Những bài học giáo dục từ ‘Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ’

“Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ” là cuốn sách được nhiều thế hệ trẻ em thế giới yêu quý suốt hơn 30 năm qua. Tại Việt Nam, tác phẩm đã là cánh cửa để người Việt Nam khám phá thế giới văn học trẻ Nhật Bản. Về góc độ giáo dục chúng ta có thể thấy những bài học quý giá.

Bài viết của tác giả Nguyễn Minh Thành, Nghiên cứu sinh Thạc sỹ Tâm lý học Giáo dục và Phát triển).

Những bài học giáo dục từ ‘Totto-chan: Cô bé bên cửa sổ’

“…Em thật là một em bé Ngoan”

Mỗi khi gấp lại những trang cuối cùng của cuốn truyện “Totto-chan bên cửa sổ” trái tim tôi lại khao khát biết bao được diện kiến người hiệu trưởng đáng kính Thầy Kobayashi cùng ngôi trường Tomoe nơi đã LUÔN PHÁT HIỆN NHỮNG ĐIỂM MẠNH ĐÁNG TRÂN QUÝ CỦA HỌC SINH và không ngừng bồi đắp nó hàng ngày/hàng giờ.
Thầy Kobayashi và Jonh Dewey đã luôn chia sẻ quan điểm rằng: “Giáo dục là một tiến trình xã hội, là sự vận động phát triển được đặt trong bối cảnh vận động của xã hội hiện thực…”, Ở đó mọi trẻ em đều được đánh giá một cách Nhân văn nhất: Là tất cả những ưu điểm (hoặc có thể biến thành ưu điểm), khuyết điểm của riêng cá nhân từng em được đánh giá một cách cụ thể và tế nhị nhất có thể.

Chắc hẳn bạn còn nhớ: Câu truyện Totto-chan bị “đuổi học” ngay khi em mới chuẩn bị vào lớp một bởi:

– “Cô bé luôn nhìn ra cửa sổ, vẫy tay với đoàn người đang chơi nhạc cụ, nói chuyện cùng lũ chim…”;
– “Vẽ lá cờ chườm ra ngoài tờ giấy”;
– “Luôn thích thú với việc mở và đóng ngăn bàn chỉ vì em yêu nó quá..”.

Giáo dục đã không chấp nhận một cô bé Totto-chan quá năng động và lạ lùng so với các bạn cùng trang lứa và vượt ra ngoài các quy định khắt khe/cứng nhắc được đề ra trong lớp học.

Totto-chan có lẽ đã phải dừng việc học của mình lại nếu không có ngày mẹ dắt tay em bước vào cánh cổng lạ lùng được dựng lên từ hai gốc cây để tới với lớp học cũng lạ lùng, xây bằng những Toa tàu đã cũ. 

Sẽ chẳng bao giờ đất nước Nhật Bản có cơ hội sản sinh ra một minh tinh màn bạc, một cây viết xuất sắc Tetsuko Kuroyanagi nếu ngày ấy thầy Kobayashi đi theo lối mòn chung của nền Giáo dục quốc dân thời bấy giờ và nhìn nhận Totto-chan là một em bé không ngoan.

Vậy Totto-chan đã dạy cho chúng ta những bài học gì về Giáo Dục?

1. Luôn đặt niềm tin vào học sinh dựa vào những ưu điểm vốn có. Đánh giá Khuyết điểm một cách cụ thể , mang tính cá nhân từng trẻ và đề cao tính Nhân văn – tế nhị. Biến khuyết điểm thành ưu điểm của trẻ.

Tôi đã lau những giọt nước mắt hạnh phúc đầu tiên ngay khi đọc những trang viết về thầy Kobayashi ngồi lắng nghe cô bé Totto-chan kể những chuyện trên trời – dưới biển về cuộc sống của em hàng tiếng đồng hồ, rồi nói thật rõ ràng với em rằng: “EM THẬT LÀ MỘT EM BÉ NGOAN ĐẤY!” 

Sự ghi nhận trên cương vị một người lớn/một vị hiệu trưởng/ người quyết định việc em có được vào học trường Tômoe hay không đã mở ra cho cô bé Totto-chan một cái nhìn khác về bản thân mình. Ngay từ buổi đầu tới trường này em đã thấy đây chính là nơi mình cần đến, là ngôi nhà quen thuộc của em.

