Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam: Lịch sử và hiện trạng

Múa rối nước là sân khấu nghệ thuật đặc sắc của văn hóa lúa nước, ra đời hầu như cùng lúc với sự hình thành nền văn hóa Đại Việt.

Nghệ thuật múa rối nước Việt Nam: Lịch sử và hiện trạng

Do tính đặc sắc của nó, nên từ nghệ thuật mang yếu tố dân gian Múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống, có thể sánh ngang với Tuồng, Chèo là những bộ môn nghệ thuật có vị trí cao trong nền sân khấu dân tộc. Tinh hoa Múa rối nước Việt Nam đã được sự ngưỡng mộ trong làng bạn bè thế giới, sân khấu Múa rối nước được xem là bộ môn nghệ thuật “Độc nhất vô nhị”. Tuy nhiên do xuất hiện sau so với những môn nghệ thuật khác nên Múa rối nước không tránh khỏi những hạn chế, cộng với mục đích thương mại đã làm cho loại hình nghệ thuật này ngày càng mai một và bị lãng quên. Vì thế vấn đề đặt ra là làm thế nào để từng bước khắc phục những tồn tại, giúp bảo tồn và phát triển Múa rối nước dân gian.

1. Nguồn gốc Múa rối nước.

Nghệ thuật Múa rối truyền thống Việt Nam mà đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất là Rối nước được ra đời, phát triển và trở thành một loại hình nghệ thuật thì đó phải kể đến sự tìm tòi, sáng tạo và liên tưởng của cha ông ta trước cuộc sống bình dị gắn liền với nghề nông nghiệp trồng lúa nước và sự du nhập mạnh mẽ của phật giáo vào Việt Nam.

Ngược dòng lịch sử tìm hiểu về sự ra đời và phát triển của loại hình nghệ thuật này, qua một số những công trình nghiên cứu của những người nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà nghiên cứu về nghệ thuật Múa rối thì nghệ thuật Múa rối ở Việt Nam đã có từ lâu đời trong lịch sử, gắn liền với nền văn minh lúa nước ở đồng bằng Bắc Bộ.

Theo những nguồn tư liệu khác nhau về nghệ thuật Múa rối ở Việt Nam cho thấy: năm 1121 Múa rối nước đã được đưa vào biểu diễn để mừng thọ vua, mà minh chứng đó là những dòng chữ Hán được khắc trên tấm bia đá cổ có từ triều đại nhà Lý mà hiện nay đang được đặt tại chùa Long Đọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.

Từ những con Rối riêng lẻ của một số các cá thể phát triển thành những Phường rối với nhiều những tích trò hay, lạ, đẹp mắt rồi được đem ra biểu diễn, thi tài phục vụ nhân dân. Từ đây nghệ thuật Múa rối đã trở thành thú chơi tao nhã của nhân dân đồng bằng sông Hồng và đến nay đã trở thành một loại hình nghệ thuật truyền thống trong dân gian được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Như vậy có thể nói, Nghệ thuật Múa rối truyền thống của dân tộc Việt Nam ra đời vào khoảng thế kỷ XI – XII khi phật giáo bắt đầu phát triển mạnh ở nước ta gắn liền với những điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh hoạt của người nông dân nông nghiệp trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ. Với một trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo thông minh của cha ông ta đã góp phần hình thành nên nghệ thuật Múa rối. Đây là một nét văn hóa truyền thống riêng biệt của dân tộc Việt Nam so với nền nghệ thuật Múa rối của các quốc gia trên toàn thế giới.

Loại hình này thường diễn vào dịp lễ, hội làng, ngày vui, ngày Tết, dùng con rối diễn trò, diễn kịch trên mặt nước. Nghệ thuật trò rối nước có những đặc điểm khác với múa rối thông thường: dùng mặt nước làm sân khấu (gọi là nhà rối hay thủy đình), phía sau có phông che, xung quanh trang trí cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã… trên “sân khấu” này là những con rối (được làm bằng gỗ) biểu diễn nhờ sự điều khiển của những người phía sau phông thông qua hệ thống sào, dây… Biểu diễn rối nước không thể thiếu những tiếng trống, tiếng pháo phụ trợ.

Con rối được làm bằng gỗ sung, loại gỗ nhẹ nổi trên mặt nước, được đục cốt, đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét tính cách cho từng nhân vật. Hình thù của con rối thường tươi tắn, ngộ nghĩnh, tính hài và tính tượng trưng cao.

Phần thân rối là phần nổi lên mặt nước thể hiện nhân vật, còn phần đế là phần chìm dưới mặt nước giữ cho rối nổi bên trên và là nơi lắp máy điều khiển cho quân rối cử động.

Máy điều khiển và kỹ xảo điều khiển trong múa rối nước tạo nên hành động của quân rối nước trên sân khấu, đó chính là mấu chốt của nghệ thuật trò rối nước.

Máy có thể được chia làm hai loại cơ bản: máy sào và máy dây đều có nhiệm vụ làm di chuyển quân rối và tạo hành động cho nhân vật. Máy điều khiển được giấu trong lòng nước, lợi dụng sức nước, tạo sự điều khiển từ xa, cống hiến cho người xem nhiều điều kỳ lạ, bất ngờ.

Buồng trò rối nước là nhà rối hay thủy đình thường được dựng lên giữa ao, hồ với kiến trúc cân đối tượng trưng cho mái đình của vùng nông thôn Việt Nam.

Người nghệ nhân rối nước đứng trong buồng trò để điều khiển con rối. Họ thao tác từng cây sào, thừng, vọt… hoặc giật con rối bằng hệ thống dây bố trí ở bên ngoài hoặc dưới nước Sự thành công của quân rối nước chủ yếu trông vào sự cử động của thân hình, hành động làm trò đóng kịch của nó.

Sân khấu rối nước là khoảng trống trước mặt buồng trò . Buồng trò, sân khấu được trang bị cờ, quạt, voi, lọng, cổng hàng mã…Buổi diễn rất nhộn nhịp với lời ca, tiếng trỗng, mò, tù và, chen tiếng pháp chuột, pháo thăng thiên, pháo mở cờ từ dưới nước lên, trong ánh sáng lung linh và màn khói huyền ảo.

Trò rối nước là trò khéo lấy động tác làm ngôn ngữ diễn đạt, rối nước gắn bó với âm nhạc như nghệ thuật múa. Âm nhạc điều khiển tốc độ, giữ nhịp, dẫn dắt động tác, gây không khí với tiết tấu truyền thống giữ vai trò chủ đạo của trò rối nước, nhạc rối nước thường sử dụng các làn điệu chèo hoặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ.

Múa rối nước đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ và gắn bó với họ từ thế hệ này sang thế hệ khác.

2. Thực trạng Múa rối nước.

Qua điều tra trên diện rộng ở các phường Múa rối nước dân gian, cũng như qua các kỳ liên hoan Múa rối nước toàn quốc, cùng việc xem xét hoạt động biểu diễn Múa rối nước của các đơn vị, cho ta thấy rõ phong trào biểu diễn Múa rối nước dân gian và ảnh hưởng của nó đang được duy trì ở nhiều tỉnh thành trên miền Bắc. Những địa phương vốn không có Múa rối nước như ở miền Trung và Nam Bộ thì giờ đây cũng tổ chức biểu diễn Múa rối nước. Đó là một biểu hiện đáng mừng trong việc phát huy vốn văn nghệ cổ truyền trong đông đảo người xem. Có điều cần cảnh báo là mục đích của một số tổ chức Múa rối nước không hẳn để nối tiếp truyền thống, bảo tồn vốn nghệ thuật truyền thống và phục vụ cho nhân dân, mà chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài để thu lợi. Sử dụng nghệ thuật truyền thống vào quảng bá du lịch là việc nên làm, song nếu đặt sai mục đích sẽ có tác dụng ngược. Du khách cần biết cái tinh hoa, đặc điểm của văn hóa nghệ thuật Việt Nam, chứ không phải cấn đến những yếu tố vụ lợi.

