⠀
‘Quái xế’ mang gương mặt trẻ vị thành niên và những vấn đề của một xã hội
Người Hà Nội không xa lạ với những tiếng nẹt bô, tiếng hú còi inh ỏi của dân đua xe quanh Hồ Gươm vào những đêm muộn.
Tác giả: Bùi Minh Đức, Thạc sĩ ngành Truyền thông, Đại học Clark, Mỹ.
Tôi không dùng từ “mỗi đêm” vì có thể đám trẻ không đua xe mỗi đêm, nhưng từ trải nghiệm của mình, tôi nhớ như in rất nhiều lần về nhà trễ từ khu trung tâm, nếu phải đi qua Hồ Gươm rẽ về Bà Triệu, tôi đều phải chạy xe nép sát vào lề đường để cảnh giác với những đoàn xe máy có thể lao tới bất cứ lúc nào.
Không biết từ bao giờ, các “quái xế” khiến những người chạy xe bình thường như chúng tôi luôn trong một tâm trạng nơm nớp lo sợ như vậy? Nhiều hôm nhìn thấy lực lượng cảnh sát cơ động lập chốt nơi ngã tư Hồ Gươm giao với Bà Triệu hay Tràng Thi, tôi nhẹ nhõm hẳn vì biết đó là một đêm yên lành hơn.
Khi đọc tin về cô gái 27 tuổi đang chờ đèn đỏ ngã tư đường Trần Hưng Đạo – Bà Triệu thì bất ngờ bị “quái xế” trong đoàn đua xe tông từ phía sau khiến ngã văng ra đường, tử vong tại chỗ, tôi thoáng rùng mình và sợ hãi.
Một nhóm thanh thiếu niên không đội mũ bảo hiểm, lạng lách đánh võng trên đường phố Hà Nội, tháng 3/2022. Ảnh: Trần Thanh.
Đó là chuyện mà tôi thường tưởng tượng mỗi khi đám đua xe chạy ngang qua tôi hoặc một ai khác. Dù đang dừng lại, đang đi nép vào lề đường, đang đi bộ trên vỉa hè rất đúng luật, chúng ta vẫn có thể là một nạn nhân.
Việt Nam là quốc gia của xe máy. Số liệu tính đến hết năm 2020 ghi nhận khoảng hơn 70 triệu xe máy được đăng ký với khoảng 55 triệu xe máy đang hoạt động. Đi cùng với số lượng xe máy lớn là những con số lớn về tai nạn giao thông. Báo cáo của Ủy ban an toàn Giao thông quốc gia năm 2021 nhấn mạnh việc khoảng 2/3 các vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan tới xe máy. Đáng chú ý, trong khoảng hơn 11.000 vụ tai nạn xe máy ghi nhận vào năm 2020, 10,3% vụ tai nạn liên quan đến trẻ vị thành niên.
Nhiều lần khi chứng kiến các vụ đua xe trái phép hay đọc các bài báo về chủ đề này, tôi thấy thấp thoáng gương mặt của các em nhỏ, dưới 18 tuổi. Chúng ta lên án hành vi đua xe máy trái phép. Nhưng nếu chỉ xử lý các vụ việc cụ thể và tăng chế tài, dù cần thiết, thì vẫn chưa đi vào gốc rễ vấn đề.
Đua xe máy trái phép ở tuổi vị thành niên là một vấn đề phức tạp. Nguyên nhân đầu tiên phải nói đến là ý thức tuân thủ pháp luật của người đua xe, bất kể người đó là ai và ở độ tuổi nào thì khi đã trở thành “quái xế” nghĩa là đã coi thường pháp luật và sức khỏe, tính mạng người khác. Đây là hành vi cần nghiêm trị. Nhưng còn những nguyên nhân khác.
Một nghiên cứu về tình trạng đua xe trái phép tại Malaysia được thực hiện vào năm 2011 đưa ra nhận định có 4 nguyên nhân thúc đẩy người trẻ tham gia đua xe trái phép bao gồm: Áp lực và căng thẳng cuộc sống; bạn bè; phần thưởng; và những vấn đề tâm lý. Trong đó 3 nguyên nhân đóng vai trò quan trọng là “bạn bè”, “áp lực và căng thẳng cuộc sống”, “phần thưởng”.
Bạn bè luôn là yếu tố ảnh hưởng đến hành vi của trẻ vị thành niên – các nhà tâm lý học cho rằng trẻ thường có xu hướng học theo những người bạn được coi như hình mẫu, hay đơn giản là “đua đòi theo bạn bè”.
Ở độ tuổi vị thành niên, một “hình mẫu” trường học đôi khi sẽ khác với quan điểm của người trưởng thành. Sự nổi loạn, “ngầu” có thể là những chuẩn mực cho nhiều bạn trẻ để chứng tỏ bản thân. Và “phần thưởng” sẽ là sự công nhận của bạn bè đồng trang lứa.
Gia đình cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hành vi đua xe của trẻ vị thành niên. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Transport and Health” với đề tài “What leads underage teenagers to ride motorcycles without a permit?” (tạm dịch: Điều gì khiến trẻ vị thành niên lái xe máy khi không có sự cho phép) được thực hiện dựa trên khảo sát tại TPHCM chỉ ra rằng 61% trẻ vị thành niên – cụ thể hơn từ các gia đình có điều kiện – sử dụng xe máy trái pháp luật.
Điều này được cho phép bởi vì phụ huynh thấy việc sử dụng xe máy là điều cần thiết cho con và xe máy dễ sử dụng. Nhiều cha mẹ cho phép con sử dụng xe máy vì đấy là hành vi được chấp nhận trong xã hội (tác giả dùng khái niệm socially accepted) và trẻ vị thành niên thích điều đó. Rõ ràng có thể thấy, việc cha mẹ không kiểm soát con cái sử dụng xe máy một cách chặt chẽ cũng là nguyên nhân dẫn đến những hành vi nguy hiểm hơn. Để rồi khi sự việc diễn ra, cha mẹ chỉ thở dài, bàng hoàng, “tôi đâu có ngờ như vậy” hay “con cái ở nhà bình thường vẫn ngoan lắm”.
Điểm qua một số nguyên nhân kể trên, chúng ta thấy rằng giáo dục ở gia đình và nhà trường là rất quan trọng, là gốc rễ vấn đề.
Hiện hành vi đua xe trái phép, tổ chức đua xe trái phép, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự, phạt tù. Trước tình trạng mà tôi đã nêu ở đầu bài viết, rõ ràng luật pháp cần đưa ra những mức xử lý mang tính răn đe hơn. Tôi hoàn toàn đồng tình với các đề xuất tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý phạt hành vi đua xe trái phép, bổ sung chế tài.
Nhưng với đối tượng đua xe trái phép là trẻ vị thành niên, tôi nghĩ rằng giải quyết vấn đề không chỉ nằm ở câu chuyện hình sự hay pháp luật – một điều tôi tin rất cần thiết và quan trọng. Giải quyết vấn đề ở đây cần nhìn sâu hơn cả vào những khía cạnh xã hội, gia đình, nhà trường, chứ không đơn giản là “xử phạt nặng hơn”.
Theo DÂN TRÍ
Tags: Giao thông, Vấn nạn xã hội