Thói quen tàn phá môi trường trong nếp sinh hoạt của người Việt

Con người hoàn toàn có thể góp phần để thích ứng, hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sức khỏe của chính mình. Điều này đòi hỏi nỗ lực từ bỏ những thói quen đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Thói quen tàn phá môi trường trong nếp sinh hoạt của người Việt

Nói đến biến đổi khí hậu, người ta thường lập tức có một suy nghĩ chủ quan rằng đây là “việc của trời”, kiểu như một yếu tố khách quan mà con người không thể nào chống cự. Biến đổi khí hậu gây ra nhiều tai hoạ khó lường và nặng nề tới đời sống con người, tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu về môi trường, con người hoàn toàn có thể góp phần để thích ứng, hạn chế những tác động xấu của biến đổi khí hậu, đặc biệt là sức khỏe của chính mình. Điều này đòi hỏi nỗ lực từ bỏ những thói quen đang ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.

Môi trường bị hủy hoại từ nếp sinh hoạt của chúng ta

Chưa cần phải căn cứ vào các số liệu thống kê, chỉ quan sát thông thường trên đường phố cũng đủ thấy, có đến hơn một nửa xe gắn máy hai bánh trên đường chỉ chở một người. Đối với ôtô cũng tương tự, thông thường, số lượng người chỉ chiếm phân nửa so với công suất xe.

Nhiều năm qua, không chỉ thành phố mà kể cả địa bàn nông thôn, số hộ gia đình sử dụng xe máy được “phủ sóng” gần như đạt tỷ lệ tuyệt đối. Tại nhiều nơi, nhất là khu vực đô thị, tỷ lệ người lao động với xe máy đạt hệ số 1:1. Chỉ tiêu sử dụng xe máy đến năm 2020 đã được phê duyệt với tổng số lượng ở mức 36 triệu chiếc. Thực tế phát sinh đến thời điểm này, số lượng xe máy được sử dụng trên địa bàn cả nước lên đến xấp xỉ 39 triệu chiếc. Với số lượng phương tiện giao thông lớn như vậy nên mỗi ngày các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đã phải tốn hàng trăm tỷ đồng cho xăng, dầu.

Theo một nghiên cứu của Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cùng nhiều nhà khoa học xung quanh việc phát triển vận tải hành khách công cộng, sử dụng phương tiện giao thông công cộng cùng với việc sử dụng hợp lý hơn xe cá nhân, người dân các đô thị lớn có thể tiết kiệm tới hơn 20% lượng xăng, dầu đang tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tình trạng vứt rác bừa bãi tưởng chỉ là những thói quen gây khó chịu cục bộ, nhưng tổng hợp lại thì có tác động rất lớn đến môi trường. Một lượng không nhỏ rác thải của thành phố đang bị vứt bừa bãi xuống sông, kênh rạch làm tắc đường cống thoát nước, nghẽn hố ga thu nước làm cho hệ thống thoát nước thành phố vốn đã quá tải trước các trận mưa ngày càng lớn nay bị rác thải làm thu hẹp dòng chảy, dẫn tới ngập lụt, ô nhiễm.

Sử dụng nước, điện tiết kiệm cũng là một cách bảo vệ môi trường. Hiện nay, phần lớn lượng điện năng tiêu thụ ở Việt Nam là thủy điện. Việc xây dựng quá nhiều đập thủy điện đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy của các con sông và hệ thống sinh thái đi kèm như suy thoái của rừng, của các hệ sinh thái ven sông. Sử dụng những sản phẩm tiết kiệm điện, năng lượng mặt trời hoặc có thói quen tiết kiệm điện từ mỗi hộ gia đình cũng góp phần lớn vào toàn cục.

Một thói quen rất tai hại khác, đó là việc sử dụng túi nylon “vô tội vạ”. Theo kết quả khảo sát tại 5 tỉnh/thành phố đại diện cho 3 vùng miền của Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2010, trung bình, mỗi hộ gia đình đã sử dụng 223 túi nylon/tháng, tương đương 1kg túi nylon/hộ/tháng.

Phải quên “lợi” trước mắt

Trên thực tế, nhiều chủ trương, chính sách tiến bộ về bảo vệ môi trường được đưa ra nhưng không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Nguyên do có thể có những sự chưa phù hợp, tuy nhiên, nhiều người dân luôn mang tâm lý phản ứng thái quá và luôn nhìn vào những mặt bất cập của các chủ trương, chính sách mới, đã gây nhiều khó khăn trong việc thực thi.

Như chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, phần đông người dân hiện dễ dàng chỉ ra những bất cập của xe buýt: tuyến xe còn “loãng”, hay bỏ bến, tài xế, phụ xe chưa lịch sự… để làm cớ chưa sử dụng xe buýt. Tương tự, khi túi nylon thân thiện với môi trường được giới thiệu, nhiều người cũng dễ dàng chỉ ra giá thành cao, không phù hợp, chưa phổ biến… để biện minh cho thói quen dễ dãi sử dụng túi nylon thường của mình.

Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu về môi trường cho biết, những lợi ích nhỏ nhoi kể trên có thể giúp mỗi người thoải mái, tiết kiệm chút ít, nhưng sẽ là rất nhỏ bé so với những tác hại mà việc sử dụng túi nylon quá nhiều và bừa bãi gây ra cho môi trường.

Bên cạnh việc trông chờ sự thay đổi quan điểm từ phía người dân, các cơ quan chức năng cũng phải có những biện pháp tích cực để khuyến khích, tạo động lực cho những thay đổi, theo quan điểm nghĩ đến lợi ích lâu dài cho môi trường thì mọi trở ngại sẽ được giảm bớt.

Như vừa qua, các nhà sản xuất túi giấy thân thiện với môi trường cho biết, họ vẫn phải chịu những khoản phí, thuế không khác gì các mặt hàng thông thường đã khiến giá thành túi không thể thấp bằng túi nylon thường nên việc đưa ra thị trường vẫn còn nhiều hạn chế. Hoặc chuyện những chiếc xe ôtô chạy hoàn toàn bằng điện mới được nhập về Việt Nam nhưng vẫn phải chịu thuế như ôtô thường mà không có bất kỳ một sự ưu đãi nào hơn khiến giá thành cao quá và người dân khó tiếp cận.

Thiết nghĩ, đây là sản phẩm thân thiện môi trường, cơ quan quản lý cần hết sức lưu tâm và nhanh chóng có hướng thúc đẩy. Nếu chỉ đơn thuần giải quyết theo hướng cứng nhắc, “đối xử” như với những sản phẩm thông thường thì sẽ rất khó để khiến thói quen người dân thay đổi theo.

Theo SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG

Tags: