⠀
Thời kỳ Tokugawa – nền tảng cho bước nhảy vọt của Nhật Bản
Trước đây, vì một số nguyên nhân khác nhau, người ta thường có khuynh hướng đề cao cuộc Cải cách Minh Trị năm 1868 và cho rằng sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản ngày nay chủ yếu là bắt nguồn từ cuộc cải cách này. Nhưng những thập kỷ gần đây, trên cơ sở phương pháp và tư liệu lịch sử mới, các nhà nghiên cứu đã có quan điểm khoa học, biện chứng hơn trong việc luận giải, đánh giá ý nghĩa lớn lao của công cuộc cải cách đó đồng thời chỉ ra những tiền đề chính trị, kinh tế, xã hội đã được hình thành từ các giai đoạn lịch sử trước, đặc biệt là thời kỳ Tokugawa.
Bài viết của PGS TS Nguyễn Văn Kim.
Thời kỳ Tokugawa (1600 – 1868)(1) là giai đoạn phát triển cuối cùng và cao nhất của chế độ phong kiến Nhật Bản. Diễn trình của giai đoạn lịch sử này hết sức đa dạng và phức tạp. Đó vừa là thời kỳ mà chính quyền trung ương đạt được sự quản chế tương đối thống nhất bao trùm toàn bộ lãnh thổ vừa là thời kỳ trỗi dậy của các công quốc (han) tập trung ở vùng tây nam. Đó vừa là thời kỳ mà cơ sở kinh tế của đất nước vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp tự nhiên vừa có sự dung dưỡng những nhân tố phát triển của kinh tế hàng hoá, giao lưu giữa các trung tâm thương mại trong nước và quốc tế. Đó vừa là thời kỳ chính quyền trung ương cố gắng duy trì trật tự xã hội bằng hệ thống giáo lý Nho giáo, đề cao Shinto giáo, lạnh nhạt với Phật giáo, từng bước chống lại Cơ Đốc giáo vừa là thời kỳ xuất hiện những khuynh hướng tư tưởng đồng thời là trường phái học thuật mới, tác động đến nhiều đẳng cấp trong xã hội như: Quốc học, Khai quốc học, Hà Lan học v.v…
Qua đó, đủ thấy rằng đây là thời kỳ chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Nhật Bản trên tất cả mọi phương diện đồng thời chuẩn bị những tiền đề, điều kiện hết sức quan trọng để rồi vào nửa sau thế kỷ XIX, Nhật Bản có thể “Đuổi kịp và vượt phương Tây”. Vì phạm vi khá rộng của vấn đề, bài viết này chỉ tập trung phân tích một số đặc điểm tiêu biểu của thiết chế chính trị và những chuyển biến kinh tế – xã hội căn bản trong thời kỳ lịch sử này mà thôi.
1. Tokugawa, một thiết chế chính trị hướng tới hoà bình, ổn định và thống nhất
Sau cái chết của Toyotomi Hideyoshi (1536 – 1598), Tokugawa Ieyasu (1542 – 1616) với tư cách là lãnh chúa lớn nhất bắt đầu bước lên vũ đài chính trị ở Nhật Bản. Và, với thắng lợi trong trận Sekigahara năm 1600, dẹp yên các thế lực chống đối, ông đã thâu tóm được quyền lực thực tế về tay mình. Là một người nhìn xa trông rộng nhưng cũng hết sức thận trọng, Tokugawa đã chuẩn bị những bước đi vững chắc, hết sức khôn khéo nhằm giải quyết một cách căn bản các vấn đề thực tại của xã hội Nhật Bản lúc đó đồng thời hướng tới xây dựng một thể chế chính trị ổn định, tái thiết nền hoà bình và thống nhất quốc gia.
Thực hiện mục tiêu trên, Tokugawa đã có những nỗ lực lớn để củng cố sức mạnh của chính quyền phong kiến tập trung nhằm đạt tới sự điều hành hữu hiệu, trực tếp của chính quyền trung ương với các địa phương thông qua một cơ chế vận động song song: Mạc phủ, đứng đầu là shogun (tướng quân) Tokugawa ở Edo và các daimyo (lãnh chúa) cai trị khoảng 265 lãnh địa(2). Do đó, cơ cấu chính trị mang tính chất quân phiệt này thường được gọi là Bakuhan taisei tức là Chế độ Mạc phủ – công quốc hay còn được gọi là: Mạc – phiên thể chế, dựa vào sự phục tùng và trung thành tuyệt đối của các võ sĩ.
Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống và thái độ của các daimyo trước trận Sekigahara, Tokugawa Ieyasu đã chia các lãnh chúa ra làm 3 loại: Shimpan (thân phiên) gồm có 23 lãnh chúa là họ hàng, con cháu gia tộc Tokugawa. Các lãnh chúa này là phiên dậu của chính quyền Edo trong đó dẫn đầu các shimpan là 3 han do 3 con trai của Tokugawa Ieyasu cầm đầu: Mito, Owari và Kii. Ba phiên này được ngọi là “Ngự tam gia”, chiếm giữ những vị trí chiến lược, được hưởng những đặc quyền kinh tế đồng thời là nơi chọn người nối nghiệp shogun trong trường hợp dòng chính ở Edo không có người thừa kế(3).
Mito ở phía Bắc Edo, được quyền quản lý một lãnh địa rộng lớn có thu nhập tương đương với 350.000 koku thóc(4). Owari nằm ở giữa Edo và Kyoto, tại vùng đồng bằng Nagoya có mức thu 619.500 koku. Kii án ngữ phía tây nam Kyoto với trung tâm là Wakayama và cũng có thu nhập 555.000 koku.
Tiếp đến là các fudai daimyo (phổ đại) gồm 145 lãnh chúa, vốn là đồng minh của tập đoàn Tokugawa từ trước năm 1600. Mặc dù có số lượng đông nhưng fudai thường là các lãnh chúa nhỏ, tổng thu nhập của họ khoảng 6.700.000 koku. Cuối cùng là tozama daimyo (ngoại dạng) gồm 97 lãnh chúa. Đây chính là những lãnh chúa chỉ chịu thuần phục Tokugawa sau khi bị đánh bại trong trận Sekigahara. Những lãnh chúa này sống tập trung ở phía bắc hoặc miền Tây Nhật Bản. Trong lịch sử Nhật Bản, các tozama daimyo vốn là những dòng họ lớn, rất có thế lực về chính trị và kinh tế. Ví như Satsuma ở vùng đông nam Kyushu có thu nhập tới 770.800 koku. Trên đảo Honshu những lãnh địa như Choshu cũng có thu nhập 369.000 koku và đặc biệt là Kaga có thu nhập đến 1.022.700 koku. Tổng thu nhập của các lãnh chúa ngoại dạng lên tới 9.800.000 koku.
Nhưng lãnh chúa có thu nhập vượt trội hơn tất cả là Tokugawa Ieyasu. Bản thân ông giữ cương vị tướng quân nhưng đồng thời cũng là lãnh chúa lớn nhất nắm quyền sở hữu 6.480.000 koku, tức là chiếm tới 25% tổng sản lượng nông nghiệp toàn quốc và khoảng 30% dân số. “Vương quốc” của ông trải rộng khắp vùng đồng bằng Kanto, khu vực phụ cận Kyoto, kéo dài tới miền duyên hải phía nam. Ngoài ra, tướng quân Tokugawa còn nắm quyền cai trị trực tiếp những trung tâm hành chính và kinh tế lớn như: Edo, Kyoto, Osaka, Nagasaki, quản lý các mỏ khoáng sản giàu có, thâu tóm quan hệ ngoại thương cùng một số lĩnh vực kinh tế quan trọng khác của Nhật Bản. Với từng loại daimyo, Mạc phủ có cách đối xử phân biệt không chỉ trong việc ban cấp lãnh địa, tài sản mà còn trong vấn đề hành chính, luật pháp, tước vị cùng nghĩa vụ phải thực hiện đối với chính quyền trung ương…
Bên cạnh một chính sách có phần ưu ái, nâng đỡ cho các shimpan và fudai daimyo, Mạc phủ cũng luôn có thái dộ mềm dẻo nhưng hết sức nguyên tắc với các lãnh chúa vốn là những kẻ thù địch. Do là “người ngoài”, các tozama daimyo được đối xử đúng nghi lễ thậm chí được coi gần như ngang hàng nhưng để đề phòng mọi bất trắc có thể xảy ra, Mạc phủ đã phân phong cho các daimyo thân tín những vùng đất có vị trí chiến lược hoặc ở ngay gần kể những lãnh chúa có khả năng chống đối. Mục tiêu cảu chính sách này vừa là để tiện theo dõi, kiểm soát vừa có thể ngăn chặn sớm nếu như các lãnh chúa đó dám liều lĩnh phản bội lại chính quyền trung ương. Nhằm làm giảm thiểu sức mạnh của các lãnh chúa, Mạc phủ thường đặt ra những nghĩa vụ đóng góp nặng nề cho các công việc có tính chất quốc gia hay công trình công cộng đòi hỏi đầu tư lớn như: Bắc cầu, đắp đường, làm thuỷ lợi, sửa chữa thành quách v.v…
Để quản lý chặt chẽ hơn nữa các lãnh chúa trên cơ sở một nguyên tắc chung, năm 1615 trước khi qua đời, Tokugawa Ieyasu đã ban hành bộ luật Luật vũ gia chư pháp độ (Buke shohatto) nhằm thiết chế hoá cơ chế chính trị dựa trên những quy định của đẳng cấp võ sĩ. 20 năm sau, bộ luật lại được vị shogun thứ ba, Tokugawa Iemitsu (1604 – 1651) chỉnh lý, hoàn thiện thêm một bước nữa với những điều khoản quy định nghiêm cẩn về địa vị, bổn phận của các han đối với chính quyền trung ương, nguyên tắc đạo đức, hành vi của từng đẳng cấp trong xã hội đặc biệt là đẳng cấp samurai.
Bộ luật nghiêm cấm các han không được tự ý sửa chữa, xây dựng lâu đài mới nếu chưa được phép của Mạc phủ. Cấm các lãnh chúa liên kết đồng minh hay thông gia với nhau. Họ cũng không được phép đóng thuyền lớn. Bên cạnh những quy định đó, Mạc phủ còn đặt trạm kiểm soát trên các đường giao thông, hạn chế việc xây cầu, luật lệ hoá chế độ sankin kotai, tức chế độ Luân phiên trình diện đối với các daimyo…(5).
Như vậy, cùng với việc Tokugawa Ieyasu buộc các lãnh chúa phải ký cam kết trung thành với tướng quân năm 1600, Bộ luật vũ gia được ban hành là một bước tiến nữa nhằm thâu tóm quyền lực vào tay chính quyền trung ương đồng thời xây dựng những nguyên tắc căn bản trong quan hệ xã hội.
Chế độ sankin kotai được luật lệ hoá cho thấy một phương cách cai trị rất điển hình của chế độ phong kiến quân sự Nhật Bản. Trên thực tế, sự vận động và phát triển của chế độ sankin kotai đã dẫn đến những hệ quả kinh tế – xã hội sâu sắc, vượt ra ngoài tầm suy tính của chính quyền Tokugawa. Chế độ sankin kotai ban đầu chỉ là sự tự nguyện của các lãnh chúa phong kiến, tình nguyện về Edo để bày tỏ sự trung thành của mình với chủ tướng. Nhưng sau một thời gian, chế độ này ngày càng quy định chặt chẽ và từ năm 1635 trở thành bổn phận bất khả kháng của tất cả các tozama daimyo. Đây thực chất là chế độ con tin, buộc các lãnh chúa hàng năm phải về sống ở Edo một thời gian rồi sau đó lại trở về lãnh địa của mình.
Tuy nhiên, họ phải để vợ con cùng nhiều võ sĩ thân tín trong tư dinh thứ hai ở “Thủ đô”. Cảnh tượng từng đoàn người, có khi lên đến hàng ngàn người từ khắp các vùng đất nước lũ lượt kéo về Edo trình diện là thực tế đầy sức thuyết phục cho thấy uy lực của chính quyền trung ương với lãnh chúa địa phương đồng thời thể hiện rõ mối quan hệ “Tôn chủ – bồi thần” rất điển hình ở Nhật Bản giai đoạn lịch sử này.
“Những chi phí lớn cho các cuộc hành trình đó và cho dinh thự ở Edo thường chiếm hơn một nửa thu nhập của các lãnh chúa, dẫn đến sự suy yếu nghiêm trọng nguồn tài chính của họ, làm giảm khả năng chống đối. Sống ở Edo trong một thời gian dài như vậy đã khiến cho các gia đình lãnh chúa mất đi bản tính quê mùa của người chiến binh và họ bị quý tộc hoá, hơn thế nữa nó còn làm giảm đi nỗi sợ hãi đối với thể chế. Và sự giao lưu thường xuyên với một tỷ lệ lớn tầng lớp thống trị giữa Edo và các phiên đã tăng cường tính đồng nhất về văn hoá, tri thức, tư tưởng ở Nhật Bản hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới”(6).
Mạc phủ Tokugawa với thiết chế chính trị của nó, vừa mang tính chất quân sự vừa có chức năng dân sự, vừa thống trị Nhật Bản với tư cách là lãnh chúa lớn nhất vừa đóng vai trò của chính phủ trung ương, thay mặt Thiên hoàng cai quản đất nước, hoạch định chính sách quốc gia. Mặc dù từ năm 1192 các tướng quân đã khuynh loát quyền lực của Thiên hoàng nhưng trong quan hệ với triều đình Kyoto, Mạc phủ luôn tỏ ra tuân thủ các nguyên tắc của đạo lý truyền thống bởi vì trên danh nghĩa Thiên hoàng vẫn là người có quyền uy cao nhất ởNhật Bản.
Hoàng gia, mà linh hồn là Thiên hoàng, luôn có ý nghĩa là trung tâm hội tụ của sức mạnh truyền thống đồng thời là biểu tượng cho sự trường tồn và thống nhất dân tộc. Sự tồn tại song song của hai chính quyền trong cơ chế điều hành kép: Thiên hoàng (triều đình) và tướng quân (Mạc phủ) kéo dài gần 700 năm trong lịch sử Nhật Bản còn in đậm nét cho đến ngày nay là một đặc điểm rất đáng chú ý. Nguồn gốc thiêng liêng của Nhật hoàng thấm sâu trong truyền thống và ý thức dân tộc đã khiến cho các tướng quân, dù có tham vọng đến đâu, cũng phải tính toán cẩn trọng trong các bước đi chính trị.
Hơn thế nữa, ở đất nước biệt lập như Nhật Bản, luôn bị chia cắt bởi những thế lực cát cứ thì vị thế thiêng liêng và quyền lực của Thiên hoàng, dù chỉ là hư vị, là điều kiện cần để dung hoà các xung đột. Trong ý nghĩ đó, tướng quân được coi là kẻ bề tôi của Nhật hoàng phải chấp nhận nguyên tắc tối thượng nêu trên.
Dưới thời Tokugawa, Nho giáo được coi là tư tưởng chính thống với chữ Trung mang ý nghĩa chi phối các giá trị đạo đức khác. Các học giả uyên bác nhất của chế độ Mạc phủ đã tìm thấy trong giá trị của học thuyết Nho giáo nhiều điểm tương đồng với Thần đạo (Shinto), một tôn giáo chủ yếu là tôn thờ các vị thần tự nhiên, thể hiện bản sắc và thế ứng xửvới tự nhiên của cư dân nông nghiệp Nhật Bản. Trên thực tế, Nho giáo Nhật Bản thời kỳ Edo, một hệ tư tưởng và lý luận đạo đức chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Tống Nho, đã đạt đến độ hoà trộn cao với tôn giáo bản địa.
Hệ quả của sự tiếp nhận và giao hoà đó đã dẫn đến sựxuất hiện một hệ luận: “Thần Đạo là Trung quân mà Trung quân là Khổng giáo”(7). Do đó, đúng như Michio Morishima đã nhận xét: “Đạo Khổng Nhật Bản manh tính dân tộc rõ rệt”(8). Phải chăng, chính vì có tinh thần dân tộc mạnh mẽ và riêng biệt đó mà Nhật Bản đã có thể sớm thoát khỏi tình trạng bảo thủ, trì trệ của một xã hội phong kiến phương Đông, gạt bỏ những bất cập trong tư tưởng Nho giáo chính thống Trung Quốc để chuyển mình mau lẹvào thế giới hiện đại.Như vậy, về chính trị giới lãnh đạo Tokugawa đã giải quyết thành công mối quan hệ hết sức tinh tế với Thiên hoàng và Hoàng gia mà vẫn bảo vệ được chủ thuyết của mình.
Cùng với sự đối xử cung kính, những chu cấp tương đối rộng rãi về kinh tế… chính quyền Edo không những đã tránh được sai lầm của một số tướng quân trước đây mà còn giữ được mối quan hệ đúng nghi lễ với Thiên hoàng. Nhìn chung, mối quan hệ giữa hai thế lực chính trị đó đã diễn ra khá phẳng lặng và chỉ bắt đầu có dấu hiệu rạn vỡ khi các cường quốc phương Tây đem đại bác đến gõ cửa Nhật Bản vào giữa thế kỷ XIX.
2. Edo – Một thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế – xã hội
Hoà bình và ổn định ở Nhật Bản đã tạo những điều kiện hết sức thuận lợi cho các ngành kinh tế phát triển. Sau một thời kỳ mở cửa, đẩy mạnh quan hệ giao thương với bên ngoài, từ những năm 1630 chính quyền Edo đã từng bước thực thi chính sách đóng cửa đất nước và chỉ cho phép một số lượng hạn chế tàu và thuyền buôn Hà Lan, Trung Quốc được tiếp tục đến buôn bán, trao đổi hàng hoá. Đó là quyết định có tính chất chiến lược của chính quyền Edo nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, thống nhất đất nước, khắc phục tình trạng mất cân đối nghiêm trọng trong cán cân thương mại.
