Thời đại camera giám sát và những sự bất an của người Việt

Khi mà gốc rễ các vấn đề như bạo lực học đường, an ninh xã hội, sự thiếu niềm tin giữa người và người vẫn còn đó, tôi không còn cách nào khác là dựa vào công nghệ giám sát để vớt vát cho mình chút an tâm trước mắt.

Bài viết của tác giả Lương Vân Lam, chuyên viên truyền thông.

Bố mẹ tôi ở quê mới bỏ ra 12 triệu đồng để lắp camera trong và quanh nhà. Chưa an tâm, bố còn lắp thêm một cái camera hỏng ở khu nuôi gà để hù trộm.

Đang làm việc, tôi nhận được tin nhắn của mẹ. Hình chụp một mảnh giấy có ghi vài ký tự. Trong lúc tôi đang băn khoăn “giải mã”, mẹ ở Ninh Bình gọi điện lên. Mẹ vừa gửi mật khẩu để đăng nhập ứng dụng xem camera trên điện thoại. “Nhà mình mới lắp camera. Bốn cái liền, xem được cả trong nhà, ngoài đường, đằng trước, đằng sau luôn”. Mẹ dặn, các con ở Hà Nội nhớ mở điện thoại coi camera trông nhà giúp bố mẹ.

“Nhà mình có hai bố mẹ với mấy con gà mà cũng đầu tư thế mẹ?”, tôi ngạc nhiên. “Bố gọi người đến lắp, tốn hơn 12 triệu, nhưng mà được cái yên tâm con ạ”, mẹ bảo, “Giờ trộm cắp nhan nhản không biết đâu mà lần. Nhà mình mới có bốn, có nhà còn tám camera cơ”.

Nhưng bốn camera chưa làm bố mẹ tôi yên lòng. Vài tuần sau, tôi về thăm nhà, bố mẹ vẫn lăn tăn. Bây giờ camera bình thường không ăn thua, có khi phải dùng camera giấu kín. Vừa rồi có cái vụ mất trộm tiệm vàng ở Phúc Thọ đấy. Camera công khai bị trộm rút dây, vô hiệu hoá hết, may mà có camera giấu kín ghi lại được.

Chẳng riêng nhà tôi, việc sử dụng camera theo dõi hay thiết bị, ứng dụng định vị, gọi chung là công nghệ giám sát ngày càng phổ biến. Các đồng nghiệp, bạn bè tôi hầu hết vừa đi làm vừa quan sát nhất cử nhất động của con mình qua camera của các trường. Một số người dùng thiết bị định vị trẻ em để theo dõi vị trí của con. Nhiều gia đình lắp đặt camera tại nhà để giám sát người giúp việc. Tại các công sở, cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, cả trên đường phố, đâu đâu bạn cũng có thể rơi vào tầm ngắm của chiếc camera nào đó.

Tôi cảm thấy thích thú ban đầu vì những tác dụng, cảm giác an tâm nhờ chúng, nhưng tôi cũng thấy trong lòng chùng xuống. Nếu không có những vụ bạo hành trẻ em, học sinh, người già, hay những vụ phạm tội ghê người, liệu công nghệ giám sát có lên ngôi?

Trong luận án thạc sĩ của mình, tôi thực hiện đề tài nghiên cứu: so sánh quan điểm và ý định sử dụng thiết bị định vị vị trí trẻ em của phụ huynh ở Việt Nam và Hà Lan. Kết quả nghiên cứu cho thấy, so với phụ huynh người Hà Lan, phụ huynh người Việt có niềm tin mạnh mẽ hơn rằng thiết bị định vị góp phần mang đến sự an toàn cho con cái họ khi không có bố mẹ ở bên.

Trong số 220 phụ huynh người Việt trả lời khảo sát, có đến 145 người cho rằng công nghệ định vị giúp bảo vệ con họ khỏi những nguy hiểm bên ngoài và 104 người có ý định sử dụng thiết bị này. Trong khi đó, chỉ có 48 trong số 223 phụ huynh Hà Lan tham gia nghiên cứu đồng tình với quan điểm trên và 41 người có ý định sử dụng.

Nghiên cứu của tôi cũng gợi ý rằng nguyên nhân của khác biệt này là Chỉ số an toàn giao thông và Chỉ số niềm tin trong xã hội của Việt Nam thấp hơn Hà Lan.

Báo cáo An toàn giao thông đường bộ toàn cầu 2015 chỉ ra Việt Nam có tỷ lệ tử vong khi tham gia giao thông đường bộ là 24,5 trên mỗi 100.000 người, trong khi con số tại Hà Lan chỉ là 3,4. Theo bảng xếp hạng Niềm tin trong xã hội do Torpe và Lolle công bố năm 2011, Việt Nam đứng thứ 25, trong khi thứ hạng của Hà Lan chỉ là 9 trên 52 quốc gia được đánh giá.

Cách thức chúng ta nhìn nhận và sử dụng công nghệ thực ra phản ánh xã hội ta đang sống. Trong một môi trường nơi con người cảm thấy bất an hay thiếu sự tin tưởng lẫn nhau, người ta “bấu víu” vào công nghệ giám sát như một công cụ mang lại cho họ cảm giác được bảo vệ, chở che. Ngược lại, ở một nơi mà con người cảm thấyđủ an tâm, người ta sẽ không quá phụ thuộc vào thiết bị phụ trợ.

Nếu bạn để ý thì ở đây tôi nói về cảm giác an toàn, chứ không phải sự an toàn. Cảm giác là khái niệm mang tính chủ quan còn sự an toàn là một phạm trù mang tính khách quan, được xác định dựa trên số liệu, bằng chứng cụ thể. Nó cũng giống như khi bạn bỏ nhiều tiền hơn để mua một mớ rau “sạch” trong siêu thị, dù không thể tự mình kiểm chứng liệu mớ rau đó có thực sự sạch hơn rau bán ngoài chợ hay không, nhưng việc mua ở đó mang lại cho bạn cảm giác an toàn.

Không thể phủ nhận các thiết bị giám sát có thể giúp hạn chế những hành động không đúng mực, phạm pháp hay giúp truy lùng dấu vết tội phạm. Nhưng thực tế chưa có nghiên cứu nào cho thấy mối liên hệ rõ ràng giữa việc sử dụng các thiết bị giám sát và việc giảm thiểu bền vững những hành vi xấu. Theo báo cáo của tổ chức Big Brother Watch, mặc dù là một trong những thành phố có mạng lưới camera dày đặc nhất thế giới, tỷ lệ phạm tội ở London hầu như không thay đổi kể từ khi mạng lưới giám sát này được lắp đặt vào giữa những năm 80 của thế kỷ 20.

Công nghệ giám sát cũng có thể khiến những kẻ có ý định vi phạm pháp luật phải dè chừng. Nhưng không có gì đảm bảo rằng vì có camera mà cuộc sống trở nên an toàn và tốt đẹp hơn. Ở khía cạnh nào đó, chúng ta có thể rơi vào chủ nghĩa hình thức vì biết mình đang bị giám sát, hoặc những người có ý định thực hiện hành vi xấu sẽ vẫn tìm cách làm việc xấu nhưng né khỏi chiếc camera mà thôi. Như ở cơ quan bạn tôi, kể từ ngày ông sếp mới lên nắm quyền, camera đã được lắp đặt ở cổng chính để kiểm soát giờ giấc đi làm của nhân viên. Và cũng rất nhanh sau đó, một lối đi ngách – nơi từ lâu không ai buồn qua lại – được các nhân viên tái sử dụng thường xuyên.

Việc sử dụng công nghệ giám sát không góp phần giải quyết gốc rễ các bất ổn trong xã hội. Ví dụ, việc Sở giáo dục đào tạo TP HCM đề xuất gắn camera ở các cơ sở mầm non tại 3 quận huyện xảy ra tình trạng bạo hành trẻ em đến nay chỉ mang lại cảm giác an tâm nhất thời. Nguyên nhân sâu xa cần giải quyết là môi trường làm việc căng thẳng, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, thiếu chương trình quan tâm đến đời sống sức khoẻ tâm thần của giáo viên… thì không mấy ai nói tới. TP HCM đang thực hiện dự án gắn camera nơi công cộng với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng, song chưa có số liệu chứng minh số vụ cướp ở đây giảm đi hay công an tìm ra nhiều tội phạm hơn.

Nếu có ai căn vặn, vậy tôi có lắp camera ở nhà, có cho con học ở trường gắn camera hay mua thiết bị định vị cho con không, câu trả lời vẫn là “có”. Vì rốt cục tôi vẫn là một cá nhân chịu tác động của môi trường chung.

Khi mà gốc rễ các vấn đề như bạo lực học đường, an ninh xã hội, sự thiếu niềm tin giữa người và người vẫn còn đó, tôi không còn cách nào khác là dựa vào công nghệ giám sát để vớt vát cho mình chút an tâm trước mắt.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,