Ở trường Tomoe có nhận học sinh khuyết tật, những em sinh ra không may mắn với ngoại hình của mình. Để cho những em đó luôn tự tin vào bản thân mình thầy Kobayashi đã thiết kế riêng những cuộc thi với các thử thách đánh vào ưu điểm ( là khuyết điểm ) của những em đó và các em luôn giành chiến thắng trước những bạn khác như thi leo cầu thang (các bậc thang được thiết kế sao cho khoảng cách giữa 2 bậc cực thấp – ngắn, phù hợp với bước chân của các em có tật). Việc nêu ra khuyết điểm của các em cũng không bao giờ được tuỳ tiện. Luôn phải mang tính cá nhân và có cơ sở, không chấp nhận hành vi bêu rếu, mang tính bêu rếu.

2. Chương trình học được thiết kế đảm bảo các yếu tố: Vừa đầy đủ tri thức khoa học cơ bản vừa mang tính cá nhân hoá sâu sắc, phù hợp với nhịp điệu và sở thích riêng của từng học sinh.

Lớp học ở Tomoe rất kỳ lạ, các học sinh được tuỳ chọn chỗ ngồi và thay đổi mỗi ngày, các em được tự chọn tiến trình học trong ngày. Ví dụ: Bạn nào thích môn Thí nghiệm hoá học có thể chọn học đầu tiên, sau cùng tới các môn khác..trường không có một thời khoá biểu cụ thể. Tuy nhiên cuối cùng các học sinh vẫn phải đảm bảo học đủ số môn học trong chương trình.

Sự thiết kế tiến trình học như vậy thực sự đã trao vào tay học sinh sự chủ động trong quá trình lĩnh hội tri thức, hơn nữa còn giúp các em có cảm hứng với lớp học. Người giáo viên trong trường Tomoe giữ vai trò định hướng, cùng trao đổi và đưa ra các phương hướng học tập cho học sinh. Đây thực sự là một mô hình lý tưởng mà chính chúng ta hiện nay đang theo đuổi sau bao nhiêu năm thực hiện đổi mới giáo dục.

Ở Tomoe các chương trình ngoại khoá cũng rất được chú trọng như: Học làm nông dân, dã ngoại, cắm trại, học về lịch sử địa phương….tuy nhiên được tổ chức một cách rất khoa học là GẮN LIỀN VỚI THỰC TẾ – MANG TÍNH THỰC HÀNH. Học làm nông bằng cách đi trồng rau, học lịch sử bằng cách đi thu thập tài liệu về di tích – sự kiện lịch sử, học kỹ năng sống bằng những tình huống thực tế (Nấu cơm, cắm trại). Thầy Kobayashi thấm nhuần tư tưởng của Dewey: Học tập bằng trải nghiệm, học từ trong đời sống.

3. Đề cao tính THỰC TẾ trong giáo dục.

Muốn trẻ biết bơi – Học bơi
Muốn trẻ yêu thiên nhiên – Trồng, chăm cây cối
Muốn trẻ trân trọng thức ăn – Tự chuẩn bị đồ ăn
Muốn trẻ khoẻ mạnh – Làm trẻ yêu thể dục

Chúng ta có cảm tưởng như Tomoe là một xã hội thu nhỏ trong đó mỗi giáo viên, học sinh là một công dân thực thụ, thoát khỏi vỏ bọc sư phạm thường thấy. Các môn học luôn đề cao tính ứng dụng.

Môn thể dục học về Nhịp điệu. Môn âm nhạc học về sáng tác, Môn lịch sử được chạm tay vào các di tích, sự kiện. Môn hoá học được tự tay làm thí nghiệm ( lớp 1 ??? )… trẻ luôn được khuyến khích tối đa việc tiếp xúc với những tri thức mang tính thực tế, ứng dụng. Từ đó các kiến thức của trẻ nên sống động, không còn nhàm chán chỉ là con chữ nằm trong sách.

Một chi tiết rất nhỏ nhưng cực tinh tế đó là: Thầy Kobayashi KHÔNG KHUYẾN KHÍCH việc Bố mẹ MẶC ĐẸP CHO TRẺ KHI TỚI LỚP . Thầy cho rằng điều này “…chỉ góp phần ngăn cản đứa trẻ tham gia các hoạt động mà thôi”, hãy để cho chúng được tự do chạy nhảy, nghịch ngợm mà không sợ làm lấm lem quần áo.

Ông cũng tế nhị cho rằng đó là SỰ BÌNH ĐẲNG VỀ BỀ NGOÀI của tất cả các em khi tới lớp. Không góp phần tạo ra sự phân biệt giữa học sinh về vật chất.

Các phần thưởng cho học sinh ở Tomoe cũng mang tính thực tế rất cao như: Củ cải, rau, hành, bắp cải….tất cả đều có thể dùng được.

4. Giáo dục là công bằng với mọi trẻ em

Ở Tomoe chúng ta không hề thấy có một sự ưu tiên đặc biệt nào dành cho các học sinh bình thường dựa trên xuất thân – điều kiện tài chính – ngoại hình…của trẻ. Cơ hội giáo dục được chia đều cho các em thậm chí cả học sinh khuyết tật cũng được hưởng nền giáo dục tốt (thậm chí còn có chương trình riêng cho các em này trong một số môn học để phù hợp thể trạng của em).

Cơ sở vật chất tuy không nguy nga, đồ sộ nhưng luôn cung cấp đủ học liệu (lớp học, thư viện, phòng thí nghiệm, sân chơi, bể bơi, phòng hội trường..) cho tất cả học sinh được tiếp cận.

5. Đặt yêu cầu cao ở Trình độ – Đạo đức của người giáo viên.

Giáo dục chúng ta hiện nay đang loay hoay trong vấn đề cải cách, chúng ta đã từng nêu cao khẩu hiệu LẤY HỌC SINH LÀM TRUNG TÂM và bây giờ là XẤY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH HỌC MỚI, dường như là: Lấy chương trình học làm trung tâm.
Ở Phần Lan, người giáo viên đứng lớp (các cấp) trình độ thấp nhất là Thạc sỹ. Điều đó đã đáp ứng rất thiết thực và hiệu quả công cuộc đổi mới giáo dục của đất nước này, giúp Phần Lan đứng đầu thế giới về chất lượng giáo dục phổ thông.

Tại Tomoe cách đây hơn 50 năm, thầy Kobayashi đã yêu cầu rất cao ở Trình độ và Tư cách đạo đức của người giáo viên.

Các giáo viên phải có kiến thức đủ để đưa ra phương hướng học tập cho trẻ, hỗ trợ – cộng tác với trẻ trong quá trình trẻ chủ động tiếp cận và phân tích kiến thức. Điều này đòi hỏi một trình độ rất cao về Kiến thức và kỹ năng sư phạm.

Giáo viên không được đánh giá trẻ trước cả lớp, tôn trọng ý kiến cá nhân – cá tính – nhịp điệu học tập riêng của từng trẻ. Thầy Kobayashi luôn lo sợ những đánh giá của giáo viên sẽ làm tổn thương sâu sắc tới tâm hồn học sinh. Mọi sự đánh giá đều phải được báo cáo trước hội đồng sư phạm nhà trường trước tiên.

6. Ước mơ của học sinh chính là mục tiêu của giáo dục.

“Hãy để các em phát triển tự nhiên. Đừng cản trở khát vọng của các em. Ước mơ của các em lớn hơn mơ ước của các thầy cô nữa”. Thầy Kobayashi đã nói như vậy với giáo viên và phụ huynh của mình đủ để thấy rằng ở Tomoe không hề có 1 sự định hướng sẵn nào mang tính rập khuôn cho mọi đứa trẻ, tất cả nhữung tri thức kỹ năng các em được bồi dưỡng chỉ nhằm một mục đích duy nhất là hiện thực hoá ước mơ của chính mình.

Xin mượn lời Ông Yoshikawa Takeshi Giám đốc Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm cuốn sách Tottochan bên cửa sổ ra mắt bạn đọc thay cho lời kết.

“…Trong xã hội luôn có những điều đã trở thành quy ước, không thể thay đổi được. Nhưng dù phải tuân theo những quy ước đó, sâu trong trái tim mọi người vẫn mong muốn làm những gì tự do và thực sự đúng với đam mê”.

Theo BIGASCHOOL.VN

Tags: , ,