Sao cứ nhất quyết ra ngoài khi ở nhà có thể cứu hàng nghìn người?

Sự an toàn của cộng đồng phải được ưu tiên hàng đầu để chấp nhận hy sinh những thói quen, thú vui và sở thích cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định.

Bài viết của tác giả Louis Raymond, nhà báo người Pháp gốc Việt, hiện sinh sống và làm việc tại Nantes.

Vào một đêm sau khi lệnh phong toả có hiệu lực trên toàn nước Pháp, tôi đã phải tự hỏi liệu mình có đang vào vai Người Nhện khi để tên côn đồ trốn thoát và sau đó phải chứng kiến chính tên ấy bắn chết chú của mình.

Lúc đó là khoảng nửa đêm, tôi ra ban công hút điếu thuốc cuối cùng trước khi đi ngủ. Hai thanh niên ở độ tuổi đôi mươi bước đi dưới đường, giọng nói vang vọng con phố vắng.

Hỏi thăm vài câu, hai thanh niên cho tôi biết họ sống ở vùng ngoại ô. Do phương tiện giao thông công cộng đã dừng hoạt động, họ đang phải đi bộ về nhà. Hai chàng trai trẻ xin tôi một tờ giấy và một cây bút để làm “giấy thông hành” phòng trường hợp bị cảnh sát kiểm tra.

Kể từ ngày 17/3, toàn bộ nước Pháp bị phong tỏa giống nhiều quốc gia khác trên thế giới. Trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Emmanuel Macron tuyên bố nước Pháp bắt đầu “tuyên chiến” với dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19).

Người Pháp vẫn có thể ra ngoài chạy bộ, dắt chó đi dạo hoặc đến cửa hàng tạp hóa, tuy nhiên họ phải kê khai “giấy thông hành”. Mẫu đơn này có sẵn trên mạng cho người dân in ra hoặc viết tay. Ai không có giấy thông hành có thể bị phạt từ 135 euro (khoảng 146 USD).

Trước khi gặp tôi, hai chàng trai nọ không có giấy thông hành theo yêu cầu. Họ đang vi phạm quy định cơ bản nhất là phải ở nhà để ngăn COVID-19 lây lan.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho họ giấy bút và thả xuống từ ban công. Tôi đã không thể làm gì khác ngoài việc nói với họ: “Chuyện này nghiêm trọng đấy!”. Một trong hai thanh niên trả lời: “Chỉ là bệnh cúm thôi mà! Điều tôi sợ nhất là tiền phạt”.

Chắc chắn COVID-19 không phải là cảm cúm và chính sách phong tỏa toàn quốc là nhằm mục đích ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong bối cảnh hệ thống y tế đang phản ứng yếu ớt.

Hai chàng trai tỏ ra hơi khó chịu khi bị tôi nhắc nhở. Họ tiếp tục rảo bước trên con phố vắng, để lại tôi trên ban công với nỗi trăn trở về thái độ của chính mình cùng những con số: Ở Pháp đã có 1.102 ca tử vong vì COVID-19 và trên toàn thế giới, con số này đã vượt ngưỡng 19.700 người.

KÌM NÉN VÀ GẠT BỎ THÚ VUI CÁ NHÂN

Giữa lúc dịch bệnh hoành hành, vẫn có người chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra và không chấp hành lệnh phong toả. Trong số đó, có những người trẻ đổ về các bãi biển trên khắp nước Pháp và tiệc tùng. Để ngăn dòng người di chuyển từ thành phố về nông thôn và khu du lịch trong kỳ nghỉ, Pháp đã phải triển khai lực lượng an ninh tại các ga tàu.

Đây không phải là chuyện chỉ có ở Pháp. Tại Đức, người dân vẫn tổ chức nhiều “bữa tiệc Corona”, trong đó người tham gia còn ho vào mặt người già. Ngay cả ở Italia, quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất bên ngoài Trung Quốc, chính quyền vẫn đang phải vật lộn để ngăn người dân không ra ngoài tận hưởng không khí trong lành, tắm nắng và đi thăm bạn bè.

Tôi hiểu tại sao một số người trong chúng ta luôn có nhu cầu trò chuyện, tụ tập bạn bè. Thế nhưng trong bối cảnh này, mỗi cá nhân cần ghi nhớ rằng kìm nén và gạt bỏ những thú vui cá nhân đó có thể góp phần cứu hàng nghìn mạng người.

Đây hoàn toàn không phải là những lời kêu gọi sáo rỗng.

Người trẻ thường ngộ nhận rằng mình miễn nhiễm trước virus Corona. Nhưng tại New York, số liệu thống kê cho thấy người trong độ tuổi từ 18-44 chiếm 46% số ca dương tính với COVID-19. Nếu người trẻ nhiễm virus Corona, hậu quả có thể nhân lên khi họ lây bệnh cho cha mẹ hay người thân lớn tuổi, và sẽ vô cùng nguy hiểm nếu những người này mắc các bệnh nền như hen suyễn hay tiểu đường.

Tự cách ly là một trong những khuyến cáo quan trọng nhất của Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh châu Âu trong việc làm chậm sự lây lan của COVID-19. Giới chuyên gia cho rằng có thể giảm đáng kể khả năng nhiễm bệnh bằng cách thay đổi hành vi, đặc biệt là áp dụng biện pháp tự cách ly.

Đối với nhiều người, khoảng thời gian tự cách ly còn có thể giúp họ học được cách tập trung hơn vào những giá trị cốt lõi của cuộc sống. Họ sẽ đọc sách, chơi với trẻ nhỏ, hỏi thăm họ hàng thường xuyên hơn.

Và biết đâu, họ sẽ có thời gian để chiêm nghiệm về lối sống được coi là vô tư lự và thậm chí là bất chấp ngày mai của một số người trẻ ngoài đường phố kia. Để từ đó nhận thấy có quá nhiều câu hỏi đặt ra đằng sau thái độ sống và hành vi của hai chàng trai tôi gặp đêm trước cũng như của nhiều người trẻ khác.

KHÔNG PHẢI AI CŨNG GIỐNG NHAU

Tạm gác qua một bên thiệt hại kinh tế khủng khiếp do đại dịch gây ra, tôi đang cố gắng phân tích ảnh hưởng của COVID-19 lên con người dưới góc độ cá nhân. Hãy tự đặt mình vào vị trí của họ để hiểu rõ vấn đề.

Trước yêu cầu “hãy ở nhà” vào mùa dịch này, có phải tất cả chúng ta đều bình đẳng hay không?

Trên thực tế một số người còn không có nơi nào để gọi là “nhà”. Có điều kiện cụ thể gì trong quy định phong tỏa áp dụng với hai chàng trai trẻ kia không? Họ sống một mình hay ở cùng với gia đình? Nếu họ sống trong căn hộ, thì đó là khu vực nào?

Tôi không rõ và cũng không muốn nêu lên bất cứ giả thuyết nào. Tất cả những gì tôi biết là không phải ai cũng tự cách ly trong điều kiện giống nhau.

Có người ở nhà cả ngày cùng gia đình trong biệt thự sân vườn rộng 300 m2. Có sinh viên mắc kẹt trong căn phòng 9 m2 và cũng có công nhân nhà máy chen chúc trong căn hộ 40 m2 với 6 người, bao gồm 4 đứa trẻ nhỏ. Đó là còn chưa tính đến những hoàn cảnh éo le khác như người vô gia cư và người tị nạn trong các trại tập trung.

Không phải đến tận bây giờ tình trạng bất bình đẳng này mới xuất hiện mà đã tồn tại từ lâu trước khi dịch COVID-19 bùng phát và có thể, nó vẫn kéo dài đến sau khi chúng ta tìm ra thuốc chữa cho COVID-19. Nhưng điều đáng nói là hiện nay, ranh giới ngăn cách giữa các tầng lớp đó càng bị khoét sâu thêm.

Những ngày này, chúng tôi không đến văn phòng làm việc, còn đường phố thì vắng tanh. Chúng tôi chỉ còn lại một mình với điều kiện vật chất bao quanh.

Nhưng đối với nhiều người khác, những người bị cô lập, nhóm không có thu nhập và với họ, viễn cảnh sau khi dịch bệnh qua đi cũng chẳng sáng sủa hơn là bao, thì cái giá phải trả đắt tới chừng nào? Ví dụ, chi phí điều trị bệnh tâm lý sau dịch bệnh cho họ sẽ là bao nhiêu?

