Phải ứng xử như thế nào với những công nghệ mới?

Bitcoin là tiền để thanh toán hay chỉ là hàng hóa để đầu tư, Uber và Grab là công ty vận tải hay công nghệ, condotel là căn hộ du lịch hay cũng là nhà ở – những câu hỏi dạng như đó là “rồng” hay “rắn”, mà ai nói cũng đúng đã ầm ĩ hơn hai năm qua.

Điều đáng nói là những chuyện không rõ ràng này lại đang chi phối rất lớn cuộc sống xã hội, ảnh hưởng đến chuyện làm ăn, thành bại, thậm chí là phá sản, nợ xấu ở ngân hàng…

Đến nay, duy nhất Ngân hàng Nhà nước khẳng định dùng bitcoin để thanh toán là phạm pháp, còn lại, cả xã hội cứ bàn tung lên.

Như taxi công nghệ, bên được lợi thì ra sức ca tụng cái hay, cái mới, bên bị thiệt phản ứng lại, còn cơ quan chức năng chủ yếu lắng nghe mà quên rằng mình có nhiệm vụ làm rõ đó là “rồng” hay “rắn”, từ đó đưa ra luật chơi cho xã hội. Hậu quả bây giờ là ngổn ngang.

Hai năm qua, hàng chục ngàn người đã vay ngân hàng mua ôtô để chạy taxi công nghệ kiếm sống. Giờ đây, những người này phải lo lắng khi Uber và Grab được coi là công ty vận tải, kèm theo đó là hàng loạt biện pháp quản lý, thuế… như taxi, việc kiếm sống sẽ khó khăn hơn.

Tương tự, người mua condotel cũng lên ruột khi đại diện Bộ Xây dựng khẳng định đó không phải là nhà ở. Mặc dù Bộ Tài nguyên – môi trường đang đề xuất sửa luật để hợp thức hóa cho hàng chục ngàn condotel đã bán nhưng rõ ràng làm ăn kiểu này quá rủi ro khi pháp lý về sản phẩm này hiểu sao cũng được.

Phải mất gần hai năm mới rõ dần Uber, Grab là công ty vận tải. Còn qua nhiều tranh luận vẫn chưa rõ số phận của condotel.

Việt Nam là nền kinh tế mở, gần như thế giới có gì ta cũng có đó. Rồi tới đây là sự phát triển chóng mặt từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, tới đây sẽ còn gặp rất nhiều tình huống dạng như Uber, bitcoin, condotel… đòi hỏi nhà quản lý phải có ngay câu trả lời đó là “rồng” hay “rắn” để mọi người còn trông hướng mà làm ăn.

Thí dụ vui, một ngày rất gần, có hãng công nghệ đặt vấn đề đưa dịch vụ giao hàng bằng máy bay… không người lái, taxi tự lái hoặc cung cấp Internet qua khinh khí cầu… tại Việt Nam, liệu chúng ta có chấp nhận?

Nếu cơ quan quản lý do đánh giá không đúng bản chất vấn đề, chưa nhận ra ưu – khuyết của cái mới, rồi cấm đoán, hoặc vội vã mở toang ra cho áp dụng, dẫn đến không kiểm soát được… đều để lại hậu quả xấu cho xã hội.

Cấm đoán một dịch vụ tiến bộ sẽ kéo xã hội thụt lùi, nhưng mở ra quá nhanh, không phù hợp với điều kiện xã hội cũng khó tránh khỏi những hậu quả không mong muốn.

Nhưng trước cái mới, cuộc sống không cho phép chúng ta dừng lại để nghe ngóng, cũng không thể mãi tranh luận đó là “rồng” hay “rắn”.

Trong bối cảnh này, đòi hỏi cơ quan quản lý khi thực hiện tinh thần kiến tạo không thể dừng ở cải cách thủ tục hành chính, bớt giấy phép con…, mà phải “đi trước thời đại”, thực hiện tinh thần “kiến tạo 4.0” để kịp thời nhận diện cái mới, cái tiến bộ, từ đó định ra luật chơi rõ ràng.

Làm được như thế, mọi người dân được hưởng lợi, đầu tư của xã hội không phải đối mặt rủi ro, rối rắm như đã xảy ra với Uber, Grab và các hãng taxi.

Theo THANH TUYỀN / TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: ,