Nguyên nhân sâu xa của thảm nạn hiếp dâm tại Ấn Độ

Hệ thống xã hội gia trưởng, trao quá nhiều đặc quyền và ưu tiên cho nam giới, trong khi phụ nữ bị phân biệt đối xử, là nguyên nhân cho nạn hiếp dâm tại Ấn Độ.

Nguyên nhân sâu xa của thảm nạn hiếp dâm tràn lan tại Ấn Độ

Những ngày này, một cảnh tượng thường xuyên xảy ra tại Ấn Độ là những đám đông giận dữ đổ xuống đường, bày tỏ sự phẫn nộ mỗi khi một phụ nữ trẻ trở thành nạn nhân của bạo lực tình dục. Vụ hiếp dâm tập thể và sát hại một phụ nữ ở thành phố Hyderabad đầu tháng này một lần nữa trở thành nguyên cớ cho các cuộc biểu tình nổ ra khắp cả nước.

Những cuộc biểu tình đã trở thành cách phản ứng thường thấy mỗi khi một vụ cưỡng hiếp bị phát giác. Người biểu tình đòi hỏi những luật lệ nghiêm khắc hơn, thậm chí là án tử hình, dành cho những kẻ cưỡng bức. Một số người biểu tình giương lên những biểu ngữ, gọi các nạn nhân là “những cô con gái của dân tộc”.

Thế nhưng, những giá trị văn hóa đằng sau cánh cửa của mỗi gia đình lại là một phần tạo ra vấn đề mà cả xã hội Ấn Độ đang lên án: đặc quyền cho đàn ông và và sự phục tùng tuyệt đối từ phụ nữ.

“Những cô gái được dạy để không chạy trốn (khỏi hệ thống xã hội). Phụ nữ không cần bất cứ quyền lực gì. Nếu phụ nữ muốn quyền thì hẳn là phải có điều gì đó không đúng với họ, họ bị coi là tha hóa”, Deepa Narayan, một chuyên gia tư vấn về đói nghèo, giới và phát triển quốc tế, nhận xét.

Những người đàn ông gia trưởng là vua

Đặc quyền dành cho nam giới đã tồn tại kể cả từ trước khi những đứa trẻ được sinh ra. Tình trạng phá thai có chọn lọc dựa trên giới tính đã làm biến dạng tỷ lệ giới tính tự nhiên tại Ấn Độ, theo hướng nam giới đông hơn so với nữ giới, theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Một số chuyên gia cho biết tình trạng trên đang dần trở nên ít phổ biến hơn, nhưng chủ yếu là giảm số lượng phá thai là trẻ em nam. Tình trạng trên có thể dẫn lới sự thiếu hụt trong phân bổ nguồn lực hộ gia đình, chăm sóc y tế hay thậm chí gia tăng tỷ lệ giết hại trẻ sơ sinh.

“Tại một số gia đình, khi một trẻ nữ được sinh ra, sự chào đón sẽ thầm lặng hơn. Nhưng khi gia đình sinh một bé trai, đó sẽ là một lễ hội. Cha mẹ mua những đồ vật đắt tiền để ăn mừng, và khoe khoang khắp nơi rằng đã sinh được một đứa con trai”, bà Narayan cho biết.

Theo bà Narayan, người Ấn Độ không coi việc phá thai để chọn lựa giới tính hay phân biệt đối xử nam nữ là điều gì đó độc ác. “Họ không ý thức được việc đó. Ở Ấn Độ, họ gọi đó là điều chỉnh (theo văn hóa)”, bà Narayan cho biết.

Tuy nhiên, tình trạng đặc quyền cho nam giới tạo ra những tác động tiêu cực. “Những đứa con trai không được dạy cách đối thoại. Yêu cầu của chúng luôn được đáp ứng, chúng không bao giờ bị từ chối. Chúng được dạy không bao giờ được khóc. Vậy tất cả sự giận dữ sẽ đi đâu? Phụ nữ sẽ rơi vào trầm cảm, còn đàn ông thì thường xuyên nổi giận”.

Bà Narayan cho biết vấn đề sức khỏe tâm lý của phụ nữ Ấn Độ “là lĩnh vực hoàn toàn bị bỏ qua”. Số liệu thống kê cho thấy 36,6% số vụ tự tử của phụ nữ trên toàn cầu xảy ra ở Ấn Độ. Hơn thế, phụ nữ Ấn Độ tự tử chủ yếu sau khi đã kết hôn, ở độ tuổi dưới 35, và phần nhiều đến từ các bang phát triển.

Một xã hội nam giới thống trị cũng gây hại cho cả những người đàn ông. “Hệ thống gia trưởng nâng họ lên, biến họ thành những ông vua. Nhưng không một người nào có thể đạt được những sự kỳ vọng to lớn như vậy. Đó là lý do vì sao đàn ông ở Ấn Độ rất khó có thể nói lời xin lỗi, bởi họ được kỳ vọng phải luôn làm điều đúng đắn, là một người tốt, và chu cấp được cho gia đình”.

“Không ai được hạnh phúc, nhưng chúng ta đang không làm gì để thay đổi thực tại ấy. Mọi chuyện sẽ tiến triển nếu có thể đưa đàn ông vào những cuộc đối thoại”, bà Narayan nói.

Ấn Độ cần giáo dục giới tính

Trong số những tội phạm hiếp dâm, nhiều người có chị em gái. Mặc dù vậy, những người đàn ông này luôn tự cảm nhận được họ là đứa trẻ được yêu thương hơn trong gia đình, bởi những người mẹ luôn tự hào vì sinh được một đứa con trai, dẫn tới những đặc quyền như được cho ăn trước.

“Những người mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong thiết lập tiêu chuẩn về vai trò của giới tính”, tiến sĩ Madhumita Pandey của Đại học Sheffield Hallam nói. Sinh ra tại Ấn Độ, bà Pandey từng tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn với 61 tội phạm hiếp dâm tại nước này.

Những kẻ hiếp dâm thường không cảm thấy hộ lỗi, họ miêu tả bản thân là “tù nhân” thay vì kẻ phạm tội, và có xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân, bà Pandey cho biết. Tiến sĩ cho rằng tình trạng này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết của những người phạm tội đối với bản chất hành vi của họ.

Mặc dù những người đàn ông mà Pandey phỏng vấn phần lớn xuất thân từ tầng lớp thấp và ít được giáo dục trong xã hội, tiến sĩ này nhấn mạnh xuất thân và điều kiện học thức không thể dùng làm cơ sở để biện minh cho hành vi bạo lực đối với phụ nữ. Bà cũng cho rằng những người thuộc tầng lớp giàu có thể dùng tiền bạc và quyền lực để trốn tránh công lý.

Bà Pandey cho rằng bạo lực tình dục có thể được ngăn chặn ngay từ các trường học.

“Chúng ta cần hệ thống giáo dục đưa ra những hình thức giáo dục giới tính toàn diện. Điều quan trọng là mọi người cần có nhận thức đầy đủ về bạo lực tình dục. Chúng ta cần người dân hiểu được thế nào là đồng ý và từ chối, về sự độc hại của tình trạng nam giới cường quyền, và chúng ta giáo dục được trẻ em từ khi chúng càng nhỏ thì càng tốt”, bà Pandey nói.

Án tử hình là không đủ

Giáo dục về bạo lực tình dục không phải là yếu tố duy nhất để cải thiện tình hình ở Ấn Độ. Bà Pandey nhấn mạnh cần có thái độ không dung thứ đối với mọi hình thức bất bình đẳng giới trong cuộc sống hàng ngày.

“Có quá nhiều sự giận dữ đối với những vụ hiếp dâm. Vậy sự giận dữ ở đâu khi phụ nữ phải hứng chịu nhiều hình thức lạm dụng khác hàng ngày, nhưng ở những khía cạnh khác. Những hành vi phân biệt đối xử như vậy cũng dẫn tới nhiều tội phạm nghiêm trọng hơn”, bà Pandey nói.

Các tội ác thường xuyên diễn ra tại nhà hoặc gần nhà của các nạn nhân. Theo thống kê, 93,1% những kẻ phạm tội hiếp dâm là hàng xóm, họ hàng hoặc bạn đời tương lai của các nạn nhân. Tại Ấn Độ, hành vi hiếp dâm giữa chồng với vợ không bị coi là tội phạm hình sự.

Một nghiên cứu về bạo lực gia đình năm 2016 cho thấy 31% phụ nữ đã kết hôn phải trả qua bạo lực tình dục, thể chất và tinh thần bởi chồng. Tình trạng này còn tệ hơn với 45% phụ nữ Ấn Độ cho rằng người chồng có quyền đánh đập vợ, theo nghiên cứu của World Bank.

Tuy nhiên, những cơn phẫn nộ ở tầm quốc gia chỉ nhắm vào các vụ tấn công bên ngoài phạm vi gia đình, trong khi những vụ bạo lực gia đình thường bị bỏ qua.

“Mọi người không kết nối hành vi đồi bại của người khác với cách cư xử thường ngày của chính họ trong gia đình, tại nơi làm việc hay bất kỳ nơi nào ngoài đường phố. Tôi nghĩ đây là một thiếu sót lớn”, bà Narayan nói.

Các chuyên gia cho rằng án tử hình được người biểu tình yêu cầu áp dụng với những tội phạm hiếp dâm, bản thân nó, không giải quyết rốt ráo được vấn đề.

“Những người đàn ông đó có thể bị treo cổ, mọi người sẽ thỏa mãn với ý nghĩ chính phủ đã làm việc của mình, và mọi người lại trở về với cuộc sống bình thường. Rồi sau đó sẽ lại có một vụ hiếp dâm, và mọi chuyện lại tiếp diễn”, bà Pandey nhận xét.

Phá vỡ sự ái ngại về vấn đề hiếp dâm

Bà Narayan cho rằng sự giận dữ của đám đông có thể tạo ra sự thay đổi. “Những cuộc biểu tình là cơ hội để bắt đầu nói về nạn bạo lực tình dục. Trước vụ hiếp dâm tập thể năm 2012 tại Delhi, người ta thậm chí không thể thực sự nói về từ “hiếp dâm”. Vụ việc đó đã phá vỡ sự xấu hổ xung quanh vấn đề hiếp dâm”.

Yêu sách của người dân, thông qua những cuộc biểu tình, đã đến được một số nhà lãnh đạo. Mới đây, cảnh sát trưởng thủ đô Delhi Arvind Kejriwal cho biết nhà chức trách đã buộc các học sinh nam ký cam kết không có hành vi tội phạm đối với phụ nữ và trẻ em gái. Mẹ và chị em gái cũng được khuyến khích thảo luận nhiều hơn với các nam giới và cảnh báo học về những hành động sai trái.

Sự cần thiết gắn kết các trẻ em, đặc biệt là nam giới, vào phong trào chống bạo lực giới tính được kêu gọi và triển khai bởi nhiều tổ chức tại Ấn Độ, như Equal Community Foundation.

“Sáng kiến trao quyền cho phụ nữ sẽ tiếp tục không mang lại kết quả do sự chống đối đến từ đàn ông và trẻ em nam trong chính gia đình họ, những người về sau sẽ tiếp tục củng cố hệ thống giá trị gia trưởng”, Christina Furtado, giám đốc điều hành Equal Community Foundation nhận xét.

Hình ảnh người dân đổ ra các con phố, thể hiện sự giận dữ và không chấp nhận hành vi bạo lực, lạm dụng đối với phụ nữ là một thông điệp mạnh mẽ khó có thể bị bỏ qua. Thế nhưng khi ai lại về nhà đó, phía sau bốn bức tường của gia đình, thông điệp từ đường phố trước hết cần thay đổi chính các gia đình.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN / CNN

Tags: , , , ,