Cũng vì mục đích thương mại đó mà vốn nghệ thuật dân gian tiềm ẩn trong nhân dân ngày bị mai một, bị lãng quên, bị sử dụng sai mục đích dẫn đến tình trạng ngày một nghèo đi. Điều này rất dễ thấy là gần như hầu hết các phường Múa rối nước trên toàn miền Bắc đều diễn một chương trình gần giống nhau. Đó là 16 trò Múa rối nước dân gian được rút ra từ phường Nguyên Xá ở Thái Bình và phường Nam Chấn ở Nam Định từ cách đây gần 30 năm. Rất ít phường có những tiết mục mới (do sưu tầm từ vốn cổ, chứ không phải mới sáng tác). Có nơi phục hồi được một số trò nhưng diễn chưa điêu luyện, vì hầu hết là diễn viên trẻ mới đào tạo ngắn ngày chưa vững tay nghề. Lại có nơi chạy theo đề tài thời sự, viết kịch bản mới, dàn dựng mới nhưng không hấp dẫn vì chạy theo tích (chuyện) mà quên trò là yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật sân khấu dân gian. Thực chất Múa rối nước dân gian chỉ diễn trò là thuận hơn tích, bởi nó xuất xứ từ trò chơi dân gian hay nghi lễ.

Thực tế, Múa rối nước dân gian Việt Nam đang có xu hướng hiện đại hóa và đang mờ dần bản sắc, vì nó bị tác động bởi cơ chế thị trường, đồng thời không được quản lý có định hướng rõ ràng. Cũng cần nhận thức rằng, không có nghệ thuật truyền thống nào không được cải tiến và nâng cao mà có tác động trong thời hiện đại, nhưng mọi cải tiến và nâng cao phải đảm bảo đặc tính tinh hoa của nó trong mối quan hệ với bản sắc dân tộc, theo định hướng văn hóa của ta.

Múa rối nước dân gian đang tồn tại và phát triển tự do và tùy tiện, mạnh ai nấy làm, theo nhận thức riêng của mình, theo khả năng nhân lực và tài chính cho phép. Theo các nghệ nhân Múa rối nước ở Thái Bình, Nam Định, Hà Tây, Hà Nội… đều cho rằng, còn hàng trăm trò diễn cổ chưa được khai thác, chưa được phát huy.

Bên cạnh đó bộc lộ một mâu thuẫn giữa những người làm Múa rối nước hiện đại ở Trung ương với những nghệ nhân ở làng quê, là có nên xây dựng những sân khấu thủy đình hiện đại thay thế cái ao làng như nó vốn có ở nông thôn hay không? Có ý kiến cho rằng, Múa rối nước ở nông thôn chỉ nên diễn ở ao làng như ngày xưa, người diễn thì lội dưới nước, người xem thì ngồi trên bờ ao, như thế mới là dân gian, là môi trường và không khí của Múa rối nước làng xã. Ngược lại cho rằng, đã đến lúc người nông dân có quyền ngồi trên ghế gỗ hoặc trên bậc xi măng trước mặt hồ rộng để xem Múa rối nước, vì khi cuộc sống đã thay đổi thì người dân không thể ngồi trên bãi cỏ để xem nghệ thuật như ngày xưa nữa.

Từ nhận thức đó, ở Thái Bình đã xây một sân khấu thủy đình hiện đại vào bậc nhất nước. Tuy vậy, một số phường Múa rối nước dân gian ở Thái Bình vẫn diễn theo hình thức sân khấu Múa rối nước truyền thống, tức là diễn ở các ao làng, có nghĩa là ở địa phương này đang tồn tại hai hình thức, hai sân khấu Múa rối nước dân gian và hiện đại.

Thật ra vấn đề đáng quan tâm ở đây không phải là diễn ở sân khấu dân gian (ao làng), hay sân khấu thủy đình hiện đại như ở Nhà hát Múa rối Trung ương hoặc ở Thái Bình, mà quan trọng hơn hết là nội dung của tiết mục và hình thức biểu diễn có còn là Múa rối nước dân gian truyền thống hay không. Cũng như các loại hình sân khấu truyền thống (Tuồng, Chèo, Ca trù, quan họ), nghệ thuật Múa rối nước dân gian hiện không được đông đảo công chúng Việt Nam mặn mà lắm do không thay đổi trò diễn và không nâng cao mỹ thuật quân rối và nghệ thuật biểu diễn… Một nguyên nhân khác là việc tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ dân tộc cho công chúng về Múa rối nước cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm cho người ta thấy hết cái hay, cái đẹp, cái độc đáo của Múa rối nước dân gian.

3. Các giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển Múa rối nước dân gian.

Múa rối nước dân gian ở khu vực đồng bằng Bắc bộ đang tồn tại và phát triển nhưng cũng gặp phải những điều bất cập. Trên thực tế vẫn tồn tại những phường Rối tuy vẫn duy trì hoạt động, nhưng thực chất lại là dập khuôn. Gần như hầu hết các phường Múa rối nước trên toàn miền Bắc đều diễn một chương trình gần giống nhau, đó là 16 trò Múa rối nước dân gian được rút ra từ phường Nguyên Xá ở Thái Bình và phường Nam Chấn ở Nam Đinh. Trong khi đó hàng trăm trò diễn độc đáo do nghệ sĩ dân gian sáng tạo trong hàng trăm năm qua, vẫn còn nằm im trong ký ức của những người có nghề ở nông thôn, bởi những nghệ sĩ cao niên không thể diễn được nữa, việc tạo hình con rối hiện nay cũng không nhất quán về phong cách. Sự tản mạn, manh mún của phong trào Múa rối nước dân gian là nguyên nhân chính của sự mai một và mất bản sắc dân gian trong môn nghệ thuật đặc sắc này.

* Do vậy, giải pháp đầu tiên đặt ra để bảo tồn và phát triển Múa rối nước dân gian là phải tiến hành việc sưu tầm sân khấu Múa rối nước.

Những năm gần đây, công tác sưu tầm sân khấu Múa rối nước đã được quan tâm hơn, nhưng thực chất vẫn chưa đáp ứng được tầm quan trọng của nó. Sưu tầm còn mang tính tự phát của một số cá nhân hay của một vài cơ quan chức năng mang tính hình thức chủ nghĩa. Có một nghịch lý: Chúng ta bỏ không biết bao nhiêu công sức, của cải, thời gian khai quật, tìm tòi những di vật cổ trong lòng đất, trong đáy đại dương nhưng lại bỏ quên những di tích, những cổ vật quý hiếm nằm rải rác ngay xung quanh chúng ta, trong đó có múa rối nước.

Rất nhiều con rối cổ bị đem bán ra nước ngoài, một số còn lại, có những con rối mang tuổi vài trăm năm, vẫn còn nằm im trong các làng quê, trong các góc đình làng ẩm thấp. Những con rối ở nhà mồ Tây Nguyên, ở bản làng Đăklăk, ở Cao Bằng, ở Hà Tây cũng đang cần đến những người sưu tầm. Nếu kéo dài tình trạng này, việc phát huy Múa rối nước sẽ gặp nhiều khó khăn ngay từ khâu sưu tầm.

* Giải pháp thứ hai: Công tác đào tạo.

Từ trước tới nay, việc đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu Múa rối nói chung tồn tại hai hình thức.

Đào tạo theo lối truyền nghề, đó là cách đào tạo truyền thống. Tất cả các phường Rối cạn cũng như Rối nước tồn tại như một hình thức văn nghệ dân gian. Nó có nhiều ưu điểm là người học nghề có khả năng bắt chước nhanh, thuần thục những gì được học, nhưng khả năng tư duy, sáng tạo độc lập lại hạn chế, bởi chỉ được truyền những kinh nghiệm và thủ thuật diễn một cách máy móc và dập khuôn.

