Tản mạn về loài mèo trong văn hóa Việt Nam

Ở Việt Nam, mèo khá phong phú về chủng loại và được gọi bằng nhiều tên: mèo, miu, miêu, mão…Với mỗi loài, lại được mỗi địa phương, mỗi sắc dân dùng một vài tên gọi đặc trưng.

Tản mạn về loài mèo trong văn hóa Việt Nam

In sâu trong văn hóa dân gian

Con mèo là đối tượng vừa đặc biệt, vừa phổ biến trong cuộc sống vật chất và tinh thần của người Việt Nam. Nhân dân ta biết nuôi mèo từ rất sớm (khoảng vài trăm năm trước Công nguyên) và sử dụng nó vào nhiều mục đích khác nhau: kinh tế, văn hóa, giải trí, tôn giáo… Mèo sống gần gũi, rất được quan tâm và quý mến. Tên gọi các bộ phận cơ thể mèo được gắn liền với những sự vật, hiện tượng tương tự (đá tai mèo, cây đuôi mèo, tóc râu mèo…). Tập tính của mèo cũng được dùng để thể hiện những sinh hoạt đặc thù của người (ngủ mèo, tắm mèo, trò mèo…). Võ mèo (miêu quyền) là một trong các môn võ hay, các động tác mô phỏng của mèo có thể chuyển hóa, linh biến thành các bài võ, đòn thế tấn công hoặc tự vệ hiệu quả (nổi tiếng nhất là bài võ mèo rửa mặt (miêu tẩy diện) với sự phối kết hợp của 32 động tác).

Hình ảnh con mèo đi sâu vào nền văn hóa dân gian nước ta với những biểu hiện, những hình thức phong phú và đặc sắc. Theo thống kê, người Việt Nam (bao gồm 54 dân tộc) có đến hàng ngàn câu ngạn ngữ, phương ngữ, thành ngữ, tục ngữ và ca dao, dân ca liên quan tới mèo. Thông dụng và tiêu biểu là các câu: bắt mèo ăn gừng, chả biết mèo nào cắn mỉu nào, chó treo mèo đậy, chuột sa cũi mèo, gửi mỡ miệng mèo, hát như mèo (cái) gào đực, mèo bị bỏng sợ cả nước lạnh, mèo già hóa cáo, sợ xanh mắt mèo và“Con mèo con mẻo con meo/muốn ăn thịt chuột thì leo xà nhà, Mèo hoang lại gặp chó hoang/anh đi ăn trộm gặp nàng bứt khoai, Chồng người đi ngược về xuôi/chồng tôi ngồi bếp sờ đuôi con mèo”.

Và bài đồng dao hài hước mà sâu cay, trẻ già đều nhớ: “Con mèo mà trèo cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đàng xa/Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo”! Mèo theo vào nhiều bài hát, đặc biệt những bài hát dành cho thiếu niên nhi đồng (Chú mèo con, Như mèo rửa mặt, Mèo đuổi chuột, Thương con mèo…).

Mèo là đề tài trung tâm của hàng trăm truyện cổ tích, ngụ ngôn, huyền thoại, giai thoại – phổ biến và điển hình là các tác phẩm: Sự tích Mèo và Chuột, Mèo lại hoàn mèo, Mèo dạy Hổ, Mèo và Chuột già, Mèo ăn chay, Con mèo tinh khôn.

Mèo – nguồn cảm hứng dồi dào

Mèo còn gợi nguồn cảm hứng nồng nàn, độc đáo, sáng tạo cho nhiều nhà văn và thi sĩ. Về văn xuôi, nổi bật có những truyện ngắn như Con mèo (của Nam Cao), Chó mèo hoang (Xuân Diệu), Lại chuyện con mèo (Nguyễn Công Hoan), Mắt mèo (Sơn Trần), Mèo đêm (Thụy Vũ), Súng và mèo (Quế Hương) và các tiểu thuyết Khởi đầu là mèo (Tô Hải Vân), Vua Mèo (Đào Hiếu).

Về thơ ca, ấn tượng có các bài từ xưa như Miêu của Nguyễn Trãi, Vịnh mèo của Trần Tuấn Khải, Con mèo của Tú Mỡ đến nay như Mèo con đi học của Phan Thị Vàng Anh (Hôm nay trời nắng chang chang/Mèo con đi học chẳng mang thứ gì/Chỉ mang một chiếc bút chì/Và mang một mẩu bánh mì con con), Đêm tối trời của Đoàn Mạnh Phương (Chuột đuổi nhau trên căn gác cũ/Mắt mèo hoang lấp lánh như sao/Gió như muốn gọi nhau thành bão/Chém vào đêm những nhát ngọt ngào), Nhớ ngày mai của Hoàng Nhuận Cầm (Ta đã đi như mèo trên phố vắng/Gọi tên con như gọi các thiên thần/Có một nốt chưa bao giờ con biết/Là nốt buồn cha đã nuốt thay con).

