Philippines, những ngày tôi đã sống

Khi nói với bạn bè, bố mẹ về việc tôi sẽ dành một thời gian dài sống ở Philipines, tất cả đều dành cho tôi một câu hỏi mang đầy tính khẳng định “Sang Phil đón bão à?”. Có lẽ nói về đất nước với hơn 7.000 hòn đảo này, điều đầu tiên người ta nghĩ đến, không gì khác ngoài những cơn bão kinh hoàng.

Có lẽ do may mắn mà trong suốt khoảng thời gian gần một năm trên mảnh đất này, chỉ một lần duy nhất tôi chứng kiến ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Ketsana càn quét qua Manila.

Nơi tôi ở là một thị trấn nhỏ mang tên Alangian thuộc tỉnh Batangas, cách Manila khoảng 50km. Batangas được xem là một trong những tỉnh lị phát triển và công nghiệp hóa nhất Phillipines, vậy nhưng Nó chẳng khác nào một vùng quê yên bình ở Việt Nam, điều đó đã khiến tôi hơi thất vọng ngay lần đầu đặt chân đến, bởi ít nhiều trong suy nghĩ, Phillipines hiện lên trong tôi rực rỡ và sôi động hơn nhiều…

Thế nhưng sự thật thì tôi chẳng thể kiếm nổi một quán café hay karaoke đẹp như ở Hà Nội để thư giãn… Sau này tôi mới khám phá ra rằng, ở Phil, tất cả những gì thuộc về vui chơi, giải trí…đều gói gọn tại các siêu thị, người ta còn hay gọi, văn hóa ở Phil là Văn hóa Mall (tức siêu thị). Bởi ở đó, bạn có thể tha hồ thưởng thức các ly café chính hiệu Starbuck, xem những bộ phim kinh điển mới nhất mà có thể ở Việt Nam chưa có, ăn pizza hutz hay KFC với giá đắt hơn ở Viet Nam và thử các loại đặc sản của Phillippines như chuối nướng, nem chuối, halo…

Vì thế mà vào cuối tuần, tôi thường cùng bạn bè hẹn hò tại đó để vừa shopping, xem phim và café, thỉnh thoảng được thưởng thức miễn phí show diễn của người chuyển giới tại đây. Phải nói thêm rằng, cũng giống như Thái Lan, tỉ lệ người đồng tính ở Phil khá cao, và họ hoàn toàn được tự do trong việc thể hiện tình cảm của mình, cũng như có được mọi quyền lợi như những người bình thường khác.

Trong suốt gần 1 năm sống tại đây, tôi gặp rất nhiều người đồng tính, đặc biệt tại các quán bar ven biển, dân Gay thường trang điểm lòe loẹt, ăn mặc diêm dúa đứng nhảy nhót xuyên đêm để đón khách. Và tất nhiên, cũng như ở Việt Nam các quán bar của dân Gay này thường đông khách hơn những quán khác và chủ yếu là khách nước ngoài.

Có 1 điều thú vị mà ngay trong những ngày đầu tiên đặt chân tới nơi đây, tôi đã bị thu hút, đó là những ngôi nhà ở đây được thiết kế rất xinh xắn, nhỏ bé như trong cổ tích. Người dân Philipines rất thích sự sặc sỡ, nên họ đem cả gu thẩm mỹ của mình vào việc trang trí nhà cửa. Họ không xây nhà quá cao hay nhiều tầng để tránh động đất có thể xảy ra bất cứ khi nào. Vì thế nếu nhìn từ xa, làng mạc ở đây tựa như những bức tranh rực rỡ sắc màu.

Không chỉ với nhà cửa hiện tại, mà ngay cả đối với những “ngôi nhà” dành cho người đã khuất, họ cũng rất cầu kì và chú trọng trong phần thiết kế màu sắc. Tôi đã có dịp đến nghĩa trang External nhân dịp Halloween và thực sự ngạc nhiên với những gì tận mắt chứng kiến. Có lẽ do ảnh hưởng của Công giáo coi cái chết chỉ là sự nghỉ ngơi tạm thời của thân xác, nên người dân Philipines rất chú trọng tới việc “xây nhà” cho người chết, họ xây những phần mộ của người đã khuất như một ngôi nhà thu nhỏ, cũng có phòng ốc, không gian, hoa tươi luôn được cắm trong bình và được thay thường xuyên, Đèn cũng được chiếu sáng cả ngày, vì thế nên lần đầu lạc vào đây, tôi không thể ngờ rằng mình đã đi cả tiếng đồng hồ trong nghĩa trang với những người đã khuất.

Đặc biệt vào các dịp lễ lớn như Halloween hay Giáng sinh, mọi người tụ họp về đây rất đông để cùng ôn lại kỉ niệm với người đã khuất, không khí sôi động và vui vẻ như bất kì không khí lễ tết nào ở Việt Nam… Tôi cho rằng người Phillipines thực sự lạc quan và yêu đời, họ rất thích ca hát và có thể nhảy bất kể ở nơi đâu. Thỉnh thoảng trên đường đến trường Đại học hoặc siêu thị, tôi lại bắt gặp những show diễn đường phố cực kì sôi động do những “nghệ sĩ không chuyên” biểu diễn. Điều ngạc nhiên là ngay cả những em bé 3,4 tuổi cũng có thể nhảy 1 cách điêu luyện trên nền các bài hát “hot” đương thời như Nobody, Umbrella, Halo Halo…

Những người yêu nhảy nhót thường luyện tập và biểu diễn cùng nhau bất kể nơi đâu họ muốn: ở đường phố, trong siêu thị, tại sân trường, ngay cả trước các khu chợ có phần ẩm thấp và bẩn thỉu hoặc trong các đám cưới trang trọng. Khi học tập tại trường Đại học Batangas, tôi mới biết rằng nhảy cũng là một trong những môn ngoại khóa của tất cả các sinh viên, và đặc biệt các giáo viên trong trường đều có thể trở thành các “vũ công” chuyên nghiệp nếu cần.

Những người bạn Phil chia sẻ với tôi rằng, các vũ điệu dường như đã chảy trong máu của họ ngay từ khi chào đời, họ coi các vũ điệu như một phần của cuộc sống của mình, và chính nó đã giúp cho họ quên đi những mệt mỏi, buồn đau có thể xảy đến bất kì lúc nào trong cuộc sống, và họ cũng đã dành tặng các điệu nhảy hấp dẫn đó cho tôi một món quà tinh thần mỗi lần tôi chia sẻ về sự cô đơn nơi đất khách….

Sau này, khi đã rời xa vùng đất ấy, nhưng mỗi lần nghe những âm thanh sôi động của Nobodyhay Halo Halo, tôi đều nhớ đến hình ảnh những cô bé, cậu bé nhỏ xíu còn nói ngọng hăng say biểu diễn như những vũ công chuyên nghiệp. Có lẽ đó là phần kí ức đẹp nhất của tôi trong những tháng ngày sinh sống ở vùng đất gió bão này. Vì vậy, khi chứng kiến những hình ảnh tan hoang của Philiipines khi cơn bão Haiyan điên cuồng tàn phá, hình ảnh xác những người dân Phil nằm la liệt trên các đống đổ nát, những em bé với ánh mắt sợ hãi, hoang mang, không còn sự lạc quan trên những gương mặt ấy, không còn nụ cười trong trẻo với những điệu nhảy say mê…tôi thực sự đã không ngăn được những giọt nước mắt của mình.

Tôi tin rằng, những ai đã từng một lần đặt chân đến nơi đây, được sống cùng những người dân chất phác luôn yêu đời, lấy âm nhạc làm món quà tinh thần sẵn sàng trao tặng bạn bè này, cũng sẽ có chung một cảm giác xót xa như tôi…

Theo CAO PHƯƠNG ANH / THỂ THAO & VĂN HÓA (2013)

Tags: