Rasul Gamzatov và ‘Daghestan của tôi’: Những thông điệp nghệ thuật bất hủ

Đây chính là một tác phẩm hết sức phóng khoáng về loại thể, bản thân những câu chuyện mà tác giả kể phảng phất phong vị của một cuốn tiểu thuyết, nhưng tiểu thuyết không thể xác thực, tin cậy đến mức như thế được.

Nguồn: “Văn học – Thay đổi để phát triển”, TS.Diêu Lan Phương.

Thomas Carlyle đã từng viết: “Tất cả những gì con người đã làm, nghĩ hoặc trở thành: được bảo tồn một cách kỳ diệu trên những trang sách”. Và như thế, những trang sách luôn ghi lại những điều kì diệu của con người, một trong số những trang sách không thể nào quên đó chính là cuốn tự truyện nổi tiếng của Rasul Gamzatov “Daghestan của tôi”.

Trong bao nhiêu năm, người đọc đã khá quen với những công trình văn học phương Tây đồ sộ qua những bộ tiểu thuyết vĩ đại, thì khi cầm trên tay cuốn tự truyện, độc giả lại được thả mình trong những trang viết phóng khoáng về chính quê hương nhà thơ, người con vùng Daghestan. Tôi xem đó như một cánh cửa mới trong văn học phương Tây bởi những giá trị văn học, những thông điệp nghệ thuật đặc trưng của lối viết văn giản dị, trong sáng nhưng cũng đầy triết lí sâu xa, đáng suy ngẫm. Người con Avar xứ Daghestan đã không ngừng mải mê đi tìm những giá trị đẹp ngay chính quê hương mình, một vẻ đẹp xuất phát từ tình yêu cháy bỏng với tiếng nói dân tộc mình, với những giọt mực nặng trĩu lăn trên trang viết kể tả cảnh quê hương.

Tự truyện gồm có hai phần và trong cuốn thứ nhất này tác giả dành mối quan tâm lớn nhất cho cá nhân, đôi khi đó chỉ là số phận riêng của mình, là công việc sáng tác; tác giả đã kể vê “cậu con trai không ai biết đến của nhà thơ Daghestan Gamzat rời làng bản, lúc đầu tới Makhatkala sau đó tới Matxcơva” đã trở thành nhà thơ như thế nào; tác giả kể về cha, mẹ mình, về bạn bè và những người cùng làng bản.

Sau khi đọc qua phần một của tự truyện, chúng ta thấy rõ thông điệp “hành trình đi đến một nhà văn chân chính ẩn sau tình yêu quê hương” của Rasul Gamzatov cao đẹp đến nhường nào. Dưới góc độ là một độc giả, bản thân chỉ mới nắm được một cách sơ khai về lí luận văn học, tôi xin đưa ra một số luận bàn về thông điệp nghệ thuật văn học nêu trên trong phần một của cuốn “Daghestan của tôi”.

Rasul Gamzatov là một nhà thơ nổi tiếng nhất trong dòng văn học tiếng Avar và cha của ông cũng là một nhà thơ nổi tiếng của Daghextan. Những vần thơ về tình bạn, tình yêu, tình nhân ái của Gamzatov làm xúc động lòng người trên toàn thế giới. Những đồng bào của ông khẳng định rằng trong tiếng Avar Kavka, những vần thơ đó còn hay hơn rất nhiều so với những bản dịch. Đôi khi, bản dịch chỉ là những bản ghi chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà không thể chuyển tải tất cả điệu bộ, cái hồn của người thi sĩ đã đặt vào bản gốc (bản chính ngôn ngữ dân tộc tác giả). Tự truyện này chính là một trong những tác phẩm đặc sắc nhất của tác giả.

Cuốn sách ghi lại những điều giản dị nhất, thân quen nhất về quê hương ông. Đồng thời, “Daghestan của tôi” là một hồi ức do một người ngoài 50 tuổi viết ra, với vô số cảm nhận, lý giải mang tính chiêm nghiệm rất độc đáo của riêng ông. Rasul Gamzatov biết sử dụng khéo léo ngôn ngữ huyền diệu của dân gian giàu nhạc điệu và đầy màu sắc, đồng thời biết hòa trộn bất ngờ các sắc điệu văn phong rồi nói lên bằng ngôn ngữ tươi mới và phóng khoáng của người đương thời.

Tập một của cuốn tự truyện gồm 12 phần với nội dung chính là hành trang sáng tác cuốn tự truyện, từ ý nghĩa, đề tài, ngôn ngữ, bút pháp… cho đến “phân vân” rằng độc giả có đón nhận tác phẩm của mình hay không nhưng bản thân ông vẫn nỗ lực vì đứa con tinh thần đã được ấp ủ trong cả một chặng đường dài… Khi nói đến thông điệp nghệ thuật hay hiểu một cách khác đó chính là “Mã nghệ thuật ” ẩn giấu trong đó tư tưởng, tình cảm, tâm tư, suy nghĩ của “nhà tạo mật mã”. Mỗi nhà văn, nhà thơ có một “mã” nghệ thuật đặc trưng cho phong cách của mình, Rasul Gamzatov cũng tạo cho mình một bản mã nghệ thuật văn học riêng.

Văn học chính là con đẻ của quá trình lịch sử qua bàn tay tài hoa người nghệ sĩ. Và thế, “Daghestan của tôi” cũng là sản phẩm của một quá trình nhìn về quá khứ, là một lát cắt của “tiểu sử cuộc đời” Rasul Gamzatov về tình yêu quê hương xứ sở Daghestan. Cảm xúc của tác giả đối với thành phố và quê hương khác nhau mà phần thứ nhất “Cuốn sách đã ra đời như thế nào” thể hiện rõ. “Tôi thích đi bộ giữa lòng những thành phố lớn, Tuy vậy chỉ sau dăm sáu lần đi chơi lâu lâu, tôi đã bắt đầu cảm thấy thành phố trở nên quen thuộc và ý muốn đi chơi mãi trong thành phố dần tiêu tan.Nhưng tôi đã hàng nghìn lần đi trên các ngõ. ngách làng tôi, thế mà tôi không hề thấy chán, tôi vẫn còn muốn đi nữa, đi mãi không thôi.” Tình yêu quê hương của tác giả đã đi sâu vào máu, là nhịp đập của trái tim. Cũng vậy, không thể có nhà văn mà không có quê hương. Tác giả luôn xem văn học, thơ ca như người thân của mình. Đề tài quê hương chính là khuôn mặt thì thể loại thơ ca chính là người chị- sánh ngang với người phụ nữ miền núi vùng Daghestan. Một con người tài năng như Rasul Gamzatov đã trở nên vĩ đại khi chính ông viết nên cuốn sách mang dáng dấp của một tập ký sự hay một cuốn sách về phương pháp sáng tác văn học. Mã nghệ thuật và con đường đi đến văn học nghệ thuật, hành trình đi đến một tự truyện chân chính hay một phương pháp luận sáng tác văn học nghệ thuật.

Không có một lý thuyết nào, một phương pháp nào vận dụng, giải mã cho toàn bộ sản phẩm văn học. Tác giả ví đề tài như người con trai chờ đợi và đón cô gái để yêu thương vậy.Có cô gái chỉ rỗng tuếch nhưng nhiều tiền, bị che đậy bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài mà thôi. Đề tài chỉ hiện lộ trên trang viết của mỗi nhà văn khi đó chính là rung cảm thực sự của chính họ, chứ một đề tài không thể sống được nhờ cảm xúc đơn phương của người khác mà gạt bỏ đi sự đồng điệu về tâm hồn. Một người nghệ sĩ sáng tác thơ văn không thể là một cô gái điếc chỉ vì lẫn lộn buồn vui, đi ngược lại cảm xúc của mọi người xung quanh mà tồn tại được. Nhưng hơn thế, nhà thơ cũng phải là người khởi xướng cho cảm xúc của mọi người, những nhà văn chân chính là những nhà văn biết nhìn thấy trước tương lai bằng cảm quan của chính họ. Chỉ có những đề tài tư duy như vậy thì tác phẩm họ sáng tạo ra mới có giá trị đích thực.

Hơn 7 lần tác giả gợi ra những câu chuyện minh chứng cho đề tài cần được lựa chọn kĩ càng, trau chuốt. Tôi cho rằng đề tài đối với một nhà văn như màu của nước mắt,chẳng ai biết bản thân nó có màu gì nếu cứ đứng mãi dưới ánh đèn bảy sắc. Là màu đỏ của sục sôi ý chí, nhiệt huyết của giọt lệ cạnh bên ánh lửa rực hồng. Là màu xanh hi vọng trước vẻ đẹp xanh tươi của một đồng xanh bát ngát,… Lời văn nhẹ nhàng giống tiếng nhạc ngựa và âm thanh phát ra từ cây đàn Padur của vùng rừng núi Daghextan đưa ta vào những dòng văn của Rasul.

Tự truyện (phần một) đó là một chuỗi hoàn hảo, có quy trình của một người làm văn chương, gồm các phần “Cuốn sách này đã ra đời thế nào”, “Về ý nghĩa của cuốn sách này”, “Về hình thức cuốn sách này”, “Ngôn ngữ”, “Đề tài”, “Thế loại”, “Bút pháp”, “Ngôi nhà cuốn sách này – cốt truyện”, “Tài năng”, “Làm việc”, “Sự thật -lòng dũng cảm”, “Phân vân”. Đây chính là sự hài hòa, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố hình thức-nội dung của một tác phẩm, băn khoăn- quyết đoán của tác giả, giữa các góc nhìn độc giả-tác giả, giữa tư duy logic (cách trình bày khoa học) và tư duy nghệ thuật (nội dung tư tưởng)… Dù cho hình thức cuốn sách có đẹp đến đâu chăng nữa mà nó được viết ra chỉ là vì hình thức không thôi, thì cuốn sách đó cũng không bao giờ làm xúc động trái tim con người. Sự phù hợp giữa hình thức và nội dung: Những chiếc bình đẹp nhất Nặn từ đất bình thường Như câu thơ đẹp nhất Từ những chữ bình thường. Lời ghi trên bình Quả thực, trong tác phẩm của mình, tác giả thảng hoặc đã rót vào trang viết mấy câu thơ sâu sắc vô cùng. Mấy ý thơ đó cũng làm tôi ngờ ngợ liệu rằng đó có phải là một hình thức thơ hình họa hay không bởi những câu chữ được kết hợp bố cục hình thức rất đặc sắc: TIẾNG MẸ ĐẺ.

Thật vô lý lạ lùng, tất cả ở trong mơ
Tôi chiêm bao thấy mình đã chết
Trong thung lũng Đaghextan, giữa ban trưa nóng bức
Tôi nằm yên. Ngực xuyên vết đạn chì.

Sông réo trôi, không một chướng ngại gì
Còn tôi bị lãng quên, không ai cần đến nữa
Tôi nằm duỗi trên quê hương xứ sở
Trước lúc hòa chung vảo đất mà thôi.

Không ai biết hôm nay tôi chết Không ai phút này có mặt bên tôi …
Cả đất nước tự do đang nở rộ Từ Bantích đến Xakhalin – tôi thân quí vô vàn
Tôi có thể hy sinh vì nơi nào cũng vậy Nhưng hãy chôn tôi vào lòng đất Daghestan. Có thể ngay đầu làng, đã gần kề mộ chí,
Để những người Avar, bằng tiếng mẹ Avar,
Thỉnh thoảng nhắc: Rasul, chàng đồng hương thuở trước
Họ nhà Gamzat đây, người gốc ở Xađa.”

Đây chính là một tác phẩm hết sức phóng khoáng về loại thể, bản thân những câu chuyện mà tác giả kể phảng phất phong vị của một cuốn tiểu thuyết, nhưng tiểu thuyết không thể xác thực, tin cậy đến mức như thế được. Bản thân tác phẩm đã vượt ra ngoài định nghĩa và biến thể của một loại hình văn học. Với lối viết khoáng đạt, đôi câu chuyện đưa vào rất tự do, không ràng buộc, đôi khi khiến độc giả cảm thấy mơ hồ bởi nó không có tính nhất quán, không hình thành nên một sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch cốt truyện. Song, điều đó không có ý nghĩa lớn khi tác giả đã viết tự truyện bằng mạch cảm xúc của con tim, bằng tình yêu quê hương, yêu dân tộc, yêu gia đình mình.

Người đọc hãy cảm nhận cuốn tự truyện bằng con mắt của một người đam mê văn học thực sự, bằng tình cảm của một người con luôn hướng về quê hương. Người mẹ thứ nhất của tác giả là miền Daghestan thân yêu. Nơi mà ông đã sinh ra, nơi đó lần đầu tiên ông đã nghe thấy tiếng nói quê hương, đã học nói thứ tiếng ấy và tiếng nói ấy đã thấm vào máu thịt của chính mình. Nơi đây lần đầu tiên Rasul Gamzatov được nghe những bài ca quê hương và lần đầu tiên ông cất tiếng hát. Người Palestin có câu “Tiếng hát của con người còn đẹp hơn chính con người họ”. Thật vậy, chỉ những con người dám cất lên lời ca tiếng hát của dân tộc mình mới thực sự có tình yêu dân tộc cháy bỏng, rạo rực hơn những lời nói sáo rỗng, giáo điều. Chính họ phải hiểu văn hóa dân tộc họ và phải hát bằng cả trái tim còn căng tàn nhựa sống.

Thông điệp văn học nghệ thuật còn thể hiện bản sắc văn hóa trong tự truyện gắn với những triết lí cuộc sống từ tác phẩm nằm trong mối quan hệ biện chứng của nó. Văn học nghệ thuật đôi khi không chỉ là chính nó, mà bản chất thực sự là “sự một hình thái đặc thù thuộc kiến trúc thượng tầng, liên hệ mật thiết với các hình thái ý thức xã hội khác nhau như: triết học,đạo đức, tôn giáo….”

Văn học đã phản ánh bản chất về nhận thức và sáng tạo qua nghệ thuật ngôn từ. Rasul Gamzatov đã cũng luận bàn về ngôn ngữ khi đưa vào tác phẩm của mình. Khi bản thân ngôn từ đã mang một trọng trách lớn “chuyên chở” tư tưởng văn học nghệ thuật thì nhất thiết phải có yếu tố ngôn ngữ (khá khác biệt so với ngôn từ). Ngôn ngữ chính là nét riêng của mỗi dân tộc, đất nước mà như tác giả đã viết: “Đối với tôi, ngôn ngữ của các dân tộc như các vì sao trên nền trời. Tôi không muốn nhiều vì sao hợp lại thành một vì sao chiếm nửa bầu trời. Đã có mặt trời rồi. Hãy để cho các vì sao lấp lánh. Hãy để cho mỗi người đều có riêng một vì sao.” Nhà thơ nổi tiếng vùng Daghestan đã đưa vẻ đẹp của thứ ngôn ngữ Avar vào thơ văn của mình và cũng băn khoăn khi “phải khám phá và từ bỏ biết bao nhiêu điều trước khi chạm được đến cảm xúc trần trụi” (Claude Debussy) nếu như tác phẩm của ông được dịch sang ngôn ngữ khác.

Trong phần “Ngôn Ngữ” tác giả cũng đã nhiều lần không hài lòng khi những thứ văn chương bị bóp méo theo ngôn ngữ của người biên tập, không thuyết phục trước những người con Daghestan nhưng quên đi tiếng quê hương mình. Đối với người dân nơi đó, ngôn ngữ chính là linh hồn của sự sống (người mẹ không nhận con trai, cho rằng đã chết khi đứa con lấy vợ,sinh sống tại Ý mà quên đi tiếng Avar). Cả cuốn tự truyện là tất thảy những mảnh hồi ức ghép lại. Hồi ức về cuộc sống và văn hóa vùng đất Daghestan mà tác giả đã gửi gắm “Tôi muốn những bài thơ tôi vận bộ đồ dân tộc Daghestan của chúng tôi.” Bộ đồ đó chính là nét văn hóa riêng ở “đất nước của những ngọn núi”. Người ta có thể chết đi nhưng không thể đánh mất mái tóc đuôi sam của người phụ nữ, có thể bị móc mắt rất dã man nhưng không thể mất đi giọng nói Avar,… Hay con người ở đó coi những lời chửi rủa về việc đánh mất tiếng nói dân tộc mình là lời nguyền rủa tồi tệ nhất, độc ác nhất,…

Những triết lí không ngừng được tác giả nói lên khiến những mẩu chuyện nhỏ (hồi ức) thực sự có ý nghĩa, khiến tác phẩm thực sự trở thành một dấu ấn văn học đặc sắc. Dẫn dụ một vài câu nói nổi tiếng, đáng suy ngẫm: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác”,hay “Con suối nhỏ chảy ra tới biển, nhìn thấy trước mình là khoảng không xanh thẳm bao la và hòa mình vào khối nước màu xanh vĩ đại ấy, chớ nên quên nguồn nước nhỏ trên núi cao mà từ đó con suối đã bắt đầu, chớ nên quên con đường nhỏ dài, gập ghềnh sỏi đá mà nó đã phải đi qua.” Vì sao chúng tôi xem giữa văn học và văn hóa, triết lí đời sống là mối quan hệ biện chứng?

Bởi trong tác phẩm của Rasul Gamzatov đã thể hiện rõ tính hai chiều giữa mối quan hệ đó.

Thứ nhất, văn học đã không ngừng thể hiện được bản chất thực sự của chính nó, ngoài ra nó còn tạo ra một giá trị phản ánh văn hóa vùng Daghestan và triết lí của tác giả đưa ra. Phân tích dẫn chứng đã nêu trên, các hình ảnh trong văn học suối, biển, khoảng không, con đường gập ghềnh sỏi đá và cách thể hiện quan điểm triết lí cũng hết sức ý nghĩa- một lẽ sống, nói dễ hiểu là phải biết trân trọng những gì mà người khác đã từng giúp đỡ để bản thân mình đi đến được ngày hôm nay.

Thứ hai, văn hóa và triết lí đời sống lại tác động trở lại văn học, chính văn học đã thoát thai từ những tư duy khoa học khái quát (triết lí) và văn hóa dân tộc mình. Điểm qua một nét văn hóa hết sức đặc biệt của dân tộc Avar là về cách thức đặt tên con cháu vừa sinh ra trong gia đình dựa vào theo người đã mất để thể hiện lòng thành kính, tình cảm của những người còn sống. Nét văn hóa này đã cho thấy sự đặc trưng khu biệt với văn hóa nhiều dân tộc khác, khác nhất chính là văn hóa phương Đông chúng ta. Cũng từ nét văn hóa đó, tác giả đã khéo léo đan lồng vào câu chuyện của mình tạo nên sự mới lạ, hấp dẫn người đọc hơn về mặt nội dung.

Mối quan hệ biện chứng này có tính chặt chẽ cao bởi khi đặt tác phẩm vào lăng kính giữa đọc giả và người sáng tác tác phẩm có sự đồng điệu và thống nhất. Cả tác phẩm có một sợi chỉ nam xuyên suốt, người đọc phải biết bám vào đó để đi hết mạch cảm xúc. Như vậy, bản thân tác phẩm đã tạo thành một khối thống nhất giữa các hình thái của kiến trúc thượng tầng văn hóa-văn học- triết học.

Ngoài ra, thông điệp văn học nghệ thuật đã đưa ra chính là cách nhìn nhận về những nhà văn đích thực, chân chính, không khuôn mẫu. Văn chương không phải là một thứ sao chép vô vị, thiếu sáng tạo, nhạt nhòa mà như nhà văn Nam Cao đã viết “Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương.Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện…” Rasul Gamzatov cũng đưa ra quan điểm của mình “Tiếc là không có cái roi nào dành cho những nhà văn không nghĩ ngợi gì cả, lặp lại theo đuôi người khác. Câu trả lời giống nhau trong những trường hợp khác nhau…”

Đề tài thì có nhiều, cũng có thể giống nhau nhưng chỉ những ai sáng tạo riêng cho mình một phong cách, một tác phẩm có sức sống lâu bền thì chủ thể sáng tác của đề tài đó mới xứng đáng là nhà văn thực thụ, có tâm với đứa con tinh thần đó. Kẻ chỉ biết lặp lại suy nghĩ của người khác mà không mảy may nghĩ ngợi, tư duy thì thật đáng thương. Đó mãi mãi chỉ là một cái máy chép lại một cách ngớ ngẩn mà thôi. Tác phẩm tự truyện thường có thiên hướng lý giải cuộc sống đã qua của tác giả như một chỉnh thể, tạo nên những đường nét mạch lạc cho cuộc sống kinh nghiệm của mình. “Yêu một tác phẩm nghệ thuật, giống như yêu một người đàn bà ở điểm là mỗi lần yêu chúng ta khám phá ở người tình một trinh tiết mới. Yêu một tác phẩm là sáng tạo một trinh tiết mới cho tác phẩm” (Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Nxb Giao Điểm, Sài Gòn, 1972, tr.9). Những tác phẩm sáng tác văn chương đích thực chỉ chờ đợi cơ hội thuận tiện, khi ý thức canh gác lỏng lẻo để vượt ra khỏi vô thức của những nhà văn tài năng mà thôi. Họ sống là vì nghệ thuật, chết vì nghệ thuật chứ không đơn thuần là “miếng cơm manh áo”, “ Thơ tôi đã làm nên tôi, và tôi đã làm ra thơ của tôi. Không có nhau, hai chúng tôi đều chết, hay đúng hơn là chưa từng có.” (“Daghestan của tôi”, tập 1, Rasul Gamzatov). Trong tác phẩm cũng nhắc đến nhiều nhà văn nổi tiếng, đặc biệt là những câu chuyện xoay quanh cụ Abutalip (cụ xem Văn học là một quỹ đạo mà từ khi nhà văn sáng tác một tác phẩm rồi lại cứ đi theo hướng đó.) hay cha ông- người đã từng nổi tiếng và định hướng tác giả trở thành một nhà thơ thực sự cũng không ít lần đôi co “Tất nhiên bố thâm thúy hơn, có tài hơn, lớn hơn con.

Nhưng con là nhà thơ của thời đại khác. Con theo trường phái khác, con có những thiên hướng văn học khác, bút pháp khác – Tất cả đều khác. Trong những chỗ chữa ấy có thể thấy ngay thủ pháp nghệ thuật của nhà thơ Gamzat Tsadasa. Nhưng con không phải là Gamzat mà chỉ là Rasul Gamzatov. Cho phép con có riêng bút pháp, có riêng cách viết của mình.” Ông đã đưa ra nhiều lời khuyên, mà theo cảm nhận của tôi, đó cũng chính là một thiên hướng đúng đắn để đi đến, trở thành một nhà văn thực thụ “Con không hoàn toàn đúng đâu. Bút pháp của con, cách viết của con, tức là cá tính, bản lĩnh của con, phải đứng hàng thứ hai trong thơ. Phải đặt lên hàng đầu cá tính, bản lĩnh của dân tộc mình. Trước hết con hãy là một người dân miền núi, một người Avar đã, rồi hãy là Rasul Gamzatov.” Trong sáng tác văn chương thật khó để phân định đúng sai, cái lẽ chính là chúng ta có chấp nhận những lối đi mới, cách tư duy của người khác hay không mà thôi. “Khi văn học không còn được nuôi dưỡng bằng những gì cha ông để lại, mà chuyển sang xơi những thứ cao lương mỹ vị đem từ nước ngoài đến, khi văn học trút bỏ những phong tục, tập quán, ngôn ngữ và tính cách của dân tộc mình, khi văn học thay lòng đổi dạ đối với dân tộc mình, thì nó sẽ trở nên ốm o, quặt quẹo, chết dần chết mòn mà không một thứ thuốc nào có thể cứu chữa được.”. Tác giả đã mạnh dạn so sánh với những người cày ruộng về giá trị công sức làm việc, thơ ca đích thực hay là những lời sáo rỗng. Những bài thơ sáo rỗng luôn là con đẻ của các nhà thơ lười biếng, chỉ họ mới thưc sự không đáng với những gì mà những người khác trông đợi. Điều đó thể hiện tài năng đích thực của mỗi chúng ta. Tài năng của con người là sự mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, đôi khi nó rất xa những cũng rất gần, nó hiện hữu mà cũng mơ hồ và chẳng ai có thể ban phát cho ta tài năng cả. “Tài năng cũng không di truyền lại, nếu không thì trong nghệ thuật đã có những triều đại trị vì cha truyền con nối.” Song, nhà văn có tài năng còn phải là những nhà văn biết đào sâu, tìm kiếm, chọn lọc những ý hay, những điều đáng chú ý chứ không thể ôm trọn những gì đã diễn ra được.Đó sé chỉ là những kẻ chỉ biết ghi chép bằng những cảm quan trực tiếp nhất. Mà chẳng phải, ai cũng có thể nhìn, nghe thấy những điều đó rồi hay sao? Khi cầm trên tay những trang viết của tác giả, người đọc sẽ nắm được cốt lõi của cuốn sách là phương pháp văn học hết sức giản dị. Với hệ thống bố cục rất logic trong phần một, những người sáng tác văn học nghệ thuật có thể lấy tác phẩm của Rasul Gamzatov là kim chỉ nam để sáng tác văn học. Nói như thế, không có nghĩa là chủ thể sáng tác sẽ bắt chước y nguyên nhà thơ Rasul mà phải nắm được những tư tưởng của nhà văn vĩ đại người Daghestan đã nêu ở trên.

“Daghestan của tôi” như lời tự tình của nhà văn về cái vùng miền đã sinh ra ông, đã cho ông khôn lớn và những cảm nhận tinh tế, nó giống như lời nói của một người con biết ơn mẹ hiền mà chính tác giả đã viết về đề tài này “…Tuy vậy không thể ví đề tài với người vợ hợp pháp duy nhất, không thể ví cả với người mẹ duy nhất, hay người con duy nhất. Bởi vì không thể nói rằng: đây là đề tài của tôi, đừng ai cả gan động vào đó”. Tất cả những cái gì có quan hệ đến con người, đến thế giới đều có thể xúc động trái tim, khối óc nhà văn và nảy nở thành đề tài đặc sắc. Một tác phẩm thành công như “Daghestan của tôi” đã luôn thúc giục những nhà văn thực thụ cầm bút lên, dám viết về giá trị của cuộc sống, viết về chính mình hay bất cứ điều gì phù hợp với lương tri của một nghệ sĩ sáng tạo nghệ thuật ngôn từ.

Tác phẩm của tác giả cũng chính là tiếng lòng của một người con Daghestan cứ cuồn cuộn, trào dâng “Tôi ao ước sao cho cuốn sách viết bằng tiếng Avar này của tôi sẽ giống như bông hoa châu Phi huyền diệu, sao cho mỗi người sẽ tìm thấy trong đó những gì thân thuộc, gần gũi.” Và quả thực, sau chừng ấy trang viết, tôi có cảm nhận như vừa được chu du trên những ngọn núi vùng Daghestan bởi khả năng nâng lên hạ xuống ( hay sự nhấp nhô- thăng trầm ) của mảnh cảm xúc.Đó đôi khi là sự lắng đọng thâm sâu giàu triết lí, đó còn là sự hài hước dí dỏm của chính tác giả, hay còn cả một khối logic lớn trong phương pháp sáng tác văn học. Tác giả sử dụng tiếng mẹ đẻ, vốn sống, chân dung nhiều kiểu người, tính cách của họ, âm điệu các bài ca, cảm giác về lịch sử, cảm giác về công lý, tình yêu thiên nhiên, quê hương, hồi ức về người cha, quá khứ và tương lai của dân tộc ông để có thể tạo nên một tác phẩm văn học có giá trị lớn như vậy.

“Daghestan của tôi” sẽ là tác phẩm sống mãi với văn học- đời sống tinh thần con người dù trải qua bao thời kì khi mà “lịch sử văn học cũng là một lịch sử đầy biến động, là lịch sử mà có lúc nghệ thuật ngôn từ dường như phải thừa nhận cái chết”.

Theo NORON

Tags: ,