Tị nạn thời tiết – tấn bi kịch thời biến đổi khí hậu

Sự nóng lên toàn cầu sẽ không ưu ái với riêng ai, riêng quốc gia nào bất kể trình độ kinh tế. Dòng người tị nạn vì thời tiết sẽ bổ sung vào những dòng người tị nạn vì chiến tranh, vì sinh kế.

Tị nạn thời tiết – tấn bi kịch thời biến đổi khí hậu

“Nóng phát điên”, “tôi ở Hà Nội hơn 60 năm nay nhưng mùa hè này là khủng khiếp nhất”, đó là những câu tôi được nghe nhiều trong chuyến công tác Hà Nội tuần trước. Nhiều đối tác mở đầu cuộc gặp bằng câu hỏi vì sao chúng tôi lại chọn thời điểm nóng bức này để tới Hà Nội.

Oliver, đồng nghiệp người Anh đi cùng tôi, không có phản ứng đặc biệt nào ngoài việc không đeo cà vạt đi họp. Lúc chuyện phiếm, anh mới thổ lộ: “Tôi thấy các bạn ở đây còn may mắn lắm. Tôi và gia đình sắp thành dân tị nạn rồi. Tị nạn thời tiết. Chúng tôi sắp rời New Delhi do ở đó năm sau không còn đủ nước để dùng”.

Anh hiện công tác ở Singapore nhưng chị vợ người Ấn Độ và các con thì vẫn ở lại thủ đô New Dehli kể từ khi họ kết hôn. Năm năm sống ở Dehli cùng vợ con theo Oliver là quá đủ. Gần một nửa diện tích Ấn Độ vừa trải qua đợt nắng nóng và hạn hán tồi tệ hồi đầu tháng Sáu, nhiệt độ ở New Delhi đạt mức cao kỷ lục 48 độ C.

Gần 1,4 tỷ dân Ấn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nước trầm trọng. Khoảng 80% lượng nước ngọt được dùng phục vụ cho nông nghiệp nhưng ngành này không hiện đại hóa kịp nên năng suất kém. Hơn 100 triệu dân ở các thành phố lớn nước này được dự báo là không có nước để dùng trong khoảng 10 năm nữa.

“Người ta thải tất cả xuống sông, hồ. Nguồn nước ngọt đang cạn kiệt. Không khí New Delhi ô nhiễm tới mức đe dọa tính mạng. Tôi phải đưa các con đi trước khi chúng không còn nước để uống. May mắn là tôi còn có điều kiện để đưa gia đình đi nơi khác sinh sống”, bạn tâm sự.

Biến đổi khí hậu và môi trường giờ đây không còn là câu chuyện làm quà. Nó đã chễm trệ trên bàn đàm phán, thương thuyết về kinh tế, thương mại giữa các quốc gia, các tập đoàn. Tôi vừa tham dự một sự kiện về Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam. Các nước châu Âu đã đề cập cụ thể tới nạn khai thác gỗ và đánh bắt cá bất hợp pháp – hai vấn đề lớn của Việt Nam trong việc duy trì đa dạng sinh học, bên cạnh các chủ đề liên quan tới biến đổi khí hậu và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với môi trường.

Tôi như thấy câu chuyện của mình trong hành trình chạy trốn khỏi Ấn Độ của Oliver. Tám năm trước, gia đình tôi rời Hà Nội vì chúng tôi tin thời tiết ở TP HCM sẽ tốt hơn cho sức khỏe của các thành viên.

Quả đúng vậy. Các bệnh vặt như sổ mũi, viêm họng, ho, nhức mỏi hầu như biến mất. Chúng tôi ở quận 7, nơi nhiệt độ dường như luôn thấp hơn quận nhất khoảng một độ. Suốt mấy năm trước, trong nhà rất hiếm khi bật máy lạnh. Nhưng hồi tháng 4 và tháng 5 năm vừa qua, đợt nóng kỷ lục ở phía Nam lại khiến tôi suy nghĩ: Nếu thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, gia đình tôi liệu có thể chuyển đi đâu? Tôi có một số người bạn đã bỏ TP HCM chuyển về sống hẳn ở Vũng Tàu, Đà Lạt và đang rất hài lòng. Chúng tôi liệu có thể theo chân họ hay sẽ như anh bạn đồng nghiệp, tìm cách di cư hẳn sang một quốc gia khác có thời tiết và môi trường tốt hơn?

Thế giới đang khát hơn, đông đúc hơn, nóng hơn. Thay vì phàn nàn, tôi cố gắng giảm thiểu cái gọi là “dấu vết rác thải” của mình. Tôi hướng theo lối sống tối giản, chỉ mua những gì thực sự cần chứ không phải cái mình muốn, trong nhà càng ít đồ và thải càng ít rác càng tốt, nhất là rác nhựa. Tôi tuân thủ công thức: cứ mua thêm một món đồ thì cho đi hai món. Khu tôi ở may mắn có thùng rác riêng dành cho rác sinh hoạt và rác tái chế. Gia đình chúng tôi, kể cả người giúp việc, nhiều năm nay cũng hình thành thói quen phân loại rác.

Quần áo, đồ cũ còn dùng được, tôi hoặc đem cho hoặc mang thẳng tới các cửa hàng nhận thu gom đồ cũ. Hôm vừa rồi, cậu con trai 10 tuổi nhờ tôi đặt đồ ăn qua ứng dụng giao hàng, cháu dặn: “Mẹ nhắn với người giao hàng là không bỏ đồ ăn vào hộp nhựa hay bao nylon mẹ nhé”. Khi tôi giải thích điều này khó xảy ra, cháu vui vẻ không đòi gọi đồ ăn tới nữa.

Tháng trước, tôi đứng lớp giảng về truyền thông cho khoảng 70 bạn trẻ trong một doanh nghiệp FDI. Bài giảng đề cập tới mô hình nhân khẩu học của Việt Nam. Hầu như ai cũng biết dân số Việt Nam sắp đạt mức 100 triệu và là nước đông dân thứ 15 thế giới. Tôi đặt câu hỏi: “Các bạn nghĩ gì khi mình là công dân của một nước đóng góp gần 1,3% dân số cho thế giới?”.

Một số bạn nói đó là thị trường tiềm năng, một số khác cho rằng đây là nguồn cung lao động lớn. Tôi gợi ý: “Thử tưởng tượng nếu mỗi người Việt có điều chỉnh nhỏ về hành vi, ví dụ không ai dùng ống hút nhựa nữa, hoặc mỗi người trồng một cây xanh, tác động tới Trái đất sẽ như thế nào so với các quốc gia chỉ vài triệu dân khác?”. Nhiều học viên nói đây là lần đầu tiên họ nhận thức về quyền lực của mình đối với Trái đất này.

Thế giới sẽ nhanh chóng đạt tới mốc 8 tỷ người. Sự nóng lên toàn cầu sẽ không ưu ái với riêng ai, riêng quốc gia nào bất kể trình độ kinh tế. Dòng người tị nạn vì thời tiết sẽ bổ sung vào những dòng người tị nạn vì chiến tranh, vì sinh kế. Sẽ không còn mức nóng, hạn hán hay lũ lụt nào được coi là kỷ lục nữa vì mỗi năm lại có kỷ lục mới chào đời.

Việt Nam cũng đang phải đối mặt với cháy rừng, hạn hán, bão lụt, ngập mặn và sạt lở. Giữ gìn và tôn trọng Trái đất không còn là nhiệm vụ của các nhà hoạt động môi trường mà còn của chính mỗi chúng ta.

Theo CẨM HÀ / VNEXPRESS

Tags: