⠀
René Descartes: ‘Tôi tư duy, thế nên tôi tồn tại’
Có lẽ chính sự nghiêm khắc trong tư duy của Descartes và sự phản đối của ông với bất cứ hình thức dựa dẫm nào vào thần quyền mới là di sản quan trọng nhất của ông. Những thế kỷ sau ngày ông mất được ngự trị bởi các triết gia hoặc phát triển tư tưởng của ông, hoặc xem nhiệm vụ chính của mình là bác bỏ những suy nghĩ của ông.
René Descartes sống vào đầu thế kỷ 17 trong một giai đoạn thường được gọi là Cách mạng Khoa học, kỷ nguyên của những tiến bộ khoa học mau chóng. Nhà khoa học kiêm triết gia người Anh Francis Bacon đã thiết lập một phương pháp mới để tiến hành các thí nghiệm khoa học, dựa trên những quan sát chi tiết và lý luận quy nạp, cung cấp một nền tảng mới cho việc tìm hiểu thế giới. Descartes cũng chia sẻ sự phấn chấn và niềm lạc quan này, nhưng vì những lý do khác. Bacon xem ứng dụng thực tiễn của các khám phá khoa học là toàn bộ mục đích và ý nghĩa của chúng, trong khi Descartes hứng thú hơn với dự phóng mở rộng tri thức và hiểu biết về thế giới.
Vào thời Phục Hưng – thời đại lịch sử trước đó – người ta đã trở nên hoài nghi hơn về khoa học và khả năng đạt được tri thức đích thực nói chung, và quan điểm này tiếp tục kéo dài ảnh hưởng vào thời Descartes. Vậy động lực chính cho “dự phóng truy vấn thuần túy”, như công trình của ông được gọi tên, là niềm khao khát muốn bứt khỏi thứ khoa học của những phiền phức từ chủ nghĩa hoài nghi một lần và mãi mãi. Trong cuốn “Những suy niệm siêu hình học”, tác phẩm hoàn bị và nghiêm túc nhất của Descartes về siêu hình học (nghiên cứu về tồn hữu và hiện thực) và nhận thức luận (nghiên cứu về bản chất và giới hạn của tri thức), ông tìm cách chứng minh khả thể của tri thức ngay từ những quan điểm hoài nghi nhất để từ đó thiết lập nền tảng cho khoa học. Cuốn “Những suy niệm” được viết theo hình thức ngôi thứ nhất – “tôi nghĩ…” – bởi vì không phải ông đang trình bày lý lẽ để chứng minh hay bác bỏ những tuyên bố đã rõ ràng, mà thay vào đó ông mong được dẫn dắt người đọc theo con đường mà chính ông đã đi. Bằng cách này, người đọc buộc phải tiếp nhận cách nhìn của một người suy tư, suy nghĩ thấu đáo mọi thứ và khám phá ra những chân lý giống như Descartes đã làm. Hướng tiếp cận này gợi nhớ đến phương pháp của Socrates, theo đó triết gia dần dần gợi lên trong một người sự hiểu biết của họ thay vì bày nó ra như kiện hàng đóng sẵn chỉ chờ người mang đi.
Thế giới ảo mộng
Để củng cố tính ổn định và bền vững cho niềm tin của mình, mà Descartes cho là hai tiêu chuẩn quan trọng của tri thức, ông sử dụng một thứ gọi là “phương pháp nghi vấn.” Phương pháp này bắt đầu bằng việc người suy tư gạt qua một bên bất cứ niềm tin nào có thể bị hoài nghi tính xác thực của nó, dù chỉ một ít hay toàn bộ. Mục đích của Descartes là nhằm cho thấy rằng, ngay cả khi xuất phát từ quan điểm hoài nghi nhất có thể, ngờ vực tất cả mọi thứ, ta vẫn có thể đạt đến tri thức. Sự nghi vấn này tăng theo quỹ đạo hyperbol (lũy tiến vượt mức), và chỉ được dùng như một công cụ dành cho triết học; như Descartes nói rõ rằng: “không người tỉnh táo nào từng nghiêm túc nghi ngờ những điều này.”
