Những điều cần biết về xã hội học môi trường

Mục đích của bài viết này là nhằm miêu tả sự xuất hiện của xã hội học môi trường, và phác họa những đặc điểm chủ yếu khiến cho chuyên ngành mới này trở thành một lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt. Chúng tôi sẽ đề cập đến một số vấn đề cụ thể hơn nhằm đạt được mục đích trên.

Những điều cần biết về xã hội học môi trường

Tác giả: Riley E. Dunlap (Giáo sư, Trường Đại học bang Okalahoma), William R. Catton (Giáo sư, Trường Đại học bang Washington).

Lược dịch: Bùi Đức Kính (Thạc sĩ. Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Viện Phát triển Bền vùng Nam Bộ).

Nguồn: Bài viết Environmental Sociology đăng trong Tạp chí Annual Review Sociology, số 5, xuất bản năm 1979, tr. 243-273. Bài dịch là một phần sản phẩm của Đề tài cấp Viện DTV08.3.4 “Tổng quan về xã hội học môi trường: Khái niêm, đối tượng, phương pháp và các trường phái lý thuyết” do Bùi Đức Kính làm chủ nhiệm. Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ làm chủ trì.

1. GIỚI THIỆU

Các bằng chứng thực tế cho thấy, con người đang tạo ra những tác động nguy hiểm và chưa từng có lên môi trường toàn cầu (Brown, 1978; Ophuls, 1977, SCEP, 1970; Woodwell, 1978). Những gì con người đang gây hại cho môi trường, mà sự sinh tồn của họ lệ thuộc vào, đã khiến nhiều cộng đồng trong xã hội phải quan tâm. Nó cũng ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, và đã dẫn đến sự xuất hiện của một chuyên ngành mới trong xã hội học – “ xã hội học môi trường”.

Mục đích của bài viết này là nhằm miêu tả sự xuất hiện của xã hội học môi trường, và phác họa những đặc điểm chủ yếu khiến cho chuyên ngành mới này trở thành một lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt. Chúng tôi sẽ đề cập đến một số vấn đề cụ thể hơn nhằm đạt được mục đích trên.

Trước hết, do các nhà xã hội học không xông xáo trong những nỗ lực ngần đây để tìm hiểu những nguyên nhân và hậu quả của các điều kiện môi trường đang bị thay đổi; vì thế, chúng tôi sẽ thảo luận ngắn gọn về những truyền thống của ngành đã khiến cho họ khó nhận ra tầm quan trọng của các vấn đề môi trường và những giới hạn sinh thái (ecological constraints) – đến mức đã phớt lờ những tiền đề quan trọng của xã hội học môi trường đương đại..

Thứ hai, chúng tôi sẽ sơ lược những phát triển gần đây về mặt thể chế trong nội bộ các hiệp hội xã hội học, để thấy xã hội học môi trường đang ngày càng được quan tam hơn. Những sự phát triển về thể chế này, thực chất, hàm ẩn một sự chuyển đổi, từ cái gọi là “xã hội học về các vấn đề môi trường” (sociology of environmental issues” thành “ xã hội học môi trường”( environmental sociology). Bài viết phần lớn sẽ đi vào chi tiết sự phân biệt giữa hai thuật ngữ hay hai giai đoạn phát triển này.

Phần thứ ba của bài viết sẽ điểm luận những nỗ lực trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, nhằm áp dụng các quan điểm xã hội học truyền thống trong nghiên cứu về giải tri nơi hoang dã (wildland recreation), quản lý tài nguyên (resource management), và chủ nghĩa môi trường (bao gồm cả “phong trào môi trường” và thái độ của công chúng đối với các vấn đề môi trường). Khi nhìn lại, ta có thể thấy rằng, các nghiên cứu xã hội học về các vấn đề môi trường” đó đã khiến một số nhà xã hội học nhận ra sự nổi bật mang tính xã hội học của môi trường tự nhiên, và từ đó tạo bàn đạp cho những nghiên cứu hiện nay của xã hội học môi trường.

Xã hội học môi trường công nhận một sự thật là, môi trường tự nhiên có thể tác động đến (và đến lượt nó bị ảnh hưởng bởi) các xã hội và hành vi con người. Vì vậy, các nhà xã hội học môi trường đã đi chệch khỏi một quan điểm truyền thống của xã hội học cho rằng, chúng ta chỉ có thể giải thích các sự kiện xã hội (social facts) bằng sự kiện xã hội khác. Qủa thật, chính sự chấp nhận của xã hội học môi trường, cho các biến số môi trường có ý nghĩa đối với nghiên cứu xã hội học, đã giúp tách xã hội học môi trường thành một lĩnh vực nghiên cứu riêng biệt. Do đó, trong phần thứ tư chúng tôi sẽ mô tả một “khung phân tích”, để giải thích các tương tác đa dạng giữa xã hội và môi trường (societal-environmental interactions) mà các nhà xã hội học quan tâm. Chúng tôi sẽ điểm qua các chủ đề nghiên cứu hiện đang được xã hội học môi trường chú ý: 1) môi trường xây dựng (built environment), 2) phản ứng có tổ chức đối với các vấn đề môi trường (organizational response to environmental problems), 3) các hiểm họa thiên tai (natural hazards), 4) SIA – đánh giá tác động xã hội (social impact assessment), 5) sự khan hiếm năng lượng và tài nguyên, 6) sự phân phối tài nguyên và khả năng chịu tải (carrying capacity).

Trong phần kết luận, chúng tôi sẽ thảo luận về tương lai của xã hội học môi trường – bao gồm những trọng tâm nghiên cứu có thể có, các quan hệ với ngành khoa học mẹ (xã hội học), và với nhiều ngành khác có liên quan đến nghiên cứu môi trường.

2. NHỮNG TRUYỀN THỐNG NGÀNH VÀ VIỆC BỎ QUA TIỀN ĐỀ CỦA XÃ HỘI HỌC MÔI TRƯỜNG

2.1. Truyền thống không quan tâm đến môi trường của ngành xã hội học

Xã hội học môi trường mới phát triển gần đây với những số lượng ít ỏi các nhà nghiên cứu quan tâm, cho thấy khó khan của ngành xã hội học trong việc tiếp cận với những vấn đề môi trường và các giới hạn sinh thái (ecological constraints). Khó khăn này là dễ hiểu, khi xem xét lại lịch sử phát triển của xã hội học, trong đó khái niệm “môi trường” mà hầu hết các nhà xã hội học sử dụng mang một nội hàm khác xa với khái niệm môi trường theo cách hiểu của các ngành khoa học khác và của xã hội nói chung. Theo quan niệm không chính thống của chuyên ngành xã hội học, “môi trường” bao gồm một tập hợp khác hẳn – đó là những ảnh hưởng mang tính xã hội và văn hóa tới hành vi của con người (nhằm phân biệt với những ảnh hưởng mang tính “di truyền”, ví dụ Swift, 1965).

