⠀
Một hoài niệm về Đà Lạt, nhà và rừng
Ngôi nhà màu hồng, trồng nhiều hoa xen giữa lối đi trải đầy sỏi trắng, nằm giữa đồi thông xanh mát nghe lá hát quanh năm. Khe suối nhỏ nước trong vắt cuối chân đồi róc rách hoài một khúc nhạc hiền hòa, những gốc sim thâm thấp nở đầy hoa tim tím, những bụi quỳ nở vàng bông vào mùa đông…
Chị em tôi được sinh ra và lớn lên ở đó, ngôi nhà có đầy đủ Ba Mẹ, có cả hàng dãy dài chuồng chim bồ câu được sơn nhiều màu đẹp mắt…
Chị Trinh kể tôi nghe, vào mùa Thu, chị thường xách chiếc giỏ mây ra đồi hái nấm. Mùa này nấm mọc rất nhiều sau những cơn mưa dài. Chị bảo: không phải chỉ để ăn ngon mà chị thích cái cảm giác khi tìm thấy nấm, mắt sáng lên, tay vạch đám lá thông già rụng dày và hái chiếc nấm xinh bỏ vào chiếc giỏ cũng xinh xinh. Chị và các bạn còn đi xa hơn vào các rừng thông để tận hưởng thú vui này. Ôi thật tuyệt vời!
Tôi còn nhỏ, chỉ biết loanh quanh cùng các bạn gần bên chơi trò bán hàng ở đồi thông nhỏ sau nhà. Chúng tôi thích nhất là trò chơi bán đồ trang sức. Những chiếc lá thông hình kim xâu những cánh hoa ngũ sắc thành vòng đeo tay xinh xắn, khéo léo nối vào nhau sẽ trở thành vương miện cài đầu hay dây chuyền hoa rực rỡ.
Mặt trời mùa đông đi ngủ sớm. Cả bọn lại xúm lại quơ lá thông khô. Ánh lửa bùng lên ấm áp, má đứa nào cũng ửng hồng, đôi môi đỏ tươi ríu rít bao nhiêu chuyện vui đem về từ lớp học hay cả chuyện con mèo nhà mình biết bắt chuột. Chỉ khi nào tiếng gọi í ới của các bà mẹ cất lên, cả bọn mới vội dập tắt lửa thật kỹ rồi bịn rịn chia tay nhau. Những ngày dài sau tháng 4-1975, nhiều người dân Dalat bỡ ngỡ với cuộc sống khác. Gia đình tôi không ngoại lệ.
Chị Trinh tôi theo nhà chồng di tản trở về. Nhà cửa trống hoác. Cuộc sống khó khăn với bao khắc khoải. Chị và anh rể tôi bắt đầu lao vào tìm đủ kế mưu sinh. Tôi nhớ hình ảnh anh chị vác từng bao cát nhỏ hạt dẻ mua được từ phía rừng Cam Ly, mang về luộc hoặc rang rồi mang đi bán lẻ.
Rừng lúc này thật sự đã mang lại nguồn sống cho nhiều cư dân Dalat. Sáng sớm, họ vào rừng nhặt hạt dẻ, đến chiều tối mới ra và bán cho những người đang chờ đợi ở cửa rừng.
Rừng và quê hương thứ hai
Một ngày Dalat nhiều sương mù, tôi 10 tuổi khờ khạo xếp vội sách vở quần áo, lên xe cùng gia đình buồn bã rời nơi chôn nhau cắt rốn đi về vùng Kinh Tế Mới.
Nơi chúng tôi đến và sẽ ở lại là những khu rừng bạt ngàn cây dầu to bằng hai vòng tay ôm của tôi, bạt ngàn hoa dại.
Mẹ đi cắt cỏ tranh cao gấp đôi đầu người về cho anh tôi – một cựu học sinh trường Trần Hưng Đạo tập đan thành từng tấm lợp. Anh Hiển vốn khéo tay nên việc này không khó, bây giờ nhớ lại tôi hết sức khâm phục anh, vì lúc ấy anh mới tròn 15 tuổi.
Anh chị tôi bắt đầu đi vác gỗ ở cách xa khoảng mấy cây số đường rừng, dựng lều cho cả nhà cùng ở. Sáu mẹ con quây quần bên nhau trong túp lều tranh nho nhỏ.