Hình thức đào tạo theo trường lớp, học theo khung chương trình, có giáo án, giáo trình, ngoài môn chuyên ngành còn phải học nhiều môn kiến thức cơ bản và liên ngành khác. Vì vậy, học viên khi tốt nghiệp có khả năng tư duy và sáng tạo độc lập theo ý đồ của đạo diễn cũng như của tập thể. Hình thức theo kiểu trường lớp này có tính khoa học nhưng thực chất không có hiệu quả bằng lối đào tạo truyền nghề như ở mô hình đào tạo truyền thống ở một số địa phương; cũng như Tuồng, Chèo phương pháp đào tạo tại chỗ, cha truyền con nối là có hiệu quả hơn. Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, từ xưa tới nay vẫn là truyền nghề là chính, vì thế mà vai trò của nghệ nhân rất quan trọng: Nghệ nhân tạo hình con rối, làm máy móc điều khiển con rối và biểu diễn.Vì thế phải quan tâm nhiều hơn nữa trong việc sử dụng nghệ nhân, trong việc đào tạo lực lượng diễn viên Múa rối nước trẻ. Đào tạo phải gắn với thực hành, nghĩa là phải tổ chức hoạt động biểu diễn thường xuyên để diễn viên trẻ được thực hành, được nâng cao kỹ năng, được tiếp cận thường xuyên với công chúng. Thực tế có một số phường Múa rối nước đào tạo xong một lớp diễn viên rồi chỉ cho biểu diễn mấy buổi báo cáo rồi nghỉ kéo dài vì không tổ chức biểu diễn được, trong khi sân khấu Múa rối nước phải thường xuyên đến với quần chúng, vì đối tượng mà nó phục vụ cũng là nguồn động viên cho nghệ thuật phát triển.

* Để nghệ thuật Múa rối nước dân gian có thể tồn tại và phát triển theo định hướng mà Nghị quyết 05 về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Nhà nước cần quan tâm và đầu tư thêm tài chính để nghệ thuật Múa rối nước có sức tồn tại tự thân ngay ở trong làng, xã. Cuộc sống của những người hoạt động Múa rối nước dân gian ở tình trạng bấp bênh thì họ không thể yên tâm ngồi cạnh những cái ao làng lạnh lẽo với những con rối vô hồn mà họ phải bươn chải, phải tự vận động theo cơ chế thị trường để tồn tại. Bên cạnh sự quan tâm, tài trợ của Nhà nước, chúng ta phải thực hiện chính sách xã hội hóa đối với Múa rối nước, để phục hồi những trò diễn cổ – vốn quý do nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa sáng tạo ra và tiếp tục cho xây thêm một số Thủy đình biểu diễn Rối nước ở địa phương.

* Đã đến lúc đi tới việc hình thành tổ chức Hội chuyên ngành Múa rối nước, vì lâu nay ta chỉ mới có Hội sân khấu – Hội nghề nghiệp chung của nhiều bộ môn sân khấu kết hợp lại. Đây là một Hội chuyên ngành – Hội nghề nghiệp những người hoạt động Múa rối nước, là chỗ dựa tinh thần để họ hành nghề trong sự thống nhất và có điều kiện phát triển khả năng và truyền dạy kinh nghiệm cho thế hệ sau.

