Tản mạn về mùa đông nước Nga

Mùa đông nước Nga là khái niệm thường được nhìn nhận từ hai góc độ đối nghịch nhau – vừa lung linh, huyền ảo đến mê hồn, vừa lạnh giá một cách khắc nghiệt. Về cái lạnh băng giá của nước Nga, mỗi người đều có những cảm nhận của riêng mình.

Sắc trắng lung linh, huyền ảo…

Người Nga cho rằng nếu thiếu vắng mùa đông lạnh giá thì nước Nga không phải là nước Nga. Người Nga tự hào về vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của sắc trắng mùa đông, cho dù nhiệt độ có thể xuống tới -25 độ C hoặc -30 độ C hay thấp hơn nữa.

Có biết bao câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Nga, những bài thơ của các nhà thơ Nga, mà chỉ nghe tên gọi thôi cũng đủ cảm thấy cái lạnh thấm vào da thịt. Đó là những câu chuyện về Bà chúa tuyết, về Băng giá, về ông già Tuyết và cô bé Tuyết … mà bất cứ đứa trẻ Nga nào cũng sẵn sàng đọc với niềm thích thú. Đó là những vần thơ “Con đường mùa đông”, “Vị thần mùa đông đang tới…” của Puskin, là “Bông tuyết nhỏ” của N.Nekrasov”, là “Mùa đông” của Esenin, là “Những vần thơ trắng” của S.Mikhalkov… Và có lẽ rất nhiều người Nga ở mọi thế hệ đều yêu âm điệu trữ tình, nên thơ của bài hát nổi tiếng với đề tài tình yêu và mùa đông “Bông quyết quay tròn” (Снег кружится). Đó là những cảm xúc tuyệt vời mà mùa đông nước Nga mang lại cho những ai từng trải nghiệm thời tiết lạnh giá nơi đây.

Mùa đông ở nước Nga luôn gắn liền với thời khắc chuyển giao năm cũ năm mới. Dịp đón năm mới mà tuyết không rơi thì người Nga coi như niềm vui vơi đi một nửa, những người nông dân thì coi đó là điềm dữ bởi không có tuyết đồng nghĩa với vụ mùa không bội thu. Cây thông đón năm mới sẽ không đẹp một cách hoàn hảo nếu thiếu những bông tuyết trắng nhỏ li ti bám trên cành. Và những đứa trẻ Nga sẽ không thể hưởng một mùa đông trọn vẹn nếu không được đi trượt tuyết, trượt băng hay tự tay nặn những thằng người bằng tuyết với chiếc mũ đỏ đội đầu và chiếc mũi dài nhọn hoắt làm từ củ cà rốt. Và môn trượt băng nghệ thuật – môn thể thao được coi là niềm tự hào của nước Nga, có thể sẽ kém sôi động và hấp dẫn hơn cho dù các vận động viên làm chủ kỹ thuật điêu luyện tới đâu đi chăng nữa…

Người Nga luôn tự hào về mùa đông của đất nước mình. Đó thực sự là “đông giá” với đúng nghĩa của từ này. Người Nga cho rằng bất cứ ai, cho dù không phải là người Nga, nhưng khi đã sống ở nước Nga thì ắt sẽ yêu mùa đông Nga, cho dù đơn giản đó chỉ là tình yêu theo bản năng. Với người Nga, những tầng tầng lớp lớp tuyết phủ khắp nơi trông tựa như chiếc khăn trắng khổng lồ bao trùm lên cánh đồng, thành phố, làng mạc, biến những thứ vô tri vô giác trở nên sống động và tiềm ẩn những điều tuyệt vời như trong truyện cổ tích vậy. Người Nga cho rằng khi bạn được bao bọc bởi sắc trắng huyền ảo của mùa đông, nỗi buồn, tâm trạng ưu tư sẽ tan biến, nhường chỗ cho cảm giác lâng lâng tựa như đang được bay trên những lớp mây trắng bồng bềnh vậy. Thật thú vị khi một nhà báo nước ngoài đã viết: Mùa đông của nước Nga – đó chính là di sản thiên nhiên mang tầm quốc gia. Và sự thật đúng là như vậy.

