Phim truyện truyền hình Việt Nam – đôi điều cần phải nói

Nếu các nhà làm phim yếu bóng vía hoặc thỏa hiệp với khán giả một cách dễ dãi thì chắc chắn trong tương lai chỉ có những tác phẩm nghệ thuật tầm tầm bậc trung.

Phim truyện truyền hình Việt Nam – đôi điều cần phải nói

Một trong tính chất quan trọng của phim truyện truyền hình là cần sự gần gũi với đời sống thật của con người. Những bộ phim truyện được trình chiếu trên truyền hình trong thời gian vừa qua đã mang được đặc điểm này nên thường luôn được khán giả đồng tình, cổ vũ. Ví như các phim: “Sống chung với mẹ chồng”, “Nàng dâu order”, “Gạo nếp, gạo tẻ”, “Về nhà đi con” và gần đây nhất là phim “Sinh tử”. Điều này thật dễ hiểu. Khán giả của truyền hình mang tính đại chúng. Những gì dễ hiểu, dễ cảm, gần gũi với cuộc sống của họ sẽ được đồng điệu, tán thưởng. Đấy là chiều thuận của vấn đề.

Tuy nhiên, lại còn một vấn đề không thể không bàn tới. Cũng từ đòi hỏi thuận chiều của khán giả như vừa nói ở trên mà một số khán giả trở nên có thói quen mỗi khi gặp trên phim những gì mà họ cho là phi lí, không trùng khít với cuộc sống thật thì lập tức lên tiếng phản ứng gay gắt. Gần đây, thường thấy sự xuất hiện trên Facebook và cả trên một vài tờ báo khá nhiều những ý kiến phê phán về một số bộ phim mà theo ý họ là “chẳng giống thực tế gì cả”.

Các nhân vật, các chi tiết, các cách đặt vấn đề, giải quyết vấn đề trong phim nếu như không giống như họ nghĩ, không trùng với đời sống thật thì thường bị chê. Mà thực ra đó cũng chỉ là những ý kiến chủ quan. Đã từng xảy ra chuyện khán giả đe dọa nếu đạo diễn không giải quyết vấn đề theo ý họ thì sẽ bị tẩy chay, “ném đá”.

Có thể đơn cử từ bộ phim “Sinh tử” trên VTV1. Nhân vật nữ nhà báo Thanh Hương, một nhà báo chống tiêu cực quyết liệt bị một số người phê phán là phi lý ở chỗ sẽ chẳng mấy phóng viên (ngoài đời) dám dùng thái độ như vậy lúc bị lực lượng chức năng triệu tập (nghĩa là không đúng với thực tế). Cán bộ kiểm sát Huy cũng bị chê vì cách nói về mối quan hệ bạn bè thân thiết với nữ nhà báo Thanh Ngân… Phê phán như vậy quả là thiếu căn cứ và chưa thấu hiểu về công việc sáng tạo nghệ thuật.

Đành rằng phim truyền hình cần sự gần gũi với đời sống, nhưng phim là tác phẩm của nhà biên kịch, đạo diễn… Họ chính là tác giả chứ không phải bất cứ một khán giả hoặc một nhà bình luận nào. Họ cần/chịu sự đánh giá của khán giả và các nhà phê bình lý luận… để tác phẩm hay hơn, lớn hơn chứ không phải là nô lệ của khán giả và các nhà phê bình. Trong một bài báo, nhà bình luận phim Tuy Hòa đã rất có lý khi ông phân tích nhân vật Thanh Ngân trong phim “Sinh tử” bị chê không giống như các phóng viên ngoài đời: “Một tác phẩm nghệ thuật có quyền tạo ra một thế giới khác, sinh động hơn và cá tính hơn. Do đó, nhân vật trên phim không nhất thiết phải mô phỏng y hệt trong cuộc sống. Nếu nghệ thuật chỉ là bản photocopy của xã hội, thì giá trị sáng tạo thực sự khủng hoảng”.

Chắc hẳn chúng ta cũng chưa quên danh họa Picasso đã có một câu nói nổi tiếng về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống: “Nếu vẽ con chó giống y như một con chó thật thì thế giới có hai con chó chứ không có nghệ thuật”. Đương nhiên, so với nhiều loại hình khác thì phim truyện truyền hình mang vẻ gần gũi với đời sống thật hơn cả. Nhưng không phải vì thế mà tước bỏ ý nghĩa nghệ thuật của nó.

Nhân đây, thấy cũng cần luận bàn thêm. Nếu các nhà làm phim yếu bóng vía hoặc thỏa hiệp với khán giả một cách dễ dãi thì chắc chắn trong tương lai chỉ có những tác phẩm nghệ thuật tầm tầm bậc trung. Nghệ thuật hướng dẫn thị hiếu chứ không phải thị hiếu hướng dẫn nghệ thuật. Thiết nghĩ, với tình hình phim ảnh hiện nay tuy cần những bộ phim gần với đời sống, nhưng điều cấp thiết, mang tính dài lâu và căn cốt hơn chính là phải có những bộ phim mang tính nghệ thuật cao, phản ánh hiện thực đa diện cùng cái nhìn mang chiều sâu về con người, chiều sâu nghệ thuật chứ không chỉ là một “hiện thực phẳng” như ta thường thấy.

Đó là sự mong đợi, hy vọng của khán giả, đồng thời cũng là hướng đi đúng đắn của nghệ thuật ở tầm cao.

Theo THÁI VĂN / VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN

Tags: