Những công trình hoành tráng không làm nên một đô thị văn minh

Đô thị văn minh được hình thành từ đâu? Không phải từ những công trình hiện đại, thời thượng, thông minh và gần gũi với môi trường tự nhiên… đô thị văn minh phải được hình thành từ những con người văn minh. Trong đó, cụ thể nhất là những con người đang sống trong nó, cùng góp phần tạo nên một cộng đồng với bản sắc văn hóa riêng của địa phương và những con người đang nắm các trách nhiệm từ nhỏ đến lớn trong chính đô thị ấy.

Những công trình hoành tráng không làm nên một đô thị văn minh

Ảnh: Siemens.

Cách đây vài hôm, UBND quận 3 – TP Hồ Chí Minh đã có buổi lễ mừng hoàn công công trình chỉnh trang lại vỉa hè khu vực xung quanh Hồ Con Rùa. Trước buổi lễ ấy chỉ một, hai ngày, những công nhân vẫn phải cặm cụi cầm máy mài đi mài thủ công từng viên đá lát đường thuộc dải đá dẫn đường cho người khiếm thị. Số là những viên đá được sử dụng có góc cạnh hơi sắc, có thể gây ra những chấn thương không đáng có cho những đôi chân không may. Và nó cần được mài bo tròn lại. Cái việc từng người thợ cặm cụi đi mài những viên đá cho thấy đó là một hành vi rất nhân văn, chu đáo và… vớ vẩn vô cùng. Câu hỏi đặt ra ở đây là “Tại sao ngay từ ban đầu không lựa chọn một loại đá lát phù hợp hơn để không phải tốn công sức, tiền của cho một việc thủ công đến thế?”. Và hơn tất cả, thứ đáng nói nhất chính là sự lấp liếm, tạm bợ khi thực tế những viên đá được mài chỉ là các viên nằm ở hai đầu của một dãy vỉa hè mà thôi. Còn những viên nằm ở giữa của dãy vỉa hè ấy vẫn ở nguyên hiện trạng ban đầu của nó. Như vậy, nếu nghiệm thu không kỹ lưỡng, người nghiệm thu có thể ký xác nhận công trình đã hoàn thành 100% theo đúng chất lượng yêu cầu trong khi thực tế thì khác xa hoàn toàn.

Chuyện mấy viên đá lát đường ấy cũng chẳng ai nhớ lâu. Vì ai mà biết được khi nào chúng lại được nạy lên để lát thay thế. Chuyện thay đá lát vỉa hè ở đô thị Việt Nam thì năm nào chẳng có.

Nhưng có một chi tiết thú vị của vụ chỉnh trang vỉa hè quanh Hồ Con Rùa. Ấy là ngay sau khi những chiếc ghế đá rất đẹp xuất hiện, chúng đã được các hàng quán xung quanh sử dụng thay cho bàn ăn, bàn cafe. Quá tiện, quá đẹp và quá chắc chắn. Nếu có “biến”, chỉ việc cầm cái ly, cái tô chạy biến đi là xong, khỏi cần phải dọn bàn dẹp ghế mất thời gian và tránh được nguy cơ bị tịch thu phương tiện hành nghề.

Cái cách những chiếc ghế đá kể trên được khai thác nhắc chúng ta nhớ về một thời kỳ sôi nổi với các hoạt động của một ông cựu phó chủ tịch quận 1. Ở thời điểm đó, số lượng lời khen dành cho ông là quá nhiều, tới mức độ có người xem ông như thần tượng. Ít ai quan tâm tới các ý kiến phản biện bị rơi tõm vào trong đám đông tung hô ào ạt kia chỉ vì nó không đồng thanh. Đó là các ý kiến đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả thực sự của chiến dịch dọn dẹp vỉa hè và thực chất nó có đúng với phương pháp quản lý đô thị khoa học hay chưa.

Một cái vỉa hè sẽ luôn sạch đẹp nếu người được quyền khai thác lợi ích từ nó bị ràng trách nhiệm chăm sóc nó vào đó. Trách nhiệm ấy cũng đi đôi với chế tài nghiêm khắc là tước quyền khai thác nếu để xảy ra vi phạm. Đó là cách làm phổ biến ở các đô thị văn minh hiện nay. Nó phổ biến vì nó khoa học, hợp lý và minh bạch. Nhưng tại sao nó không được áp dụng ở các đô thị Việt Nam cho dù không đòi hỏi phải đầu tư bất kỳ một thứ to tát gì? Chỉ có thể nói là do ý muốn của con người. Đơn giản, nếu áp dụng một hệ thống quản lý vỉa hè như thế, sẽ có không ít những cá nhân vốn dĩ đang hưởng lợi ngoài luồng từ vỉa hè bỗng dưng mất đi nguồn thu nhập cố định rất đáng kể này. Nói thẳng, đang tồn tại cả một “hệ thống chui” trong quản lý đô thị hiện nay mà không ai trong “hệ thống chui” ấy muốn nó bị xóa bỏ cả.

Cách đây vài năm, ở một cây cầu giáp ranh hai quận nội thành TP Hồ Chí Minh có một bãi xe hình thành từ một bãi đất trống chân cầu vốn là tài sản công. Và cuộc chiến giành giật bãi xe ấy đã diễn ra khốc liệt, không chỉ bằng đao, kiếm mà còn là cả súng đạn, với nạn nhân thương tật nằm liệt giường vĩnh viễn. Và cho tới hôm nay, cái bãi xe ấy vẫn còn tồn tại. Và tình trạng của bãi xe đó cũng chẳng khác gì vô vàn bãi xe nào khác ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ v.v và v.v… Ở đây, cũng tồn tại một “hệ thống chui” và chính những “hệ thống chui” kiểu này đã và đang làm nát bấy đi diện mạo của rất nhiều khu vực trong mỗi đô thị.

Thực tế, câu chuyện quận 1, TP Hồ Chí Minh được kỳ vọng như Singapore chỉ là một diễn dịch sai lệch của các “chém gió viên” mà thôi. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chỉ đặt ra mục tiêu là phải xử lý vi phạm “nghiêm như Singapore”. Đây mới chính là điều chúng ta cần suy ngẫm. Muốn có một đô thị văn minh, cần nhất là những con người trong đô thị ấy phải văn minh với những chính sách quản lý cũng văn minh tương xứng. Chính hành vi và ứng xử của cộng đồng mới là thứ khắc họa rõ nhất bản chất của một địa phương. Và bởi thế, mỗi khi chúng ta nói về sự lộn xộn của đô thị mình đang sống, chính chúng ta cũng nên nhìn lại bản thân mình ở cương vị là một cá thể đã góp phần tạo nên văn hóa chung của cả một địa phương.

Theo HÀ QUANG MINH / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,