Nhu cầu phân biệt ảnh hưởng mang tính “môi trường” và ảnh hưởng mang tính “ tính di truyền” đến sự khác nhau trong các kiểu hành vi con người (Bernard, 1922, tr. 84) không đòi hỏi phải bỏ qua một trong hai tác động trên khi nghiên cứu chi tiết hơn. Tuy nhiên, “ chủ nghĩa phản quy giản luật” (anti-reductionism) lại có tính bắt buộc, nhằm đưa xã hội học đạt được sự độc lập so với các ngành khoa học khác , cho nên các nhà xã hội học đã không chọn “tính di truyền” (heredirarian). Do vậy, ngành xã hội học đã có gắn bó chặt chẽ với (cái từng có ý nghĩa là) “chủ nghĩa môi trường” (Swift, 1965).

Để đạt được những bước tiến xa hơn, các nhà xã hội học đã tiếp tục cố gắng phân biệt giữa môi trường xã hội và văn hóa với môi trường tự nhiên và sinh học (Bernard, 1925, tr. 325-328). Lại một lần nữa, không phải xuất phát từ những nhu cầu hợp lý, mà từ những điều cấm kỵ chống lại “thuyết quyết định địa lý” (geographical determinism), cho nên những nghi nhận của ngành xã hội học về tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đã bị hạn chế và bóp méo (Choldin, 197a, tr. 353; Michelson,1976, tr. 8-23). Thêm vào đó, sự quan tâm của xã hội học về bối cảnh hệ sinh thái và hậu quả đối với cuộc sống con người, cũng bị rang buộc chặt chẽ bởi điều cấm kỵ tương tự với “chủ nghĩa sinh học” (Burch, 1971, tr.14-20).

Những hạn chế mang tính chuyên ngành nêu trên, đã làm cho các nhà xã hội học không nhận thức được hoặc xem thường những tiền đề xã hội học quan trọng đối với nghiên cứu gần đây về xã hội học môi trừơng. Ví dụ, họ bỏ qua trương sách viết về “ Môi trường Tự nhiên” của Landis (1949) và hai bài báo khác của Mukjee (1930;1932). Những tác phẩm này cho rằng, loài người hiện đại (Homo sapiens) có thể tồn tại bền vững và duy trì sự thống trị khi và chỉ khi họ chịu tìm hiểu và tuân thủ những động lực của hệ sinh thái (ecosystem forces). Các phân tích của Sorokin(1942, tr. 66-67, 122, 162-64, 289) về những hậu quả xã hội của nạn đói cũng bị đánh giá thấp, vì nó không phù hợp với sự tin tưởng mãnh liệt cho rằng, xã hội loài người hoàn toàn độc lập với những giới hạn môi sinh ( bio-envirronmental constraints).

2.2. Sự công nhận về mặt thể chế đối với xã hội học môi trường

Có ba sự phát triển về mặt thể chế phản ánh sự ra đời và phát triển của xã hội học môi trường, và trong chừng mực nào đó phản ánh sự chuyển đổi từ “ xã hội học về các vấn đề môi trường” sang “ xã hội học môi trường”.

Trước hết, vào năm 1964, một vài thành viên của Hội xã hội học Nông thôn (Rurul Sociological Society) – những người quan tâm đến các vấn đề có liên quan đến sử dụng rừng, nước, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác – đã thành lập một “Ủy ban về các khía cạnh Xã hội học của Nghiên cứu Lâm nghiệp” (Sociological Aspects of Forestry Research Committee). Vài năm sau, nó được đổi tên thành “Uỷ ban Nghiên cứu các Khía cạnh Xã hội học của Phát triển Tài nguyên Thiên nhiên” (Natural Resources Research Group) – một trong những nhóm nghiên cứu lớn nhất và năng động nhất của Hội Xã hội học Nông thôn.

Thứ hai, vào năm 1972, Hội nghiên cứu các Vấn đề Xã hội (Society for the Study of Social Problems) quyết định bổ sung một bộ phận mới trực thuộc: “Bộ phận về các Vấn đề Môi trường”. Bộ phận này được thành lập năm 1973, các thành viên của nó quan tâm đến nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau; tuy nhiên “chủ nghĩa môi trường” (environmentalism) và “môi trường như một vấn đề xã hội” (environment as o social problem) vẫn là những chủ đề được chú ý nhiều hơn cả.

Thứ ba, vào cuối năm 1973, Hội Xã hội học Mỹ (American Sociological Association) đã cho phép thành lập một ủy ban để “ phát triển những hướng dẫn nhằm giúp xã hội học đóng góp vào các đánh giá tác động môi trường” (Ad Hoc Committee on Environmental Sociology) được thành lập, đã thúc đẩy sự xuất hiện của người kế vị nó – “Bộ phận Xã hội học Môi trường” (section on Environmental Sociology) của Hội Xã hội học Mỹ. Bộ phận Xã hội học Môi trường được thành lập tại cuộc họp của Hội Xã hội học Mỹ năm 1975, và chính thức được công nhận năm 1976. Bộ phận này thể hiện đầy đủ những quan tâm mà hiện nay các nhà xã hội học môi trường đang theo đuổi.

3. XÃ HỘI HỌC VỀ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG

Nhiều nhà xã hội học quan tâm nghiên cứu các vấn đề môi trường, đầu tiên xuất phát từ các nghiên cứu truyền thống của xã hội như hành vi tiêu khiển (leisure behavior), xã hội học ứng dụng, và các phong trào xã hội (social movements). Trong đó các nghiên cứu về giải trí nơi hoang dã, vấn đề quản lý tài nguyên, và chủ nghĩa môi trường, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển chuyên ngành xã hội học môi trường.

3.1. Nghiên cứu về giải trí nơi hoang dã và các vấn đề quản lý tài nguyên

3.1.1. Nghiên cứu về giả trí nơi hoang dã

Nghiên cứu xã hội học về các hoạt động này, phát triển như một sự mở rộng trực tiếp của nghiên cứu xã hội học truyền thống về hành vi tiêu khiển (Cheek và Burch, 1976; Johannis và Bull, 1971).Trong một thời gian, việc quá chú tâm vào nghiên cứu về đặc điểm xã hội của khách tham quan giải trí đã bỏ qua các nghiên cứu về các đặc điểm môi trường của những khu vực giải trí và áp lực mà con người gây ra cho các khu vực đó.

Để dự đoán các loại hoạt động, mà cơ quan quản lý tài nguyên phải chuẩn bị, và dự đoán số lượt người tham quan các địa điểm giải trí, các nhà nghiên cứu tiến hành tìm hiểu các giá trị và thái độ (clark, 1971; Hendee, 1971), mạng liên kết xã hội (Hendee và Campbell, 1969), và đặc điểm nhân khẩu học của khách tham qua (Hendee,1969; While, 1975). Từ đó, các nhà nghiên cứu bắt đầu nhận ra sự phân biệt giữa việc sử dụng đất và tài nguyên mang tính tiêu dùng và không mang tính tiêu dùng (Wagar, 1969).

3.1.2. Vấn đề quản lý tài nguyên

Một số nhà xã hội học quan tâm đến những vấn đề mà các cơ quan quản lý tài nguyên phải đối mặt, và nó đã dẫn dắt họ đến các chủ đề môi trường. Chẳng hạn, Reeves và Bertrand (1970) đã nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến tốc độ thay thế lực lượng nhân viên kiểm lâm cao của công viên Quốc gia Yellowstone; và Devall (19973) nghiên cứu thế lưỡng nan (dilemma) mà Sở Lâm nghiệp Mỹ (US Forest Service) phải đối mặt, do cam kết của Sở nhằm tạo ra “lợi tứcc ổn định” từ cả hoạt động giả trí lẫn hoạt động sản xuất gỗ cho thương mại.

Các cơ quan quản lý tài nguyên, do chịu áp lực của sự gia tăng nhanh chóng số lượt người tham quan giải trí, đã bắt đầu đặt ra giới hạn cho việc tham quan các khu vực giả trí mà họ quản lý. Như chúng ta sẽ thấy sau đó, vấn đề “sự lạm dụng” (overuse) đã khiến các nhà xã hội học đi từ chỗ nghiên cứu các vấn đề quản lý và hành vi tiêu khiển, chuyển sang các nghiên cứu có ý nghĩa sinh thái hơn, như về khả năng chịu tải (carrying capacity) của môi trường. Theo đó, một nhà xã hội học theo định hướng truyền thống, nghiên cứu về giải trí nơi hoang dã và quản lý tài nguyên, đã bắt đầu chuyển thành một nhà xã hội học môi trường thực sự.

3.2. Nghiên cứu về chủ nghĩa môi trường: phong trào môi trường và dư luận

Thuật ngữ “chủ nghĩa môi trường” (environmentalism), từng dùng để chỉ sự quan tâm tới những ảnh hưởng phi di truyền (nonhereditary influences) lên hành vi, giờ đây được dùng để chỉ phong trào xã hội nhằm bảo vệ môi trường. Trong thập kỷ trước, phong trào này đã thành công trong việc: Nâng cao sự quan tâm của công chúng đối với hành vi tiêu thụ tài nguyên và gây ô nhiễm, thúc đẩy việc thông qua đạo luật về môi trường, và góp phần thiết lập các cơ quan môi trường ở các cấp chính quyền (Albrecht, 1976).

3.2.1. Phong trào môi trường (Environmental Movement)

Phong trào môi trường là đề tài của rất nhiều nghiên cứu xã hội học (xem thư mục mở rộng của Buttel và Morrison, 1977). Các nhà xã hội học đã tập trung nghiên cứu nguồn gốc của phong trào, một số người (Harry, 1974) nhấn mạnh tính tiếp nối của nó với Phong trào Bảo tồn (Preservationist Movement) trước đó; số khác (Schnaiberg, 1973) nhấn mạnh tầm quan trọng của sự vận động chính trị ở cấp độ cao, xuất phát từ các phong trào phản chiến và quyền công dân (Civil Rights and Anti-War Movements).

Các nghiên cứu thực tiễn đã tìm hiểu thành viên của các tổ chức môi trường, bao gồm địa vị kinh tế xã hội (Mitchell và Davies, 1978; Sills, 1975, tr. 26-29), lý do tham gia (Faich và Gale, 1971), mức độ tham gia vào hoạt động của tổ chức (Bartell và St. George, 1974), thái độ đối với các vấn đề giải pháp môi trường (Stallings, 1973).

3.2.2. Thái độ môi trường (Environmental attitudes)

Theo sau những nghiên cứu đầu tiên về thái độ của công chúng đối với các vấn đề môi trường cụ thể, như ô nhiễm không khí (DeGroot, 19667), là những nghiên cứu về thái độ đối với “ các vấn đề môi trường” nói chung, chẳng hạn như nghiên cứu của Murch (1971). Nhiều nghiên cứu đầu tiên chỉ đơn giản minh chứng các cấp độ của “sự quan tâm đến môi trường” của công chúng (xem các bảng biểu trong Albrecht và Mauss, 1975); nhưng về sau các nghiên cứu về mối tương quan của các thái độ tăng lên nhanh chóng.

Học vấn, tuổi tác, quan điểm chính trị, và nơi cư trú là những biến số có mối tương quan nhiều nhất tới thái độ quan tâm đến chất lượng môi trường: Học vấn cao, tuổi trẻ, quan điểm tự do, và nơi cư trú ở thành thị có ảnh hưởng tích cực tới thái độ quan tâm đến môi trường (Van Liere và Dunlap, 1979).

3.2.3. Tương lai của chủ nghĩa môi trường

Ủng hộ của công chúng đối với việc bảo vệ môi trường, dù có suy giảm như dự đoán kể từ đỉnh điểm của năm 1970 (Dunlap và các cộng sự, 1979), nhưng vẫn khá mạnh mẽ; và số thành viên của các tổ chức môi trường tiếp tục gia tăng (Mitchell và Davies, 1978). Tuy nghiên, bất chấp những nỗ lực đáng kể của các nhà môi trường, chính phủ, và những bộ phận khác trong xã hội nhằm bảo vệ chất lượng môi trường, nhiều nhà quan sát cảnh báo rằng, các vấn đề sinh thái hiện nay trở nên nghiêm trọng hơn so với trước khi phong trào môi trường nổi lên cách đây một thập niên (xem Brown, 1978).

Chắc chắn rằng, nhận thức ngày càng tăng về những vấn đề như: Chất gây ô nhiễm môi trường và ung thư, các thay đổi bầu khí quyển do xã hội gây ra (Woodwell, 1978), sự xói mòn đất nghiêm trọng, và các nguồn cung nhiên liệu hóa thạch đang suy giảm nhanh chóng (Brown, 1978; Ophuls, 1977), v.v. đã thúc đẩy sự quan tâm đối với chủ nghĩa môi trường; và sự phát triển trong tương lai của chủ nghĩa môi trường chắc chắn cũng sẽ chịu chi phối bởi nhận thức của xã hội về những vấn đề sinh thái chưa được khám phá.

4. SỰ XUẤT HIỆN CỦA XÃ HỘI HỌC MÔI TRƯỜNG

Vào giữa những năm 1970, nghiên cứu về các vấn đề môi trường, đã dẫn dắt một số nhà xã hội học bắt đầu quan tâm hơn tới sự xuất hiện cuẩ các vấn đề môi trường và các giới hạn sinh thái. Điều này đòi hỏi sự đánh giá lại các giả định được chấp nhận rộng rãi trong ngành xã hội học, chẳng hạn như giả định cho là, có thể hiểu các hành vi xã hội mà không hề quan tâm đến các môi trường tự nhiên (Jeffery, 1976). Theo sau thảo luận của Klausner (1971, tr. 8, 11, 25) về chủ nghĩa ngoại lệ con người (human exceptiionolism) của xã hội học, tên gọi HEP – “Mô thức ngoại lệ con người” (Human Exceptionalism Paradigm)(2) – được sử dụng để chỉ thế giới quan tiềm ẩn của xã hội học truyền thống (Catton và Dunlap, 1978a, tr. 42-43). Ngược lại, các tác phẩm của nhiều nhà xã hội học môi trường (Anderson, 1976; Burch, 1971, 1976; Buttel, 1976; Catton, 1976a; 1976b; Morrison, 1976; Schnaiberg, 1972; 1975) lại cho thấy nổi lên một tập hợp các giả định thay thế, nhấn mạnh sự phụ thuộc của xã hội loài người vào hệ sinh thái, và đặt tên nó là NEP – “Mô thức môi trường mới” (New Environmental Paradigm) (Catton và Dunlap, 1978a, tr, 45; xem thêm phê bình của Buttel (1978a) về sự phân biệt HEP-NEP và phản ứng của Catton và Dunlap (1978b).

Để phân biệt chính xác hơn giữa Mô thức Môi trường Mới và thế giới quan xã hội học truyền thống, các giả định nỗi thời, cần được gọi là HEP – Mô thức miễn trừ con người (Human Exemptionalism Paradigm)(2); bởi vì, các nhà xã hội học môi trường không phủ nhận rằng, người hiện đại (Homo sapiens) là một giống loài “ngoại lệ” (exceptional). Tuy nhiên, họ quan niệm: bất chấp các đặc điểm ngoại lệ (như văn hóa, kỹ thuật, ngôn ngữ, tổ chức xã hội tinh vi), con người cũng sẽ không được miễn trừ (exempt) khỏi các nguyên tăc sinh thái, các ảnh hưởng và giới hạn của môi trường.

Với tư cách một thế giới quan có nền tảng sinh thái, có lẽ nên gọi NEP là “Mô thức sinh thái mới”” (New Ecological Paradigm)(4), thay cho “Mô thức môi trường mới” như chúng tôi đã đề xuất. Điều mà NEP muốn làm chính là, xã hội học phải nhìn nhận nghiêm túc thế lưỡng nan (dilemma) thường bị bỏ qua. Đó là, xã hội loài người nhất thiết phải khai thác hệ sinh thái xung quanh để sinh tồn; nhưng các xã hội thúc đẩy sự thịnh vượng bằng cách khai thác qua độ hệ sinh thái, có thể hủy hoại chính nền tảng sinh tồn của mình (Burch, 1971, tr. 94).

4.1. Một khung phân tích cho xã hội học môi trường

Nghiên cứu về các tương tác giữa môi trường và xã hội chính là cốt lõi của xã hội học môi trường. Những tương tác đó phức tạp và đa dạng, cho nên các nhà xã hội học môi trường đã nghiên cứu rất nhiều hiện tượng (chủ đề) khác nhau. Để làm rõ phạm vi nghiên cứu của chuyên ngành này và tổ chức phân loại những hiện tượng (chủ đề) mà nó nghiên cứu, Dunlap và Catton (1979) gần đây đã đề xuất một khung phân tích (analytical framework). Khung phân tích này dựa trên nhận thức về “phức hợp sinh thái” (ecological complex), mà Duncan (1959, tr. 681-684; 1916) phát triển từ khái niệm “hệ sinh thái” của các nhà sinh vật học, như một phần nỗ lực của ông nhằm áp dụng quan điểm sinh thái học nói chung vào sinh thái nhân văn xã hội học (Duncan, 1961, tr. 142-149).

Các nhà sinh vật học định nghĩa hệ sinh thái, như là một cộng đồng sinh học tương tác qua lại (interacting biotic community) và môi trường của nó . Bởi vì khái niệm này vốn bao hàm nhiều giống loài, nên Duncan (1959; 1961) đã phát triển một phiên bản đơn giản hơn, tập trung vào con người và nhấn mạnh các khía cạnh của cuộc sống con người mà các giống loài khác không có. Cụ thể là, các cộng đồng người đã tận dụng công nghệ và tổ chức xã hội nhằm thích ứng với môi trường. Do vậy, “phức hợp sinh thái” của Duncan tập trung vào sự phụ thuộc lẫn nhau giữa bốn yếu tố cơ bản: Dân số (Population), thiết chế (Organization), môi trường (Environment), và công nghệ (Technology) (POET); và nhấn mạnh rằng mỗi yếu tố đều có liên quan đến các yếu tố còn lại (Duncan, 1959, tr. 684). Mặc dù “phức hợp sinh thái” không hoàn toàn đồng nghĩa với “hệ sinh thái”, nó vẫn cung cấp một công cụ nhận thức hữu íh để xem xét các tương tác giữa các xã hội loài người với môi trường xung quanh.

Không may là, các nhà sinh thái nhân văn thuộc xã hội học không sử dụng phức hợp sinh thái để tiếp cận cái mà chính họ xem là nhiệm vụ cơ bản của mình. Cụ thể, “Tìm hiểu làm thế nào một cộng đồng dân cư tự tổ chức nhằm thích ứng với một môi trường có nhiều giới hạn và thường xuyên thay đổi” (Berry và Kasarda, 1977, tr. 12). Thay vào đó, các nhà sinh thái nhân văn thuộc xã hội học lại thường chú ý đến bản thân thiết chế xã hội, hơn là quan tâm đến vai trò của thiết chế (và công nghệ) trong viêc cho phép các cộng đồng dân cư thích ứng với môi trường của họ. Hơn nữa, các nhà xã hội học môi trường dường như cảm thấy rằng: Các nhà sinh thái nhân văn thuộc xã hội học đã cố ý bỏ qua môi trường vật lý (Choldin, 1978a, tr. 355); hoặc không quan tâm các khía cạnh của hệ sinh thái không thuộc về con người hay không bắt nguồn từ hoạt động của con người (Dunlap và Catton, 1979; Molotch và Follett, 1971, tr. 15-16). Vì vậy, “môi trường” trong phức hợp sinh thái, chỉ được xem như một biến số không gian (spatial variable); chứ nó không có hàm nghĩa về mặt tự nhiên (Michelson, 1976, tr. 13-23). Chính vì hiểu “môi trường” theo cách đó, các nhà sinh thái nhân văn thuộc xã hội học đã thiếu một nền tảng cơ bản để có thể quan tâm đến các vấn đề môi trường đương đại.

Ngược lại với sự chú trọng vào thiết chế của sinh thái nhân văn thuộc xã hội học, đặc điểm cơ bản của xã hội học môi trường chính là sự coi trọng môi trường như một yếu tố có thể ảnh hưởng đến, và đến lượt nó chịu ảnh hưởng bởi hành vi con người (Catton và Dunlap, 1978a; Dunlap và Catton, 1979; Schnaiberg, 1972; Zeisel, 1975). Hơn nữa, đối với các nhà xã hội học môi trường , yếu tố “môi trường” (E) trong “phức hợp sinh thái” (POET) hàm ghĩa môi trường tự nhiên hơn là môi trường xã hội (social environment). Ba yếu tố còn lại – P, T, và O – tạo nên cái mà Park (1936, tr. 15) gọi là “phức hợp xã hội” (social complex). Do vậy, xã hội học môi trường nghiên cứu mối quan hệ giữa môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Cũng như các nhà sinh vật học, xem cộng đồng sinh học và môi trường của chúng là một hệ sinh thái; các nhà xã hội học môi trường có thể công nhận phức hợp xã hội của Park và môi trường của nó, như là một thực thể phức hợp sinh thái của Duncan đã được đề xuất để nghiên cứu.

4.1.1 Các lọai môi trường

Trong các tài liệu xã hội học môi trường , khái niệm môi trường dường như có nghĩa liên tục từ môi trường hoàn toàn nhân tạo đến môi trường hoàn toàn tự nhiên (Dunlap và Catton, 1979; Popenoe, 1977, tr. 22-23). Để xây dựng một khung phân tích cần phải chia thể liên tục này thành ba loại: Môi trường tự nhiên (chẳng hạn như các khu vực hoang dã, trầm tích khoáng chất, v.v.), môi trường nhân tạo (chẳng hạn như nhà ở, nhà máy, đường cao tốc, v.v.), và môi trường “được điều chỉnh” (“modified” environment). Các loại môi trường này chịu sự điều chỉnh của con ngừơi ở nhiều cấp độ khác nhau (chẳng hạn các hồ bị ô nhiễm, các cảnh quan được qui hoạch, các nông trại xói mòn, v.v.) – những điều chỉnh có thể là vô tình hay hữu ý, có thể tốt hoặc xấu.

Các nhà xã hội học môi trường khó có thể bắt đầu nghiên cứu nghiêm túc về sự liên quan của bất kỳ loại môi trường nào nêu trên đến xã hội học. Bởi vì, trong ngành xã hội học, “môi trường” có ý nghĩa hoàn toàn khác – đó là “môi trường xã hội” (social environment) (Jefery, 1977, tr. 123; Michelson, 1976, tr. 17-18).

4.1.2. Cấp độ tương tác

Khi xem xét các tương tác giữa con người và các loại môi trường, cần phải nhận ra những tốc độ tương tác khác nhau; nhưng các truyền thống mà ngành thừa hưởng từ G.H. Mead, W.I. Thomas, và những người khác (Choldin, 1978a, tr. 353) đã dẫn dắt các nhà xã hội học đến chỗ chỉ nhận ra cấp độ tương tác “biểu tượng” hay “ nhận thức” (“symbolic” or “cognitive” interaction). Ở cấp độ này con người, các nhóm các thiết chế, và các xã hội phản ứng với những ý nghĩa mà họ gán cho những điều kiện môi trường khác nhau, và đồng thời hành xử theo nhận thức của mình về môi trường xung quanh (Klausner, 1971, chương 3; 1972, tr. 338).

Trong khi phân biệt giữa các cấp độ biểu tượng và phi biểu tượng của tương tác được chú trọng (Dunlap và catton, 1979), nhằm để các nhà xã hội học hiểu tầm quan trọng của cấp độ phi biểu tượng, cần có một sự phân biệt tinh tế hơn khi xem xét các tài liệu hiện có. Vì vậy, người ta có thể phân biệt các tương tác nhận thức (cognitive interaction), tương tác hành vi (behavioral interaction), tương tác sinh lý (physiological interaction) giữa con người – với tư cách cá nhân lẫn tập thể – và các môi trường của họ (xem: Geddes và Gutman, 1977, tr. 162) để thấy một cơ chế tương tự.

Các nhà khoa học xã hội khá chú ý đến hai loại tương tác đầu (tương tác nhận thức và tương tác hanh vi), xem xét các tác động của môi trường lên nhận thức (thái độ, nhân cách, v.v.) và hành vi, và ngược lại. Chẳng hạn, các nhà xã hội học đã nghiên cứu quan hệ giữa sự tiếp xúc với ô nhiễm không khí và nhận thức về nó (nhận thức về tính nghiêm trọng của nó, lo lắng về những tác động của nó, v.v. – xem DeGroot, 1967), cũng như giữa sự tiếp xúc và hành vi thực tế như vận động dân cư (Van Arsdol, 1969). Tuy nhiên, khi nhận thức ngày càng tăng, rằng các điều kiện môi trường có những ảnh hưởng mang tính sinh lý, ví dụ như ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên sức khỏe (Lave và Seskin, 1977), người ta bắt đầu thấy tầm quan trọng của việc cân nhắc đến các tương tác sinh lý.

Tóm lại, để hiểu toàn bộ các tương tác giữa con người với môi trường, các nhà xã hội học môi trường phải xem xét các tương tác nhận thức, tương tác hành vi, và tương tác sinh lý cũng như rất nhiều cách kết hợp và hoán vị giữa chúng. Ví dụ, những tác động lên hành vi con người của môi trường sẽ chịu ảnh hưởng của các tương tác nhận thức (chẳng hạn, các nỗ lực tránh tiếp xúc với ô nhiễm sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nhận thức về tính nghiêm trọng của sự ô nhiễm đó). Trong khi, bản thân các tương tác nhận thức lại chịu sự điều chỉnh của các tác động sinh lý (ví dụ, các cá nhân mắc bệnh hô hấp do khói bụi có thể sẽ thay đổi thái độ đối với ô nhiễm không khí). Dĩ nhiên, đây chỉ là hai trong nhiều kiểu hành vi có thể có, và các nhà xã hội học môi trường rõ rang phải chú ý đến rất nhiều hiện tượng để hiểu bản chất phức tạp của các tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên (xem Hinkle và Loring, 1977 về tính phức tạp của con người với các môi trường nhân tạo).

4.1. Các lĩnh vực nghiên cứu của xã hội học môi trường

Là một lĩnh vực nghiên cứu đang nổi lên, xã hội học môi trường vẫn chưa phải là một khu vực hoàn toàn gắn kết; nó bao gồm nhiều quan tâm đa dạng với rất ít chồng chéo và thiếu sự trao đổi giữa các tư tưởng. Sự thiếu vắng một truyền thống nghiên cứu thực tiễn lâu dài, nhiều công trình trong lĩnh vực này vẫn mang tính khái niệm (conceptual) và tự biện (speculative), và phần lớn các nghiên cứu thực tiễn vẫn chỉ xuất hiện một lần và chưa được lặp lại.

Mặc dù tác phẩm của các nhà xã hội học môi trường vẫn còn sự khác biệt đáng kể về mức độ phản ánh Mô thức Sinh thái Mới (NEP), nhưng các công trình đó vẫn ngắn kết với nhau nhờ vào mối quan tâm chung đối với môi trường tự nhiên, như là một nhân tố ảnh hưởng (và chịu ảnh hưởng bởi) hành vi xã hội. Vì vậy các nhà nghiên cứu tập trung vào môi trường, dù là môi trường tự nhiên hay môi trường được xây dựng, đều có điểm chung là đi chệch khỏi giả định của Durkheim, rằng các hiện thực xã hội chỉ có thể được giải thích bằng các hiện thực xã hội khác. Phần tiếp theo sẽ điểm qua các nghiên cứu ở một số lĩnh vực cụ thể hơn của xã hội học môi trường.

4.2.1. Môi trường xây dựng (The Built Environment)

Vượt ra ngoài sự quan tâm thông thường đối với các thành phố, ngoại ô, khu dân cư, và nhà ở, xã hội học đã bắt đầu dành sự quan tâm cho môi trường nhân tạo hay “môi trường xây dựng” – built environment – (Angrist, 1975; Michelson, 1977; popenoe, 1977; Zeisel, 1975). Sự quan tâm này đã tăng nhanh trong thập niên qua nhờ có sự cộng tác giữa các nhà xã hội học với các kiến trúc sư và nhà quy hoạch, để thiết kế và đánh giá nhà ở, các loại công trình xây dựng khác, và các cộng đồng dân cư (Choldin, 1978a; Gutman. 1972, 1975; Keller, 1978; Michelson, 1975). Tuy nhiên, các nhà xã hội học mới chỉ thể hiện sự quan tâm rõ rang và liên tục đối với mối tương tác giữa con người và môi trường xây dựng gần đây. Môi trường xây dựng xuất hiện như một phần của lĩnh vực liên ngành, có tên gọi là “Quan hệ con người-Môi trường” (Man-Evironment Relations) hay MER (Zeisel, 1975). Trong lĩnh vực này, các kiến trúc sư và nhà tâm lý học đã có những đóng góp vượt trội, đặc biệt là nghiên cứu về ảnh hưởng của các môi trường xây dựng đối với con người hơn là chiều ngược lại (Jenkins, 1978)

Các nghiên cứu cho thấy, ảnh hưởng của môi trường xây dựng lên hành vi con người là cực kỳ quan trọng, xét từ góc độ đề xuất chính sách. Bởi vì, nó hàm ý có thể thay đổi hành vi thông qua kiểu thiết kế – một giả định đã đựơc các kiến trúc sư phóng đại lên (Gutmam, 195; Jenkins, 1978), nhưng là một giả định trung tâm của khía cạch “thiết kế hành vi” (behavioral design) thong MER. Các nghiên cứu mang tính thách thức gần đây cho rằng, một thiết kế môi trường phù hợp có thể đóng một vai trò quan trọng trong phòng ngừa tội phạm (Newman, 1973; Jeffrey, 1977).

4.2.2. Phản ứng cuả các thiết chế, công nghiệp, và chính phủ đối với các vấn đề môi trường

Tương tác giữa con người với môi trường xả ra ở nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn các ngành công nghiệp, các tổ chức tình nguyện, và các cơ quan cính phủ đều có thể ảnh hưởng, và bị ảnh hưởng bởi chất lượng môi trường. Một số ít (nhưng đang gia tăng) các điều tra xã hội học tập trung vào những tương tác này.

Ở Mỹ, trong suốt thập niên vừa qua, hàng ngàn “thiết kế môi trường” – từ địa phương tới trung ương – được thành lập nhằm phản ứng với các vấn đề môi trường đa dạng; tạo nên nòng cốt của phong trào môi trường (Michell và Davies, 1978). Ngoài ra, ở một số cộng đồng, những hiệp hội tình nguyện thuộc các nhà thờ hay hội kín cũng tham gia hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường.

Rickson (1974) nghiên cứu phản ứng của ngành công nghiệp đối với ô nhiễm qua các yếu tố gắn với việc chấp thuận các biệm pháp kiểm soát ô nhiễm nứơc trong một mẫu gồm 102 tổ chức công nghiệp ở Minnesota. Rickson (1977) đặc biệt chú ý đến thái độ của các nhà điều hành công nghiệp đối với những quy định về kiểm soát ô nhiễm của chính phủ. Trong nông nghiệp, nghiên cứu về các biến số liên quan đến việc thông qua các biệm pháp kiểm soát xói mòn đất của nông dân Midwestern (Pampel và Van Es, 1977; Taylor và Miller, 1978) cũng được thực hiện.

Ở cấp độ bang và liên bang, phân tích về phản ứng đối với những vấn đề môi trường thường do các nhà khoa học chính trị thực hiện. Họ đã nghiên cứu phản ứng với các vấn đề môi trường ở tất cả các cấp chính quyền (xem: Kraft, 1978). Tuy nhiên, Albecht và Geertse (1978) đã nghiên cứu mối quan hệ giữa quan điểm của các cử tri và phiếu biểu quyết của các nhà lập pháp về một biệm pháp quy hoạch sử dụng đất ở Utah. Dunlap và Allen (1976) cũng đã phân tích tác động của tư cách đảng viên, đối với sự biểu quyết tại quốc hội về các biệm pháp liên quan đến môi trường, và Buttel (1975) thì điều tra các biến số gắn với “việc bảo tồn khu vực tự nhiên” tại 97 quốc gia. Như vậy, cần có nhiều hơn nữa những nghiên cứu xã hội học về hành động của chính phủ đối với các vấn đề môi trường (đặc biệt khi chúng ảnh hưởng và bị ảnh hưởng bởi công nghiệp).

