Tín ngưỡng biến thành mê tín khi con buôn khoác áo nhà tu hành

Những tín điều giả dối được lan truyền, tiêm nhiễm vào niềm tin của con người và như đặc tính của virus, chúng tự nhân lên trong tâm trí người mắc phải, tấn công và lan truyền sang người khác.

Tín ngưỡng biến thành mê tín khi con buôn khoác áo nhà tu hành

Hàng chục ngàn người dự lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh, Hà Nội.

Việc mượn danh Phật giáo để lừa gạt tín đồ nhẹ dạ cả tin nhằm trục lợi trong thời gian qua ở một số nơi thờ tự đã khiến nhiều người hiểu sai về Đức Phật; từ đó khước từ Phật pháp chân chính.

Trở thành Phật bằng nỗ lực của chính mình

Thái tử Tất Đạt Đa đã sống cuộc đời bình thường: ra đời, khôn lớn, cưới vợ, sinh con. Năm 29 tuổi, Người nhận ra khổ đau và quyết chí tìm đường giải thoát. Người đã nỗ lực hành thiền ròng rã 6 năm, có lúc như chết đi sống lại vì tu theo lối khổ hạnh ép xác. Nhưng rồi Người nhận ra và chọn lấy con đường trung đạo. Đến tuổi 35, Người chứng ngộ. Thái tử Tất Đạt Đa không sinh ra đã là Phật nhưng trở thành Phật bằng nỗ lực của chính mình (danh từ “Phật” có nghĩa là người giác ngộ).

Người sau đó đã dành 45 năm tiếp theo cuộc đời mình để giảng dạy, cho con người biết về một thế giới cao hơn thế giới vật chất, đó là thế giới tinh thần. Người chỉ cho chúng ta biết sự thật về chính mình và làm sao để sống với sự biết ấy; nỗ lực tự mình giải thoát khỏi mọi khổ đau giống như Người đã làm được. Người nói rằng: “Ta không phải là người duy nhất thành Phật, trước ta đã có và sau ta sẽ có nhiều người thành Phật như ta”.

Nhưng thông điệp của Người trải qua hàng ngàn năm qua bị che mờ, hiểu nhầm và bóp méo. Người ta biến Người thành thánh thần để thờ phụng, cúng bái và cầu xin. Tiến hành nghi lễ và tôn thờ hình dạng đã làm lu mờ bản chất và thông điệp mà Người muốn truyền tải cho chúng ta. Nhiều kinh sách được xem là chép lại những lời Người dạy thì lại trải qua hàng thế kỷ kiết tập, ghi nhớ, sao chép, biên dịch, chỉnh sửa, bổ sung dẫn đến cuối cùng chẳng liên quan gì đến chân lý mà Người đã thực sự rao giảng, vì thế chưa thể giúp con người thay đổi nhận thức trên diện rộng; chỉ trừ một số ít người vượt lên trên giáo điều, vượt lên trên những thông điệp bị bóp méo để có thể nhận ra những tia sáng chân lý vẫn còn nằm ở trung tâm của niềm tin và tín điều sai lệch.

Tin điều giả dối, sự thật sẽ bị che mờ

Có câu chuyện kể rằng: Tại một khu làng nọ, trong lúc người cha đi xa thì bọn cướp đến. Khi người cha trở về, bọn cướp đã rời đi, để lại cảnh tượng hoang tàn với nhiều ngôi nhà bị đốt cháy. Chạy đi tìm con, ông thấy xác một đứa trẻ chết cháy. Đinh ninh là con mình, ông cho hỏa thiêu và ngày đêm ôm hủ tro vào lòng thương khóc. Trong khi đó, con của ông thực sự chưa chết mà bị bọn cướp bắt đi. Sau một thời gian, đứa trẻ thoát được và chạy về nhà lúc nửa đêm, gõ cửa gọi cha. Đinh ninh con mình đã chết, nghĩ rằng đứa bé nào đấy đang trêu ghẹo, ông lớn tiếng đuổi đi. Sau một hồi nỗ lực bất thành, đứa bé rời đi và cha con không còn gặp lại.

Như người cha trong câu chuyện, nếu cứ ôm lấy và đinh ninh điều giả dối là sự thật thì khi sự thật đến gõ cửa sẽ bị từ chối cho vào.

Việc gieo rắc nỗi sợ hãi cho chúng sinh thông qua tuyên truyền “vong linh báo oán” để từ đó trục lợi như báo chí đã đăng ở chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) cho thấy một sự giả dối khủng khiếp. Đáng lo ngại hơn, việc tuyên truyền trực tiếp này không chỉ cho hàng ngàn Phật tử đủ mọi lứa tuổi, không ít trong đó là học sinh – sinh viên; mà còn được thực hiện gián tiếp một cách chuyên nghiệp thông qua mạng xã hội Facebook và YouTube với mỗi video có hàng trăm ngàn lượt xem.

Chúng ta đều biết virus nguy hiểm như thế nào nếu bị lây nhiễm, bất kể là virus gây bệnh cho cơ thể hay virus máy tính. Tâm trí con người cũng có thể bị “nhiễm virus”. Đó là những tín điều giả dối có hại được lan truyền, tiêm nhiễm vào niềm tin của con người và như đặc tính của virus, chúng tự nhân lên trong tâm trí người mắc phải, khi có cơ hội sẽ tấn công và tiếp tục lan truyền sang người khác.

Khi một người chết, sự sống của người đó đã không còn mang thân xác cũ nữa. Cái vĩnh cửu không còn mang cái thời gian; cái vô hình không còn mang cái hữu hình. Người chết đã được giải thoát khỏi thân xác cũ, tất cả hình dạng cũ, cái tôi cũ. Chỉ có người sống là còn bám víu và giam cầm mình vào những thứ cũ kỹ đó của người chết.

Theo NGUYỄN HỒNG HUẤN / NGƯỜI LAO ĐỘNG

Tags: ,