Một góc nhìn về đồng tiền Bitcoin và chủ nghĩa Marx

Liệu việc nghe ngóng những tin tức bi quan, cường điệu về Bitcoin và Blockchain trong những ngày qua có thể giải quyết được vấn đề trong thế giới hiện đại của chúng ta?

Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả Tom Goldenberg,  giám đốc công nghệ tại Commandiv, một sàn giao dịch cổ phiếu và đồng tiền số.

Nguồn: To understand Bitcoin, I studied Karl Marx; Tom Goldenberg; Coindesk.com; 17/1/2018.

Biên dịch: T.Linh Hoàng / Tradingig.com

Web 3.0 sắp xuất hiện – một kỷ nguyên số mới sắp đến gần. Không có một ngành nghề hay lĩnh vực nào có thể tránh được sự gián đoạn, cho dù là y tế, Chính phủ, tài chính hay bán lẻ.

Tới đây, xin được trích dẫn lời của tác giả Antonio Garcia Martinez:

“Niềm kiêu hãnh vĩ đại với giả định về các phương pháp chữa bệnh cho xã hội nằm ở tương lai hứa hẹn phía trước – một vùng đất chưa ai khám phá, chứ không đến từ quá khứ bị bỏ quên”

Có rất nhiều điều chúng ta có thể học hỏi từ lịch sử, nhiều như tiềm năng khám phá ra các công nghệ mới.

Đó cũng chính là lý do tại sao tôi đào sâu vào chủ nghĩa Marx để hiểu thêm về Bitcoin.

Satoshi Nakamoto (中本哲史) là một nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh đã sáng tạo ra Bitcoin và đã khởi tạo ra phần mềm mã nguồn mở Bitcoin Core (tên trước đây là Bitcoin-Qt) để công chúng sử dụng được Bitcoin. Bitcoin bắt đầu được Satoshi thiết kế từ 2007 khi ông tin rằng có thể thiết kế được một hệ thống giao dịch mà các thành viên không cần tin tưởng nhau.

Cộng đồng phát triển Bitcoin dần dần mất hoàn toàn liên lạc với Satoshi từ giữa năm 2010, sau khi ông đưa cho Gavin Andresen khóa báo động khi mạng lưới Bitcoin bị tấn công. Khóa này có thể dùng để báo động tới toàn mạng lưới ngừng lưu lại giao dịch. Cho tới nay, danh tính chính xác của Satoshi Nakamoto vẫn còn là ẩn số.

Theo Wikipedia

.

Đọc Sách Trắng của Satoshi

Khi ngồi đọc bài báo gốc của Satoshi Nakamoto về Bitcoin vào tháng trước, phải nói rằng tôi thực sự kinh ngạc, Bitcoin quả là một thành tựu đáng nể.

Tuy nhiên, tôi cũng liệt kê ra một số câu hỏi chưa thể trả lời:

  • Những sự kiện nào tác động đến ý tưởng đằng sau Bitcoin?
  • Tại sao “cha đẻ” của Bitcoin lại lựa chọn “ẩn danh”?
  • “Bitcoin” là danh từ Satoshi sáng tạo ra? Đó có phải là những gì anh ta (hay cô ta) thực sự muốn đề cập ?

Khi suy nghĩ về những câu hỏi này, tôi liên tưởng đến một góc nhìn sâu sắc hơn mà tôi tin có thể áp dụng cho cả Satoshi và Marx: “Thiên tài luôn sáng tạo, nhưng lại không có khả năng tiên đoán được tương lai”.

Nghĩa là, cả Marx và Satoshi đều đưa ra những sáng kiến, những lý luận, những suy nghĩ cẩn thận về tương lai. Nhưng, họ không thể dự đoán được những ý tưởng đó sẽ được thực hiện ra sao, ảnh hưởng như thế nào tới cộng đồng xã hội. Nói cách khác, họ không thể kiểm soát sáng tạo của chính bản thân mình.

Thiên tài thường đi ngược lại xu hướng chung của xã hội

Ý tưởng của Marx về chủ nghĩa Cộng sản và kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn từ môi trường xung quanh. Chính xã hội thời bấy giờ đã có những tác động không nhỏ tới việc tuyên truyền ý tưởng của ông, reo rắc một nỗi sợ hãi về công nghiệp hóa, rằng công nghệ mới sẽ khiến người lao động trở nên vô dụng.

Mỉa mai thay, nó cũng mô tả chính môi trường hiện tại của chúng ta, với sự gia tăng không ngừng của trí thông minh nhân tạo.

“Luddute” là thuật ngữ chỉ một nhóm người phản đối những công nghệ mới. Những thay đổi về công nghệ cũng như mâu thuẫn căng thẳng về sự bất bình đẳng giữa các chủ sở hữu tư sản và công nhân đã khiến Marx lên tiếng chỉ trích chủ nghĩa tư bản và đề xuất ý tưởng về Cộng sản.

Bitcoin cũng là sản phẩm của môi trường và thời đại. Sách Trắng của Satoshi ra mắt lần đầu tiên vào năm 2008, ngay sau sự kiện suy thoái kinh tế năm 2007. Thời điểm đó, ảnh hưởng của cuộc suy thoái đã khiến công chúng mất niềm tin vào các tổ chức tài chính (thậm chí đến ngày nay, niềm tin đó vẫn chưa thực sự được khôi phục). Vì vậy, ý tưởng bỏ qua các tổ chức tài chính đã ra đời.

Loại bỏ tập trung hóa

Có thế thấy, Marx và Satoshi tiếp cận những vấn đề khác nhau theo cùng một con đường. Marx ủng hộ một hệ thống không chính quyền, nơi người lao động có toàn quyền kiểm soát các phương tiện sản xuất. Tài sản cá nhân sẽ biến mất và thay vào đó là khái niệm về tài sản chung. Cuối cùng, nhà nước cũng “rơi vào quên lãng” – theo cách diễn đạt của tác giả trung thành theo chủ nghĩa Marx, Friedrich Engels.

Tương tự, Satoshi cũng tìm cách loại bỏ các trung gian tài chính – ngân hàng và các công ty phát hành thẻ tín dụng đang kiểm soát tiền tệ lưu hành trên thế giới. Thay vào đó, một mạng lưới ngang hàng sẽ được thiết lập mà không còn cần tới cơ quan trung ương. Mạng lưới này được đảm bảo an toàn chặt chẽ để không một tác nhân xấu nào có thể xâm nhập vào hệ thống, gây ảnh hưởng tới quá trình giao dịch.

Những sai lầm khi đi vào chi tiết

Ý tưởng về Bitcoin rực rỡ là thế, song thực tế ngày nay ghi nhận sản phẩm này đang vấp phải những ý kiến trái chiều, khác xa so với những gì Satoshi hinh dung. Trong Sách Trắng, Bitcoin được miêu tả như sau: “Một phiên bản tiền mặt điện tử peer-to-peer (ngang hàng), cho phép quá trình thanh toán trực tuyến diễn ra trực tiếp từ bên gửi đến bên nhận mà không cần thông qua bất kì một tổ chức tài chính nào”.

Mặc dù ý tưởng này không sai, nhưng đây không phải là hoạt động chủ yếu của Bitcoin trong giai đoạn hiện nay.

Satoshi không dự đoán được những khó khăn của Bitcoin với hàng tỷ giao dịch diễn ra hàng giờ. Lệ phí mua và bán của Bitcoin cũng như mạng lưới không có đủ khả năng xử lý các giao dịch một cách nhanh chóng đã thay đổi hoàn toàn bản chất ban đầu của nó. Hiện nay, Bitcoin ít được sử dụng dưới dạng phương thức thanh toán mà chủ yếu hoạt động như một cửa hàng tài sản kỹ thuật số.

Bitcoin đang dần trở thành “công cụ đầu cơ” (nhiều nhà đầu tư bị quyến rũ bởi biến động giá lớn), giống như một loại “vàng điện tử”. Đó không phải là tương lai mà Satoshi nghĩ tới khi đưa Bitcoin vào thị trường.

Cũng giống như vậy, Marx đã thất bại trong việc dự đoán cách thức mà hệ tư tưởng của ông được sử dụng để vận hành xã hội và khai thác quần chúng. Ý tưởng về một nền kinh tế phi quốc gia đã trở thành chủ nghĩa độc quyền chuyên chế. Đa số người dân tin rằng, những người lao động được hưởng chế độ ưu đãi tốt nhất sẽ phải chịu đựng sự cám dỗ của quyền lực.

Di sản của họ

Dù vậy, cả Bitcoin và tư tưởng Marxist vẫn tiếp tục tồn tại, dưới những hình thức nhất định.

Chủ nghĩa Marx đã ảnh hưởng đến một số phong trào lao động ở Mỹ. Các nhà phê bình của chủ nghĩa Marx còn thành công vang dội hơn cả những nhà kinh tế với các phong trào ở cơ sở. Bên cạnh đó, một số quốc gia dựa trên nền dân chủ đang hướng tới thúc đẩy một hình thái xã hội đa dạng hơn.

Với Bitcoin, tương lai của nó dường như đang dần trượt khỏi tầm mắt của chúng ta. Nhưng đây chưa chắc đã là cuộc hành trình cuối cùng cho các giao dịch thanh toán ngang hàng. Với tư cách là một loại tài sản kỹ thuật số, Bitcoin đã tạo nên một cuộc cách mạng về phương thức lưu giữ của cải.

Marx và Satoshi là những nhà tri thức tuyệt vời và sáng tạo của họ sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các thế hệ tiếp theo. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể kiểm soát được tiến trình hoạt động của những sáng tạo. Chúng ta tôn vinh món quà của họ, cho dù họ không bao giờ có được câu trả lời đầy đủ, chính xác.

Theo TRADINGIG.COM

Tags: , ,