Người Việt trẻ rỗi hơi: Có thể nhịn cơm, nhưng không thể nhịn… hóng biến

Chúng ta đang tranh nhau mỗi ngày những “món ăn” mang tên “phốt to, biến lớn, scandal” dù biết thừa rằng nó vô bổ, chẳng có tí “dinh dưỡng” nào. Nhai cho đỡ buồn mồm, nhai để giết thời gian, nhai để thể hiện rằng mình cũng đang chạy theo xu thế của thời đại?

Người Việt trẻ rỗi hơi: Có thể nhịn cơm, nhưng không thể nhịn… hóng biến

Chắc hẳn bây giờ chẳng ai lạ gì mấy thuật ngữ hiện đại như “hóng biến”, “bóc phốt”, “câu like”…

Dường như cái sự “hóng” chuyện đã trở thành nếp sống mới, quan trọng như cơm ăn áo mặc, như oxy để thở, đến nỗi có hẳn một bài hát tổng hợp chuẩn không cần chỉnh những loại “biến” xảy ra hàng ngày với ca từ vô cùng sắc sảo:

“Trên báo những thông tin chen nhau đi một hàng

Người đàn bà hở hang, xong đến chuyện người thì nở nang, xong đến chuyện mặt hàng thời trang… lôi cuốn người người đọc vào ban sáng.

Cô ấy mới hôm qua không ai nhớ khuôn mặt

Chỉ một xì – căng – đan, khóc lóc về chuyện tình dở dang, lên báo hình thì đầy một trang

Ôi dễ dàng để đời ta tươi sáng…

Thế nên, bây giờ, điều quan tâm nhất là: Anh kia cặp với chị này. Anh kia lừa dối chị này. Anh kia đập đánh chị này.

Và chị ngã xuống đây.

Cư dân cùng với đồng bào, thông tin miệng đói cồn cào, ba hoa lời ra lời vào

Một ngày mới nhốn nhao, nhốn nhao”…

Quả thực là nhịp sống đương đại có phần “nhốn nhao” quá, ngày nào on face, lướt web chúng ta cũng dễ dàng bắt gặp hàng trăm hàng nghìn loại thông tin khác nhau, trong đó thu hút sự quan tâm nhiều nhất là các loại “biến”, “phốt” với định dạng chung mang tên ngoại tình, đâm chém, cướp hiếp giết, lừa tình, đồi trụy… Tại sao lại như thế?

Ngày xưa Đường Tăng vất vả lận đận mãi mới tới được Tây Trúc thỉnh kinh, giờ cũng phải hóng 4 phương 8 hướng mới “thỉnh” được 1001 chuyện để chém gió trên mạng ảo.

Dù không muốn nghe thì cũng bị đám đông xung quanh bàn tán lọt vào tai, đập thẳng vào mắt, tránh cũng chẳng được. Quanh đi quẩn lại, chúng ta cứ làm đau đầu nhau với thói quen hóng chuyện!

Cư dân mạng cứ như một đám đông hoạt động theo nguyên lý cố định: xuất hiện biến hot là bật chế độ “on”, vồ vập nổi sóng, khắp nơi gõ phím bình luận khen chê.

Được một thời gian, về chế độ “off”, im im hiền hòa như ao làng, chỉ chờ đợt “thính” mới là mở lại công tắc, rào rào tay chân mồm mép.

Có vẻ như cuộc sống bây giờ chỉ có thú vị nhất là đổ xô đi hóng biến, ôm chặt lấy các page chuyên tin nóng hổi, có bài đăng mới là phải nhảy vào like share comment đầu tiên, đua top bình luận xem ai được nhiều like nhất (!) Kỳ quặc thật…

Chúng ta đang tranh nhau gặm những cục xương mang tên “phốt to, biến lớn, scandal” dù biết thừa rằng nó vô bổ, chẳng có tí “dinh dưỡng” nào.

Nhai cho đỡ buồn mồm, nhai để giết thời gian, nhai để thể hiện rằng mình cũng đang chạy theo xu thế của thời đại.

Một bàn trà đá vỉa hè, người ta tám chuyện trên giời dưới bể, cái gì họ cũng biết, cũng bàn luận được, còn mình thì ù ù cạc cạc như vịt nghe sấm, chẳng biết tí gì để mà góp vui, cái cảm giác ấy thật là khó chịu, phải không?

Thế nên bây giờ, thói xấu của cư dân thời đại công nghệ là đi đâu làm gì cũng “úp” mặt vào điện thoại, nếu ai không “úp” thì chứng tỏ họ chuyển sang level mới cao hơn, là đã lướt đủ tin tức, phốt, biến… để khơi mào cho những chầu “chém gió”, ngang tầm hội nghị quốc gia!

Hỡi ôi, chúng ta đang sống giữa thời kỳ có thể nhịn ăn cơm nhưng không thể nhịn “hóng biến”, cái sự bóc phốt đã trở thành trào lưu trên facebook, hở ra tí là người này đăng status nói xấu người kia, lỡ đắc tội ai là kiểu gì cũng được nổi tiếng bất đắc dĩ, trở thành nạn nhân của trò câu like rẻ tiền.

Giờ nhìn đâu cũng thấy ngoại tình, thấy trai xinh gái đẹp nhiều follow cũng nghi là con giáp thứ 13, giật chồng cướp vợ, rồi đủ loại hotgirl hotboy sống ảo, “thánh lừa đảo”…

Chúng ta chửi các thông tin trên mạng xã hội, nhóm kín nhóm mở là “lá cải”, “rác rưởi”… nhưng vẫn không nén nổi tò mò vào xem, xem xong thì share vội vàng, bình luận nóng vội… Sao chúng ta lại mâu thuẫn như thế chứ?

Cảm xúc, suy nghĩ, góc nhìn của chúng ta bị chi phối quá nhiều bởi những nghi án cặp kè, bóc phốt câu like, quanh đi quẩn lại toàn những lời chê bai xì xào, chửi bới lăng mạ, gạch đá với nghìn lẻ một chủ đề trong cuộc sống.

Hiếm hoi lắm mới thấy dân tình nổi sóng vì chuyện gì đó nhân văn, cao đẹp, còn lại chủ yếu chỉ thích những sự kiện giật gân, gây sốc.

Có phải vì cuộc sống quá nhàm chán nên người ta thích sự nổi tiếng nhất thời, thích những điều phù phiếm hơn là chuyện tử tế?

Câu trả lời thế nào, trong lòng mỗi người tự biết rõ hơn cả.

Hãy sáng suốt trước mọi thứ chúng ta nghe, nhìn, cảm nhận hàng ngày, đừng biến mình thành “con lừa”, bị dòng thị phi dắt mũi hết chuyện này tới chuyện khác, tối ngày ăn no cơm xong lại hóng chuyện cho nhanh đói.

Có thể quan tâm như một thú vui giải trí, nhưng đừng tham gia quá sâu hoặc “hóng” chuyện linh tinh không đúng sự thật, vô tình sẽ biến mình thành kẻ lắm điều đáng ghét đấy.

Hoặc kinh khủng hơn, khi có chuyện gì đó xảy ra ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm một ai đó, nếu chúng ta hùa theo đám đông bàn tán, chỉ trích, sẽ rất dễ xảy ra những hậu quả khó lường.

Hành động hóng chuyện của chúng ta tưởng chừng vô hại, nhưng sự thực nó lại là thứ công cụ ảo có sức mạnh vô cùng to lớn, giống con dao hai lưỡi mà ta không đoán được nó sẽ gây ra điều gì.

Theo AFAMILY / TTVN

Tags: , ,