Chính sách đó còn đưa Nhật Bản, từ một thị trường tiêu thụ hàng hoá ngoại quốc thành một nước tự chủ về sản xuất. Vì vậy, có thể khẳng định rằng, chính sách toả quốc (sakoku) của Nhật Bản không phải chỉ hoàn toàn mang ý nghĩa tiêu cực, tự tách biệt Nhật Bản ra khỏi những biến đổi chung của thế giới. Trên thực tế, sakoku đã góp phần để bảo vệ chủ quyền dân tộc, duy trì địa vị thống trị của dòng họTokugawa đồng thời khuyến khích sự phát triển của một nền kinh tế hướng nội, chủ yếu là sản xuất và tiêu thụ trong nước. Về ý nghĩa của chính sách toả quốc, học giả người Anh, chuyên gia lịch sử văn hoá nổi tiếng thế giới Arnold Toynbee viết: “Chế độ Tokugawa đã tách Nhật Bản khỏi phần còn lại của thế giới và đã giữ được “điều phi thường” chính trị này trong gần hai thế kỷ. Nhưng chế độ này đã bất lực trong việc ngăn chặn tiến trình thay đổi xã hội trong một đế chế Nhật Bản bị cô lập, mặc dù nó đã cố gắng làm cho hệ thống phong kiến được thừa hưởng từ thời biến loạn trước đó, thành một tổ chức vĩnh viễn”(9).
Là một quốc gia châu Á, nền tảng kinh tế chủ yếu của Nhật Bản thời Edo vẫn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp tự nhiên. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, chính quyền Tokugawa đã ban hành nhiều chính sách và thực thi những biện pháp tích cực nhằm khuyến khích ngành kinh tế này phát triển. Thời Edo, nhờ đẩy mạnh khai hoang mà diện tích đất canh tác không ngừng được mở rộng. Nhiều vùng đất hoang khô cằn, đầm lầy… trước đây đã biến thành đất sản xuất cùng với việc hoàn thiện không ngừng hệ thống tưới tiêu. Việc sử dụng các loại nông cụ cải tiến và bắt đầu hình thành tập quán sử dụng phân bón trong canh tác đã đem lại một sản lượng lương thực cao hơn nhiều so với những thế kỷ trước.
Thêm vào đó, do thóc giống được cải tạo nên nhiều nơi nông dân đã cấy được hai vụ lúa. Tại nhiều địa phương, người ta đã áp dụng tương đối phổ biến lối xen canh. Lúa mì, đậu tương, khoai, một số loại rau mới, chàm, bông, dâu tằm, thuốc lá được trồng ở nhiều vùng Nhật Bản. Kết quả là, chỉ sau hơn một thế kỷ (1600 – 1720), tổng sản lượng nông nghiệp đã tăng lên gấp đôi đem lại một khối lượng nông phẩm phong phú. Nhờ đó, “Từ những năm 1600 đến 1720, dân số Nhật Bản đã tăng khoảng 2,5 lần và có tỷ lệ tăng hàng năm là 0.77%, điều đó có nghĩa là sản lượng nông nghiệp phải tăng lên để cung cấp cho số người đông thêm. Chắc chắn là như vậy bởi vì đất canh tác cũng đã được tăng lên theo.
Nguyên nhân của sự gia tăng dân số là môi trường sống và chế độ dinh dưỡng được cải thiện vì thế mà tỷ lệ trẻ em (từ 10 tuổi trở xuống) chết yểu đã giảm mạnh từ 40% vào đầu thế kỷ XVII xuống còn 10% vào cuối thời kỳ Edo”(10). Tuy nhiên, sự phát triển trong nông nghiệp đã không tương ứng so với các lĩnh vực kinh tế khác. Từ giữa thé kỷ XVII, nền kinh tế hàng hoá đã từng bước đóng vai trò chi phối đời sống – xã hội Nhật Bản. Sự hưng thịnh của các ngành kinh tế thủ công nghiệp và thương nghiệp đã tác động sâu sắc đến xã hội nông nghiệp và đời sống nông dân.
Chế độ lĩnh canh thay đổi và quan hệ trong nông thôn cũng trở nên phức tạp. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên liệu cho các ngành sản xuất ở nhiều vùng đã bắt đầu xuất hiện các vùng chuyên canh. Kinh tế nông nghiệp đã vượt qua khuôn khổ tự cung, tự cấp và bắt đầu tham gia vào thị trường kinh tế hàng hoá. Nhưng cũng chính vì thế mà một bộ phận nông dân ngày càng bị phụ thuộc nhiều hơn vào các ngành kinh tế phi nông nghiệp. Đồng thời, những gia đình nông dân giàu có cũng có khuynh huớng tách ra khỏi cộng đồng tương trợ sản xuất vốn có trước đây để trở thành đơn vị kinh tế độc lập. Sự ly biệt khỏi các cộng đồng sản xuất đó đã tạo điều kiện cho các hộ này tập trung đầu tư, thâm canh tăng năng suất, kết hợp hay chuyển sang sản xuất thủ công nghiệp hoặc chế biến các sản phẩm nổi tiếng của địa phương.
Những nông dân có khả năng ngày càng trở nên giàu có hơn, một số đã “lột xác” thành địa chủ mới, bên cạnh lớp nông dân nghèo, bị bần cùng hoá phải bán đất cho địa chủ hoặc thương nhân và trở thành nông dân tự do. Để duy trì cuộc sống, họ đành phải chấp nhận thân phận tá điền, làm thuê trong các công xưởng thủ công hay bỏ quê kéo vào thành thị kiếm sống. Những biến động ttrong nền kinh tế nông nghiệp đã phần nào kích thích sản xuất thủ công nghiệp đất đến mức độ phát triển vượt bậc. Trên cả nước đã hình thành nhiều trung tâm thủ công nghiệp lớn. Có công xưởng thủ công nghiệp thu hút tới hàng ngàn lao động. Đến cuối thời Edo, các ngành sản xuất thủ công nghiệp đã thu hút trên 20% dân số toàn quốc.
