Tàu ngầm mini – lựa chọn đáng giá của Việt Nam trên Biển Đông

Là lực lượng ưu tiên phòng thủ, bảo vệ chủ quyền trên biển, Việt Nam từ lâu luôn nhìn nhận đúng đắn khả năng của mình, có các điều kiện, khả năng để phù hợp với học thuyết tác chiến quân sự phi đối xứng… và việc phát triển tàu ngầm mini là một phương án bắt kịp xu thế này.

Có nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, từ lâu Hải quân Việt Nam đã nhận rõ năng lực của mình và có điều kiện, khả năng phát triển một đường lối tác chiến phi đối xứng, lấy ít địch nhiều. Bắt đầu với việc chúng ta tập trung phát triển đội tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu hộ vệ tên lửa và tàu ngầm. Đây đều là những loại vũ khí vô cùng phù hợp cho phương thức tác chiến đặc thù của Việt Nam.

Trong đó, tác chiến tàu ngầm là một trong những phương thức tác chiến cực kỳ quan trọng và hữu hiệu trong việc phát triển học thuyết quân sự phi đối xứng. Do đó, trong những năm 2000, Việt Nam đã ký hợp đồng nhập khẩu 6 tàu ngầm Kilo 636 từ Liên Bang Nga. Đây là những tàu ngầm chạy bằng năng lượng diesel – điện, có tính năng ưu việt, sức mạnh hỏa lực đáng gờm và độ ồn cực thấp, có thể coi là mẫu tàu ngầm mãnh mẽ nhất khu vực hiện nay.

Việc vận hành tàu ngầm không đòi hỏi khả năng công nghệ phức tạp, chi phí vận hành cao và hạm đội tàu hộ tống đông đảo như việc vận hành tàu sân bay mà vẫn đem lại một hiệu quả răn đe cực cao, khó có thể phát hiện và chi phí vận hành trong khả năng cho phép. Do đó, hải quân một số nước như Nga, Mỹ, Triều Tiên,.. từ lâu đã cực kỳ coi trọng tác chiến tàu ngầm. Thậm chí, Hải quan Nga hiện nay còn không có một chiếc tàu sân bay nào đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nhưng vẫn có thể đảm bảo được sức mạnh đại dương của mình vô cùng mạnh mẽ của mình.

Và Việt Nam cũng rất hiểu rằng những năng lực răn đe mà tàu ngầm mang lại là như thế nào. Trong thập niên 1980, Việt Nam đã cử các đoàn học viên Hải quân sang Liên Xô học vận hành tàu ngầm, dự kiến sang những năm 1990 sẽ nhận những tàu ngầm đầu tiên từ Liên Xô nhưng sau cùng sự việc đã diễn ra không như ý muốn. Dù vậy, với quyết tâm có cho mình những chiếc tàu ngầm, vào giữa giai đoạn 1990, Việt Nam đã nhập khẩu 2 tàu ngầm mini Yugo từ Triều Tiên và thành lập Trung đoàn đặc công tàu ngầm 196.

Các tàu ngầm này có lượng giãn nước khoảng 100 tấn, dài 20m, trang bị một động cơ MTU Diesel cho phép nó có thể di chuyển ở vận tốc tối đa 10 hải lý/h khi nổi và 4 hải lý/h khi lặn. Tàu có kíp lái 4 người và có thể triển khai một tiểu đội 8 lính đặc công người nhái cho nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo hoặc phá hoại căn cứ, khí tài đối phương đồng thời nó cũng được vũ trang 2 ống phóng ngư lôi cỡ 406mm.

Tàu có trọng lượng và kích thước khá nhỏ, tầm hoạt động tối đa 550 hải lý và có thể dùng các tàu cá ngụy trang để lai dắt tàu ngầm mini đến gần khu vực tác chiến rời sau đó để tàu tự làm nhiệm vụ, nâng cao mức độ đi biển cũng như bí mật cho tàu.

Tuy nhiên, do thời gian hoạt động đã lâu, không còn đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật cũng như tính năng chiến đấu, tính an toàn cho người vận hành nên các tàu ngầm mini Yugo hiện nay đã được rút khỏi thành phần chiến đấu, chỉ còn phục vụ cho công tác huấn luyện tác chiến Hải quân.

