Telehealth và ngưỡng cửa một cuộc cách mạng y tế ở Việt Nam

“Đứng trước cuộc thập tử nhất sinh của người bệnh mà trong tay không có vũ khí, người thầy thuốc rất đau xót, hy vọng Telehealth sẽ tháo gỡ khó khăn này”, BS Nguyễn Tri Thức nói.

Telehealth và ngưỡng cửa một cuộc cách mạng y tế ở Việt Nam

Ca hội chẩn giữa Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm Y tế Quân Dân y Côn Đảo qua hệ thống Telehealth. Ảnh: Lê Quân / Zing.

– Bệnh nhân 91 tuổi, đang theo dõi bán tắc ruột do u đại tràng, suy tim, huyết áp, viêm phế quản, lao phổi cũ, suy kiệt.

– Cho chúng tôi xem thêm phim X-quang, MRI của bệnh nhân.

– Người này mắc u đại tràng ác tính, cần phải chuyển tuyến để điều trị.

Đó là cuộc hội thoại giữa bác sĩ tại Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) về một ca bệnh khó.

Điểm đặc biệt của buổi hội chẩn này là bệnh nhân và bác sĩ của Trung tâm Y tế Quân dân Y huyện Côn Đảo không phải di chuyển vào đất liền, còn chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang làm việc tại TP.HCM.

Công cụ giúp họ có thể cùng nhau tiến hành cuộc hội chẩn này là Telehealth – hệ thống khám chữa bệnh từ xa.

Đối với bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hệ thống này sẽ giúp phát huy hơn nữa thế mạnh của cơ sở y tế hạng đặc biệt và lâu đời bậc nhất ở phía Nam.

“Không phải ai cũng đọc được hình ảnh cận lâm sàng”

– Trung tâm Hội chẩn tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) có ý nghĩa như thế nào đối với việc điều trị các ca bệnh khó?

– Với trường hợp bệnh nặng, Telehealth giúp y bác sĩ tuyến dưới cân nhắc đúng phương pháp điều trị. Từ đó, bác sĩ có thể tận dụng tối ưu thời gian vàng trong cấp cứu. Thời gian vàng với bệnh nhân nặng rất quan trọng, giúp cho sự sống được nối dài.

Chúng tôi hiểu rằng đứng trước cuộc thập tử nhất sinh của người bệnh nhưng trong tay không có vũ khí, người thầy thuốc thật sự rất đau xót. Do đó, với mong muốn hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy hy vọng có thể hỗ trợ tối đa, chia sẻ khó khăn về hạn chế trang thiết bị, kiến thức mới với đồng nghiệp tuyến trước.

– So với việc khám chữa bệnh từ xa trước đây, hệ thống Telehealth giúp Bệnh viện Chợ Rẫy phát huy năng lực và thế mạnh như thế nào?

– Trước đây, Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ cơ sở y tế địa phương thông qua các quy trình báo động đỏ, hội chẩn từ xa. Tuy nhiên, trang thiết bị lúc đó chưa đáp ứng được các hình ảnh cận lâm sàng (phim CT-Scan, X-quang, MRI). Do đó, việc hội chẩn chủ yếu là trao đổi kinh nghiệm điều trị.

Các hình ảnh cận lâm sàng không phải ai cũng đọc được. Nó đòi hỏi bác sĩ có kinh nghiệm. Trong khi đó, để có được kinh nghiệm, bác sĩ phải đọc nhiều, làm nhiều.

Ở Bệnh viện Chợ Rẫy, chúng tôi có thế mạnh này. Do đó, nhờ hình ảnh cận lâm sàng hiển thị rõ nét từ Telehealth, các bác sĩ có thể phát huy tốt thế mạnh và năng lực này để hỗ trợ tuyến dưới.

– Telehealth có lợi thế gì so với hội chẩn từ xa trước đây?

– Hệ thống Telehealth có ưu điểm vượt trội là truyền tải hình ảnh sắc nét, độ phân giải cao và âm thanh chất lượng. Các phương thức hội chẩn trước đó chúng tôi cũng thực hiện thường quy nhưng dừng lại ở việc trao đổi kinh nghiệm điều trị.

Tuy nhiên, một ca hội chẩn đúng nghĩa phải được xem xét qua hình ảnh cận lâm sàng của người bệnh. Nhiều trường hợp, bác sĩ phải phóng to, thu nhỏ hình ảnh, phân tích từng milimet trên phim để đưa ra phương pháp điều trị.

Y lệnh mổ hay không của người thầy thuốc lúc này có ý nghĩa gần như sống còn với bệnh nhân. Hệ thống Telehealth hiện tại giúp các bệnh viện giải quyết khó khăn này.

– Khai trương trung tâm Telehealth gần với dịp kỷ niệm 120 năm thành lập bệnh viện. Nhìn lại chặng đường đã qua, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào khám, chữa bệnh tại bệnh viện?

– Là bệnh viện hạng đặc biệt trực thuộc Bộ Y tế, mỗi ngày, Bệnh viện Chợ Rẫy khám và điều trị khoảng 10.000 lượt bệnh nhân nội, ngoại trú. Sáu tháng đầu năm, hơn 26.500 bệnh nhân từ các tỉnh, thành chuyển đến khoa Cấp cứu của bệnh viện.

Khi 300 tuyến y tế cơ sở địa phương được kết nối, bệnh viện mong muốn trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, góp phần hỗ trợ tốt hơn cho đơn vị bạn và người bệnh. Đặc biệt, điều này mang ý nghĩa rất lớn với các cơ sở y tế ở biển đảo, vùng sâu vùng xa.

Bằng chứng là trong buổi khai trương, chúng tôi kết nối với cơ sở y tế ở Côn Đảo và Cà Mau. Những nơi này không có trang thiết bị đầy đủ như Bệnh viện Chợ Rẫy. Do đó, việc chẩn đoán có sự tham gia của Chợ Rẫy mang đến lợi ích rất lớn cho người bệnh.

Hệ thống Telehealth giúp các bác sĩ tuyến trung ương tiếp cận nhanh với bệnh nhân, điều trị kịp thời mà không cần chuyển viện. Hình thức này giúp xóa nhòa khoảng cách vùng miền, tạo ra mạng lưới y tế không giới hạn giữa các tuyến.

Làm gì để Telehealth hoạt động hiệu quả?

– Hệ thống tư vấn, khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hoạt động trong khung thời gian nào?

– Trung tâm Telehealth Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ hoạt động 24/24 giờ theo đúng chỉ đạo của Bộ Y tế. Chúng tôi chia thành 2 trường hợp hội chẩn gồm bệnh lý cấp cứu và nhóm có thể trì hoãn.

Ở nhóm cấp cứu, việc hội chẩn diễn ra bất kỳ lúc nào. Với bệnh lý có thể trì hoãn được, 2 đơn vị sẽ tổ chức hội chẩn với mức độ chuẩn bị kỹ hơn về mặt lâm sàng, cận lâm sàng.

– Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy luôn có mặt trong ca bệnh khó, những lĩnh vực mới. Đặc biệt, khi dịch COVID-19 bùng phát, bác sĩ tại đây luôn là các “chiến sĩ” ở tuyến đầu. Với các trường hợp hội chẩn qua Telehealth, bệnh viện có bác sĩ chi viện cho tuyến dưới?

– Từ trước đến nay, Bệnh viện Chợ Rẫy luôn hỗ trợ tuyến trước trong công tác cấp cứu người bệnh. Các hoạt động này trở thành thường quy. Trung tâm này giúp chúng tôi đáp ứng nhanh hơn nếu đơn vị bạn cần hỗ trợ.

Với trường hợp cấp cứu khẩn, tuyến trước gọi, chúng tôi sẵn sàng lên đường đến tận nơi để hỗ trợ. Với các bệnh lý có thể trì hoãn, 2 đơn vị sẽ chuẩn bị kỹ hơn về công việc và chi viện nếu cần thiết. Điều này hướng đến mục tiêu cuối cùng là mang lại cho người bệnh kết quả điều trị tốt nhất.

– Việc hội chẩn qua Telehealth có thể trở thành thường quy tại các cơ sở y tế. Theo ông, các đơn vị cần có điều chỉnh gì để Telehealth không bị lạm dụng?

– Về lâu dài, theo tôi, chúng ta nên có thêm quy định những trường hợp nào cần hội chẩn. Người được hội chẩn phải thực sự được đánh giá đúng mức độ phức tạp của bệnh lý, cần hỗ trợ của tuyến sau. Chúng ta không nên hội chẩn đại trà mà cân nhắc tùy mức độ của bệnh lý.

Một ca khó ở cơ sở y tế địa phương trước đó phải có hội chẩn cấp khoa trước để nắm tình hình người bệnh. Sau đó hội chẩn cấp bệnh viện, cuối cùng là hội chẩn tuyến trung ương.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta nhất mực đi theo quy trình này. Các đồng nghiệp có thể hội chẩn trong một buổi, một ngày. Sau đó, thông qua Telehealth, tuyến trước và tuyến sau trao đổi các cận lâm sàng, từ đó mang lại hiệu quả điều trị tốt hơn, giảm thời gian cho cả 2 đơn vị.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: ,