma, được cai trị bởi các lực lượng vũ trang cho đến năm 2011, khi cuộc cải cách dân chủ do bà Suu Kyi lãnh đạo chấm dứt chế độ quân quản.

Một người dân sống tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, nói với BBC rằng cô đang chuẩn bị đi bộ thể dục vào sáng sớm thì nhận được tin nhắn từ một người bạn cho biết bà Suu Kyi bị bắt giữ.

Cô gái 25 tuổi, yêu cầu giấu tên, ngay lập tức đăng nhập vào mạng xã hội.

“Thức dậy và biết rằng thế giới của bạn đã bị đảo lộn hoàn toàn chỉ qua một đêm không phải là cảm giác mới mẻ, cảm giác đó chúng tôi từng vượt qua, thứ cảm giác tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ buộc phải trải nghiệm lại”, cô cho biết, hồi tưởng về thời thơ ấu của cô dưới sự cai trị của quân đội.

“Điều khiến tôi thực sự bàng hoàng là chứng kiến cách các bộ trưởng khu vực của chúng tôi bị bắt giữ. Bởi điều này có nghĩa là họ thực sự đã bắt toàn bộ mọi người, không chỉ bà Aung San Suu Kyi”, cô nói thêm.

Vụ bắt giữ nhà lập pháp khu vực Pa Pa Han đã được chồng bà phát trực tiếp trên Facebook.

Các nhà hoạt động chính trị, bao gồm cả nhà làm phim Min Htin Ko Ko Gyi, cũng được cho là đã bị bắt giữ.

Theo Reuters, ít nhất 42 quan chức đã bị bắt giữ.

“Xe quân sự chạy khắp thành phố”

“Chúng tôi thức dậy với tin tức về vụ chính biến vào sáng sớm và một số bạn bè của chúng tôi đã bị bắt giữ”, một nhà hoạt động địa phương nói với chương trình Newsday của BBC.

“Kết nối Internet không còn nữa… Tôi không thể ra ngoài và sử dụng điện thoại của mình, không còn tí data nào. Đây là những gì đang xảy ra ngay lúc này. Những chiếc xe quân sự đang chạy khắp thành phố”, cô nói.

Trên Twitter, nhà báo địa phương Cape Diamond cho biết tại thủ đô Naypyitaw, sóng điện thoại, Internet đã bị cắt từ 4h đến 11h15. “Không điện thoại, không Wi-Fi”, ông viết trên Twitter.

Các kênh truyền hình quốc tế và trong nước, bao gồm cả đài truyền hình nhà nước, đã bị cắt sóng. Những lá cờ của NLD đã được tháo xuống tại nhà dân cũng như các cơ sở kinh doanh ở Yangon.

“Hàng xóm của tôi vừa hạ cờ NLD… Nỗi sợ bạo lực là có thật”, nhà báo, nhà nghiên cứu Annie Zaman viết trên Twitter.

Sau đó, cô chia sẻ video về việc lá cờ tại một khu chợ địa phương bị hạ xuống.

Bầu không khí lo ngại

Người dân Myanmar đang trải qua thời kỳ khó khăn về kinh tế, và sự xuất hiện của một vụ chính biến khiến nhiều người lo sợ sẽ không thể tiếp cận hàng hóa thiết yếu.

Ma Nan, thương nhân ở Yangon, nói với BBC: “Tôi lo lắng không biết giá hàng hóa có tăng không. Tôi lo lắng vì con gái tôi chưa học xong. Chỉ mới được một nửa. Đây lại là lúc đại dịch đang xảy ra”.

Than Than Nyunt, người làm nội trợ ở Yanong, cũng lo lắng rằng giá hàng hóa sẽ tăng cao và “mọi người sẽ nổi dậy”. “Tôi hy vọng rằng Aung San Suu Kyi và các cộng sự của bà ấy sẽ sớm được tự do”, bà nói.

Những lo ngại sẽ trở thành sự thật nếu cuộc chính biến này đồng nghĩa với việc quay trở lại cuộc sống dưới sự thống lĩnh của quân đội những năm 1990 và 2000.

Năm 1988, quân đội Myanmar đã tiến hành vụ đảo chính chấn động.

Bà Suu Kyi khi đó đã trở nên nổi tiếng. Bà đã chiến đấu với chế độ quân quản, đấu tranh trong suốt hai thập kỷ, khi quân đội không chấp nhận chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử năm 1990.

Cuộc sống bị nhấn chìm bởi tham nhũng, giá cả biến động, xung đột sắc tộc ở những khu vực khác, nhiều người đang lo lắng về việc liệu tiếp theo chuyện gì sẽ xảy ra.

“Chúng tôi đang cố gắng trấn an bản thân rằng chúng tôi sẽ vượt qua được vì chúng tôi từng vượt qua những điều tồi tệ hơn vậy trước đây”, cô gái 25 tuổi ở Yangon nói với BBC.

“Nhưng tôi ước rằng chúng tôi không phải làm như vậy, tôi ước gì chúng tôi không phải tự nhủ mình phải mạnh mẽ”.

Tuy nhiên, một số người ủng hộ quân đội đã tổ chức ăn mừng vụ đảo chính, diễu hành trên đường phố với những bài hát thể hiện lòng yêu nước.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: ,