Descartes bắt đầu bằng cách đặt ra cho những niềm tin của ông một loạt các luận chứng hoài nghi với cấp độ khắc nghiệt tăng dần, đưa ra câu hỏi làm thế nào ta có thể chắc chắn về sự hiện hữu của mọi thứ. Có thể nào thế giới ta biết chỉ là một ảo ảnh không? Ta không thể tin cậy các giác quan, vì tất cả chúng ta đều từng bị chúng “lừa dối” một hay nhiều lần, vậy nên ta không thể dựa vào chúng như một điểm tựa chắc chắn cho tri thức. Ông nói, có lẽ chúng ta đều đang nằm mơ, và thế giới thực chẳng là gì ngoài một thế giới mộng ảo. Ông lưu ý rằng điều này hoàn toàn có thể, vì không có chỉ dấu chắc chắn nào phân biệt giữa tỉnh thức và mê ngủ. Nhưng dù vậy, tình huống này sẽ để ngỏ khả năng cho chúng ta nhận biết được một số sự thật, như các tiên đề toán học, dù rằng không phải nhờ giác quan. Nhưng ngay cả những “sự thật” này chính ra có thể không phải là thật, bởi Thượng Đế, đấng toàn năng, có thể lừa chúng ta đến tận mức độ này. Ngay cả khi chúng ta tin Thượng Đế là thiện hảo, có thể ngài đã tạo ra chúng ta theo cái cách khiến chúng ta có xu hướng thiên về những sai lầm trong lý luận của mình. Hoặc có thể không có Thượng Đế nào cả – trường hợp này ta thậm chí còn dễ là những sinh vật bất toàn hơn (chỉ sinh ra từ sự tình cờ), có thể bị lừa bịp bất cứ lúc nào.
Khi đã đi đến chỗ mà dường như không còn gì ông có thể chắc chắn được nữa, Descartes bắt đầu sáng tạo một công cụ mạnh mẽ giúp ông không trượt dài trở lại vào tiên kiến: ông giả định rằng có một ác quỷ đầy quyền năng và xấu xa có thể lừa bịp ông về mọi thứ. Khi ông thấy mình đang xem xét một niềm tin, ông có thể hỏi: “Liệu ác quỷ có thể khiến tôi tin điều này ngay cả khi nó sai lầm?”, và nếu câu trả lời là “có”, ông phải gạt sang bên niềm tin đó cho những nghi ngờ để ngỏ.
Tại điểm này, dường như Descartes đã tự đặt mình vào một vị trí bất khả – tuồng như không có gì nằm ngoài sự nghi ngờ, cho nên ông không có nền móng vững chắc nào để đặt chân lên cả. Ông miêu tả cảm giác của mình là bị cuốn xoay trong vô vọng bởi xoáy nước của nỗi hoài nghi tất thảy, không thể tìm thấy điểm tựa nào cho mình. Chủ nghĩa hoài nghi thậm chí dường như khiến ông không thể khởi hành quay về với tri thức và chân lý được nữa.
Sự chắc chắn đầu tiên
Chính tại điểm này Descartes nhận ra có một niềm tin ông chắc chắn không thể hoài nghi: niềm tin vào sự tồn tại của chính ông. Mỗi chúng ta có thể nghĩ hoặc nói: “Tôi là, tôi tồn tại”, và khi ta nghĩ hay nói như thế, ta không thể sai. Khi Descartes thử áp dụng bài kiểm tra của ác quỷ cho niềm tin này, ông nhận ra ác quỷ chỉ có thể khiến ông tin mình tồn tại nếu ông thực sự tồn tại; làm sao ông có thể nghi ngờ sự hiện hữu của mình nếu ông không thực sự hiện hữu để mà nghi ngờ?
Tiên đề này – “tôi là, tôi tồn tại” – định hình nên Sự chắc chắn đầu tiên của Descartes. Trong tác phẩm thời kỳ đầu, cuốn “Phương pháp luận”, ông trình bày nó là: “Tôi tư duy, thế nên tôi tồn tại”, nhưng ông bỏ cách nói này khi viết “Những suy niệm”, vì sự xuất hiện của “thế nên” khiến câu này nghe như một tiền đề và một kết luận. Descartes muốn người đọc – cái “tôi” suy tư – nhận ra rằng ngay khi xem xét sự thật là mình có tồn tại, tôi đã biết là nó đúng. Chân lý này ngay lập tức được nắm bắt. Việc nhận ra mình tồn tại là một trực giác tức thì, không phải kết luận từ một lý lẽ.
Bất chấp Descartes đã chuyển quan điểm của mình sang một lối diễn đạt rõ ràng hơn, cách nói ban đầu quá dễ nhớ đến nỗi nó in sâu vào tâm trí mọi người, và đến ngày nay Sự chắc chắn đầu tiên nhìn chung được biết đến với tên gọi “cái cogito”, từ tiếng Latin cogito ergo sum, nghĩa là “tôi tư duy thế nên tôi tồn tại.” Thánh Augustine sử dụng một luận chứng rất giống vậy trong “Thành phố của Chúa” khi ông nói: “Vì nếu tôi nhầm lẫn thì tôi hiện hữu”; nghĩa là nếu ông không hiện hữu thì ông không thể nhầm lẫn. Tuy nhiên Augustine ít sử dụng nó trong việc tư duy của ông, và chắc chắn là ông không đạt đến nó theo cái cách Descartes đã làm. Thế nhưng một niềm tin đơn lẻ thì dùng được vào việc gì? Lý lẽ logic đơn giản nhất là tam đoạn luận, với hai tiền đề và một kết luận – ví dụ như: mọi chú chim đều có cánh; chim cổ đỏ là một loài chim; do đó mọi chú chim cổ đỏ đều có cánh. Ta chắc chắn không thể đi đến đâu với xuất phát điểm chỉ có một niềm tin chân xác. Nhưng Descartes không phải đang tìm cách đạt đến những kết luận loại này từ Sự chắc chắn đầu tiên của ông. Như ông giải thích: “Archimedes vốn chỉ xin một điểm tựa vững chắc bất di bất dịch để nâng cả Trái Đất lên.” Với Descartes, sự chắc chắn về hiện hữu của bản thân cho ông một điểm tựa như vậy; nó cứu ông thoát khỏi xoáy nước hoài nghi, nhờ thế cho phép ông bắt đầu hành trình từ chủ nghĩa hoài nghi trở về với tri thức. Điều này có ý nghĩa quyết định cho dự phóng truy vấn ông đặt ra, nhưng nó không phải nền tảng trong nhận thức luận của ông.
Cái “tôi” này là gì?
Bất chấp sự thật rằng chức năng chính của Sự chắc chắn đầu tiên là để cung cấp một điểm tựa vững chắc cho tri thức, Descartes nhận ra ta cũng có thể có được tri thức từ chính bản thân sự đoan chắc. Đấy là bởi vì cái ý thức rằng tôi đang tư duy gắn chặt với ý thức về sự hiện hữu của tôi. Vậy “tư duy” cũng là thứ gì đó mà tôi không thể hoài nghi về mặt lý tính, vì hoài nghi là một loại tư duy, vậy hoài nghi việc tôi đang tư duy chính là đang tư duy. Vì giờ Descartes biết ông tồn tại và ông đang tư duy, cho nên ông – cũng như mọi kẻ suy tư khác – biết rằng mình là một hữu thể tư duy.
Dù là thế, Descartes nói rõ rằng đấy là đích xa nhất mà ông có thể suy luận từ Sự chắc chắn đầu tiên. Ông chắc chắn không được nói mình chỉ là một hữu thể tư duy – một tinh thần – vì ông không cách nào biết liệu mình có thể là gì đó khác hơn không. Ông có thể là một hữu thể vật chất có khả năng suy nghĩ, hoặc ông có thể là thứ khác, thứ gì đó mà ông thậm chí chưa nhận thức được. Ý ở đây là tại bước suy niệm này ông chỉ biết mình là một hữu thể tư duy; khi nói thế, nghĩa là ông chỉ biết mình là – “theo đúng nghĩa của từ này” – một hữu thể tư duy. Về sau trong tập sáu của bộ “Những suy niệm”, Descartes đưa ra luận điểm rằng tinh thần và thể xác là những thứ khác nhau – chúng là những bản thể tách biệt – nhưng ông chưa ở trong vị thế làm được như vậy.
Hoài nghi Descartes
Sự chắc chắn đầu tiên là mục tiêu phê phán của nhiều tác giả xem hướng tiếp cận của Descartes với chủ nghĩa hoài nghi đã đi vào ngõ cụt ngay từ khởi điểm. Một trong những lý lẽ chủ yếu chống lại nó bắt nguồn từ cách dùng thuật ngữ “tôi” trong “tôi là, tôi tồn tại.” Dù Descartes không thể sai khi nói sự tư duy đang diễn ra, làm sao ông biết có một “người tư duy” – một ý thức đơn nhất đang thực hiện sự tư duy đó? Điều gì cho ông cái quyền được khẳng định sự tồn tại của những thứ bên ngoài sự tư duy? Mặt khác, ta có thể có lý khi cho rằng những ý nghĩ có thể trôi nổi xung quanh mà không cần người tư duy nào không?
Thật khó hình dung những ý nghĩ liền lạc bị tách rời chủ thể, và Descartes chỉ ra rằng không thể nhận thức thứ gì như vậy được. Tuy nhiên nếu có người không đồng ý và tin rằng một thế giới những ý nghĩ không có người tư duy có thể thực sự tồn tại, lúc đó Descartes sẽ không được phép tin rằng mình hiện hữu, do đó sẽ không đi đến được Sự chắc chắn đầu tiên. Sự hiện hữu của những ý nghĩ sẽ không cho ông cái nền móng vững chắc mà ông cần.
Vấn đề của ý tưởng những ý nghĩ trôi nổi xung quanh mà không cần người tư duy, đó là việc lý luận sẽ trở thành bất khả. Để có thể lý luận, cần thiết phải có những ý tưởng có liên quan theo một cách thức cụ thể. Lấy ví dụ, nếu Patrick có ý nghĩ “mọi người đều phải chết” và Patricia có ý nghĩ “Socrates là con người”, sẽ không ai trong hai người kết luận được gì. Nhưng nếu Paula có cả hai ý nghĩ đó, cô có thể kết luận “Socrates phải chết.” Việc chỉ có những ý nghĩ “mọi người đều phải chết” và “Socrates là con người” trôi nổi xung quanh thì cũng giống như hai con người tách biệt mỗi người giữ một ý nghĩ đó; để có thể suy luận ta cần làm cho những ý nghĩ này liên quan với nhau, kết nối chúng đúng cách. Hóa ra liên hệ những ý nghĩ với một ý nghĩ khác thay vì một chủ thể tư duy (ví dụ như liên hệ tới một địa điểm không gian hay một mốc thời gian) thì không làm được việc đó. Và vì lý luận là khả thể, Aristotle kết luận rằng phải có một người tư duy.
Vài triết gia hiện đại phủ nhận việc Descartes chắc chắn về sự hiện hữu của chính ông có thể thực hiện được việc ông đòi hỏi; họ chỉ ra câu “tôi tồn tại” không có nội dung, vì nó chỉ đề cập tới chủ ngữ của nó nhưng không nói lên điều gì có ý nghĩa hay có tầm quan trọng về chủ ngữ; nó chỉ đơn thuần chỉ vào chủ ngữ. Vì lý do này mà không điều gì có thể theo sau nó, và dự phóng của Descartes thất bại ngay từ trứng nước. Lý luận này dường như đã hiểu lệch quan điểm của Descartes; như ta đã thấy, ông không dùng Sự chắc chắn đầu tiên làm một tiền đề để rút ra tri thức sâu hơn – tất cả những gì ông cần là có một bản ngã cho ông chỉ vào. Vậy ngay cả khi “tôi tồn tại” chỉ thành công trong việc chỉ ra người suy tư, khi đó ông vẫn thoát khỏi được dòng xoáy của nỗi hoài nghi.
Một tư tưởng gia phi phàm
Với những ai hiểu nhầm Descartes có ý định đưa ra một luận chứng từ sự thật về sự tư duy của ông đến sự thật về hiện hữu của ông, ta có thể vạch ra rằng Sự chắc chắn đầu tiên là một trực giác tức thì, không phải lý lẽ logic. Dù vậy, nếu Descartes đưa ra một luận chứng thì tại sao đó lại là vấn đề?
Trong hoàn cảnh này, suy luận hiển nhiên “tôi tư duy thế nên tôi tồn tại” thiếu mất một tiền đề chính; nghĩa là để lập luận thành công cần có thêm một tiền đề khác, ví dụ như “mọi vật tư duy đều tồn tại.” Đôi khi một tiền đề quá hiển nhiên nên không được nêu lên trong lý lẽ, trường hợp ấy ta gọi là tiền đề ẩn. Nhưng một số nhà phê bình Descartes than phiền là cái tiền đề ẩn này không hoàn toàn hiển nhiên. Lấy ví dụ, Hamlet trong vở kịch Shakespeare suy tư về một điều lớn lao, nhưng cũng rất rõ ràng là chàng ta không tồn tại; vậy không phải cái gì tư duy cũng tồn tại.
Ta có thể nói trong chừng mực suy tư của Hamlet, chàng tư duy trong thế giới hư cấu của kịch nghệ, nhưng chàng cũng hiện hữu trong thế giới kịch nghệ đó; trong chừng mực không hiện hữu, chàng chỉ không hiện hữu trong thế giới thực này. Cái “thực tại” và sự suy tư của chàng liên kết với nhau trong cùng một thế giới. Nhưng các nhà phê bình Descartes có thể đáp trả rằng đó mới chính xác là vấn đề: biết rằng có ai đó tên Hamlet đang suy tư – và không hơn – không bảo đảm cho ta con người này tồn tại trong thế giới thực; để được như thế, ta phải được biết là chàng đang suy tư trong thế giới thực. Biết thứ gì đó hay ai đó – như Descartes – đang tư duy là không đủ để chứng minh họ có thật trên thế giới này.
Câu trả lời cho thế tiến thoái lưỡng nan này nằm trong cái bản chất ngôi thứ nhất của cuốn “Những suy niệm”, và lý do Descartes dùng ngôi “tôi” xuyên suốt tác phẩm giờ đã trở nên rõ ràng. Bởi dù tôi có thể không chắc liệu Hamlet có đang suy tư, và nhờ đó mà hiện hữu, trong thế giới hư cấu hay thế giới thực, tôi lại không thể không chắc về chính mình.
Triết học hiện đại
Trong phần “Lời nói đầu cho bạn đọc” của cuốn “Những suy niệm”, Descartes dự đoán chính xác nhiều độc giả sẽ tiếp cận tác phẩm của ông theo hướng mà phần lớn là sẽ “chẳng bận tâm nắm bắt trật tự đúng giữa các lý lẽ của tôi và mối liên hệ giữa chúng, mà chỉ đơn thuần cố bắt lỗi từng câu, như cái mốt là thế.” Mặt khác ông cũng viết rằng: “Tôi không trông đợi bất kỳ sự tán dương hay một lượng độc giả đông đảo nào”, và chuyện này thì ông nhầm lớn. Ông thường được xem là cha đẻ của triết học hiện đại. Ông tìm cách trao cho triết học sự chắc chắn của toán học mà không cần viện đến bất cứ loại giáo lý hay thần quyền nào, để kiến lập một nền tảng chắc chắn, duy lý cho tri thức. Ông cũng nổi tiếng nhờ đề xuất rằng tinh thần và thân xác là hai bản thể tách biệt – một vật chất (thân xác) và một phi vật chất (tinh thần) – dầu vậy vẫn có thể tương tác với nhau. Sự phân biệt nổi tiếng này, mà ông đã giải thích trong bộ Những suy niệm, sau này được gọi là thuyết nhị nguyên Descartes.
Tuy nhiên, có lẽ chính sự nghiêm khắc trong tư duy của Descartes và sự phản đối của ông với bất cứ hình thức dựa dẫm nào vào thần quyền mới là di sản quan trọng nhất của ông. Những thế kỷ sau ngày ông mất được ngự trị bởi các triết gia hoặc phát triển tư tưởng của ông, hoặc xem nhiệm vụ chính của mình là bác bỏ những suy nghĩ của ông, như Thomas Hobbes, Benedictus Spinoza, và Gottfried Leibniz.
Theo Theo CÂU LẠC BỘ SÁCH DOSTOEVSKY
Tags: Tư duy - nhận thức, René Descartes