Tôi không cố biện minh cho hai chàng trai kia hay những ai bất chấp lệnh phong toả, chỉ là muốn nhấn mạnh không phải ai cũng trải qua những ngày này một cách dễ dàng như nhau.

Cho dù vậy, điều cần nhấn mạnh hơn cả là khi đứng trước mối đe dọa từ đại dịch, ai cũng đều phải có trách nhiệm ngăn chặn sự lây lan. Sự an toàn của cộng đồng phải được ưu tiên hàng đầu để chấp nhận hy sinh những thói quen, thú vui và sở thích cá nhân trong một khoảng thời gian nhất định.

VẮNG BÓNG MỘT HÌNH MẪU

Chúng ta cứ nghĩ người trẻ coi nhẹ những mối nguy thời cuộc như dịch COVID-19, nhưng tôi không cho là vậy. Thực tế là họ luôn trăn trở về những bất an của thế giới và nhân loại từ trước khi dịch bệnh bùng phát.

Họ quan ngại về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Họ trăn trở khi thế hệ mình mất đi “ý nghĩa” để lao động. Họ lo lắng bản thân không có chỗ đứng trong tương lai vì môi trường hiện tại đã quá cạnh tranh và bất công.

Thế nhưng, dù ở thời nào đi nữa, những gì giới trẻ cần là một hình mẫu để noi theo. Và có lẽ đó là điều họ đang thiếu nhất lúc này – từ chính khách, người nổi tiếng, cho đến những người xung quanh.

Tuyên bố về cuộc khủng hoảng COVID-19 của các chính khách phương Tây đang khá mơ hồ. Một mặt, họ khuyến cáo người dân ở nhà. Mặt khác, họ muốn hạn chế thiệt hại kinh tế và do đó lại kêu gọi mọi người tiếp tục đi làm trong trường hợp không thể làm ở nhà.

Trong bài phát biểu vào ngày 16/3, Tổng thống Pháp Macron thậm chí đã không dùng từ “phong tỏa”, dù chính sách này được thi hành ngay ngày hôm sau. Vào ngày 23/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter: “Chúng ta không thể để cho biện pháp ngăn chặn khiến tình hình còn tồi tệ hơn cả chính dịch bệnh”. Điều này dẫn đến hiểu lầm nghiêm trọng và ông Trump cũng tự tuyên bố đây “chỉ là bệnh cúm”.

Trên tờ Le Monde, nhà văn Leïla Slimani, người từng đoạt giải Goncourt (giải thưởng văn học rất có uy tín), kể lại trong “nhật ký phong tỏa” rằng cô “tỉnh giấc với quang cảnh trước mắt là bãi cỏ đã đóng băng trải dài trên những ngọn đồi đang đón bình minh”. Và trên cương vị một nhà văn, cô đã “quen với việc tự cách ly trong nhà vài ngày”.

Giống như nhiều người Paris khác, cô rời thủ đô nước Pháp để trở về với gia đình ở Normandy, bất chấp rủi ro từ việc có thể mang mầm bệnh về các vùng nông thôn với hệ thống y tế yếu kém. Nhà văn này cũng phàn nàn về sự nhàm chán dù may mắn được tự cách ly trong điều kiện vật chất đủ đầy.

Lịch sử đã cho thấy giới trẻ thường thể hiện khía cạnh trưởng thành hơn và có trách nhiệm hơn chúng ta nghĩ. Trong Thế chiến II, nhiều người trẻ tham gia chống phát xít, chấp nhận rủi ro và cái chết, trong khi nhiều người trưởng thành lại tỏ ra thụ động.

Hãy thử đặt ra vài giả thiết: Nếu các chính khách chỉ rõ rằng họ ưu tiên cứu sống người dân hơn là cứu nền kinh tế, nếu các nhà văn hay người nổi tiếng không lãng mạn hoá một cách không cần thiết và coi nhẹ tầm quan trọng của việc tự cách ly, nếu người lớn tuổi không thường xuyên ra ngoài chạy bộ bất chấp lệnh cấm… thì giới trẻ chắc chắn sẽ có trách nhiệm hơn và do đó, họ cũng không vô tư lự trượt ván ngoài đường vào thời điểm mà mỗi cá nhân cần kiên nhẫn hơn bao giờ hết. Ít nhất là trong vài tuần sắp tới.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , ,