Những ai muốn mua ‘hộ chiếu vàng’ của Cyprus, và vì sao?

Tài liệu từ bài điều tra của Đài Al-Jazeera (Qatar) cho thấy chỉ trong hai năm, khoảng 1.000 người giàu có ở Nga đã mua “hộ chiếu vàng” để trở thành công dân Cyprus.

Tại quốc đảo Cộng hòa Cyprus, người nước ngoài có thể sở hữu hộ chiếu nước này thông qua một chương trình đầu tư lấy hộ chiếu.

Bài điều tra của Al-Jazeera vừa qua cho biết đài này đã thu thập hơn 1.400 tài liệu rò rỉ, gọi là “The Cyprus Papers” (Hồ sơ Cyprus, cách gọi tương tự “Hồ sơ Panama” từng nổi lên vài năm nay).

Theo đó, Cyprus Papers thu thập được 1.471 đơn đăng ký đầu tư nhập tịch, có tên của 2.544 người đã nhận được hộ chiếu Cyprus trong giai đoạn từ cuối năm 2017 tới cuối năm 2019.

Theo tài liệu do Al-Jazeera thu thập, gần một nửa các đơn đăng ký đầu tư nhập tịch xuất phát từ Nga. Đây được hiểu là cách giới tinh hoa chính trị, doanh nhân, tỉ phú và cả tội phạm, tìm cách có được một hộ chiếu tại Cyprus.

Điều quan trọng là điều này đồng nghĩa những người có quốc tịch Cyprus sẽ coi như trở thành công dân Liên minh châu Âu (EU), do Cyprus là thành viên EU từ năm 2004.

Việc trở thành công dân EU được hiểu sẽ giúp người mua hộ chiếu thuận tiện hơn trong di chuyển tự do, làm việc và sử dụng dịch vụ ngân hàng tại EU.

Để có được hộ chiếu Cyprus, người có nhu cầu sẽ đóng khoảng 2,5 triệu USD và hầu hết dạng đầu tư này sẽ đổ vào lĩnh vực bất động sản.

Theo ghi nhận của Al-Jazeera, người Nga là nhóm “khách hàng” đông đảo và quan trọng nhất. Việc nhìn thấy những tấm bảng mời chào đầu tư viết bằng tiếng Nga tại sân bay Larcana ở Cyprus đã phần nào phản ánh điều này.

Tài liệu cho thấy nhiều người Nga nộp đơn xin hộ chiếu Cyprus thuộc nhóm kiếm tiền nhờ các mối quan hệ chính trị, kinh tế với chính quyền Nga. Một số còn còn giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước và những người này được gọi là PEPs (tạm dịch: nhân vật chính trị bị lộ diện).

Trong số những người Nga được cấp hộ chiếu Cyprus trong tài liệu của Al-Jazeera có cựu thứ trưởng Igor Reva, cựu thành viên Quốc hội Nga Vadim Moshkovich, chủ cũ công ty con của công ty đường sắt nhà nước Vitaly Evdokimenko. Ngoài ra, còn có ông Vladimir Khristenko, xuất thân từ một gia đình có mối quan hệ chính trị và mẹ kế của ông hiện là phó thủ tướng Nga.

Theo nhận xét của ông Nigel Gould-Davies, một chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên cứu chiến lược quan hệ quốc tế (trụ sở ở Anh), những nhân vật có quan hệ chính trị tại Nga muốn lấy quốc tịch đảo Cyprus vì nơi này không có quy định ngặt nghèo, không có một số quy định pháp luật nghiêm như ở Nga, đồng thời quy trình xét duyệt đơn giản giúp họ có thể dễ dàng dùng tiền mua quốc tịch.

Tính tới nay, trong số 1.000 người Nga mua quốc tịch Cyprus có những người thuộc hàng giàu nhất nước Nga. Al-Jazeera cho biết họ xác minh được ít nhất 9 trùm tài phiệt với tài sản hơn 1 tỉ USD mỗi người.

Thực tế từ năm ngoái, một số quy định mới ở Cyprus đã không cho phép bán hộ chiếu cho PEPs, nhưng không thu hồi hộ chiếu đối với những người đã mua trước đó.

Việc Cyprus siết chặt quy định hơn phần nào là kết quả từ việc xuất hiện ngày càng nhiều các ý kiến chỉ trích của EU. Một phần, chương trình đầu tư đổi quốc tịch ở EU đã bị xem là cửa hậu cho nhiều người vào EU. Một phần, mối quan hệ giữa Nga và EU đã căng thẳng từ năm 2014, thời điểm diễn ra vụ sáp nhập bán đảo Krym.

Còn đối với Cyprus, chương trình đầu tư quốc tịch này là một trong những giải pháp khắc phục nền kinh tế sa sút của nước này. Từ năm 2013, Cyprus đã thu 8 tỉ USD từ chương trình này.

Theo TUỔI TRẺ ONLINE

Tags: ,