Kinh nghiệm Nhật Bản cho thấy, nghệ thuật múa rối (Bunraku) đã tồn tại 6, 7 trăm năm mà vẫn còn giữ được nguyên xi như thời mới ra đời. Bunraku không phát triển tràn lan như Múa rối nước ở Việt Nam ta, mà biết tập trung vào một số địa phương tiêu biểu và được nhà nước và các tổ chức xã hội chăm lo bảo tồn như báu vật quốc gia. Ở những nơi đó đều có sân khấu riêng của Bunraku với lịch biểu diễn định kỳ. Mỗi lần biểu diễn được ban quản lý Hiệp hội tổ chức hết sức chu đáo, từ việc tuyên truyền, tổ chức sân khấu đến việc biểu diễn, bán vé thu tiền và cuối cùng là trả lương cho nghệ sĩ. Đặc biệt nghệ sĩ múa rối Bunraku không sống tập trung trong một đoàn, một đội, mà sống tự do, khi cần biểu diễn, ban quản trị của Hiệp hội thông báo tập hợp lại và có thể biểu diễn ngay không phải qua tập luyện vì họ đã quá thuần thục. Nếu ai không đảm bảo kỷ luật và kỹ thuật biểu diễn sẽ bị loại ra khỏi Hiệp hội, ngược lại, những người giỏi nghề và hoạt động theo tổ chức thì lương được duy trì lâu dài. Các hình thức sân khấu truyền thống ở Nhật hoạt động hoàn toàn theo xã hội hóa, mỗi loại hình đều có Hiệp hội riêng để chịu trách nhiệm về ngành nghề của mình. Nhờ có Hiệp hội, các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn luôn được đề cao, người nghệ sĩ được tôn trọng và mức sống của họ khá cao. Vì thế mà không ai bỏ nghề, hoặc làm nghề có tính chất tay trái như tình trạng Múa rối nước dân gian ở Việt Nam: chỉ biểu diễn xuân thu nhị kỳ, còn lại là làm nghề khác, nên vẫn mang tính nghiệp dư hơn là chuyên nghiệp.

Thành lập Hội Múa rối nước là một giải pháp tích cực đối với quá trình phục hồi và phát triển Múa rối nước dân gian hiện nay. Khi đã có Hội, riêng hoạt động của Múa rối nước dân gian sẽ không bị phân tán, không rơi vào tình trạng cha chung không ai khóc, không bị cô lập, mà ngược lại mọi việc được tập trung hơn, đời sống của nghệ nhân càng được đảm bảo. Đời sống nghệ nhân được ổn định thì nghệ thuật nhất định sẽ được nâng cao. Dĩ nhiên, để được công nhận là nghệ nhân đòi hỏi phải có năng khiếu, tài năng và sự lao động bền bỉ để nuôi dưỡng tay nghề và không ngừng nâng cao chất lượng nghệ thuật.

* Làm thế nào để phục hồi được những trò diễn độc đáo do các nghệ nhân nhiều thế hệ đã sáng tạo ra? Đây là vấn đề nan giải, nhưng không phải là không làm được.

Như chúng ta đã biết, hai bộ môn nghệ thuật truyền thống Tuồng, Chèo sau khi khôi phục cho đến sau 1954 chỉ còn rất ít các tiết mục cổ. Chiến tranh kéo dài và những quan niệm lệch lạc một thời về nghệ thuật truyền thống đã làm rơi rụng nhiều giá trị nghệ thuật hai bộ môn này. Nhưng từ cuối những năm 50 của thế kỷ 20 khi các nghệ nhân, nghệ sĩ của hai bộ môn nghệ thuật này tập hợp lại theo chủ trương phục hồi vốn cổ, thì chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, các nghệ nhân cùng sự trợ giúp của các nhà nghiên cứu, đã phục hồi được hàng chục vở tuồng, chèo cổ và hàng trăm trích đoạn hay, hàng trăm làn điệu, khuôn hình biểu diễn mẫu…Từ đó cho đến nay, hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ diễn viên và đạo diễn kế tiếp, mới có cơ sở để học tập và sáng tạo ra những tiết mục mới, những vở diễn mới.

