Tại sao Trung Quốc không phải Nga và Đài Loan không phải Ukraina?

Trước những diễn biến trong cuộc chiến tranh Nga – Ukraina, Trung Quốc có cần phải suy nghĩ nghiêm túc hơn trước khi tiến hành “thống nhất” Đài Loan bằng vũ lực?

Tại sao Trung Quốc không phải Nga và Đài Loan không phải Ukraina?

Cuộc chiến Nga – Ukraina đã làm dấy lên sự thảo luận về tác động đối với Đài Loan. Một trong những bài học thường được bàn từ cuộc chiến Ukraina là Trung Quốc cần phải suy nghĩ nghiêm túc hơn trước khi tiến hành “thống nhất” Đài Loan bằng vũ lực, trước tổn thất mà Nga đang phải gánh chịu.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Tiejun Zhang tại Hội đồng Trao đổi giáo dục quốc tế Mỹ (CIEE), nguy cơ Bắc Kinh phát động một cuộc chiến xuyên eo biển là “không cao”, vì vậy “bài học” chẳng có tác dụng gì nhiều. Lịch sử có thể lặp lại nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Để minh họa sự khác biệt, cần biết về hai điểm: Trung Quốc so với Nga và Đài Loan so với Ukraina.

Trung Quốc không phải Nga

So sánh Trung Quốc và Nga, thì thấy hai nước có những ưu tiên chiến lược rất khác nhau. Thứ nhất, có sự khác biệt lớn về khả năng và tiềm lực kinh tế và quân sự.

Tính theo tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo phổ biến nhất để đo lường dấu ấn kinh tế của một quốc gia, Trung Quốc có GDP lớn thứ 2 thế giới. Tính đến năm 2021, GDP của Trung Quốc bằng 76% của Mỹ. Trong bức tranh lớn về kinh tế toàn cầu, Nga không nằm trong nhóm các cường quốc kinh tế toàn cầu. Nga đứng thứ 11 trên thế giới và chỉ bằng 1/14 GDP của Mỹ – nền kinh tế lớn nhất thế giới. Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bền vững hơn của Nga. Những lý do rất đơn giản. Tăng trưởng kinh tế kéo dài nhiều chục năm của Trung Quốc dựa trên sự phát triển toàn diện trong nhiều lĩnh vực: nông nghiệp, sản xuất sử dụng nhiều lao động, công nghiệp công nghệ cao, v.v.. Bên cạnh đó, phần lớn do Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” và các ngành liên quan có nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu thô, Trung Quốc kết nối với nền kinh tế thế giới tốt hơn nhiều so với Nga. Ngược lại, sự phát triển kinh tế của Nga phần lớn dựa vào lĩnh vực năng lượng.

Về mặt quân sự, Nga duy trì kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, về số lượng đầu đạn hạt nhân và một lực lượng nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là lực lượng trên bộ. Ukraina là chiến trường trên mặt đất, nơi Nga sẽ có nhiều khả năng thể hiện sức mạnh của mình hơn là ở trên biển. Trong khi đó, quân đội của Trung Quốc, mặc dù đang trải qua quá trình hiện đại hóa nhanh chóng, nhưng được cho vẫn kém Mỹ hàng thập niên. Trung Quốc chỉ bắt đầu hiện đại hóa hải quân và không quân vào cuối những năm 1990, sau cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan năm 1996, và giống như Nga, lực lượng trên bộ của Trung Quốc theo truyền thống mạnh hơn lực lượng hải quân và không quân.

Thêm vào đó, Đài Loan là một mục tiêu phức tạp hơn so với Ukraina. Đúng là eo biển Đài Loan rất hẹp, với chiều rộng chưa đến 100 dặm ở phần hẹp nhất, và Trung Quốc đã triển khai một số lượng lớn tên lửa dọc theo bờ biển của họ hướng đến Đài Loan. Nhưng ngay cả khi không có sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ, Trung Quốc vẫn sẽ không dễ dàng chiếm được Đài Loan, khi đảo có số lượng lớn các hệ thống vũ khí tiên tiến nhập từ Mỹ.

Trong bối cảnh có thể xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan, sự kết nối nói trên với nền kinh tế thế giới là con dao hai lưỡi đối với Trung Quốc. Một mặt, nó là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập niên. Mặt khác, sự phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc về kinh tế mang lại một lỗ hổng cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong thời kỳ khủng hoảng. Trung Quốc hiện là quốc gia thương mại lớn nhất trên thế giới, dựa trên xuất nhập khẩu cộng lại. Điều này phần lớn là do Trung Quốc giao dịch với Mỹ và các đồng minh quan trọng của Washington. Mỹ và các đồng minh chiếm 8 trong số 10 đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc. Trong một kịch bản mà Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất với Đài Loan, các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt sẽ được Mỹ và các đồng minh của Mỹ áp đặt lên Trung Quốc. Sẽ là quá tốn kém cho nền kinh tế Trung Quốc nếu điều đó xảy ra. Trung Quốc sẽ trải qua một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng, điều này sẽ có thể dẫn đến những tác động xã hội và chính trị sâu sắc trong nước. Về mặt này, Moscow ít phải lo sợ về mặt kinh tế trước sự suy thoái trong quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu bởi các nước Liên minh châu Âu (EU) đặc biệt phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên của Nga.

Ngoài ra, Trung Quốc và Nga cũng có những ưu tiên chiến lược khác nhau. Việc Nga tấn công Ukraina là nỗ lực của Tổng thống Vladimir Putin nhằm đối đầu với sự mở rộng về phía đông của NATO. Nga cảm thấy mối nguy an ninh cấp bách trước khả năng Ukraina và các nước khác gia nhập NATO. Ngược lại, ưu tiên chiến lược của Trung Quốc vẫn là duy trì một môi trường hòa bình có lợi cho tăng trưởng kinh tế. Cơ sở lý luận cho điều đó rất đơn giản thể hiện qua “Giấc mơ Trung Hoa” của Chủ tịch Tập Cận Bình về cơ bản là sự trẻ hóa của đất nước Trung Quốc, điều này mặc nhiên có nghĩa là biến Trung Quốc một lần nữa trở thành trung tâm của Đông Á. Do đó, sự trỗi dậy của Trung Quốc không dẫn đến việc vội vàng mở rộng lãnh thổ mà đưa ra sứ mệnh lịch sử lâu dài hơn là trở thành một siêu cường chính thức.

Đài Loan không như Ukraina

Về nhân khẩu học, Ukraina có 48 triệu người còn dân số của Đài Loan chỉ bằng nửa (gần 24 triệu người). Về sắc tộc, dân số Ukraina gồm khoảng 77% người Ukraina và 20% người gốc Nga. Tại Đài Loan, hơn 90% dân số là người Hán và dưới 10% là người bản địa. Chỉ dựa vào cấu tạo dân tộc, người ta có thể cho rằng Trung Quốc thống nhất với Đài Loan sẽ dễ dàng hơn so với việc Nga giành được lãnh thổ Ukraina. Nhưng nó không đơn giản như vậy.

Từ cuối những năm 1980, chính phủ Trung Quốc đã ráo riết thúc đẩy quan hệ văn hóa, xã hội và quan hệ họ hàng với người Đài Loan. Mục đích ban đầu của động thái này nhằm tăng cường giao tiếp văn hóa và xã hội hơn, để người Đài Loan sẽ trở nên giống người Trung Quốc hơn và ngày càng cảm thấy họ thuộc về “đất mẹ”. Tuy nhiên, chính trị bản sắc cho thấy những tác động ngược lại. Với sự giao tiếp và tiếp xúc nhiều hơn, người Đài Loan ngày càng thấy rõ sự khác biệt của họ so với người Trung Quốc.

Đảo tự trị cố ý quảng bá bản sắc Đài Loan kể từ cuối những năm 1990, trong nhiệm kỳ của nhà lãnh đạo Lý Đăng Huy. Với việc ngày càng có nhiều người Đài Loan tự nhận mình là người Đài Loan, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm quảng bá bản sắc Trung Quốc ở Đài Loan phần lớn đã thất bại. Đây là một trong những vấn đề đau đầu nhất đối với Trung Quốc trong quá trình theo đuổi thống nhất.

Về mặt kinh tế, GDP của Đài Loan gấp 3 lần Ukraina và Đài Loan quan trọng hơn nhiều so với Ukraina về mặt công nghệ trong khu vực và trên thế giới với tư cách là một trung tâm công nghệ thông tin, đặc biệt là với tư cách là nhà sản xuất chip lớn. Trên thực tế, Mỹ gần đây đã kêu gọi Đài Loan đóng góp nhiều hơn để giải quyết tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu.

Về mặt địa chính trị, bên nào kiểm soát Đài Loan sẽ giành được lợi thế hơn bên kia. Có thể cho rằng, đối với Mỹ, Đài Loan quan trọng hơn Ukraina cả về kinh tế và chiến lược. Nhật Bản cũng không muốn thấy Đài Loan hợp nhất với Trung Quốc vì nước này coi eo biển Đài Loan là một phần huyết mạch của mình, đặc biệt khi nói đến an ninh vận tải năng lượng.

Một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với cả cuộc chiến ở Ukraina và chiến tranh ở eo biển Đài Loan là khả năng Mỹ can thiệp quân sự trực tiếp. Đối với Ukraina, chính phủ Mỹ đã nói rõ rằng họ sẽ không trực tiếp tham gia cuộc chiến. Nhưng đối với Đài Loan, tình hình lại rất khác. Kể từ khi Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Trung Quốc vào năm 1979, Washington đã cố tình duy trì một lập trường mơ hồ về việc can thiệp quân sự trực tiếp. Sự mơ hồ này đã có hiệu quả trong việc ngăn cản cả Trung Quốc sử dụng vũ lực để thống nhất và việc Đài Loan tuyên bố độc lập chính thức.

Tóm lại sự khác biệt ở trên, Đài Loan quan trọng đối với lợi ích của Mỹ hơn Ukraina và có nhiều khả năng gây ra một phản ứng quân sự trực tiếp. Ít nhất, các biện pháp trừng phạt kinh tế sẽ là một khả năng mạnh mẽ trong trường hợp xảy ra chiến tranh ở eo biển Đài Loan. Trong khi đó, Trung Quốc có nhiều thiệt hại về kinh tế hơn so với Nga khi xa lánh Mỹ và các đồng minh của Washington.

Trong hoàn cảnh này, sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan trở về “mẫu quốc” không phải là một lựa chọn đối với Trung Quốc và sẽ không phải là trong tương lai gần.

Theo MỘT THẾ GIỚI / THEO DIPLOMAT

Tags: , , ,