Mặc dù vậy, việc sở hữu và vận hành tàu ngầm mini có thể xem là một điều vô cùng quan trọng trong phương thức tác chiến phi đối xứng trên biển hiện nay của Việt Nam. Tàu ngầm mini có khả năng hoạt động bí mật, ít phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, dễ tạo bất ngờ trước đối phương, có thể đạt hiệu quả chiến đấu cao khi tấn công vào các mục tiêu của đối phương trên biển. Với những ưu điểm đó, đồng thời cùng những kinh nghiệm tích lũy trong quá trình vận hành tàu ngầm mini Yugo và khoa học kỹ thuật phát triển, Việt Nam hiện nay đang phát triển đề tài chế tạo tàu ngầm mini cho riêng mình.

Về những ví dụ kinh điển cho khả năng của tàu ngầm mini, một tàu ngầm Sang-O của Triều Tiên vào năm 1996 đã bí mật vượt qua tất cả các hệ thống phòng thủ dưới nước tiên tiến của Hàn Quốc và đổ bộ 3 biệt kích lên bờ biển của tỉnh Gangwon. Sự việc không may bị bại lộ do con tàu mắc cạn nhưng đây cũng là một cú sốc cực lớn cho thế giới thấy sự nguy hiểm của tàu ngầm mini là như thế nào.

Một ví dụ điển hình không kém về khả năng của tàu ngầm mini, vào tháng 3/2010, tàu hộ vệ ROKS Cheonan của Hải quân Hàn Quốc khi đang hoạt động trên biển Hoàng Hải đã bị ngư lôi hạng nặng cỡ 533mm được cho là phóng đi từ tàu ngầm mini lớp Yono của Triều Tiên đánh chìm tại chỗ, con tàu Hàn Quốc bị gãy đôi do sức công phá khủng khiếp của quả ngư lôi. Điểm đáng nói, chiếc ROKS Cheonan là một tàu hộ hệ được trang bị sonar và có khả năng săn ngầm mạnh mẽ với 6 ống phóng ngư lôi 324mm. Vì vậy, để phát hiện tàu ngầm là một điều không hề dễ dàng.

Về mặt thiên nhiên, Khu vực duyên hải Việt Nam từ Thanh Hóa tới Bình Thuận tương đối khúc khuỷu, có nhiều mạch núi chạy sát biển tạo thành các bán đảo, mũi đá, điểm cao có ý nghĩa lớn trong việc bố trí hệ thống quan sát phát hiện địch từ xa, bố trí các trận địa phòng không. Đồng thời cũng có nhiều vịnh có độ sâu lớn như Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, Phan Thiết,… có thể tận dụng, cải tạo làm các khu căn cứ, hậu cần kỹ thuật cho tàu ngầm.

Ngoài ra, độ sâu vùng biển tương đối lớn, phù hợp cho các hoạt động của tàu ngầm, đáy sâu từ 50 – 150m cách bờ từ 20 – 100km. Đáy biển tương đối bằng phẳng, chất lượng đáy chủ yếu là bùn cát, ít chướng ngại ngầm tự nhiên rất thuận lợi cho tàu ngầm mini hoạt động gần bờ tận dụng được khả năng chi viện, yểm trợ các lực lượng của ta tác chiến hiệp đồng.

Như vậy, việc phát triển tàu ngầm mini trong phương thức tác chiến phi đối xứng là một phương án tốt với quân đội ta. Đây là một sự bổ sung cần thiết cho đội tàu ngầm tấn công Kilo 636 mạnh mẽ, giúp ta có thể tự chủ về số lượng khí tài, đảm bảo bí mật lực lượng tác chiến, khiến kẻ địch bất ngờ và hơn hết là từ những kinh nghiệm chế tạo vận hành tàu ngầm mini, ta có thể tiến đến nắm công nghệ những tàu ngầm có lượng giãn nước lớn hơn, khả năng tinh vi hơn.

Theo HÙNG DŨNG / KIẾN THỨC

Tags: , ,