Với Múa rối nước hoàn cảnh và môi trường có khác với Tuồng, Chèo, bởi Múa rối nước chỉ tồn tại ở làng quê với những ao hồ, lại phân tán trên một diện rộng gần khắp miền Bắc. Do đó, việc tập trung lại để khai thác vốn cổ có phần khó khăn hơn. Cho đến thời điểm này, số nghệ nhân Múa rối dân gian thực thụ còn lại rất ít. Bên cạnh đó, nghệ nhân lại tuổi cao, sức yếu, bỏ nghề đã quá lâu, nên vốn truyền thống được bảo lưu trong họ mỏng manh, vừa tản mạn và dễ tam sao thất bản. Tuy vậy, nếu có quyết tâm và có sự đầu tư đúng mức của Nhà nước có kế hoạch khai thác vốn truyền thống chặt chẽ, chúng ta vẫn có thể làm được, nhưng phải xúc tiến nhanh, nếu không thì sẽ quá muộn.

* Cùng với việc khai thác, phục hồi và biểu diễn những tích trò cổ, ngành Múa rối nước cũng cần đẩy mạnh quá trình xây dựng những tiết mục biểu diễn hoàn toàn mới. Hai quá trình này nên tiến hành song song, đồng thời. Kinh nghiệm rút ra từ lịch sử nghệ thuật trong nước cũng như trên thế giới đã cho thấy rằng, sức sống của một bộ môn nghệ thuật không chỉ thu lại ở phương diện bảo tồn và tiếp thu tinh hoa của quá khứ mà còn thể hiện ở phương diện phát huy và phát triển loại hình nghệ thuật đó trong thời đại mới. Nếu chỉ khoanh việc biểu diễn Múa rối nước trong 16 trò quen thuộc thì đến một lúc nào đó sẽ trở nên nhàm chán cho người xem và cả cho người tổ chức. Và như thế, vô tình trong ta làm xơ cứng, nghèo nàn một di sản nghệ thuật truyền thống đặc sắc. Làm mới nghệ thuật Múa rối nước đòi hỏi một tinh thần sáng tạo nghiêm túc và kiên trì. Mới nhưng vẫn mang đặc trưng nghệ thuật Múa rối nước và phong cách dân gian truyền thống. Công việc này trước tiên đặt lên vai các đoàn nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp như là bước đột phá mở đường để các phường rối dân gian học tập.

Múa rối nước không những là một bộ môn nghệ thuật mang tính tập thể cao, mà còn thể hiện cái độc đáo trong cái độc đáo của bản sắc dân tộc. Nó là sản phẩm của văn hóa nước vùng châu thổ Bắc Bộ, không thể lẫn vào đâu được. Nó đã trải qua các khâu tìm tòi, cải tiến và điều chỉnh để nâng cao và đạt tới hiệu quả thẩm mỹ cao nhất. Đến lượt hậu sinh tiếp nhận các di sản ấy, chúng ta lại vẫn tìm tòi, cải tiến, điều chỉnh và nâng cao, để nghệ thuật thích nghi với thời đại, với định hướng văn hóa của đất nước. Nguyên tắc đó đã trở thành nguyên lý xây dựng và phát triển bộ môn nghệ thuật mà ta đang toàn tâm toàn ý trong việc bảo tồn và phát huy. Với tinh thần đó, GS Vũ Khiêu trong công trình luận bàn về nghệ thuật (Anh hùng và nghệ sĩ) đã có cái nhìn thấu đáo về biện chứng lịch sử của các sân khấu nghệ thuật truyền thống; “không phải một cá nhân lỗi lạc nào đó đã bỗng nhiên tạo nên một chiếc đàn bầu, một cây sáo trúc, một cái phách tre. Cũng không phải một ngày nào đó bỗng xuất hiện những điệu trống quân, cò lả, quan họ, những giọng ca Huế, cải lương, Bài chòi, những lời thơ lục bát du dương, những màu sắc đậm đà và giản dị của tranh Tết…Tất cả những phương tiện đó là do tập thể của dân tộc ta sáng tạo, được hoàn thiện không ngừng từ đời này qua đời khác”. Vì thế việc bảo tồn và phát triển Múa rối nước dân gian đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Có như vậy Múa rối nước mới thực sự xứng đáng là một loại hình nghệ thuật đặc sắc có tuổi đời hàng ngàn năm, hội nhập và hòa vào sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong giai đoạn hiện nay.

Theo CINET (2011)

Tags: ,