Nhìn lại 20 năm Singapore trong kỷ nguyên Lý Hiển Long

Trong 20 năm nắm quyền, ông Lý Hiển Long giúp Singapore vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, vượt qua các khủng hoảng, nhưng cũng đối mặt nhiều tranh cãi.

Nhìn lại 20 năm Singapore trong kỷ nguyên Lý Hiển Long

Thủ tướng Lý Hiển Long ngày 15/5 từ chức và chuyển giao quyền lực cho Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong. Trong phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Wong nói rằng ông và đất nước nợ ông Lý Hiển Long một lòng biết ơn to lớn, vì “suốt đời phục vụ công chúng”.

Kể từ khi trở thành quốc gia độc lập năm 1965, Singapore mới trải qua ba đời thủ tướng và tất cả đều thuộc đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền. Người đầu tiên là ông Lý Quang Diệu, người được coi là lãnh tụ sáng lập đất nước Singapore hiện đại và đã lãnh đạo đất nước trong 25 năm, trước khi chuyển giao quyền lực cho Goh Chok Tong. Năm 2004, ông Lý Hiển Long kế nhiệm Goh Chok Tong làm thủ tướng Singapore đến nay.

Các nhà phân tích cho biết lần chuyển giao quyền lực này đánh dấu bước ngoặt trong giới lãnh đạo chính trị Singapore, khi nước này thoát khỏi cái bóng lớn của gia đình họ Lý, dù ông Lý Hiển Long vẫn sẽ góp mặt trong nội các mới với vai trò bộ trưởng cấp cao.

Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng với tư cách thủ tướng Singapore cuối tuần qua, ông Lý cảm ơn người dân nước này vì luôn ủng hộ mình.

“Tôi không cố gắng chạy nhanh hơn mọi người. Tôi cố gắng đưa họ chạy cùng mình. Và tôi nghĩ chúng tôi đã đạt được một số thành công”, ông Lý nói.

Thủ tướng Lý Hiển Long thêm rằng ông đã cố gắng “làm mọi thứ theo cách riêng”, lập trường khác với cha ông và người tiền nhiệm Goh Chok Tong.

Ông Lý Hiển Long sinh ngày 10/2/1952, là con trai cả của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông tốt nghiệp Đại học Trinity, Cambridge ở Anh năm 1974 với tấm bằng cử nhân toán học hạng nhất và chứng chỉ khoa học máy tính loại xuất sắc.

Sau khi trở về nước, ông phục vụ trong lực lượng vũ trang Singapore (SAF) giai đoạn 1971-1984. Trong khoảng thời gian này, ông được phong hàm chuẩn tướng và hoàn thành bằng thạc sĩ hành chính công tại Trường Harvard Kennedy năm 1980.

Ông Lý Hiển Long sau đó xuất ngũ và bắt đầu tham gia chính trị năm 1984, điều khiến một số nhà chỉ trích cáo buộc gia tộc ông đang tìm cách xây dựng “triều đại chính trị”, điều mà gia đình ông Lý liên tục phủ nhận.

Ông đã giữ các chức vụ phó thủ tướng, bộ trưởng tài chính, bộ trưởng thương mại và công nghiệp, thứ trưởng quốc phòng dưới thời thủ tướng Lý Quang Diệu và Goh Chok Tong.

Kể từ khi nhậm chức thủ tướng vào năm 2004, ông Lý đã tạo ra những dấu ấn riêng trên hành trình thúc đẩy sự phát triển của Singapore.

Dưới sự lãnh đạo của ông, Singapore chuyển mình thành cường quốc tài chính quốc tế và điểm du lịch hàng đầu. GDP bình quân đầu người của Singapore tăng gấp hơn 3 lần trong 20 năm qua, từ mức hơn 27.600 USD lên hơn 88.000 USD tính tới tháng 3/2024.

GDP trong 20 năm ông Lý nắm quyền đã tăng gấp hơn hai lần, từ gần 169 tỷ USD lên hơn 394 tỷ USD. Lượng khách du lịch đến Singapore hàng năm tăng 64%, từ 8,3 triệu người lên 13,6 triệu. Từ 5 thỏa thuận thương mại tự do dưới chính phủ trước, ông Lý đã đưa Singapore tham gia thêm 22 thỏa thuận.

Chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long được ghi nhận giúp lèo lái đất nước vượt qua một số cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chính toàn cầu và đại dịch Covid-19.

Về địa chính trị quốc tế, ông Lý đã tìm cách duy trì trạng thái cân bằng trong mối quan hệ của Singapore với Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh cạnh tranh giữa hai siêu cường gia tăng. Singapore cũng đã bãi bỏ luật chống quan hệ đồng tính gây tranh cãi sau nhiều năm các nhóm LGBTQ đấu tranh, song quyền tự do ngôn luận vẫn bị kiểm soát chặt chẽ.

Xuất thân trong gia đình làm chính trị và xây dựng được hình ảnh thân thiện, uyên bác, ông Lý được nhiều người dân Singapore yêu mến. Ông đứng đầu trong bảng xếp hạng khảo sát chính trị gia được ủng hộ nhiều nhất và khu vực bầu cử của ông luôn nhận được tỷ lệ phiếu bầu cao nhất trong các cuộc bỏ phiếu.

Tuy nhiên, ông cũng không thoát khỏi những lời chỉ trích, tranh cãi. Quyết định tiếp nhận lượng lớn người nhập cư để giải quyết tình trạng thiếu lao động cuối những năm 2000 đã gây ra nhiều vấn đề. Khi Singapore trở nên giàu có hơn, bất bình đẳng xã hội gia tăng và khoảng cách thu nhập giữa người bản địa và lao động nhập cư ngày càng lớn.

“Di sản chính của ông Lý Hiển Long là nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng trong nửa đầu nhiệm kỳ của ông ấy, điều đó đã phải trả giá bằng vấn đề bất bình đẳng gia tăng, số lượng người nước ngoài ngày càng tăng, cạnh tranh việc làm, ách tắc giao thông và làm xói mòn bản sắc của người dân”, Donald Low, chuyên gia quản trị nhà nước Singapore và hiện là giáo sư tại Đại học Khoa học – Công nghệ Hong Kong, nói.

Trong đại dịch Covid-19, Singapore được đánh giá là một trong những “hình mẫu” về kiểm soát dịch. Nhưng để làm được điều đó, chính phủ nước này đã phong tỏa hoàn toàn các ký túc xá của các lao động nhập cư nước ngoài, khiến hàng chục nghìn người như bị “cầm tù” trong điều kiện thiếu thốn.

Ông Lý Hiển Long khi phát biểu trước quốc hội năm 2020 đã thừa nhận sai lầm trong chính sách này. Nhà phê bình chính trị Sudhir Vadaketh cho rằng chính phủ của ông Lý “hoàn toàn không chuẩn bị để đối phó với lượng người nhập cư cao mà họ cần cho nỗ lực trở thành thành phố toàn cầu”.

Một số nhà phân tích cũng chỉ trích chính phủ Singapore không giải quyết thỏa đáng vấn đề phức tạp liên quan tới nhà ở công cộng, nơi nhiều người Singapore đang sinh sống, cũng như vấn đề phân biệt chủng tộc.

Chính phủ của ông Lý đã nhận ra những vấn đề này và cố gắng giải quyết chúng thông qua các quy tắc kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn, các chương trình nhà ở mới và đề xuất sửa đổi luật về chống phân biệt chủng tộc.

Tranh chấp gia đình cũng là vấn đề đau đầu với ông Lý Hiển Long trong thời gian nắm quyền. Anh chị em trong nhà từng cáo buộc ông lợi dụng di sản của người cha Lý Quang Diệu để xây dựng “triều đại chính trị” riêng. Họ cũng cáo buộc ông lạm quyền và lo ngại ông sử dụng cơ quan nhà nước chống lại họ.

Ông Lý phủ nhận cáo buộc và nhấn mạnh các con của ông không quan tâm đến chính trị. Việc chuyển giao quyền lực cho ông Wong được coi là một phần trong nỗ lực chứng minh điều này.

Trong lễ nhậm chức, tân Thủ tướng Wong lưu ý nền kinh tế và xã hội nhỏ, cởi mở của Singapore dễ bị tổn thương trước “những ảnh hưởng từ bên ngoài”, nhưng đất nước cần chuẩn bị tinh thần để thích ứng với một thế giới “hỗn loạn hơn, rủi ro hơn và bạo lực hơn”. Ông kêu gọi công chúng “giúp kiến tạo cho người dân Singapore một chính phủ mà họ xứng đáng có được”.

Đây không chỉ là con đường mới mẻ với ông Wong mà còn với cả Singapore, quốc gia được hai cha con ông Lý dẫn dắt 45 năm trong số 59 năm kể từ khi thành lập.

“Nhà ông Lý luôn có ảnh hưởng lớn ở Singapore và việc chúng tôi đang chuyển hướng là điều tốt cho quá trình chuyển đổi xã hội lớn hơn của đất nước”, Vadaketh nói.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,