Nhờ có chuyên môn hoá và đầu tư kỹ thuật, một số mặt hàng thủ công của Nhật Bản lúc đó đã đạt đến trình độ tinh xảo nổi tiếng thế giới như: Tơ lụa, luyện kim, đồ gốm sứ, sơn mài… Nếu như vào đầu thế kỷ XVII, Nhật Bảnvẫn phải nhập khẩu tơ lụa từ Trung Quốc thì chỉ mấy thập kỷ sau đó, sau khi theo đuổi chính sách đóng cửa, trước nhu cầu bức thiết của thị trường ttrong nước, ngành sản xuất tơ lụa đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ, chất lượng và số lượng mặt hàng không ngừng được nâng cao.
Từ sau năm 1858, thực hiện Hiệp ước hữu nghị, thương mại và hàng hải với Mỹ, tơ lụa trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Nhật Bản, đạt giá trị ngang với tổng ngân sách hàng năm và được coi là “di sản lớn nhất của thời kỳ Edo để lại cho thời đại ngày nay”(11). Điều đáng chú ý là, từ các cơ sở sản xuất, công trường thủ công, không ít chủ hãng đã mở rộng kinh doanh các lĩnh vực khác như: Khai mỏ, luyện kim, vận tải, thương mại, ngân hàng.
Trường hợp Mitsui là một ví dụ. Gia đình này vốn làm nghề nấu rượu sake ở tỉnh Ise, sau đó mở thêm hiệu cầm đồ và cho vay nợ lãi. Chuyển về Edo kinh doanh năm 1673 rồi trở thành thành viên chức ngân hàng của Mạc phủ năm 1691 tập đoàn kinh tế này đã mau chóng trở thành đại diện tài chính của nhiều lãnh chúa. Từ đó gia đình Mitsui đã phát triển thành một trong những tập đoàn tư bản tư nhân lớn nhất thế giới. Gia đình Yamanaga cũng là một hiện tượng tiêu biểu. Vào đầu thế kỷ XVII, gia tộc này cũng chuyên sản xuất rượu sake. Nhờ có cải tiến kỹ thuật chế biến mà tên tuổi của hãng mau chóng nổi tiếng trong cả nước. Có vốn, họ bắt đầu kiêm thêm kinh doanh vận tải đường biển.
Đến năm 1690, tập đoàn Yamanaga đã có sở hữu trên 100 chiếc thuyền có trọng tải lớn vận chuyển thóc gạo cho các lãnh chúa từ miền Tây Nhật Bản về Osaka. Từ năm 1656, tập đoàn kinh tế này quyết định không sản xuất và kinh doanh rượu nữa mà chuyển sang mua bán tiền tệ. Đến cuối thế kỷXVII, Yamanaga đã có quan hệ mật thiết với tất cả 32 han và là một trong những chủ nợ lớn nhất Nhật Bản.
Khi tìm hiểu những phát triển nổi bật của kinh tế Nhật Bản thời Edo, chúng ta cũng phải chú ý đến một đặc điểm là phần lớn các tập đoàn tư bản công nghiệp nắm giữ mạch máu then chốt ở Nhật Bản về sau đều có nguồn gốc từ thương mại. Trong số những tập đoàn kinh tế lớn đầu tiên thời Tokugawa cũng có một số người xuất thân từ đẳng cấp samurai. Họ được chính quyền trung ương và địa phương giao cho quản lý, phụ trách các ngành sản xuất, buôn bán, thuế quan. Nhờ tích luỹ được kinh nghiệm và lợi nhuận, những công chức hành chính này đã từng bước trở thành thương nhân chuyên nghiệp có lợi ích gắn bó với chế độ Mạc phủ. Họ chính là chỗ dựa tin cậy cho chính quyền phong kiến khi cần nguồn tài chính.
Ngược lại, bộ phận thương nhân này luôn được chính quyền nâng đỡ, che chở về chính trị, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh. Sự bảo trợ đó của nhà nước không chỉ hạn chế trọng phạm vi kinh tế đối nội mà còn được thực hiện cả trong quan hệ bang giao và buôn bán quốc tế. Hoạt động nhộn nhịp của thuyền buôn Nhật Bản với các thương cảng châu Á trong thời kỳ Châu ấn thuyền cho thấy rõ tính chất quan liêu của cơ chế này. Nhưng sau khi Nhật Bản thực thi chính sách đóng cửa đất nước, phương thức kinh doanh của các Thương nhân – quan lại bắt đầu tỏ ra sơ cứng không còn đáp ứng được sự chuyển biến mau lẹ của những hình thức vận động mới trong đời sống kinh tế.
Nhiều người trong số đó phải từ bỏ địa vị kinh tế vốn có của mình cho đội ngũ Thương nhân – thị dân (chonin) và đến đầu thế kỷ XIX là các Doanh thương – tư sản mới kinh doanh theo phương thức tư bản. Đây chính là những người xuất thân từ các tầng lớp “hèn hạ”. Thương nhân thị dân tổ chức hiệp hội buôn bán của mình (nakama) rất chặt chẽ nhưng năng động, dễ thích ứng được với biến động của thị trường. Hoạt động của các hiệp hội sản xuất, buôn bán đều do một nhóm những nhân vật có thế lực nhất điều hành. Qua quá trình cạnh tranh, những hiệp hội có ưu thế đã từng bước chuyển thành các tập đoàn kinh doanh lớn. Thế lực của họ không chỉ bó hẹp trong phạm vi kinh tế mà còn có ảnh hưởng đến cả đời sống chính trị ở Nhật Bản lúc đó.
Các thương nhân lớn ở Osaka, Edo chính là những người quyết định giá cả, tỷ giá trao đổi hàng hoá – tiền tệ và ngoại tệ trên phạm vi cả nước. Sự phát triển của thương mại và thị trường hàng hoá đã làm thức tỉnh các tiềm năng kinh tế vốn có. Ở nhiều vùng người ta đua nhau sản xuất đặc sản địa phương với chất lượng cao để đưa vào thị trường. Thóc gạo, vốn vẫn được coi là “bản vị” để đo sự giàu có và sức mạnh chính trị của các lãnh chúa phong kiến, cùng với nhiều loại nông, thổ, hải sản khác đã theo các tuyến vận tải đổ dồn về những trung tâm thương mại lớn như Osaka, Edo…
Đến giữa thế kỷ XVII, Osaka được coi là: “Nhà bếp của đất nước”. So với các thành thị khác, “Osaka có lợi thế là nằm ngay ở cửa ngõ của các trung tâm sản xuất hàng hoá vùng Kinai lại ở vị trí đầu mối giao thông của các tuyến giao thông thuỷ, thành thị này trở thành địa điểm chính trung chuyển hàng hoá và hàng ngàn người buôn bán xỉ, thương nhân chuyên phân phối hàng hoá, những buôn kinh doanh tiền tệ, ngân phiếu và cả người vận chuyển quá cảnh đều coi thành thị này như nhà của mình”(12). Để có thể bán được lương thực với giá cao cũng như để có tiền chi dụng và thực hiện trách nhiệm phong kiến, phần lớn các lãnh chúa đều phải xây dựng cơ sở buôn bán ở Osaka.
Nhưng, do thiếu kinh nghiệm kinh doanh cũng như thiếu vốn, sau một thời gian hầu hết các thương nhân phong kiến địa phương do lãnh chúa cử ra đã không thể cạnh tranh nổi với thương nhân thị dân. Trước thực trạng đó, không còn cách nào khác, từ khoảng những năm 1650, các lãnh chúa đều phải mời đại diện các tập đoàn buôn bán chuyên nghiệp sở tại làm mãi biện. Đổi lại, những người này được hưởng lương như một viên chức võ sĩ và nhiều đặc quyền kinh tế, xã hội khác. Cảnh tượng các thương nhân thị dân mặc trang phục võ sĩ, đeo hai thanh kiếm, biểu tượng thiêng liêng của Tinh thần võ sĩ đạo (bushi do), làm việc trong các sở giao dịch, cửa hàng không phải là chuyện hiếm thấy ở Nhật Bản thời kỳ này! Việc tập trung một khối lượng hàng hoá lớn vào các đô thị cùng nhịp độ tăng trưởng trong lưu thông, trao đổi thực sự là bà đỡ lý tưởng cho thị trường tiền tệ ra đời. Từ những cơ sở ngoại hối nhỏ, các ngân hàng đầu tiên ở Nhật Bản đã lần lượt được thiết lập và đi vào hoạt động.
Đến năm 1670, hệ thống ngân hàng Osaka được thành lập với Hội đồng điều hành 10 người (Junin ryogae) do một quan chức chính quyển trung ương (bugyo) điều phối. Hệ thống này đã thâu tóm toàn bộ hoạt động tiền tệ ở Osaka, Edo hầu khắp các thành phố và lãnh địa khác. Thanh toán giữ hai trung tâm kinh tế Osaka – Edo đều thông qua Hội đồng này. Việc tham gia của các chủ ngân hàng và thương nhân lớn vào Hội đồng điều hành cùng sự phối hợp quản lý của chính quyền trung ương trong hệ thống ngân hàng đầu tiên này đã phần nào giữ được sự cân bằng thị trường tiền tệ, ổn định sản xuất, tạo ra mạch máu lưu thông cho các hoạt động kinh tế của Nhật Bản. Trên cơ sở đó, giới chủ ngân hàng đã sáng tạo ra nhiều hình thức thanh toán khác tiện lợi như: Chứng từ thanh toán, hoá đơn trao đổi, séc… Các phương tiện thanh toán đó được sử dụng khá phổ biến.
Đối với khu vực kinh tế ở xa trung tâm, việc thanh toán được thực hiện bằng hối phiếu thông qua những người môi giới tiền tệ. Có thể nói, về cơ bản các hình thức thanh toán và hoạt động của mạng lưới ngân hàng Nhật Bản thời Edo tỏ ra không hề thua kém so với sự phát triển của hệ thống ngân hàng và thị trường kinh doanh tiền tệ ở nhiều quốc gia phát triển nhất châu Âu cùng thời. Tuy nhiên, những biến chuyển kinh tế nêu trên không khỏi gây ra những chấn động xã hội. Sự phân chia các đẳng cấp xã hội thành: Sĩ, nông, công, thương của chính quyền Tokugawa nhằm ổn định chính trị, khẳng định địa vị, bổn phận của từng đẳng cấp cũng không thể nào ngăn cản được khuynh hướng phân hoá tự nhiên.
Những người theo triết lý Nho giáo dù có đề cao nghề nông, coi trọng tính cần kiệm… như là giá trị đạo đức cao quý đến đâu thì cũng không thể quay lưng trước sức cuốn hút của đồng tiền. Xã hội Nhật Bản thời kỳ Tokugawa tuy vẫn mang tính chất của một xã hội nông nghiệp phong kiến nhưng đã chứa đựng trong lòng nó những tiền đề kinh tế tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, trong quá trình vận động của thiết chế chính trị – kinh tế thời kỳ này chúng ta luôn thấy những biểu hiện rõ nét của sựphát triển vượt trội cũng như cách thức quản lý, tổ chức kinh tế mới.
Thời Edo, về thiết chế chính trị sức mạnh của chế độ Mạc phủ là dựa vào sự cân bằng quyền lực với các lãnh chúa địa phương. Chủ trương chính trị, kinh tế của chính quyền Tokugawa luôn thể hiện sự cân bằng đó. Bộ luật vũ gia dù chặt chẽ nhưng cũng có những điểm mở cần thiết cho các lãnh chúa có thể sự vận dụng phù hợp với luật tục, truyền thống địa phương. Về kinh tế, ngoài nghĩa vụ đóng góp với trung ương nhìn chung các daimyo đều có thể nắm quyền tự chủ về tài chính. Trách nhiệm phong kiến mà đặc biệt là chế độ sankin kotai tuy có làm triệt tiêu sức phát triển của một số han nhưng nhìn chung nó cũng đã thúc đẩy sự năng động, tính độc lập ở nhiều công quốc.
Trong phạm vi lãnh địa, để duy trì sự ổn định xã hội và tăng nguồn thu các daimyo phải không ngừng hoàn thiện phương pháp cùng bộ máy quản lý của mình. Một số nhà kinh tế cho rằng: “Sự phát triển của Nhật Bản đã phần lớn nhờ vào những chính sách kinh tế độc đáo cho các vùng khác nhau của đất nước”(13). Sau Cải cách Minh trị, chính tiềm lực của các địa phương, chứ không phải trung ương, đã tạo đà cho Nhật Bản đi lên.
Thực tế lịch sử cho thấy, vào thời Edo để thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ cho vay nặng lãi (với lãi suất luôn ở mức 15 – 20%) và khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, các lãnh chúa phong kiến đều phải ít nhiều tham gia vào những hoạt động kinh tế phi nông nghiệp. Nhiều samurai đã phải “tạm quên” nguồn gốc cao quý và địa vị xã hội của mình tham gia vào các công việc sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, chính một bộ phận samurai lớp dưới, lớp giữa những người bị sức ép nặng nề nhất của nền kinh tế tiền tệ cũng như được hưởng ít đặc quyền nhất trong giai cấp thống trị đã vươn dậy, trở thành các chủ hãng, thương nhân thậm chí là người đứng đầu cơ sở kinh doanh tiền tệ.
Tuy số lượng các Võ sĩ – thương nhân thành đạt chỉ chiếm thiểu số trong đội ngũ đông đảo khoảng 2 triệu người thuộc đẳng cấp sĩ lúc đó nhưng sự hiện diện của họ trong các hoạt động kinh tế, kinh doanh là minh chứng cho những biến đổi lớn của xã hội. Ngoài một số võ sĩ thành đạt, phần đông những người còn lại hoặc bị suy kiệt về kinh tế hoặc trở thành “con tin” của thương nhân. Tên tuổi của nhiều lãnh chúa, đại gia võ sĩ danh tiếng chép đầy trong sổnợ của đám “tiện dân” giàu có thành thị. Trong bước cùng quẫn, nhiều người đã phải bán lúa non, lễ phục và cả thanh kiếm thiêng liêng của mình.
Nhưng tương phản với sự suy kiệt về kinh tế và tình trạng bần hàn của nhiều tầng lớp xã hội thì giới thương nhân thành thị lại có khả năng tích tụ một lượng của cải lớn. Năm 1705, khi tài sản của một thương nhân chuyên buôn bán lúa gạo ở Osaka có tên là Yodoya Saburoemon bị shogun tịch thu, tổng số nợ của các lãnh chúa với ông ta lên tới 121.8767.610 ryo vàng tức là gấp nhiều lần tổng thu nhập quốc dân của Nhật Bản lúc đó. Khoản nợ này cũng tương đương với thu nhập của Mạc phủ trong 2 thế kỷ. Hầu hết lãnh chúa ở miền Tây Nhật Bản đều là con nợ của Yodoya!
Việc tập trung một số lượng lớn giai cấp thống trị quan liêu và gia nhân của họ ở thành thị cùng với quá trình tích tụ tư bản trong tay một số người cũng đã tạo ra khả năng thu hút nhiều lực lượng lao động từ các vùng thôn quê. Bất chấp các lệnh cấm di dân, mọi người đều có trách nhiệm đăng ký hộ khẩu thường trú ở chùa của Mạc phủ, nông dân vẫn bỏ làng kéo vào thành phố. Họ làm đủ mọi nghề để kiếm sống như phục vụ trong gia đình samurai, các sở kinh doanh, nhà trọ, quán ăn, mở quầy tạp hoá, hay làm nghề thủ công. Hy vọng tìm được việc làm với thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp, khuynh hướng đa dạng hoá, mởrộng sản xuất kinh doanh là những nguyên nhân căn bản thúc đẩy quá trình đô thị hoá diễn ra mau chóng thời kỳ này. Thành Edo năm 1624 mới có 150.000 dân thì năm 1693 đã có đến 350.000 người.
Nhưng, đến giữa thế kỷ XVIII dân số của thành thị này đã tăng lên đến trên 1 triệu và Edo đã trở thành thành thị đông dân nhất trên thế giới. Nhiều thành thị khác cũng có quy mô dân số lớn như: Osaka, Kyoto: 300.000, Nagoya: 200.000, Kanazawa: 100.000. Năm 1700, khoảng 10% dân số Nhật Bản sống ở các thành thị có trên 10.000 người.
Do đó, có thể khẳng định rằng: “Thành thị đã trở thành nhân tố quan trọng trong đời sống Nhật Bản, trong vấn đề chính quyền và kinh tế, trong sự hình thành nền văn hoá đại chúng và các trào lưu tri thức”(14). Không bị ràng buộc bởi nghiêm lệ của đạo đức phong kiến, cộng đồng thị dân có một lối sống mới theo những tiêu trí của riêng mình: Trần thế, phóng đạt và chính họ đã sản sinh ra dòng Văn hoá thị dân hấp dẫn, đầy sức sống ở Nhật Bản.
3. Kết luận
– Từ các điều trình bày trên đây, chúng ta thấy rằng thông qua hàng loạt chủ trương giàu tính sáng tạo, chính quyền Tokugawa đã giải quyết tương đối thành công nhiều vấn đề đặt ra trong xã hội Nhật Bản lúc đó, đưa Nhật Bản bước vào thời kỳ hoà bình, ổn định lâu dài nhất trong lịch sử. Môi trường hoà bình, ổn định đó đã tạo nên những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hoá. Hơn nữa, đó cũng là khoảng thời gian hết sức quý báu để dân tộc Nhật Bản chuẩn bị những lực lượng vật chất cần thiết, tích luỹ kinh nghiệm, định thành một ý thức dân tộc mạnh mẽ chuẩn bị đương đầu với thế giới phương Tây.
– Những đặc điểm tiêu biểu về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hoá, tôn giáo vốn có ở Nhật Bản cũng đã góp phần “làm nên lịch sử” thời kỳ này. Trong dòng phát triển liên tục đó, Tokugawa Ieyasu và những người kế nhiệm ông đã không dễ dàng gạt bỏ những yếu tố truyền thống mà ngược lại còn kế thừa một cách tích cực các giá trị đó đồng thời luôn tỏ ra thích ứng với những biến chuyển của thời đại. Trong hơn hai thế kỷ, kinh tế, xã hội Nhật Bản đã diễn ra nhiều biến chuyển sâu sắc. Những biến chuyển đó đã tạo nên điều kiện khách quan cho Nhật Bản tiến vào một thời kỳ phát triển mới, thời kỳ ra đời của một nhà nước tư bản chủ nghĩa đầu tiên ở châu Á.
– Nếu như so sánh, chúng ta thấy trong thời kỳ lịch sử này, song song với việc thi hành một đường lối chính trị hà khắc theo kiểu quân sự tập quyền nhằm thiết lập một trật tựphong kiến chặt chẽ, ổn định Mạc phủ Tokugawa cũng đã thực hiện các biện pháp kinh tế tương đối cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều ngành kinh tế phát triển. Sự biệt lập với thế giới trong hơn 200 năm tuy có làm cho Nhật Bản trở nên lạc hậu, bị triệt tiêu một số yếu tố kinh tế – xã hội đã bước đầu hình thành trong thời kỳ mở cửa trước đó nhưng ngược lại nó đã thôi thúc các phát triển nội tại, tạo ra sự hoà đồng về kinh tế, văn hoá trong cả nước, làm suy giảm tình trạng chia cắt, phân liệt giữa các lãnh địa.
– Những giá trị văn hoá truyền thống cùng với các nhân tố tích cực của Nho giáo, Shinto… được đề cao đúng vào thời điểm diễn ra những biến chuyển xã hội sâu sắc đã làm nên xung lực cho sự hình thành một ý thức tâm lý và tinh thần dân tộc mạnh mẽ. Sự trung thành, với tư cách là giá trị đạo đức trung tâm đã quy định nên lối sống, hành vi của mỗi cá nhân (nhóm) hướng vào cộng đồng theo thang bậc của một phả hệ mở kiểu chủ nghĩa gia trưởng (Paternalism) rất điển hình trong xã hội Nhật Bản.
————————————————
Chú thích:
1. Một số nhà nghiên cứu lấy niên đại thời Tokugawa (1603-1867), tức là từ khi Tokugawa Ieyashu được Thiên hoàng phong chức Chinh di đại tướng quân (Seii tai shogun) đến lúc Mạc phủ tuyên bố trao trả quyền lực cho chính quyền Minh Trị. Theo tôi, từ năm 1600 sau thắng lợi trong trận Sekigahara, tập đoàn phong kiến Tokugawa đã nắm được quyền lực thực tế ở Nhật Bản và cầm quyền liên tục cho đến đầu năm 1868 khi tướng quân Keiki phải tuyên bố giao trả đất đai cho Thiên hoàng. Do vậy, nhìn từ bản chất các sự kiện lịch sử thì niên đại 1600 – 1868 có lẽ là phù hợp hơn.
2. Số lượng các han trong thời kỳ này luôn biến động tuỳ theo chế độ phân phong hay sự thưởng phạt của Mạc phủ đối với các lãnh chúa. Con số 265 han chỉ là tương đối.
3. Đây chỉ là sự phòng xa thể hiện bản tính của Tokugawa Ieyasu. Thực tế ông có tới 11 vợ và 16 người con (11 trai, 5 gái). Sau khi ông qua đời (1616), Tokugawa Hidetada (mẹ là Saijo) đã kế nghiệp và trở thành shogun thứ hai.
4. Một koku tương đương với 120kg (180,4l). Đơn vị đo lường này cũng thường thay đổi qua thời gian và có giá trị tương đối khác biệt giữa các địa phương.
5. David J.Lu, Japan – A Documentary History, Library of Congress Cataloging-in Publication Data, United States of America, 1997, p.206 – 209.
6. Edwin O.Reischaner – Albert M.Caig, Japan – Tradition and Transfomation, Harvard University, 1989, p.86.
7. Tư tưởng của Hayashi Razan (1583 – 1675) cố vấn các vấn đề pháp luật và lịch sử cho Tokugawa Ieyasu. Dẫn theo G. B. Samson, Lược sử văn hoá Nhật Bản, Tập II, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội. 1989, Tr. 275.
8. Michio Morishima, Tại sao Nhật Bản “thành công”? Công nghệ phương Tây và tích cách Nhật Bản, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, Tr.31.
9. Arnold Toynbee, Nghiên cứu về lịch sử – Một cách thức diễn giải, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2002, Tr.256.
10. Takausa Nakamura cộng tác với Bernard R.G. Grace, Phát triển kinh tế của nước Nhật hiện đại, Bộ Ngoại giao Nhật Bản, 1985, Tr. 27.
11. Shichikei Yamamoto, Văn hoá và kinh tế Nhật Bản, Tập bài giảng về Nhật Bản I trình bày tại Canada và Mỹ tháng 9 và 10, 1986, Tr.13.
12. Wakita Haruko, Ports, Markets, and Medieval Urbanism in the Osaka Region; in Osaka – The Merchants’ Capital of Early Modern Japan, James L.McClain – Wakita Osamu (Ed.), Cornell University Press, 1999, p.59.
13. Shichikei Yamamo, Văn hoá và kinh tế Nhật Bản, Tập bài giảng về Nhật Bản I trình bày tại Canada và Mỹ tháng 9 và 10, 1986, Tr.10.
14. John W. Hall, The Castle Town and Japan Modern Urbanization; Trong cuốn: Studies in the Institutional History Early Modern Japan, Princeton University, 1970, p.183.
Theo NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ
Tags: Nhật Bản cổ, Nhật Bản