Singapore sẽ nắm bắt thời cơ chống lại Trung Quốc?

Singapore không phải bên tranh chấp ở Biển Đông, nhưng là nước có hải cảng lớn nhất Đông Nam Á. Nước này từng nhiều lần khẳng định nền kinh tế mở của họ phụ thuộc vào tự do hàng hải trong khu vực.

Có tin cho biết Trung Quốc đang lo ngại sẽ phải đối mặt với những lời chỉ trích mới dao những hành động của nước này ở Biển Đông khi Singapore giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2018. Chính vì vậy, Trung Quốc đang gây áp lực đối với Singapore để đảm bảo rằng những lo lắng của mình sẽ không biến thành hiện thực.

Theo nguồn tin trên, các đại diện của Trung Quốc đã nói với các đối tác Singapore trong các cuộc họp kín những tháng gần đây rằng họ không muốn Bắc Kinh gặp rắc rối khi Singapore tiếp quản chức vụ chủ tịch luân phiên của tổ chức gồm 10 quốc gia này vào năm 2018. Giới ngoại giao tin rằng Bắc Kinh đã sử dụng ảnh hưởng của họ với những nước từng là chủ tịch ASEAN trước đây để làm giảm nhẹ quan điểm của tổ chức này trong cuộc tranh cãi về vấn đề Biển Đông – một trong những cuộc tranh chấp gây bất ổn nhất tại khu vực châu Á.

Chủ tịch hiện tại của ASEAN là Philippines, nước vừa tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 hôm 5/8. Ngoại trưởng các nước ASEAN đã không thể đưa ra được tuyên bố chung thường lệ vào ngày 5/8 vì không đạt được sự đồng thuận về ngôn từ liên quan đến sự mở rộng khả năng quốc phòng ngày càng nhanh chóng của Trung Quốc trên các hòn đảo nhân tạo trong vùng biển đang bị tranh chấp này. Mãi đến ngày 6/8, tuyên bố chung mới được đưa ra.

Theo một nhà ngoại giao châu Á tại Bắc Kinh, hiện có những quan ngại rằng Singapore có thể lợi dụng vai trò chủ tịch ASEAN để cố gắng “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc chỉ muốn nó được giới hạn trong phạm vi các nước có liên quan trực tiếp. Nguồn tin giấu tên nêu trên nói với Reuters: “Trung Quốc nghĩ Singapore, một quốc gia có đa số dân là người Trung Quốc, nên lắng nghe Bắc Kinh một chút”. Trong khi đó, một nhà ngoại giao châu Á khác ở Hong Kong cũng nói rằng: “Trung Quốc đã nói rõ với Singapore điều họ mong muốn trong vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Singapore từ chối bình luận về điều này”. Trong một tuyên bố gửi tới Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Trung Quốc ủng hộ công việc của Singapore và “tin rằng Singapore sẽ dẫn dắt ASEAN hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy và nâng cấp quan hệ hợp tác… đồng thời xây dựng một cộng đồng Trung Quốc-ASEAN thậm chí còn gắn kết hơn vì vận mệnh chung”.

Singapore không phải là nước trực tiếp tham gia các tranh chấp trên Biển Đông, nhưng lại là nước có hải cảng lớn nhất Đông Nam Á và từng khẳng định rõ ràng rằng nền kinh tế mở của họ phụ thuộc vào sự tự do hàng hải liên tục trong khu vực. Tuy vậy, Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ khu vực Biển Đông, bao gồm một trong những tuyến đường thương mại tấp nập nhất thế giới, muốn độc chiếm nguồn dự trữ dầu và khí đốt có giá trị tại khu vực này.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói với Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan trong một cuộc họp ở Manila ngày 6/8 rằng mối quan hệ giữa 2 nước cuối cùng đã trở lại đúng hướng. Ông Vương nói: “Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore đã trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, những cuộc viếng thăm qua lại giữa các nhà lãnh đạo hai nước gần đây đã giúp làm tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau, đây là điều cần thiết cho mối quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Singapore”.

Theo truyền thông đưa tin, ông Balakrishnan cho rằng giọng điệu của ông Vương trong cuộc họp khá tích cực. Trung Quốc lo ngại việc Singapore có mối quan hệ quốc phòng lâu dài với Mỹ và các đồng minh của Mỹ, mặc dù Singapore nói rằng họ cũng thân thiết với Bắc Kinh. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore, và Singapore cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Tuy nhiên, cuối năm 2015, Mỹ và Singapore thông báo rằng mối quan hệ quốc phòng giữa 2 nước đã được tăng cường, bao gồm việc Mỹ triển khai tại Singapore các máy bay trinh sát P-8 – loại phi cơ săn các tàu ngầm của Trung Quốc. Singapore cũng có quan hệ với Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai của Trung Quốc.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Singapore bùng nổ vào cuối tháng 11/2016, khi các nhà chức trách quản lý hàng hải Hong Kong bắt giữ 9 xe bọc thép của Lực lượng vũ trang Singapore được vận chuyển từ các cơ sở đào tạo ở Đài Loan. Hong Kong đã thả các xe quân sự nói trên vào đầu năm nay, đúng vào thời điểm đang dấy lên những tranh cãi công khai rất hiếm có ở cả Trung Quốc và Singapore về mối quan hệ giữa 2 nước dần trở nên xấu đi.

Tờ Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo có tiếng do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, cho biết hồi tháng 6/2017 rằng “mối quan hệ đặc biệt” giữa hai quốc gia đang dần phai nhạt do những ngờ vực trong vấn đề Biển Đông. Eugene Tan, phó giáo sư luật tại Đại học Quản trị Singapore, nói rằng có thể sẽ xuất hiện những bất hòa giữa 2 nước khi Singapore lên nắm quyền chủ tịch ASEAN. Theo ông Tan, khi điều đó xảy ra, “Trung Quốc sẽ có ít khả năng ép buộc các mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN theo cách của họ. Singapore không có quyền đề nghị các nước khác phải làm thế này thế kia liên quan đến chủ quyền của họ, nhưng tôi nghĩ chúng ta có thể hy vọng Singapore có cách tiếp cận mạnh mẽ trong việc đối phó với Trung Quốc với tư cách là chủ tịch ASEAN”.

Chuyên gia an ninh tại một trung tâm nghiên cứu có trụ sở ở Hong Kong ông Zhang Baohui cho biết Trung Quốc đang thắc mắc liệu rằng Singapore có thành thật hay không khi nói rằng họ không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông nói: “Có một quan điểm ở Bắc Kinh rằng Singapore là nước xúi giục các chính sách chống Trung Quốc, không chỉ ở trong khối ASEAN mà còn ở những nước như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc”.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG / REUTERS

Tags: , ,