Được ít lâu, khi gạo và thực phẩm khô mang theo bắt đầu cạn thì anh chị tôi cũng đã phát quang cỏ tranh, khai phá được một mảnh vườn nhỏ. Mẹ ngồi băm nhặt từng sợi rễ cỏ tranh bằng cái dao xắt thịt mang xuống từ Dalat, lâu rồi chỉ vương mùi cỏ dại. Biết sao được, tất cả mọi người đều phải làm cái gì đó để sống, để tồn tại và không còn quyền lựa chọn. Mẹ tôi, một người thơ phú dạt dào, trước hiện tại đã khô héo hoàn toàn, lực bất tòng tâm…
Và điều xấu nhất đã xảy ra.
Anh Minh Quý, người anh kế của tôi gục chết vì cơn sốt rét rừng chỉ sau hai tháng xuống nơi này. Cả nhà khăn gói đưa anh về Dalat để chôn cất. Đường xa ngái, núi rừng hun hút phía sau lưng.
Tôi đã khóc rất nhiều, tôi cũng nghe rừng rưng rức khóc…
***
Người ở lại vẫn phải sống
Ngày xưa, khi còn ba, lương công chức đủ nuôi cả nhà. Mẹ tôi nhàn nhã chăm con và có nhiều thời gian đọc sách, các chị tôi được học trường tốt nhất. Từ ngày ba mất, mẹ tôi nuôi các con bằng nghề đan len như nhiều bà mẹ Dalat khác. Bây giờ phải cấy lúa, trồng rau, vừa làm vừa học nên dù mẹ và anh chị có cố gắng tới đâu thì cũng không thể bằng mọi người được. Gạo cũng chỉ đủ ăn trong vài tháng, cũng như rất nhiều nhà khác, gia đình tôi vẫn cầu cứu tới rừng.
Theo chân các bạn cùng lứa, tôi vào rừng bẻ măng, hái nấm. Những cái nấm mèo mọc trên thân cây mục giòn giòn, sực sực; những cái nấm mối đầu mùa mưa ngọt lịm, dai ngon như thịt gà. Mẹ chế biến khéo léo với các loại rau rừng sẵn có đã làm cạn nhanh nồi cơm độn nhiều khoai sắn mà lũ con, giờ còn bốn đứa, ăn xong rồi mà mắt vẫn còn hau háu.
Gạo hết, tôi theo chân chị Hằng tập đi đào củ mài, củ nâu rồi tiu nghỉu đi về vì không thể tìm được gì.
Cánh đồng nho nhỏ trơ rơm rạ. Bờ ruộng mọc dày những ngọn rau tàu bay xanh mơn mởn. Chị em tôi hái về luộc chấm với nước mắm mặn chát vị muối, ăn kèm với mấy miếng khoai mì. Bao tử được lấp đầy để đêm tròn giấc hơn và vị rau hăng hăng còn ám ảnh tôi đến bây giờ.
Có đôi lần, chị Hằng đưa tôi trở về Dalat, chị thương đứa em út mồ côi cha sớm bây giờ cứ ngơ ngơ ngác ngác như nai rừng. Chị Trinh, chị cả tôi còn ở trên đó với nhà chồng. Rồi chị Hằng lại đưa tôi trở về với rừng, làm sao sống được ở Dalat khi nhà cũng không còn để ở (!).
Rồi một đêm, tôi giật mình thức giấc, vỡ tan giấc mơ đang được chạy nhảy tung tăng trên Đồi Cù lộng gió bởi tiếng hét thất thanh của mẹ.
Chị Hằng tôi mất.
Cơn sốt rét rừng một lần nữa đã cướp mất người chị tài hoa của tôi, đúng một năm sau ngày anh Quý tôi ra đi.
Lúc đó, chị Thanh Hằng của tôi vừa bước sang tuổi mười tám. Chị được nằm lại với rừng, dưới lòng đất sâu, giữa đồi cây có bốn mùa chim hót. Mẹ tôi không còn tiền thuê xe đưa chị về Dalat để được ở cạnh Ba tại nghĩa trang Số Bốn…
Tôi lại nghe rừng khóc rưng rưng…
Năm năm sau, tôi cũng được trở về Dalat.
Tôi chăm chỉ học, tự nhắc mình phải học thật giỏi và học thay cả cho các anh chị của mình. Tôi muốn Mẹ sẽ hãnh diện về tôi và tôi đã làm được điều đó.
Tóc Mẹ mỗi ngày bạc hơn, nỗi đau mất con còn đó…
Rừng ơi…
***
Rừng và cô giáo tuổi hai mươi…
Một lần nữa, sau mười năm, tôi lại rời thành phố và đến với rừng.
Tôi đã là cô giáo.
Cô giáo tuổi hai mươi, da trắng tóc dài, ba lô trên vai… Từ Dalat, theo đồng nghiệp dẫn đường, tôi đi bộ qua dốc số 9, qua rừng thông Đan Kia, Đưng K’Nơh; cheo leo đỉnh Dốc Trời nhiều hoa dại để đến với ngôi trường xa xôi. Một ngày đường vất vả, đến nơi trời đã sâm sẩm tối, người dân đón tôi bằng câu chào thật dễ thương: “Con Giuôn niêm ngăn…” (người Kinh đẹp quá), nghe vui và nhẹ nhõm…
Rừng ở đây thưa thớt. Đất để trồng lúa, trồng bắp càng rộng thì rừng càng thu hẹp lại. Tuy nhiên, đất xấu nên trồng loại nào cũng èo oặt, người dân đói kém quanh năm. Rừng cằn cỗi, không cho người dân nhiều cái để ăn. Người và rừng đều rưng rưng nước mắt.
Tôi san sẻ ít nhiều với các em học sinh quá nghèo phần ăn ít ỏi với 13kg gạo mỗi tháng của mình. Các em chia sẻ với tôi từng nắm rau rừng, con cá suối. Cô trò nhọc nhằn dắt tay nhau qua từng ngày để học được cách viết, cách đọc và cả cách làm người.
Tôi là người mang ơn những cô cậu học trò – những đứa con của rừng nhiều vô cùng. Tôi trải qua cơn sốt kéo dài nhiều ngày, nhiều lần mơ thấy các chị về dắt tay đi vào rừng chơi, tôi đã cận kề cái chết trong cô đơn khi mới hai mươi tuổi. Các em hối hả thay nhau khiêng cô giáo đang mê man trên võng đến bệnh viện nho nhỏ cách đó mấy khu rừng và vài con suối. Vị Y sĩ già người dân tộc Lạch đã kịp cứu tôi thoát lưỡi hái tử thần vì sốt rét rừng ác tính.
Ở rừng, với tôi, ngày rất dài và đêm cũng rất sâu.
Tôi đến đây, một cô giáo đến với những học trò đang cần mình. Tôi có sự ân cần, tận tụy và rất nhiều yêu thương dành cho các em nhưng sức khỏe tôi sa sút từng ngày. Tôi mong được trở về khi còn kịp.
Ngày trở về, đi qua rừng tre cuối chân Dốc Trời, những con vắt đu theo níu giữ đôi chân cô giáo trẻ.
Tôi không lấy gì của rừng, nhưng tôi rưng rưng nước mắt…
***
Rừng ơi, đến bây giờ càng rưng rưng buồn
Đó là chuyện của nhiều năm trước.
Tôi bây giờ bắt đầu thấy mình già, ráng giữ lại được mái tóc dài từng tắm gội trong hương rừng và dâng dâng niềm tiếc nuối.
Sau bao năm, hương rừng phai nhạt khi rừng tự nhiên dần cạn kiệt.
Tôi cũng không bao giờ quên những khu rừng bạt ngàn đón chúng tôi cùng rất nhiều cư dân Dalat về khai hoang, bắt đầu cuộc sống mới từ bốn mươi lăm năm trước. Nay cũng không còn rừng để nghe gió reo đại ngàn, thác Pongour cũng không còn nhiều nước để cất tiếng gầm hùng vĩ.
Ừ thôi, những đồi cà phê xanh đã được thay vào đó, cầu mong đời người đã gắn chặt nơi đây ngót nghét nửa thế kỷ sẽ được ấm no và bình yên.
Tôi nhớ về những khu rừng tôi đã đi qua. Rừng đã không còn. Tất cả đã trở thành hoài niệm.
Theo NGUYỄN THIÊN NGA / CÔNG AN TPHCM
Tags: Hoài niệm, Đà Lạt