Và cái lạnh thấu xương…

Nhưng không phải lúc nào “di sản thiên nhiên” nói trên cũng mang lại niềm vui cho tất cả mọi người. Với nhiều người Việt thì mùa đông Nga còn được nhìn nhận ở một khía cạnh khác. Và ở khía cạnh này, nó không còn vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, thay vào đó là cái lạnh xuyên vào da thịt mà chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu.

Nước Nga thường được ví như chiếc tủ đá khổng lồ mà ở đó rất nhiều bà con người Việt đã bươn chải, đã sống qua hàng chục mùa đông giá rét để mưu sinh. Với họ, cho dù nhiệt độ ngoài trời là âm bao nhiêu đi chăng nữa, thì vẫn phải dậy từ mờ đất để ra chợ. Không phải ngẫu nhiên mà hai câu thơ “Khi đi trời vẫn còn sương. Khi về phố đã đỏ đèn từ lâu” được nhiều người truyền miệng nhau và trở thành câu cửa miệng mỗi khi nói về nỗi vất vả của cuộc mưu sinh trên đất Nga.

Những bông hoa tuyết lóng lánh, những cây thông xanh mướt ngay cả trong tiết trời đông đã đi vào thơ ca như những biểu tượng thơ mộng của mùa đông nước Nga. Nhưng với những người Việt làm ăn buôn bán ở đây, mỗi ngày phải đứng bán hàng từ 10 đến 12 tiếng đồng hồ, thì giá lạnh đã trở thành nỗi ám ảnh. Người Việt ở Nga đều biết đến những khu chợ có tiếng ở Matxcơva như Chợ Chim, chợ kilômet số 19, số 41 và vô số những khu chợ ở tỉnh lẻ với những gian bán hàng chỉ lợp bằng tôn. Ở đó người ta cấm không được dùng lò sưởi bởi lo ngại nguy cơ cháy nổ và do vậy, mức chênh lệch nhiệt độ ngoài trời và trong chợ là không đáng kể.

Tới chợ, có lẽ điều đầu tiên đập vào mắt là hình ảnh những người bán hàng chân đi ủng to gần gấp đôi cỡ chân của chính mình, đầu đội mũ lông, trên người là những chiếc áo khoác dầy nhất có thể. Nhưng có lẽ dưới nhiệt độ -20 thì chẳng có quần áo nào có thể ngăn cái lạnh thấm vào da thịt. Một trong những phương pháp hữu hiệu ở đây là “vận động tại chỗ”, hai chân luôn ở trong trạng thái giống như trên sàn nhảy, giúp cơ thể sinh nhiệt, chống chọi với giá lạnh bên ngoài.

Trong thời tiết với mức nhiệt độ âm, nếu đứng ngoài trời chỉ 1 tiếng đồng hồ thôi, bất cứ ai cũng có thể sẽ trở thành nạn nhân của giá lạnh và biết được thế nào là “bỏng lạnh”. Thời tiết lạnh, cộng với độ ẩm thấp và không khí ô nhiễm vốn đặc trưng ở những nơi đông người, khiến nhiều bệnh tật phát sinh. Các bệnh về thận, phổi, khớp, đau đầu, ngoài da… là những căn bệnh thường gặp ở những người Việt đi chợ, đặc biệt là phụ nữ. Bệnh tật đã khiến nhiều người phải hồi hương. Khi bước lên máy bay, không ít người đã thề rằng họ sẽ không bao giờ quay trở lại “tủ đá Nga” này nữa.

Mùa đông nước Nga đôi khi còn là điều đáng sợ với chính người Nga. Năm 2012, hầu hết báo chí Nga đã viết nhiều về đợt lạnh giá bất thường trong tháng 12 của năm qua. Những cái tít “Nước Nga đã phải oằn mình chống chọi với giá lạnh” liên tục được nhắc đi nhắc lại trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nước Nga là như vậy. Ở đó có vẻ đẹp lung linh huyền ảo của băng tuyết. Và ở đó cũng có cả sự nghiệt ngã băng giá của mùa đông.

Theo HẢI HÀ / BÁO NGA (2013)

Tags: ,