Người sỹ quan Ấn Độ quyết tử ngăn quân Trung Quốc trong cuộc chiến 1962

Mặc dù chiến tranh biên giới Trung – Ấn năm 1962 thể hiện sự yếu thế của Ấn Độ dẫn đến thất bại, vẫn có những hình tượng người lính anh hùng, xả thân chiến đấu đến chết và được ghi nhớ đến tận ngày nay.

Một trong những người lính anh dũng trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt năm đó là Subedar Joginder Singh.

Joginder Singh cùng trung đội do mình chỉ huy đã dũng cảm chống trả lực lượng Trung Quốc đông gấp nhiều lần, thể hiện ý chí quyết không để đối phương lấn át.

Subedar Joginder Singh sinh ngày 28/9/1921, ở làng Mahla Kalan, bang Punjab. Năm 15 tuổi, Joginder Singh gia nhập quân ngũ dưới quyền chỉ huy của người Anh.

Anh đã chiến đấu trong hàng ngũ quân đội Anh-Ấn ở mặt trận Myanmar trong Thế chiến 2. Sau khi Ấn Độ độc lập, Joginder Singh thuộc trung đoàn người Sikh, tham gia chiến đấu chống lại sự xâm lấn của các bộ lạc Pakistan ở vùng tranh chấp Kashmir.

Năm 1962, Joginder Singh khi đó 41 tuổi, mang hàm Đại úy, tham gia vào cuộc chiến tranh biên giới khốc liệt với Trung Quốc.

Đây là cuộc chiến mà Ấn Độ hứng chịu nhiều chỉ trích nhất vì không thể hiện được sự kiên cường như đã từng giúp người Anh kháng chiến chống Nhật.

Joginder Singh năm đó được giao chỉ huy một trung đội bao gồm khoảng 20 người, có nhiệm vụ chốt chặn ở khu vực sườn núi và đỉnh núi chiến lược dọc đường ranh giới McMahon.

Lực lượng Trung Quốc đóng quân gần khu vực này được giao nhiệm vụ vượt phòng tuyến Ấn Độ, chiếm thị trấn Tawang, bang Arunachal Pradesh. Để làm được điều này, các binh sĩ Trung Quốc phải kiểm soát chốt chặn ở các cao điểm do lính Ấn Độ canh giữ.

Sáng sớm ngày 23/10/1962, Trung Quốc mở đợt tổng tiến công từ cả 3 hướng. Các phòng tuyến của Ấn Độ chống trả yếu ớt và bị đẩy lùi.

Lính Trung Quốc kéo đến khu sườn đồi do trung đội của Joginder Singh trấn giữ.

Joginder Singh tận dụng mọi lợi thế có thể, xuất sắc đẩy lùi hai đợt tấn công của quân Trung Quốc.

“5 giờ 30 phút sáng ngày 23/10/1962, quân Trung Quốc tấn công rất dữ dội với mục đích chiếm thị trấn Tawang. Quân địch tấn công theo quy mô tiểu đoàn, chia làm nhiều đợt, mỗi đợt khoảng 200 người”, tài liệu lịch sử Ấn Độ về cuộc chiến có đoạn chép. “Joginder Singh và các binh sĩ dưới quyền dũng cảm đẩy lùi đợt tấn công đầu tiên. Vài phút sau, lính Trung Quốc xông lên trong đợt hai và cũng chịu chung số phận”.

Trung đội do Joginder Singh chỉ huy bắt đầu cạn kiệt đạn dược, yêu cầu được tiếp thêm đạn từ sở chỉ huy. Tuy nhiên, đường dây liên lạc liên tục bị gián đoạn vì sự can thiệp của quân Trung Quốc.

Trong thông điệp cuối cùng, sở chỉ huy yêu cầu Joginder Singh rút lui. Nhưng đại úy Ấn Độ đáp lời rằng bằng mọi giá sẽ không để quân Trung Quốc chiếm cao điểm.

Ở thời điểm phát động tổng tấn công trên toàn mặt trận biên giới, lực lượng bên phía Trung Quốc ước tính gấp 4 lần lính biên phòng Ấn Độ.

“Joginder Singh bị trúng đạn ở đùi nhưng không chịu để đồng đội đưa đi sơ tán. Nhiều binh sĩ trong trung đội ở lại chiến đấu cùng đại úy Joginder Singh. Đến khi đạn dược hoàn toàn cạn kiệt, Joginder Singh cầm súng gắn lưỡi lê lao thẳng vào đối phương”, tài liệu chép. “Hành động này của đại úy Joginder Singh đã thể hiện sự quyết tâm cao nhất, thể hiện ý chí và sự kiên cường không gì có thể so bì được”.

Nhiều binh sĩ Trung Quốc còn tỏ ra sợ hãi khi thấy những người lính Ấn Độ lao vào cận chiến bằng lưỡi lê. Đến cuối cùng, Joginder Singh bị bắt sống trong tình trạng bị thương nặng.

Theo các tài liệu Ấn Độ, Joginder Singh đã tiêu diệt được ít nhất 50 lính Trung Quốc trước khi ngã xuống.

Trong khi được đưa về Tây Tạng với tư cách là tù binh chiến tranh, Joginder Singh đã tử vong. Ông được truy tặng huân chương Param Vir Chakra – huân chương cao quý nhất mà trong suốt 52 năm (1947-1999), chỉ có 21 người được trao tặng.

Khi biết Joginder Singh được truy tặng huân chương Param Vir Chakra, quân đội Trung Quốc đã thể hiện sự tôn trọng, đưa tro cốt ông hồi hương theo đúng nghi thức quân sự cao nhất.

Tượng đài tưởng niệm đại úy Joginder Singh được xây dựng ở đúng nơi ông cùng các đồng đội đã anh dũng chiến đấu. Ngày nay, thị trấn Tawang vẫn thuộc quyền kiểm soát của Ấn Độ, nhưng Trung Quốc không từ bỏ tuyên bố chủ quyền ở khu vực này.

Theo DÂN VIỆT / INDIA TIMES

Tags: ,