Mèo (mão, miêu) hiện diện trong nhiều loại địa danh đồi núi, sông hồ, bến đảo, ga chợ… trên khắp mọi miền đất nước, suốt dọc từ Bắc vào Nam tiêu biểu có: làng Mèo Ván và huyện Mèo Vạc (Hà Giang), xã Hồng Thu Mèo (Lai Châu), chợ Suối Mèo (Sơn La), thôn Mèo (Bắc Kạn), làng Mão Điền (Bắc Ninh), hồ Mèo Gù (Hà Nội), đồi Mèo (Hòa Bình), núi Mèo Cào (Ninh Bình), cửa khẩu Na Mèo và chùa Mèo (Thanh Hóa), dốc Mèo (Thừa Thiên-Huế), mỏ vàng Bồng Miêu (Quảng Nam), suối Mèo (Khánh Hòa), chợ Mèo (Ninh Thuận), đồi cát Mèo Vàng (Bình Thuận), bến phà Rạch Mèo (Kiên Giang)…

Mèo là một trong những loài vật đông đảo nhất, phong phú nhất, hữu ích nhất và được con người thuần dưỡng sớm nhất. Thực tế đó bắt nguồn từ gốc tích xa xưa và chủng loại đa dạng của mèo. So với các loài vật nuôi khác, mèo có nhiều sự khác biệt và phức tạp, thể hiện rõ nét qua cấu tạo, đặc tính sinh học và hoạt động của nó. Loài mèo còn trở nên gắn bó mật thiết và có ảnh hưởng sâu rộng tới cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của con người, trên khắp thế giới cũng như ở Việt Nam.

Mèo được lấy làm tên cho nhiều loài động vật: bọ mèo (bọ chét mèo), bướm mèo, cá mèo, cú mèo, gấu mèo (gấu trúc), gấu mèo đỏ, lợn mèo (lợn mẹo), rắn hổ mèo, rận mèo, sâu róm mèo… Tên của mèo được đặt cho nhiều loài thực vật – nhất là những cây trồng để ăn, làm cảnh và chế thuốc: chàm mèo, cây gai mèo (lanh mèo), cây lưỡi mèo, cây mắt mèo gai (cây cò cưa), cây móc mèo, cây tai mèo (cây bông vang), cây râu mèo, cỏ lưỡi mèo (cỏ chỉ thiên), đậu mèo, lúa mèo (củ niễng), nấm tai mèo (mộc nhĩ), táo mèo…

Mèo cũng là đối tượng nghệ thuật hấp dẫn thể hiện trên các vật dụng sinh hoạt thường ngày, nhà cửa, nơi thờ tự… – Tiêu biểu nhất phải kể đến bức chạm Mèo và cá, tôm trên bia đá chùa Linh Quang (Hải Phòng) và bức chạm Mèo ngoạm cá trên kèo gỗ sát mái đình Đại Phùng (Hà Nội), hay những tượng thờ linh miêu rải rác ở các địa phương miền núi. Hội họa dân gian Việt Nam – qua dòng tranh Hàng Trống và Đông Hồ – cũng dành cho đề tài mèo sự ưu ái, với những tác phẩm nổi tiếng: Con mèo, Đám cưới chuột, Cậu bé ôm mèo, Tình anh em.

Nhiều họa sĩ hiện đại có sở trường, mê thích hoặc chuyên vẽ về mèo, tiêu biểu phải kể đến các danh họa Lê Bá Đảng, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Cường, Đào Hải Phong… Mèo còn nhập hệ lịch can chi 12 con vật, là biểu tượng chi Mão với những ý nghĩa triết lý-nhân văn sâu sắc. Tháng con mèo là tháng Hai âm lịch, chính giữa xuân, cây cối tươi tốt nhất, con người cũng dồi dào sinh lực nhất và tương quan trời-đất đạt đến độ hài hòa tối đa.

Những thập niên gần đây, từng có thời điểm do bị xuất khẩu lậu bừa bãi sang nước ngoài và các quán đặc sản thịt mèo (tiểu hổ) mọc lên khắp nơi, số lượng mèo nước ta giảm sút nghiêm trọng, gây mất cân bằng sinh thái và nạn chuột trở lại hoành hành. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ từng phải ra Chỉ thị về các các biện pháp cấp bách diệt trừ chuột bảo vệ mùa màng (Chỉ thị số 09/1998/CT-TTg), trong đó có nội dung cấm săn bắt mèo làm thực phẩm, khuyến khích và phát động phong trào nuôi mèo, bảo vệ mèo trong toàn dân…

Theo PHÁP LUẬT PLUS

Tags: ,