Ở nhà thời dịch bệnh: Làm gì để không bị ‘thoái hóa’?

Sáu giờ sáng ngày 24/3, tôi mở mắt lim dim, vớ lấy điện thoại. Người đầu tiên tôi thấy là thủ tướng Canada, mặt hốc hác như thể đã một tuần rồi chưa ngủ.

Ở nhà thời dịch bệnh: Làm gì để không bị ‘thoái hóa’?

Bài viết của tác giả Jesse Peterson, giáo viên người Canada đang sống và làm việc tại Việt Nam. Nguyên tác tiếng Việt.

“Tôi phải nhấn mạnh rằng, nếu các bạn là công dân Canada thì đến lúc phải về rồi”, mặt Justin Trudeau vừa nghiêm túc vừa buồn, “và tất cả người dân ở Canada hãy hạn chế ra ngoài”.

Cái gì thế? Tôi nhảy ra khỏi giường. “Gia đình tôi ở Canada thì sao?”, tôi hét lên với Justin trên màn hình.

Tôi đứng dậy đi ra phòng khách, mèo Kitty dõi theo tôi. Tôi ngồi xuống nhìn khu vườn, ngay lúc này tôi đang cảm thấy hoảng loạn, cảm giác như ngày tận thế sắp tới rồi. Mười năm ở Việt Nam. Xong rồi, tất cả như vỡ vụn dưới chân tôi.

Tôi nghĩ tới đồng nghiệp của mình – những người làm diễn viên hài độc thoại, họ đều là những người nước ngoài cùng sinh sống ở Việt Nam như tôi. Để sống ở đây, họ chỉ có cách duy nhất là dạy tiếng Anh. Họ đã không đi làm lâu rồi, túi tiền cũng cạn dần, họ sẽ ổn được bao lâu? Còn tôi đang làm công việc sáng tạo mấy năm nay, cũng chẳng đem lại nhiều tiền. Cứ đà này tôi không có khả năng tồn tại ở đây mấy tháng được đâu.

Tâm trí tôi không bình thường. Nó đã được kích hoạt, bước vào chế độ phản ứng tăng nhạy cảm quá độ và đang chạy xung quanh như một con ngựa hoang, điên cuồng tìm kiếm một chỗ để thoát.

Có lẽ tôi đã phản ứng thái quá; hoặc có thể biểu hiện trên khuôn mặt của thủ tướng Justin Trudeau đã kích động tôi. Khi bình tâm trở lại, tôi nhận ra sáng hôm đó tôi đã không cẩn thận với suy nghĩ của mình. Nhưng, nếu quay về thì sao? Tôi pha một tách cà phê rồi tiếp tục suy nghĩ.

Canada có một đường biên giới dài với Mỹ và họ sẽ không đóng cửa nó. Người phương tây vốn khá cứng đầu, nhất là người Mỹ, mặc dù chính phủ khuyến cáo tất cả mọi người nên hạn chế ra đường nhưng nhiều người sẽ không làm theo. Đó có thể là một lý do khiến nhiều người Việt bất ngờ khi những nước phương tây rất phát triển mà không kiểm soát được dịch bệnh.

Tôi suy nghĩ cả ngày về lời nói của Justin, nói chuyện và xin ý kiến của nhiều người, không biết có thể gia hạn được visa không khi visa của tôi sắp hết hạn.

Về Canada lúc này ư? không biết khi nào có thể quay lại đây. “Việt Nam an toàn hơn Canada bây giờ nhé”, có người nói.

Nhưng, nhà tôi, ở phía bắc Canada, một trang trại ngựa lớn được bao quanh bởi những cánh rừng, cách xa mọi người, xung quanh với đủ loại gia súc, đất nông nghiệp và một hầm chứa đầy khoai tây để tồn tại mãi mãi. Bên cạnh đó, cái lạnh khủng khiếp vào mùa đông sẽ khiến những người không có nhiều năm để thích nghi khó mà tồn tại được. Kết hợp tất cả những điều đó, tôi nghĩ có lẽ đó là một trong những nơi an toàn nhất trên trái đất. Gia đình tôi đang đợi, và sẽ mua cho tôi một tấm vé để về nhà ngay lập tức.

Nhiều người hỏi tại sao tôi viết bài về những vấn đề của xã hội Việt Nam, tôi hay trả lời rằng, đây là nơi cộng đồng tôi sống. Bạn bè của tôi ở đây, và gia đình tương lai sẽ lớn lên ở đây. Tôi muốn đây là một chỗ tốt cho họ, mặc dù tôi biết tôi cũng phải hy sinh. Cảm ơn bố mẹ, nhớ giữ gìn sức khỏe. Nhưng tôi gắn kết với mọi người ở đây rồi. Tôi không bỏ Việt Nam đâu, tôi quyết định rồi. Chạy trốn khỏi một vấn đề sẽ chỉ làm tăng thêm sự phiền phức. Bởi trước sau gì bạn cũng phải giải quyết nó mà thôi.

Tôi đã làm việc chăm chỉ để xây dựng cộng đồng của mình ở Việt Nam trong hơn mười năm và từ bỏ nó là dấu hiệu nguy hiểm. Buổi tối, tôi pha trà, ngồi xuống vườn và nghĩ về nó thêm nữa. Tôi nhớ lúc tôi đến Afghanistan năm 2006, mọi thứ vẫn còn rất nguyên thủy, chưa có điện, xung quanh toàn sa mạc, nước phải được thu thập từ những con đường đào vào núi. Nhưng họ vẫn thích nghi được. Thật sự là ở đó, họ không mất thời gian trên mạng Internet nên dùng thời gian của mình để giúp cộng đồng. Tôi biết rằng những người bạn của tôi cũng cần phải suy nghĩ về thứ làm mất thời gian của họ như điện thoại, game, xem hình vô bổ, rồi lại thấy chán nản, muốn ra đường cà phê, đi quán bia tán gẫu. Vấn đề là, việc ra đường đang rất nguy hiểm. Chúng ta phải đổi mới và sáng tạo để tìm cách làm việc mới, phải thích nghi với tình hình hiện nay.

Ta không biết điều gì sẽ xảy ra trong vài tháng nữa, chỉ có thể đoán và chuẩn bị. Tất nhiên sẽ đến một ngày tôi phải đưa ra lựa chọn: quay về Canada hoặc là kinh tế suy giảm trầm trọng, tôi không có việc làm, rồi phải trả tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước… rồi sẽ chết vì đói.

Nhưng trước tiên, điều cần nhất lúc này, ta phải ở yên trong nhà đã. Tôi thấy nhiều người đang lãng phí cơ hội này, họ ở nhà chơi game, lướt web, xem các chương trình không giúp ích cho sự phát triển bản thân hoặc họ ngủ nhiều hơn, ăn nhiều hơn.

Mọi người quên mất cuộc sống trước đây như thế nào. Thế giới có thể đã trở nên yên bình hơn, không trải qua các cuộc khủng hoảng lớn trong gần sáu mươi lăm năm. Nhưng khoảng sáu mươi lăm năm trước, chúng ta luôn sống với những nguồn nguy hiểm lớn, núi lửa, động đất, động vật săn mồi hoang dã, hoặc các thành phố chiến tranh.

Tôi thiết lập một lịch trình, một thói quen, thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Thiền vào buổi sáng để bắt đầu một ngày đúng hướng, lập trình cho ngày của tôi theo cách mà tôi muốn. Tập yoga tại nhà, nhắn tin và kiểm tra đội hài kịch của tôi. Tôi sẽ làm hết sức mình để không sử dụng Internet càng nhiều càng tốt, dành thời gian để phát triển bản thân, chữa lành và biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn. Bởi, tôi chính là một mắt xích trong thế giới đó.

“Trong thời tiền sử, nhân loại thường chỉ có hai lựa chọn trong các tình huống khủng hoảng: chiến đấu hoặc chạy trốn. Trong thời hiện đại, sự hài hước mang đến cho chúng ta sự thay thế thứ ba: chiến đấu, chạy trốn, hoặc cười”, Robert Orben nói thế. Thực sự, bất kỳ loại khủng hoảng nào cũng có mặt tích cực của nó. Nó đánh thức bạn dậy.

Với bất cứ ai chọn lắng nghe lý trí, tôi đề nghị rằng đây là thời điểm để thích nghi, để biến thành một cái kén. Và khi khủng hoảng kết thúc, bạn sẽ an toàn trở thành một con bướm hoàn hảo hơn.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,