4.2.3. Các nguy cơ và thảm họa thiên nhiên

Bão lụt, hạn hán, mưa đá, và động đất, v.v. là “những sự kiện địa chất dữ dội,” có thể dẫn đến tử vong, thương tật, hư hại hoặc tổn thất. Phản ứng của con người trước những hiểm họa tự nhiên đó, đặc biệt là những lỗ lực để tránh thiên tai, đã thu hút được sự quan tâm đáng kể của các nhà khoa học xã hội – mặc dù nhà địa lý học quan tâm nhiều hơn nhà xã hội học – (ví dụ Burton và các cộng sự, 1978; White và Haas, 1975). Kates (1971) đã lưu ý rằng, có ba kiểu điều chỉnh dùng để tránh các thảm họa tự nhiên. Thứ nhất , con người có thể tự điều chỉnh hành vi của mình bằng cách: Di chuyển khỏi các đồng bằng bị lũ lụt, trồng các loại cây chịu hạn hán, xây dựng các tòa nhà chống động đất, v.v. Thứ hai, con người có thể cố gắng điều chỉnh môi trường tự nhiên: Xây dựng các đập chắn lũ hay sử dụng nhiều kỹ thuật điều chỉnh thời tiết (weather modification) để tác động đến mưa tuyết hay mưa đá. Cuối cùng, bất kể là có hay không có những điều chỉnh trên, khi một thảm họa thiên nhiên tác động đến con người, họ phải thực hiện rất nhiều “điều chỉnh khẩn cấp”: như đưa ra các cảnh báo, các hoạt động giải cứu và trợ giúp, để giảm nhẹ mức độ thiệt hại kế tiếp.

4.2.4. Đánh giá tác động xã hội

Các nghiên cứu về SIA – đánh giá tác động xã hội (social impact assessment) ra đời chủ yếu do xã hội ngày càng quan tâm đến chất lượng môi trường. Sự tham gia của xã hội học vào đánh giá tác động xã hội ngày càng gia tăng, thể hiện qua số lượng ấn phẩm của các nhà xã hội học về đề tài này ngày càng nhiều. Chẳng hạn, bao gồm ba cuốn sách được biên tập bởi Finsterbusch và Wolf (1977), McEvoy và Dietz (1977), và Wolf (1974), một số phát hành đặc biệt của tạp chí Environmental Behavior (WOLF, 1975B), hai cuốn sách dài được soạn riêng cho các cơ quan chính phủ, và một thư mục dài có chú thích (Shields, 1974). Một bài bình luận về các ấn phẩm này nhận định, các nhà xã hội học đã tham gia thực hiện những nghiên cứu có liên quan đến đánh giá tác động xã hội trong rất nhiều dự án khác nhau, như xây dựng đường cao tốc, xác định vị trí nhà máy điện hạt nhân, quy hoạch đô thị, xây dựng hồ chứa, và khai mỏ.

4.2.5. Tác động của sự khan hiếm năng lượng và các tài nguyên khác

Sau phân tích mở màn của Cottell (1955) về sự phụ thuộc xã hội vào năng lượng được công bố, các nhà xã hội học gần như không quan tâm đến chủ đề năng lượng trong suốt hai thập niên kế tiếp (Duncan, 1978). Với rất ít ngoại lệ (chẳng hạn Burch, 1970), hầu hết các phân tích đều ngầm địng rằng, nguồn cung năng lượng là có sẵn trong các hệ thống xã hội – cho đến khi xuất hiện sự bất ổn về năng lượng vào năm 1973. Sau cú sốc đó, xã hội học lại bắt đầu chú ý đến tầm quan trọng về mặt xã hội của năng lượng.Theo đó, các ấn phẩm về chủ đề này cũng tăng lên đáng kể.

Sự thiếu hụt năng lượng trong tương lai được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong lối sống, và các nhà xã hội học đang nghiên cứu cách mà những thay đổi đó sẽ ảnh hưởng đến kiểu nhà, giao thông, việc làm, giải trí, v.v. (chẳng hạn, Klausner, 29975; Martin, 1973; Mulllgan, 1976a).

Sự tranh giành năng lượng và các nguồn tài nguyên khác cũng sẽ gây nên căng thẳng ở cấp độ quốc tế (Anderson, 1976, tr. 33-39; Morrison, 1976), và sự căng thẳng đó có thể chủyên thành mâu thuẫn (Cottel, 1955:198; Hardesty, 1977, tr. 154-155; Nelson và Honnold, 1976, tr. 346-347). Ví dụ, trong khi các quốc gia “phát triển” gần như tăng khai thác năng lượng lên gấp đôi trong biên giới nước mình vào giữa thập niên 1950 và 1973, thì họ lại tiêu thụ năng lượng tăng gấp ba trong cùng giai đoạn đó (Keyfitz, 1976, tr. 32). Vì vậy, các nước này, càng lúc càng phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với khoáng sản (Catton, 1976b).

4.2.6. Phân phối tài nguyên và khả năng chịu tải

Nhận thức được sự cạnh tranh để có các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ ngày càng ngay ngắt, các nhà xã hội học môi trường đã nghiên cứu cả những vấn đề gắn liền với việc phân phối tài nguyên khan hiếm và khả năng các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể bị lạm dụng (tức là vượt quá giới hạn khả năng chịu tải của môi trường)

4.2.6.1. Các vấn đề về phân phối tài nguyên

Sự cần thiết của việc phân phối tài nguyên thể hiện qua khái niệm “đa công dụng” (multiple use), một khái niệm phổ biến trong triết lý quản trị rừng (Burch, 1971, tr.107-108, 132; Devall, 1973). Tương tự, nước cũng có nhiều công dụng (Burch Cheek, 1974) – không chỉ là chất cần thiết cho tiêu dùng trực tiếp của con người, mà còn là trung gian vận tải, một thành tố của sản xuất công nghiệp, yếu tố cơ bản không thể thiếu trong tưới tiêu nông nghiệp, và là một hàng hóa có giá trị thẩm mỹ. Do đó, cả trong trường hợp tài nguyên nước lẫn đất rừng, việc độc chiếm một nguồn tài nguyên nhất định cho những mục đích cụ thể nào đó, đều có thể dẫn đến sự thiếu hụt nguồn tài nguyên đó cho những mục đích sử dụng khác.

4.2.6.2. Khả năng chịu tải

Cạnh tranh vì các nguồn tài nguyên có thể dẫn đến việc lạm dụng chúng , chẳng hạn như việc giả trí nơi hoang dã (Catton, 1971, tr. 347-348). Rất khó để có thể quyết định chính xác, việc sử dụng một khu vực nhất định cho mục đích giải trí ở mức độ nào thì phù hợp và không quá tải. Tuy nhiên, rõ ràng rằng, khái niệm khả năng chịu tải là quá quan trọng, đến nỗi nó không thể chỉ giới hạn ở khả năng chịu tải nơi giải trí (receational carrying capacity) (hay “xã hội” hoặc “tâm lý”). Khi con người có thể lạm dụng một công viên quốc gia, liệu họ có thể lạm dụng luôn cả hành tinh này? Nhiều tác giả (cụ thể Brown, 1978, tr. 37) nhận thấy, áp lực ngày càng tăng do 4 tỷ dân (số liệu năm 1979)(5) trên trái đất này tạo ra đối với hệ sinh thái, nền tảng tồn tại của loài người, đã bắt đầu vượt qua khả năng chịu tải.

