⠀
Thái độ của Trung Quốc sau cuộc đảo chính quân sự Myanmar
Trung Quốc liên tục bác cáo buộc đứng sau hỗ trợ cho đảo chính quân sự ở Myanmar, vậy vai trò của Bắc Kinh ở đâu trong chính biến ở Myanmar?
Sau đảo chính hôm 1/2, tại Myanmar đã diễn ra các cuộc biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, yêu cầu Bắc Kinh ngừng hỗ trợ chính quyền của nước này. Đây là một phần trong làn sóng biểu tình lan rộng khắp Myanmar nhằm phản đối việc quân đội nước này lật đổ chính phủ dân cử, bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint.
Người biểu tình giương cao biểu ngữ với nội dung “ủng hộ Myanmar, không ủng hộ các nhà độc tài” và “ngừng giúp đỡ quân đội”, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh hỗ trợ những kẻ âm mưu đảo chính. Thế nhưng, Trung Quốc – nước vốn có lợi ích chiến lược và kinh tế lớn ở quốc gia Đông Nam Á, đã phủ nhận việc biết trước hoặc liên quan đến cuộc đảo chính.
Tuy nhiên, trước đó, trong chuyến công du khu vực vào tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp các quan chức Myanmar, trong đó cả Thống tướng Min Aung Hlaing – người nắm quyền trong cuộc đảo chính.
Dưới đây là loạt phản ứng mà Trung Quốc đã đưa ra liên quan đến cuộc đảo chính cũng như tình hình ở Myanmar hiện nay.
Hôm 1/2: Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã gọi việc tiếp quản chính quyền và giam giữ bà Suu Kyi là “một cuộc cải tổ nội các lớn”. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar “giải quyết những khác biệt hiện có”.
Hôm 2/2: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp để thảo luận về đề xuất đưa ra một tuyên bố chung lên án các hành động của quân đội ở Myanmar. Trung Quốc và Nga phủ quyết quyết định này, đồng thời cho rằng cộng đồng quốc tế không nên thực hiện các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng ở Myanmar.
Hôm 3/2: Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ các đề xuất cho rằng Trung Quốc ủng hộ hoặc “ngầm đồng ý” cho cuộc đảo chính quân sự. “Trung Quốc là một nước láng giềng thân thiện của Myanmar. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên ở Myanmar sẽ xử lý đúng đắn những khác biệt của họ theo khuôn khổ hiến pháp và luật pháp, đồng thời duy trì sự ổn định chính trị và xã hội ”, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói.
Hôm 4/2: Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người bị giam giữ khác, đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp. Trung Quốc không phản đối.
Hôm 10/2: Các bức ảnh và hồ sơ chuyến bay của một máy bay Trung Quốc hạ cánh ở Myanmar lan truyền trên mạng xã hội, làm dấy lên suy đoán rằng “nhân viên kỹ thuật Trung Quốc” đã đến Manmar để hỗ trợ quân đội trong bối cảnh mất điện, mạng internet ở nước này.
Đáp lại những tin đồn, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đưa ra thông cáo cho biết, đây là các chuyến bay vận chuyển “thủy sản”. Khi được hỏi liệu Trung Quốc có gửi thiết bị và chuyên gia công nghệ thông tin đến Myanmar hay không, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã có “thông tin và những đồn đoán sai lệch về việc Trung Quốc có liên quan đến các vấn đề ở Myanmar”.
Hôm 11/2: Hàng trăm người biểu tình bắt đầu biểu tình bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở Yangon, cáo buộc Bắc Kinh ủng hộ chính quyền quân sự.
Hôm 12/2: Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua nghị quyết với sự nhất trí cao kêu gọi Myanmar kiềm chế bạo lực và tôn trọng đầy đủ các quyền con người, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền. Đại diện Trung Quốc Chen Xu nói rằng những gì đang xảy ra nên là “công việc nội bộ” của Myanmar.
Hôm 16/2: Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Chen Hai cho biết, Bắc Kinh đã không được “thông báo trước” về cuộc đảo chính và thông tin về việc Trung Quốc đang giúp quân đội chính quyền thiết lập một bức tường lửa để ngăn người biểu tình là “hoàn toàn vô nghĩa”.
Chen Hai cho rằng, tình hình ở Myanmar “không phải như những gì Trung Quốc muốn chứng kiến”, nhấn mạnh Bắc Kinh có “quan hệ hữu nghị” với cả đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) do bà Suu Kyi lãnh đạo và quân đội.
Theo VTC
Tags: Trung Quốc, Đảo chính Myanmar