Phía sau thảm kịch trong những quán karaoke ở Việt Nam

Quán karaoke, bar, vũ trường từng hay gắn với tệ nạn, nay lại gắn với các vụ cháy đau lòng.

Phía sau thảm kịch trong những quán karaoke ở Việt Nam

33 người chết do cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương. 3 chiến sĩ phòng cháy chữa cháy hy sinh khi cứu người khỏi quán karaoke đang bốc cháy ở 231 Quan Hoa (Hà Nội). Và còn nhiều người đã thiệt mạng, đã mang thương tật trong các vụ cháy ở các cơ sở kinh doanh loại hình giải trí này tại nhiều tỉnh thành. Đây là những con số đau lòng và đáng báo động, phơi bày những sự thật, lỗ hổng trong nhiều khâu quản lý.

Theo thống kê, cả nước có khoảng 37.000 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Trong 37.000 cơ sở kinh doanh ấy, có bao nhiêu phần trăm đạt an toàn phòng cháy chữa cháy đúng tiêu chuẩn, có bao nhiêu phần trăm “chạy chọt” tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy để được hoạt động, có bao nhiêu phần trăm không đủ tiêu chuẩn mà vẫn hoạt động chui?

Không rõ con số chính xác là bao nhiêu. Chỉ biết cứ sau một vụ cháy quán karaoke gây rúng động, các tỉnh, thành lại tổng kiểm tra toàn bộ các quán karaoke, quán bar, rồi rút giấy phép, rồi đình chỉ hoạt động hàng chục, hàng trăm cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy.

Ví như sau vụ ở Bình Dương, Chủ tịch UBND tỉnh này đã yêu cầu rà soát tổng thể các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường.

Trước đó, sau vụ cháy quán karaoke tại Quan Hoa, Hà Nội cũng có động thái tương tự. Riêng tại thủ đô, từ đầu năm tới nay, lực lượng chức năng xác định có 326 cơ sở không đạt yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và cũng không thể khắc phục nên đã bị đình chỉ hoạt động.

Chỉ tổng kiểm tra hàng loạt, rầm rộ sau khi xảy ra sự cố nghiêm trọng khiến dư luận cho rằng các cơ quan chức năng chỉ “mất bò mới lo làm chuồng”.

Vậy vấn đề ở đây là gì? Tại sao các vụ cháy quán karaoke tương tự vẫn xảy ra sau mỗi lần tổng kiểm tra? Tại quy trình cấp phép kinh doanh lỏng lẻo trong vấn đề phòng cháy chữa cháy? Tại chủ cơ sở kinh doanh chỉ nghĩ tới lời lãi mà không coi trọng hạng mục phòng cháy chữa cháy? Khó có thể trả lời thấu đáo từng vấn đề và quy trách nhiệm chỉ cho một bên nào. Quy định về phòng cháy chữa cháy đã có, quy trình cấp phép kinh doanh karaoke, quán bar cũng đã có. Do đó, khi xảy ra những vụ cháy đau lòng, về phía lực lượng chức năng, chắc chắn có vấn đề về buông lỏng quản lý, bắt cóc bỏ đĩa; về phía các chủ cơ sở kinh doanh, chắc chắc có những cái “tặc lưỡi” cho qua hoặc làm để đối phó.

33 người chết là con số có thể nói là lớn nhất từ trước tới nay trong một vụ cháy quán karaoke. Con số này đủ lớn để chúng ta phải siết chặt, cải tổ thực sự và nghiêm túc mọi vấn đề liên quan, từ quy định cấp phép phòng cháy chữa cháy cho các cơ sở karaoke, bar, vũ trường; cho tới việc kiểm tra, xử phạt liên quan công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở này theo hình thức thường xuyên và đột xuất.

Trong những trường hợp xảy ra sự cố, người gánh chịu hậu quả nặng nề nhất chính là những nhân viên làm việc tại các cơ sở này và những khách hàng sử dụng dịch vụ tại đây. Hậu quả nhiều khi chính là tính mạng.

Sau vụ cháy quán karaoke An Phú ở Bình Dương, một số người cho rằng cơ quan chức năng dường như có ý đổ trách nhiệm cho khách hát khi đề cập các chi tiết như các phòng đều chốt cửa, khách kéo cả nhân viên quán karaoke vào phòng hát khi họ tới báo cháy… Suy đoán này đúng hay sai chúng ta không bàn tới, nhưng xét từ góc độ của một người sử dụng dịch vụ, có những việc mà khách hàng có thể quyết định ngay từ đầu để bảo vệ cho chính bản thân mình.

Thứ nhất là kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn cơ bản trước các tình huống bất trắc như cháy nổ, lũ lụt, động đất… Đây là những thứ mà trẻ em cần được dạy dỗ ngay từ nhỏ, còn người lớn phải tự tìm hiểu và trang bị cho chính mình. Trong đám cháy quán karaoke ở Bình Dương, nhiều người khi thấy cháy lại vào nhà vệ sinh và chốt cửa lại. Đây là điều mà các chuyên gia cho là đặc biệt không nên làm vì có nguy cơ cao thiếu không khí, bị hơi nóng bủa vây. Một chuyên gia phòng cháy chữa cháy khẳng định hành động này không khác gì tự sát.

Thứ hai là nhất quyết từ chối mua dịch vụ của những cơ sở không đủ tiêu chuẩn an toàn, nhất là tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy. Hát karaoke là loại hình giải trí, sinh hoạt tập thể vui vẻ nên được nhiều người lựa chọn, nhưng có lẽ đa số lựa chọn quán karaoke, bar theo các tiêu chí như giá tiền, địa điểm, chất lượng âm thanh, dịch vụ… Không mấy ai để ý tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy khi quyết định chọn cơ sở nào. Trước những vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng như thời gian qua, đã tới lúc yếu tố an toàn phòng cháy chữa cháy là một tiêu chí quan trọng để lựa chọn.

Vì nếu chúng ta cứ nhắm mắt bước vào một quán karaoke trông như một cái hộp bê tông, sắt thép bít bùng kín mít, không lối thoát hiểm, thì có thể đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, nhất là khi chúng ta ở trong một căn phòng kín, nhiều vật liệu dễ cháy, âm thanh chát chúa, nhất là khi chúng ta còn không tỉnh táo vì rượu, bia. Nói rộng ra, không chỉ quán karaoke, quán bar, hay vũ trường, mà với mọi không gian kín và đông người mà chúng ta bước vào, chúng ta hoàn toàn có thể quyết định vào hay không dựa trên tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy.

Thứ ba, hình thành thói quen quan sát lối thoát hiểm, lối ra vào khi bước vào một không gian kín không quen thuộc. Thói quen này đặc biệt hữu ích nếu chẳng may xảy ra sự cố cần thoát thân nhanh chóng.

Hỏa hoạn nói chung và hỏa hoạn ở quán karaoke xảy ra mà không ai báo trước. Chỉ có thể đề phòng, ngăn ngừa bằng mọi biện pháp chủ động từ đầu, mà trách nhiệm thuộc về tất cả mọi người.

Theo THÙY DƯƠNG / BÁO TIN TỨC

Tags: