Sung túc về vật chất, vì sao nhiều người trẻ Việt buồn vẫn chán với cuộc sống?

“Cuộc sống bây giờ mỗi ngày trôi qua với cảm giác chán ngán. Chán không phải vì cái gì cụ thể mà vì nó vô vị, vô nghĩa rất nhiều. Chúng em sống no đủ về kinh tế thật nhưng tinh thần lại vô cùng trống trải”.

Sung túc về vật chất, vì sao nhiều người trẻ Việt buồn vẫn chán với cuộc sống?

Đọc lời tâm sự trên của một bạn trẻ trên mạng, bạn có thấy giật mình? Tại sao lại tồn tại cảm giác trên khi giới trẻ ngày nay được sở hữu quá nhiều thứ?

Quá nhiều giá trị phù phiếm

Zixia – cô gái 17 tuổi đang sống ở TP.HCM bày tỏ sự thất vọng già trước tuổi như vậy trong một topic trên mạng, tại một forum có tên Báo chí – truyền thông. Topic này là nơi gặp gỡ của những người đã từng gắn bó, yêu “say đắm” một tờ báo dành cho tuổi mới lớn cách đây hơn 10 năm.

Theo họ, ngày nay, tờ báo này đã thay đổi đến mức chóng mặt, mở báo ra chỉ thấy có ca sỹ và… băng vệ sinh, trong khi những năm đầu, tờ báo này là một thế giới đẹp đẽ với những bài thơ, trang văn kể về những câu chuyện xúc động về tình cảm thầy trò, cha mẹ và con, tình bạn, tình yêu “tuổi bọ xít” hồn nhiên, trong trẻo, định hướng cho họ một lối sống với những giá trị cao đẹp.

Zixia và nhiều nick khác cho biết, họ vẫn nâng niu từng số báo ngày xưa, tìm kiếm, lùng sục khắp các cửa hàng báo cũ để mua cho đủ bộ. Họ đã thực sự tìm thấy một điểm tựa tinh thần, một giá trị sâu sắc từ những tờ báo ấy.

Những giá trị phù phiếm là gì? Câu hỏi này được Thanh Hiên – Một cô gái khá sành điệu – định nghĩa: “Thời nay tụi học sinh được dạy cách hâm mộ một thần tượng, dạy cách tiêu tiền tại những cửa hiệu thời trang, dạy cách yêu không để lại hậu quả…, thế là cứ chạy theo những thứ đó, tưởng đó là những giá trị đích thực.

Đến khi có một cú sốc nào đó xảy ra thì chơi vơi chẳng biết xử lý ra sao cả, cũng không có một điểm tựa tinh thần nào để trông cậy vì chúng đã mất quá nhiều thời gian vào những “giá trị ảo” kia. Thế rồi sau những ồn ào sôi động, một phút nào họ cảm thấy mình đang sống một cuôc sống thật chông chênh”.

Hiên cho biết không phải cứ lấp hết chỗ trống cho một ngày với buổi sáng, chiều đi làm kiếm được thật nhiều tiền, tối đi hát hò, vào vũ trường hay đi cà phê, mua sắm là một cuộc sống ý nghĩa thực sự. “Bằng chứng là tôi có tất cả những thứ ấy nhưng tôi luôn thấy mình trống rỗng”.

Chúng tôi cần có một điểm tựa!

Chúng em cần một ai đó chỉ ra cho chúng em những lẽ sống ở đời, chỉ cho chúng em những điều giá trị hơn là dạy cách ăn chơi, hâm mộ các ngôi sao điện ảnh, ca nhạc. Chúng em cần có những điểm tựa vững vàng để những ngày tháng học cách làm người không bị lệch lạc thành xuẩn ngốc”. Có thể nói đó là một “lời khẩn cầu” của một cô bé tuổi teen đang hoang mang trước cuộc sống có quá nhiều “cám dỗ” này.

Có thực là giới trẻ đang sống một cuộc sống chông chênh không điểm tựa? Vậy những giá trị đích thực có được từ những sự kiện như nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm, anh Nguyễn Văn Thạc, những phong trào Thanh niên tình nguyện, những gương mặt sống đẹp, có nhiều cống hiến cho đất nước được cả xã hội tôn vinh vẫn xuất hiện hàng ngày trên báo chí, truyền hình, không phải là một “điểm tựa tinh thần” cho thanh niên đó sao?

Có phải những lẽ sống đó chưa tìm đến được với giới trẻ, hay tại giới trẻ còn thờ ơ với chúng? Hay tại người lớn đặt quá nhiều niềm tin vào thanh niên, cho rằng thanh niên ngày nay rất giỏi, biết tự mình vượt qua mọi chông gai?

“Đừng nghĩ rằng ngày nay giới trẻ sống cởi mở và cứng rắn hơn. Thực tế có rất nhiều người sống khép kín trong vỏ bọc, yếu đuối, ích kỷ, thiếu tự tin, còn chưa kết nối được với thời cuộc, đó chính là lý do vì sao họ luôn cảm thấy chênh vênh cho dù họ có những điểm tựa vững chắc” – N.N.Lan, sinh viên năm 2 khoa Báo chí Phân viện Báo chí – Tuyên truyền Hà Nội nhận xét.

Cô gái năng động này cho biết, hiện 1 ngày của cô đã bị lấp đầy bởi việc học ở trường, học thêm, dạy thêm, đi viết bài, đi làm tình nguyện. “Nói chung là luôn chân luôn tay, thậm chí không có thời gian để mà hò hẹn. Nhưng thấy rất vui. Ngược lại hôm nào mình có nhiều thời gian để ăn, ngủ, lang thang thì lại thấy cuộc sống quá ư tẻ nhạt”.

Hãy kết nối với thời cuộc bằng cách lăn xả vào cuộc sống, hãy tiêu tốn thời gian vào việc đọc sách báo, đi du lịch, tham gia tình nguyện! Chỉ bằng cách đó, bạn mới tự tìm cho mình những giá trị đích thực của cuộc sống. Một khi đã tìm thấy rồi, điểm tựa sẽ luôn ở sau lưng bạn!

Theo TIỀN PHONG

Tags: ,