Một góc nhìn lịch sử về bản chất của hoạt động thiện nguyện

Với người Hy Lạp, thiện nguyện bắt nguồn từ một hành vi chống lại các vị thần và gắn liền với sự đổi mới về ý niệm “dân chủ”.

Một góc nhìn lịch sử về bản chất của hoạt động thiện nguyện

Seung Gi-hun là một người đàn ông Hàn Quốc đang nợ nần ngập cổ. Ngày nọ, anh được một người bí ẩn mời tham gia trò chơi cùng vài trăm người khác cũng đang rơi vào tình cảnh bần cùng. Có 6 vòng chơi, mỗi vòng là một trò chơi quen thuộc thời thơ ấu. Người thắng cuộc cả 6 vòng sẽ nhận được số tiền khổng lồ 45,6 tỷ won. Tuy nhiên, những người bị loại qua từng vòng đấu sẽ phải chết.

Đó là nội dung một trong những loạt phim đang gây sốt trên Netflix hiện nay mang tên “Squid game” (Trò chơi con mực) của đạo diễn kiêm biên kịch Hwang Dong-hyuk. Có tập phim, khi những người chơi phải chia cặp và thi đấu bắn bi với nhau, Gi-hun bắt cặp với một cụ già mà anh đã luôn thân thiết và yêu quý, trong những giây cuối của vòng thi ấy, ông già quyết định nhường lại những viên bi của mình để Gi-hun được sống. Anh cảm động tha thiết trước sự cao thượng này, để rồi rất lâu sau khi đã vượt qua trò chơi, anh nhận ra chính ông già là một trong những tỷ phú giàu có đứng đằng sau tổ chức cuộc thi đẫm máu. Anh căm giận hỏi tại sao lúc đó ông lại cho anh viên bi để anh được sống, ông bảo bởi vì điều đó khiến ông thấy vui.

Trong một bài góc nhìn mang tên “Tại sao việc cho đi tiền bạc của bạn không thể thay đổi thế giới này?” đăng trên tạp chí Forbes, cây bút Morgan Simon viết rằng mỗi năm, các quỹ từ thiện ở Mỹ cho đi 46 tỷ USD. Một con số tưởng như quá lớn. Nhưng, nếu so sánh với 196 nghỉn tỷ USD được lưu hành trong các hoạt động kinh tế toàn cầu mỗi ngày thì con số kia cũng như một viên bi nhỏ. Hay trong bài báo khác mang tên “Những đám mây đen vần vũ trên những điều tốt đẹp của quỹ Gates” đăng trên thời báo Los Angeles, tác giả chỉ ra: “Quỹ Gates đã rót 218 triệu USD vào việc tiêm chủng cũng như nghiên cứu bệnh bại liệt và bệnh sởi trên toàn thế giới, bao gồm cả ở đồng bằng sông Niger. Cùng lúc với việc tài trợ cho việc tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe ấy, The Times cũng nhận ra quỹ đã đầu tư 423 triệu USD vào các tập đoàn Eni, Royal Dutch Shell, Exxon Mobil, Chevron và Total of France – những công ty chịu trách nhiệm về hầu hết việc gây ra ô nhiễm ở đồng bằng này…”. Nghĩ cho cùng, nó cũng đâu khác gì cách ông già cho anh chàng Gi-hun viên bi, thậm chí là 45,6 tỷ won cho người chiến thắng – một phần nhỏ tí teo trong số tài sản ông kiếm được bằng cách cho vay nặng lãi.

Tất nhiên, ông già cùng trò chơi sinh tử trong “Squid Game” chỉ nên được hiểu là một ẩn dụ mang tính phóng đại đối với vòng quay của đồng tiền cùng luật chơi nghiệt ngã của thế giới. Nhưng, đâu đó, nó buộc ta phải nghĩ về bản chất của sự cho đi, cũng như tính đạo đức và tính hiệu quả của cái mà ta vẫn xem như biểu tượng của lòng tốt – hoạt động thiện nguyện (hay trong tiếng Anh là philanthropy).

Theo cuốn “Philanthropy: From Aristotle to Mark Zuckerberg” (Thiện nguyện: Từ Aristotle đến Mark Zuckerberg), lần đầu tiên từ “philanthropy” xuất hiện vào thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên trong vở bi kịch “Prometheus Bound” của Aeschylus, kể về vị thần Prometheus ăn cắp lửa cho con người. Các vị thần đã buộc tội Prometheus là một philanthrôpía, nghĩa là một kẻ “yêu loài người” và trừng phạt ngài nặng nề. Người Hy Lạp quả nhiên thông thái, từ thời ấy mà họ đã biết thiện nguyện là một công tác lắm rủi ro!

Song, người Hy Lạp cũng không phải những người đầu tiên hoạt động thiện nguyện. Ai Cập 1500 trước Công nguyên, trong cuốn “Sách của người chết” đã quy định rõ rằng sự suôn sẻ của hành trình sang thế giới bên kia phụ thuộc hoàn toàn vào những việc làm nhân ái mà ta thực hiện trong cuộc đời mình. Các vị thần Ai Cập sẽ chỉ ban sự bất tử cho những ai không bao giờ từ chối tặng thức ăn cho kẻ đói, tặng nước uống cho người khát, tặng áo quần cho người rách rưới. Các nhà xã hội học coi những ngôi đền chăm sóc cho người ốm yếu ở Ai Cập cổ đại như những cơ sở từ thiện đầu tiên trên thế giới.

Ta sẽ thấy có sự khác biệt trong quan điểm về thiện nguyện ngay ở đây. Với người Hy Lạp, thiện nguyện bắt nguồn từ một hành vi chống lại các vị thần và gắn liền với sự đổi mới về ý niệm “dân chủ” (những bộ luật đầu tiên của Athens được miêu tả là “yêu con người và dân chủ”). Vì vậy, một hành động thiện nguyện thể hiện trách nhiệm của cá nhân với xã hội anh ta đang sống. Trong khi đó, với người Ai Cập, thiện nguyện thể hiện trách nhiệm của cá nhân với luật lệ nhà trời và không dùng để phân chia giai cấp. Quan điểm này cũng được phát triển trong các tôn giáo độc thần. Trong kinh Torah của người Do Thái có một từ là “tzedakah”, vừa có nghĩa là từ thiện, vừa có nghĩa là công lý. Sự cho đi trong Do Thái giáo không được coi là biểu hiện cho sự hào phóng mà chỉ là một hành động tuân theo công lý, bởi tất cả mọi thứ trên thế gian này không thuộc về ai mà chỉ thuộc về Chúa mà thôi.

Sự khác biệt ấy tuy nhỏ nhưng lại vô cùng quan trọng. Ta sẽ thấy quan điểm của người Hy Lạp dẫn đến việc hoạt động thiện nguyện trở thành chiếc kính chiếu giai cấp. Nhà sử học Xenophon, một học trò của Socrates, khi viết tiểu sử về Cyrus Đại đế đã ca ngợi nhà vua đầu tiên của xứ Ba Tư như “nhà cai trị lý tưởng và hình thái tốt nhất của một nhà nước”. Ông đặc biệt nhấn mạnh vào “tâm hồn cực kỳ yêu người” cùng những khoản quyên góp, những món quà, những hoạt động từ thiện hào hiệp của nhà vua. Và lòng hảo tâm ấy không chỉ chứng minh cho trái tim bao la của Cyrus, mà còn giúp ngài được vinh danh, được ái mộ, được tán dương và lòng trung thành dành cho ngài càng tăng gấp bội. Cyrus vừa là kẻ yêu con người – một philanthrôpía – vừa là kẻ yêu danh dự – một philotimia. Lòng nhân ái và chủ nghĩa chính trị thực dụng hòa quyện trong ngài và ta không thể tách bạch được chúng. Nói đơn giản hơn, quà tặng không bao giờ là miễn phí. Trong tác phẩm kinh điển “Luận về biếu tạng”, nhà nhân chủng học thế kỷ 19 Marcel Mauss lập luận rằng những món quà dành tặng cộng đồng là dấu hiệu của địa vị và sự khẳng định về thứ bậc xã hội, nó thừa nhận người cho thuộc về giai cấp ưu việt và người nhận ở vị trí thấp kém.

Khi nhìn vào trường hợp của vua Cyrus (và có lẽ là rất nhiều cá nhân làm thiện nguyện với ham muốn đánh bóng tên tuổi khác), ta sẽ phần nào hiểu được luận điểm về triết học đạo đức hết sức phức tạp của Immanuel Kant. Vị triết gia này cho rằng, chỉ những hành động được thực hiện vì bổn phận mới có giá trị đạo đức, còn những hành động được thực hiện vì sự đồng cảm hay vì nhiều động cơ trộn lẫn thì không có giá trị đạo đức. Nhác qua, ta sẽ thấy luận điểm này có phần vô lí. Nhưng, ý Kant là, chỉ một hành động thực hiện vì bổn phận mới thể hiện được ý chí hướng thiện thuần túy. Quan niệm của Kant về bổn phận không có tính gò ép hay miễn cưỡng chúng ta. Bổn phận này không đến từ đòi hỏi bên ngoài mà đến từ sự tự trị bên trong, nó xuất phát từ mong muốn làm điều đúng đắn bất chấp các cám dỗ khác mời gọi.

Còn nếu ta hành động vì một sự đồng cảm mang tính riêng tư ư? Nhiều khả năng, sự đồng cảm ấy sẽ lẫn lộn trong những động cơ khác đầy tính vị kỷ. Năm 2019, khi nhà thờ Đức Bà Paris gặp hỏa hoạn, từ trước khi đám cháy được dập tắt, gia tộc Pinault đã quyên góp 100 triệu euro để tái thiết nhà thờ. Gia tộc Pinault là chủ sở hữu nhiều thương hiệu thời trang cao cấp như Yves Saint-Laurent, Balenciaga, Gucci, Alexander McQueen. Vài tiếng sau, đối thủ của nhà Pinault là nhà Arnault tuyên bố đóng góp gấp đôi. Trưởng nam của gia tộc Arnaut, Bernard Arnault, là người giàu nhất châu Âu và là chủ sở hữu của Louis Vuitton và Christian Dior. Cả hai gia tộc đều làm giàu trong lĩnh vực thời trang, một lĩnh vực gắn liền với hình ảnh văn hóa Pháp và hơn ai hết, họ hiểu rằng nhà thờ Đức Bà là biểu tượng văn hóa của đất nước mình. Nếu nhìn lại lịch sử làm từ thiện của họ, ta sẽ biết họ bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy không chỉ vì tình yêu dành cho công trình kiến trúc vĩ đại ấy. Rất nhiều hãng thời trang cao cấp ở Pháp và Ý từng hỗ trợ trùng tu những di tích nổi tiếng, sau đó tổ chức những buổi trình diễn đẳng cấp tại đây. Không thể bảo rằng họ làm điều này chỉ vì lợi ích riêng. Nếu không thực sự dành trái tim mình cho văn hóa Pháp, họ đã không thể tạo nên những thương hiệu đại diện được cho giá trị Pháp. Nhưng, tình yêu và lợi ích ở đây cũng giống như quả trứng và con gà, ta không thể nói cái nào có trước, chúng tuần hoàn trong vòng quay vĩnh cửu. Họ là một phiên bản Cyrus hiện đại, với philanthrôpía và philotimia hòa trộn khó tách rời.

Từ câu chuyện của hai đại gia tộc châu Âu, ta ngờ ngợ nhận ra dường như rất nhiều hoạt động từ thiện đều đến từ sở thích cá nhân của người làm từ thiện. Paul Allen, nhà đồng sáng lập Microsoft với Bill Gates đã nói rằng: “Cuối cùng thì việc thiện nguyện luôn quay về với cái mà ta đam mê”. Chẳng hạn, ở Mỹ, 20 trường đại học ưu tú nhất tuy chỉ chiếm 1% số lượng sinh viên nhưng nhận được 28% lượng quyên góp cho giáo dục đại học, đơn giản vì hầu hết các tỷ phú đều từng theo học tại đây hoặc có con em học tại đây. Nói cách khác, thiện nguyện là quyền trượng trong ngai vàng quyền lực và đáng ra là một hoạt động gắn liền với sự ra đời của dân chủ nhưng vận hành không hiệu quả thì nó có thể là mối hại cho nền dân chủ.

Lại nhớ bộ phim “Squid Game”, có một tập khi một nhân viên trong hệ thống tổ chức trò chơi bị thủ lĩnh bắn chết, lí do là y đã tuồn thông tin trò chơi trước cho một người chơi vì lợi ích riêng. Tay thủ lĩnh nói y đã vi phạm nguyên tắc quan trọng nhất, đó là đảm bảo sự công bằng. Trò chơi kinh dị này dành cho những kẻ khốn cùng kia sự công bằng, điều mà họ không thể có trong xã hội thực. Một tầm nhìn nghe thì thật cao cả nhưng lại dẫn đến quang cảnh khủng khiếp.

Từ thiện hay công lí cũng như những viên thuốc, về cơ bản thì tốt đẹp nhưng cũng có thể phản tác dụng. Điều quan trọng nhất là biết dùng đúng cách. “Trực giác mà thiếu đi tư duy lí trí thì mù lòa”, Kant nói. Ngay cả khi đó là trực giác hướng về những điều tốt đẹp.

Theo HIỀN TRANG / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,