⠀
Người Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của kẻ khác như thế nào?
“Người Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của bạn. Họ khiến cho thực phẩm sản xuất trở nên đắt đỏ hơn. Họ làm cho nước ngọt trở nên khan hiếm hơn”.
Michael Silverstein, một đối tác cấp cao tại Nhóm Tư vấn Boston (BCG) ở Chicago nói như vậy.Và ở BCG, các nhà phân tích gọi đó là “hiệu ứng boomerang” – một tập hợp của những kết quả khó dự đoán đang và sẽ tác động tới Mỹ trong con đường phát triển. Trong những năm 1980 và 1990, ngay trước lúc Trung Quốc ra nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, đồ giá trẻ của họ tràn ngập đất Mỹ từ giày thể thao, ga trải giường tới búp bê Barbie. Sản xuất ở Mỹ đình đốn, và ngày nay, hầu như mọi người đều vẫn đổ lỗi cho Trung Quốc về việc này.
“Thời điểm này lại hoàn toàn khác biệt. Chúng ta sẽ đi theo con đường khác. Nhu cầu của tầng lớp trung lưu Trung Quốc sẽ dẫn tới cuộc siêu cạnh tranh về hàng hoá, và không chỉ có ngô hay đậu tương, tôi còn muốn nói tới nguyên liệu mà người nông dân cần để làm ra hai thứ ấy: phân bón và nước”, Silverstein nhấn mạnh.
Theo ước tính của BCG, người Trung Quốc sinh ra trong năm 2009 sẽ tiêu dùng gấp 38 lần so với người sinh ra năm 1960. Nó cùng đồng nghĩa với việc họ cũng sẽ sử dụng rất nhiều đậu nành.
Trong năm 1960, thịt gà và thịt lợn chiếm khoảng 4% lượng calo hàng ngày. Nhưng tới năm 2020, chúng sẽ chiếm khoảng 28%. Nhu cầu khổng lồ trong việc sử dụng đạm động vật buộc Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu ròng thịt gà và thịt lợn. Nó đồng nghĩa với Trung Quốc sẽ nhập khẩu nhiều thịt hơn, và các công ty thực phẩm Mỹ từ Tyson đến Brasil Foods sẽ phải tìm mọi cách để sản xuất nhiều hơn từ gia súc, vật nuôi vốn đang đảm bảo nguồn thực phẩm cho người địa phương.
“Chúng tôi thấy câu chuyện tiêu dùng của người Trung Quốc là không thể dừng lại được. Chúng tôi không chỉ nói về thị trường hàng hoá xa xỉ, mà còn về những thứ cơ bản nhất”, Jamie Kramer, phụ trách nghiên cứu chuyên đề chiến lược tại J.P. Morgan Private Bank ở New York cho biết.
Hãy xem xét con số này: theo Viện Brookings, trong năm 2009 Trung Quốc mới chiếm khoảng 3% số người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu của thế giới, trong khi đó, con số này ở Mỹ là 21%. Tới năm 2020, Trung Quốc được dự báo tăng lên 13% trong khi Mỹ sẽ giảm xuống còn 12%. Điều đó là bởi người Trung Quốc (và người châu Á nói chung) đang trở nên giàu có hơn.
Tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc khác với lớp trung lưu ở Mỹ. Thu nhập GDP theo đầu người của họ vào khoảng 7.400 USD và ở Mỹ là gần 45.000 USD. Theo con số này thì thậm chí thu nhập của Trung Quốc tăng gấp ba lần cũng sẽ chưa bằng Mỹ.
Tuy nhiên, có một điều phải tính tới đó là “số lượng”. Có câu nói thế này “khi một triệu người Trung Quốc cùng nhảy, họ có thể tạo ra trận động đất”. Đó là chưa kể, người Trung Quốc đang kiếm được nhiều tiền hơn trước khi nền kinh tế dịch chuyển dần từ các nhà máy sản xuất đồ giá rẻ sang những công xưởng chế tạo điện thoại thông minh hay các tấm pin mặt trời. Và tiền lương của họ cũng cao hơn. Công nhân di cư có thể mua hai cân gạo thay vì một cân, tầng lớp trung lưu thành thị có thể mua hai chiếc xe hơi thay vì một chiếc. Và nếu bạn là General Motors, và bạn có rất nhiều tiền để chi cho chiến lược thị trường, thì bạn sẽ tiêu nó ở đâu?
Đó chỉ là một ví dụ mang tính ẩn dụ về việc người Trung Quốc sẽ ăn bữa trưa của kẻ khác thế nào. Còn đây là cách họ sẽ khiến điều đó trở nên thực tế trong thời gian tới, Silverstein cảnh báo trong cuốn sách “Giải thưởng 10 nghìn tỷ” mà Harvard Business Review Press xuất bản hồi tháng 10.
- Trong năm 2010, 99% sản lượng ngô của Trung Quốc làm thức ăn chăn nuôi. Con số này chiếm khoảng 20% sản lượng ngô thế giới sẽ dùng làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc ở Trung Quốc. Nhập khẩu ngô của Trung Quốc sẽ tăng từ 2 triệu tấn hiện nay lên 15 triệu tấn tới năm 2020. Phần lớn ngô sẽ đến từ châu Mỹ như Mỹ, Brazil và Argentina.
- BCG ước tính, người tiêu dùng Mỹ sẽ chứng kiến giá ngô tăng 57% trong vòng 10 năm tới do nhu cầu của người Trung Quốc.
- Giá ngô đắt đỏ cũng đồng nghĩa với việc thực phẩm trở nên đắt đỏ ở Mỹ do ngô cũng được sử dụng để nuôi gà, lợn và trong nhiều nông trang chăn nuôi gia súc. Gia tăng 57% trong chi phí thức ăn năm 2020 có thể khiến giá thịt bò tăng 20% cùng thời điểm.
- Mùa vụ gieo trồng rất cần nước. Chế độ ăn tập trung nhiều vào thịt động vật của Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu nước tăng gấp 10 lần. Trên thế giới, tiêu thụ nước đã đi trước nguồn cung ứng bền vững và tăng ở mức 2,2%/năm. Và tại Trung Quốc, nguồn cung cấp nước luôn căng thẳng vì nạn hạn hán.
- Xuất khẩu thực phẩm Mỹ sang Trung Quốc kéo theo nhu cầu sử dụng nước tăng 18%. Nghĩa là để có nguồn thực phẩm xuất khẩu tới người tiêu dùng Trung Quốc, Mỹ cần tiêu tốn khoảng 41 nghìn tỷ lít nước mỗi năm – gấp hai lần lưu lượng sông Colorado (theo BCG).
“Hiệu ứng boomerang sẽ không kết thúc trong những cuộc bạo loạn hay nạn thiếu đói thực phẩm với người Mỹ”, Silverstein nói. Tuy nhiên, sẽ cần cuộc cách mạng trong nông nghiệp để thực hiện điều này. Những kịch bản ngày tận thế hiếm khi diễn ra theo đúng như thế. Nhưng xem xét thực tế về nhu cầu tiêu dùng ngày một lớn của người Trung Quốc với mọi loại hàng hóa, từ xa xỉ tới nhu yếu phẩm, thì các công ty nhất là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải tìm ra cách để sản xuất nhiều thực phẩm hơn.
Theo TUẦN VIỆT NAM / FORBES (2013)