Những vụ bê bối lưu danh sử sách của Tổng thống Mỹ thứ 29

Warren G. Harding – Tổng thống Mỹ thứ 29 (1921-1923) – là một trong những tổng thống có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ với vỏn vẹn 881 ngày tại vị. Tuy nhiên, chỉ trong 881 ngày ngắn ngủi ấy, nguyên thủ có vẻ ngoài rất bảnh bao này đã phạm phải không ít sai lầm.

Những vụ bê bối lưu danh sử sách của Tổng thống Mỹ thứ 29

“Băng đảng Ohio” và vụ bê bối thế kỷ Teapot Dome

Xếp hạng đầu trong danh sách những scandal được xem là tai tiếng nhất trong lịch sử Mỹ là vụ buôn bán dầu lửa Teapot Dome. Và đáng buồn cho vị Tổng thống Hoa Kỳ thứ 29 là “quả bom” Teapot Dome lại phát nổ vào đúng những ngày tại vị của ông và tác nhân châm ngòi không ai khác là… chính Warren Harding.

Chuyện bắt đầu từ việc ông – một người nổi tiếng có tính tình dễ chịu, quảng giao – bất chấp mọi lời can gián, vẫn tin tưởng bổ nhiệm những người bạn cũ của ông, những người mà báo chí thời đó gọi một cách mỉa mai là “băng đảng Ohio” (ám chỉ một cách bóng gió những kẻ hoạt động không khác những tên mafia hoạt động lén lút tại bang Ohio thời bấy giờ), vào danh sách nội các, làm tư lệnh trong nhiều lĩnh vực trọng yếu.

Trong số đó, đáng chú ý nhất là những cái tên như: Albert B. Fall được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Nội vụ, Edwin C. Denby và Harry Daugherty lần lượt nắm Bộ trưởng Hải quân và Bộ trưởng Tư pháp. Dư luận, báo chí thời đó đã không ngần ngại mà chế nhạo rằng trong số 27 triệu đàn ông Mỹ lúc bấy giờ, vị Tổng thống thứ 29 đã chọn phải những kẻ tồi tệ nhất.

Và sự dễ dãi, thỏa hiệp trong cung cách lựa chọn thành viên nội các đã nhanh chóng khiến vị tân tổng thống phải trá cái giá rất đắt. “Không hổ danh” là kẻ vẫn được dư luận cho là thích cướp đất đai và tài sản cho vào túi riêng, Albert B. Fall đã thuyết phục Harding giao quyền giám sát trữ lượng dầu mỏ từ Bộ Hải quân về Bộ Nội vụ. Sau đó, mưu đồ của Albert B. Fall là cho các công ty dầu thuê đất xung quanh khu khai thác dầu Elk Hills ở bang California và Teapot Dome ở bang Wyoming rồi thu tiền đút túi riêng.

Tuy nhiên, “nhân tính không bằng trời tính”, cái bóng của ngài tổng thống đã không thể đủ lớn để che chắn cho những mưu đồ lợi ích của ông Bộ trưởng Nội vụ. Sự việc bại lộ, các cuộc điều tra cho thấy Albert B. Fall đã nhận hối lộ hơn 400.000USD. Bộ trưởng Nội vụ Albert B. Fall phải từ chức và bị kết tội tham nhũng, trở thành thành viên nội các đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ phải ngồi tù.

Cho dù cơ quan điều tra, hoặc không thể tìm ra hoặc bị ép buộc “ỉm” đi những bằng chứng chứng minh sự liên đới của Warren Harding thì chiếc ghế tổng thống và uy tín của Harding cũng không thể không rung chuyển và giảm mạnh. Cũng vì cái tội quản lý nội các thiếu hiệu quả, dùng người theo cảm tính, dễ dãi và theo tình thân mà Warren Harding bị các sử gia xếp vào “top” những tổng thống kém tài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Điều chua chát là chính Warren Harding cũng từng than phiền “Tôi không đủ sức cho chức vụ này”.

Những cuộc tình trong bóng tối

Với mái tóc ánh bạc, lông mày đậm, dáng người cao to, khuôn mặt đẹp trai, tươi tắn, tính tình quảng giao, Warren Harding được đánh giá là một trong những tổng thống Mỹ đẹp trai nhất và đa tình nhất. Cũng chính vì cái tiếng đa tình này mà chỉ trong vòng 881 ngày tại vị, bao trùm xung quanh Warren Harding đến cả khi ông mất là những câu chuyện tình bí ẩn.

Mãi đến tháng 7/2014, khi Thư viện Quốc hội Mỹ quyết định công bố hơn 100 bức thư tình lãng mạn, đầy đam mê mà cựu Tổng thống Mỹ Warren Harding viết cho người tình Carrie Fulton Phillips, một trong những cuộc tình trong bóng tối của Harding, mới được chính thức hé lộ.

Báo chí lá cải chắc chắn sẽ có cơ hội để đào bới nếu họ biết được sự thật rằng nguyên thủ đứng đầu nước Mỹ từng gian díu với vợ của một trong những người bạn thân nhất của ông suốt 15 năm. Cuộc tình của họ chỉ kết thúc vào thời điểm trước khi ông Warren Harding nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 1921. Khi đó, bà Carrie Phillips đã từ chối “ra đi trong im lặng” và buộc lãnh đạo Đảng Cộng hòa phải chi tiền cho bà đi du lịch Nhật Bản và một khoản tiền gọi là “lương hưu hằng năm”.

Mọi chuyện sẽ còn rắc rối và nghiêm trọng hơn nữa với ngài tổng thống nếu thời điểm đó, thông tin mà tờ The Guardian của Anh đưa ra là sự thật: Người tình Carrie Phillips của ông từng là điệp viên của Đức và đã tham gia trong mạng lưới điệp viên giúp Đức đánh chìm hệ thống tàu hải quân của Anh. Và rằng, chính bà Carrie Phillips đã gây sức ép buộc ông Warren Harding bỏ phiếu chống lại cuộc chiến tranh với Đức vào năm 1917, nếu không, bà sẽ công khai mối quan hệ giữa hai người.

Cũng vì lý do này mà các thành viên trong gia đình Harding kiên quyết muốn giữ bí mật nhạy cảm trên và thỏa thuận để Thư viện Quốc gia niêm phong những bức thư tình trên trong suốt 50 năm. Dư luận sẽ mãi mãi không biết được điều này cho đến năm 2014, nghĩa là tới 91 năm sau ngày Warren Harding vĩnh viễn từ bỏ thế giới này, gia đình Harding mới đồng ý công bố những bức thư.

Nhưng, điều đáng nói là đó không phải là “cuộc tình trong bóng tối” duy nhất của vị Tổng thống thứ 29 của nước Mỹ. Bản tính đào hoa đã khiến Harding vướng vào các mối quan hệ ngoài luồng với vô số phụ nữ. Trong số những cuộc tình “có số có má” nhất, ngoài với Carrie Phillips kể trên còn là cuộc tình với Nan Britton, người phụ nữ trẻ hơn ông đến 30 tuổi.

Cũng giống như cuộc tình với Carrie Phillips, mọi chuyện được giấu kín tới mức có thể. Ngay cả chuyện Harding có một đứa con riêng với Britton cũng chỉ dừng lại ở mức độ tin đồn cho đến một ngày, cuốn sách mang tên “Con gái của tổng thống” do chính Britton chắp bút được xuất bản, đồng thời kết quả xét nghiệm AND con gái của bà Britton – Elizabeth Ann Blaesing – được chính thức công bố. Sở dĩ phải viện tới xét nghiệm AND bởi gia đình Harding cho rằng Tổng thống Harding đã bị quai bị khi còn nhỏ và không thể có con.

Theo nhiều tài liệu, Tổng thống Harding được cho là có hỗ trợ tiền nuôi con cho bà Britton, nhưng ông không công khai mối quan hệ cha con này. Hai cha con họ cũng chưa bao giờ gặp nhau.

Vương vấn lời nguyền Tippecanoe

Người Mỹ vốn nổi tiếng sống lý trí và không mấy tin vào đời sống tâm linh. Tuy nhiên, có những điều mà ngay đến cả những người Mỹ lý trí nhất cũng không thể không ngờ vực, trong số đó có lời nguyền mang tên Tippecanoe (hay còn gọi là lời nguyền Tecumseh) – được cho là đã đeo bám nhiều ông chủ Nhà Trắng trong hơn 100 năm qua.

Lời nguyền Tippecanoe nguyền rằng, bất cứ tổng thống Mỹ nào đắc cử vào năm có con số chia hết cho 20 cũng sẽ chết khi đang đương nhiệm. Trên thực tế, lịch sử Mỹ đã từng ghi nhận 6 tổng thống Mỹ chết trong nhiệm kỳ của mình khi đắc cử vào năm là con số chia hết cho 20. Người thì chết vì bệnh tật, người thì qua đời vì bị ám sát. Và Harding là 1 trong số 6 tổng thống Mỹ bất hạnh đó.

Trong chuyến công du dọc nước Mỹ tháng 8/1913, ở chặng nghỉ San Francisco, đêm ngày mùng 2, Warren Harding bị phát hiện đột tử tại khách sạn. Thời điểm đó, Warren Harding được cho là chết vì đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là không ai trong số những người có mặt tại căn phòng khách sạn Palace ở San Francisco có thể đưa ra thời gian chính xác Harding chết vào giờ nào, 7 giờ 10’, 7 giờ 20’ hay 7 giờ 30’ tối 2/8/1923. Không ai biết chắc người nào có mặt tại đó khi ông trút hơi thở cuối cùng.

Điều lạ nhất là cả 4 bác sĩ chăm sóc cho Tổng thống Harding trong tuần đó không thể thống nhất về nguyên nhân cái chết của ông: bà Florence, bác sĩ, người hầu – mỗi người tung một tin riêng, gồm đau tim, tai biến não, ngộ độc. Đáng ngờ vực nữa là người ta hoàn toàn có thể xác định thời gian Tổng thống Harding ngừng thở qua việc khám nghiệm tử thi nhưng trên thực tế, Đệ nhất phu nhân Florence đã từ chối cho khám nghiệm tử thi.

Sự việc kỳ lạ đã khiến báo giới và dư luận Mỹ thời ấy xôn xao, nghi hoặc. Khi những lý do đau tim, tai biến, ngộ độc, thậm chí cả tự tử không giàu sức thuyết phục thì nhiều người đã “nhớ” tới bà Florence Harding, cho rằng chính bà đã đầu độc chồng mình. Cơ sở cho nỗi ngờ vực này là việc Florence bị cho là quá ức chế trước ông chồng quá mức trăng hoa. Nghi vấn càng trở nên sáng rõ khi trước lúc phải dọn khỏi Nhà Trắng, Florence đã tự tay đốt một nửa số tài liệu và thư của ông chồng tổng thống.

Tuy nhiên, mọi nghi vấn cũng chỉ là nghi vấn bởi chẳng có cơ sở nào đủ sức thuyết phục để chứng minh. Chỉ lời nguyền Tippecanoe là còn vương vấn mãi.

Theo VOV

 

Tags: