Nổi buồn mang tên ‘trí óc Việt’

Từ nhỏ, tôi được học rằng người Việt Nam vừa cần cù, vừa sáng tạo. Thế nhưng khi nhìn vào thực tế, tôi tự hỏi rằng chúng ta đã sáng tạo ra những gì?

Bài viết của Tiến sĩ Luật Lê Thị Thiên Hương.

Tôi làm việc tại một văn phòng luật của Pháp chuyên về đăng kí bằng sáng chế ở châu Âu và nhiều quốc gia khác như Mỹ, Nhật, Trung Quốc. Một ngày, khi xử lí hồ sơ đăng kí bằng sáng chế ở châu Âu của một khách hàng Trung Quốc, tôi giật mình nhận thấy công ty sở hữu bằng sáng chế này – đang được tôi đăng kí bảo hộ ở nhiều nước khác nhau – đến từ một ngôi làng rất nhỏ. Ngôi làng ở vùng sâu, đến mức địa chỉ đăng kí còn không có số nhà, chỉ có duy nhất tên làng và tên tỉnh. Từ ngôi làng nhỏ kia, cánh tay sáng tạo đã vươn ra thế giới.

Giật mình, nhưng tôi không mấy ngạc nhiên về sự năng động của người Trung Quốc những năm gần đây. Khi đến một thành phố ốc đảo nhỏ xíu và xa xôi ở Ma-rốc, tôi đã gặp một nhóm người Trung Quốc do chính phủ gửi sang. Họ được cử đến đất nước vô cùng khác biệt này với mục đích rất rõ ràng: học hỏi kinh nghiệm truyền thống của tộc người ở đây, mang về nước để phát triển và sử dụng. Với tư duy như thế, láng giềng của chúng ta đang nhanh chóng bứt phá, trở thành một trong ít các quốc gia có số lượng đăng kí bằng sáng chế tăng vọt trong thời gian vô cùng ngắn. Thậm chí, năm vừa rồi, Trung Quốc đã thành một trong năm quốc gia có số lượng bằng sáng chế đăng kí tại Mỹ cao nhất. Họ đang chuyển mình từ một “xưởng sản xuất” thành một trung tâm nghiên cứu sáng tạo mới trên thế giới.

Một ngày tôi nhận ra, sao thế giới cứ ào ào sáng tạo mà Việt Nam chúng ta vẫn chưa sốt ruột?

Một trong các chi tiết lịch sử Việt Nam tôi nhớ nhất từ khi còn nhỏ là việc Hồ Nguyên Trừng sáng chế ra phương pháp đúc “súng thần cơ”. Giữa hơn 90% nội dung các bài sử là những cuộc chiến lớn nhỏ cha ông ta đã trải qua, bài học về sức sáng tạo, khả năng đào sâu suy nghĩ không ngưng nghỉ của Hồ Nguyên Trừng ghi đậm trong trí tôi đến tận bây giờ.

Rất tiếc, các chi tiết như thế không nhiều trong lịch sử Việt Nam. Từ nhỏ, tôi được học rằng người Việt Nam vừa cần cù, vừa sáng tạo. Thế nhưng khi nhìn vào thực tế, tôi tự hỏi rằng chúng ta đã sáng tạo ra những gì? Ngoài “súng thần cơ” từ thế kỉ 14, còn có bao nhiêu ví dụ tương tự ta có thể mang ra để khẳng định khả năng sáng tạo của người Việt? Câu trả lời là không nhiều.

Tất nhiên, thực tế này cũng không khẳng định ngược lại là người Việt Nam không có sức sáng tạo. Tôi được biết khá nhiều nhà khoa học Việt thành danh ở nước ngoài là chủ của hàng loạt các bằng sáng chế khác nhau, đóng góp đáng kể cho tri thức nhân loại. Tuy nhiên, từ khi Việt Nam tham gia Hiệp ước về sáng chế (PCT) năm 1993 tới năm 2016, chỉ có hơn 90 đơn đăng kí bảo hộ sáng chế ra nước ngoài mà người Việt nộp qua hệ thống này.

Chục năm trở lại đây, cụm từ “kinh tế tri thức” được sử dụng rất nhiều ở Việt Nam. Hầu như ai cũng thuộc lòng rằng, tri thức, sức sáng tạo là vũ khí hiệu quả nhất quyết định khả năng cạnh tranh và phát triển của mỗi quốc gia. Thế nhưng nó mới dừng lại ở các khẩu hiệu.

Sáng tạo chưa bao giờ được coi là điểm mạnh của giáo dục Việt Nam. Trong khi các chuyên gia còn chưa ngã ngũ với nhau làm thế nào để cải cách nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà, thì để có một hệ thống thúc đẩy tư duy tự do, cởi mở, sáng tạo, có lẽ ta còn phải chờ đợi dài lâu. Chừng nào con trẻ Việt Nam còn học các bài văn mẫu, các nội dung đóng khuôn để được điểm cao chằn chặn như nhau, thì hy vọng vào một thế hệ trẻ đầy sức sáng tạo còn mơ hồ.

Còn nói về lực lượng nghiên cứu, rõ ràng Việt Nam có đông đảo các giáo sư, tiến sĩ, nhưng nhiều người vẫn thắc mắc rằng bao nhiêu nhà nghiên cứu mà sao chẳng sáng tạo ra cái gì cho dân. Nói thế cũng không công bằng với các nhà nghiên cứu nghiêm túc và tâm huyết, vì thực tế, cơ sở vật chất cho nghiên cứu ở Việt Nam quá nghèo nàn, trong khi sáng tạo không chỉ là sáng tạo suông. Chính vì thế, các trung tâm nghiên cứu lớn trên thế giới với số tiền đầu tư khổng lồ cho trang thiết bị thường là nơi sản sinh ra các bằng sáng chế với số lượng lớn nhất. Ở Việt Nam, đầu tư từ ngân sách nhà nước cho khoa học tuy có tăng nhưng rất hạn chế. Theo một nghiên cứu gần đây, chi phí cho đào tạo cán bộ khoa học công nghệ chỉ khoảng 1.000 USD mỗi nhà khoa học một năm so với ở các nước phát triển là khoảng 55.000 USD, chưa nói đến việc tiền đó được sử dụng hiệu quả hay chưa. Đầu tư của các doanh nghiệp trong nghiên cứu cũng rất khiêm tốn, có lẽ vì khoa học không mang lại nhiều lợi nhuận cao trong ngắn hạn như xây resort.

Phải chăng chúng ta đang ở trong một vòng luẩn quẩn: Không có tiền đầu tư cho khoa học thì tụt hậu, và tụt hậu thì lại càng không có tiền đầu tư cho khoa học?

Nhìn rộng hơn, Việt Nam còn chưa có cơ chế bảo đảm hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ – động lực căn bản để thúc đẩy sáng tạo. Chuyện vi phạm sở hữu trí tuệ xảy ra hàng ngày, người ta đọc xong, lắc đầu, thở dài rồi cũng đi vào quên lãng. Trong khi các quốc gia đang phát triển khác đã có chiến lược sở hữu trí tuệ từ lâu, Campuchia có từ năm 2016, Trung Quốc có trước đây cả chục năm, thì Việt Nam mới rục rịch bắt tay vào xây dựng chiến lược này từ đầu năm 2017. Hơn nữa, không đảm bảo hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ khiến nhà đầu tư nước ngoài ngại ngần khi tiếp cận thị trường công nghệ thông tin ở Việt Nam.

Tôi vẫn tin là người Việt cần cù, sáng tạo. Tuy nhiên, từ phẩm chất đến thực lực, cần có một môi trường.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,