Vì vậy những nghiên cứu mà các nhà xã hội học môi trường đang tiến hành đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn về khả năng xấu rằng, lòai người chúng ta có khả năng sẽ vượt quá khả năng chịu tải dài hạn của hành tinh này (Brown, 1978; Ophuls, 1977, tr. 134) hay thậm chí đã vượt quá rồi (Anderson, 1976, tr. 172; Catton, 1976c, tr. 281, 1978, tr. 245-2460 – như khi các nhóm người địa phương đã vượt quá khả năng chịu tải của môi trường ở địa phương trong quá khứ (ví dụ Bennett, 1976, tr, 178-186, 196-199; Catton, 1976a, tr. 263, 1976c, tr. 285).

5. KẾT LUẬN

Mặc dù sinh sau đẻ muộn, xã hội học môi trường đã thực sự trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng. Những phát triển về mặt thể chế gần đây đã góp phần nâng cao vai trò cũng như hợp thức hóa ngành học này; nhưng quan trọng hơn chính là, sự phát triển này cần phải tiếp tục để thúc đẩy quá trình giao lưu học hỏi giữa các nhà xã hội học môi trường. Quá trình trao đổi những khám phá và hiểu biết giữa các nhà nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng có thể bổ khuyết cho nhau, là hết sức cần thiết cho việc mở rộng phạm vi hiểu biết của chúng ta về các tương tác xã hội – môi trường.

Chúng tôi đã nhấn mạnh sự chuyên môn hóa của xã hội học môi trường (môn khoa học chuyên về những tương tác xã hội – môi trường), là quá trình chuyển hướng từ lối suy nghĩ của xã hội học truyền thống. Nhưng thực tế là, một số nhà xã hội học đã bắt đầu quan tâm đến xã hội học môi trường, sau khi tiếp cận những vấn đề môi trường từ quan điểm xã hội học truyền thống. Dù sao, chúng tôi cũng phải lưu ý rằng: việc nghiên cứu những vấn đề môi trường từ góc nhìn của xã hội học chính thống vẫn là một nhiệm vụ thực sự quan trọng, chứ không hẳn chỉ là viên đá lót đường cho ngành xã hội học môi trường đang trên đà phát triển. Chẳng hạn, lý thuyết và công trình nghiên cứu từ các ngành xã hội học truyền thống, đặc biệt là tâm lý học xã hội, đã sản sinh ra biết bao nhiêu nhà xã hội học ( nhưng không phải tất cả số này đều nhận mình là “nhà xã hội học môi trường”). Chính họ đã đưa ra nhiều lời phê bình sâu sắc về các chính sách của nhà nước, và có nhiều đề xuất xử lý nạn ô nhiễm môi trường, bảo tồn năng lượng v.v. cũng như nhiều gợi ý hữu ích giúp thay đổi chính sách sao cho hiệu quả (Hammer, 1974; Herberlein, 1974; Nelson & Honnold, 1976; Olsen &Goodnight, 1977). Những phân tích trên là rất quan trọng, chẳng hạn như việc đánh giá thực tiễn về các chương trình bảo tồn thiên nhiên (ví dụ Black, 1978) và nỗ lực thử nghiệm kêu gọi hành vi bảo tồn của con người (như Henberlein 1975). Tóm lại, trong lúc chờ đợi sự phát triển không ngừng của ngành xã hội học môi trường với tư cách là một lĩnh vực nghiên cứu độc lập, chúng ta phải nhận ra nhu cầu của các nhà nghiên cứu hoạt động trong lĩnh vực truyền thống, nhưng lại quan tâm đến các vấn đề của môi trường. Nhu cầu cần phải có nhiều hơn các nghiên cứu từ “xã hội học môi trường” và “xã hội học về các vấn đề môi trường” vẫn sẽ tiếp tục tăng trong tương lai.

Các nhà xã hội học môi trường không chỉ cần bắt đầu xem xét những yêu cầu về tổ chức xã hội trong một xã hội như thế (như từ mô hình nhà ở tiết kiệm năng lượng đến hạn chế tăng dân số đến mức bằng không), mà họ còn phải tìm ra cách thay đổi xã hội hiện thời để có thể đáp ứng yêu cầu trên. Kiến thức về những tương tác giữa các yếu tố cấu thành phức hợp xã hội (dân số, công nghệ, những hệ thống văn hóa, xẫ hội và con người) và môi trường tự nhiên sẽ là cần thiết trong việc giải quyết những vấn đề này. Vì thế, kiến thức có được từ những lĩnh vực nghiên cứu truyền thống như: Biến chuyển xã hội, hành vi lệch chuẩn, phân tầng xã hội, nhân khẩu học và tâm lý học xã hội là sẽ không thể thiếu.

Tóm lại, nhận thức được những hiện thực thuộc về sinh học và vật lý (biological and physical facts) có thể giúp lý giải các sự kiện xã hội (social facts), thường giúp các nhà xã hội học môi trường vượt qua được những ranh giới cứng nhắc của ngành (Burch, 1971, tr. 14-20; Catton, 1976b; Mulligan, 1976b; Schnaibẻg, 1975).

—————————

Chú thích:

(1) Chúng tôi đánh số (bản gốc không đánh số) cho các mục và tiểu mục theo logic bài viết để người đọc tiện theo dõi.
(2) Thuật ngữ “paradigm” đã được chúng tôi chú thích trong bài dịch “các mô thức, lý thuyết và xã hội học môi trường” đăng trên Tạp chí khoa học Xã hội, số 05(129)-2009, tr. 80-98.
(3) Thuật ngữ này đã được bàn trong bài viết “Xã hội học môi trường: Định nghĩa, đối tượng và phương pháp nghiên cứu”, đăng trên Tạp chí Khoa học Xã hội, số 08(132)-2009, tr. 26-35.
(4) Mô thức môi trường mới (New Environmental Paradigm) có bản chất giống nhau, nên tác giả vẫn dùng chữ viết tắt NEP cho cả hai mô thức này, tuy nhiên kể từ đó NEP cần được hiểu theo nghĩa của Mô thức sinh thái mới. Ngoài ra, từ “new” được một số đồng nghiệp chuyển ngữ thành “tân”; theo chúng tôi trong trường hợp này vẫn có thể dùng được từ “mới” nên chúng tôi đã dùng từ này. Ngoài ra, New Environmental Paradigm được một số dịch thành mô thức tân sinh thái học. Chúng tôi cho rằng, nếu dùng sinh thái học thay vì sinh thái có thể dẫn đến sự nhầm lẫn mô thức này như một ngành học, vì thế chúng tôi dịch New Environmental Paradigm thành Mô thức sinh thái mới.
(5) Dân số thế giới năm 2010 là 6,8 tỷ người (http://www.populationmedia.org/issues/population/)

Theo VUSTA.VN

Tags: