Quấy rối tình dục trong công sở: Chuyện chưa có hồi kết ở Việt Nam

Khi hỏi đồng nghiệp liệu có nên báo cáo việc bị quấy rối lên cấp trên hay không, nữ sinh thực tập được khuyên giữ im lặng vì “làm to chuyện thì chỉ thiệt thân”.

Một cái nhìn về nạn quấy rối tình dục trong công sở Việt Nam

“Điện nước đầy đủ đấy”, “Ngon nhỉ”, “Sao đầu gối thâm thế?”…

Đó là những câu Q., trưởng phòng truyền thông tại một công ty xây dựng ở TP.HCM, dùng để mô tả các nhân viên dưới quyền của mình. Coi đây là những lời bông đùa để “gắn kết, gia tăng mức độ thân thiết với đồng nghiệp” nên người này dùng rất thường xuyên, từ bữa ăn, buổi chuyện phiếm cho đến cả những cuộc họp nghiêm túc.

Thế nhưng, hầu hết nhân viên, đặc biệt là phụ nữ, chẳng ai thích thú gì những “câu đùa” này. Họ thậm chí vô cùng khó chịu song đều bấm bụng cho qua vì Q. vừa là sếp vừa là người lớn tuổi nhất team.

Q. ngày càng quá trớn, nhất là với những nhân viên mới chân ướt chân ráo vào công ty. L.M. (sinh năm 1997) từng có 3 tháng thực tập tại phòng Q. nói rằng đó là khoảng thời gian vô cùng khủng khiếp.

Ngay từ ngày đầu vào công ty, M. đã bị đặt cho một biệt danh mà khi nói lái thì có nghĩa tục tĩu. Từ đó, anh ta còn chẳng thèm gọi tên thật của cô, thường xuyên lấy biệt danh ra để trêu chọc với các đồng nghiệp khác.

“Dù không trực tiếp động tay động chân, lời nói của anh ta còn khiến mình cảm thấy bị xúc phạm hơn”.

Tuy bức xúc, cô đã quyết định nhẫn nhịn để 3 tháng thực tập trôi qua êm đẹp. “Mình từng xin tư vấn của một chị đồng nghiệp thân thiết xem liệu có nên báo cáo sự việc lên cấp cao hơn hay không, chị ấy đã khuyên mình nên im lặng vì ‘nhập gia tùy tục’ và văn hóa công ty lâu nay đã vậy rồi. Làm to mọi chuyện chỉ thiệt thân”.

Chung cảnh ngộ, H. (26 tuổi) cũng từng bị sếp cũ quấy rối bằng lời nói. Tuy nhiên, sau 1-2 tháng chịu đựng, cô chọn cách phản kháng. Trước những cầu đùa vô duyên, khiếm nhã của cấp trên, cô nghiêm mặt và nói rõ mình không thích.

“Thấy mình khó chịu, hắn hỏi luôn: ‘Sao chị nhạt quá vậy?’. Mấy hôm sau thì bắt đầu gây khó dễ trong công việc, thậm chí hẹn mình ra gặp riêng để đòi hạ lương, đuổi việc trong khi mình chẳng làm gì sai”.

Vào công ty từ tháng 8/2018 đến tháng 2/2019, H xin nghỉ việc vì không thể chịu đựng nổi. “Lúc đó mình có tố cáo vụ việc lên cấp trên. Họ hứa sẽ xử lý và muốn mình tiếp tục công việc. Nhưng thực sự lúc đó mình đã quá tổn thương để có thể ở lại”.

“Liệu tôi có nhạy cảm?”

Sau nhiều năm giấu kín, gần đây cả hai mới có dũng khí để công khai câu chuyện của mình lên mạng xã hội. Bên cạnh những lời động viên, một trong những câu hỏi họ nhận được nhiều nhất là: Nếu cảm thấy bị quấy rối, sao không xin nghỉ việc ngay mà phải chịu đựng hàng tháng, hàng năm như vậy?

Trong trường hợp của mình, H. nói cô phải mất ít nhất 2 tháng để nhận ra mình đang bị quấy rối. Và những tháng tiếp theo là vô số nỗi lo về tài chính, về tương lai nghề nghiệp của một sinh viên vừa mới ra trường học việc.

“Môi trường làm việc còn quá mới mẻ và khi rơi vào hoàn cảnh như vậy, mình không thể phân biệt được ngay đó là quấy rối hay chỉ là trò đùa. Liệu mình có nhạy cảm quá không? Hay do sức chịu đựng của mình kém? Nếu nghỉ ngay thì có nông nổi không?”.

Sự phân vân này là hoàn toàn dễ hiểu.

Theo Chris Chancey, người sáng lập tổ chức nhân sự Amplio Recruiting, nhiều nạn nhân bị quấy rối tại nơi làm việc không thể trình báo một phần vì sợ hãi nhưng phần lớn là do không chắc chắn.

“Một số hành vi, mặc dù khiến nhân viên khó chịu nhưng lại dường như vô hại – không có dấu hiệu lạm dụng về thể chất – đến nỗi rất ít người muốn báo cáo chúng vì sợ bị coi là nhỏ nhen hoặc làm quá”.

Theo Ủy ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng (EEOC), quấy rối nơi làm việc có các loại: quấy rối lời nói, quấy rối tâm lý, bắt nạt trên mạng, quấy rối thể chất và quấy rối tình dục.

Các hành vi quấy rối bao gồm lăng mạ, nói xấu, trò đùa không mong muốn, những lời nói tục tĩu, cách gọi tên xúc phạm, các cuộc tấn công hoặc đe dọa tấn công thể xác, chế giễu hoặc chế nhạo, lăng mạ hoặc hạ bệ, dùng các đồ vật hoặc hình ảnh xúc phạm và can thiệp vào hiệu suất công việc…

Trò đùa hay quấy rối

Với hình thức quấy rối bằng lời nói, theo Chris Chancey, rất khó để xác định và nhiều khi ngay chính người trong cuộc cũng không nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó.

“Vì mỗi người có tính cách khác nhau nên một lời nói có thể là trò đùa với người này nhưng lại là sự quấy rối với người khác. Chính vì vậy, thứ chúng ta cần xem xét nhiều hơn là mức độ tổn thương của nạn nhân chứ không phải là ý nghĩa hay ngữ cảnh của một câu nói”.

Mieko Nakabayashi, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Waseda, nói thêm quấy rối nơi công sở đa dạng và phổ biến hơn mọi người nghĩ. Và đôi khi chính chúng ta đang quấy rối đồng nghiệp mỗi ngày mà lại không hề hay biết.

“Tôi từng trò chuyện với một cô gái Mỹ sang Nhật làm việc. Cô ấy nói rằng mình thường bị đồng nghiệp trêu chọc vì còn độc thân, họ mai mối, gán ghép hết người này đến người khác cho cô. Cô ấy hoàn toàn không thoải mái, tỏ rõ thái độ khó chịu nhưng hầu như không một đồng nghiệp nào nhận thức được mình đang quấy rối người khác”.

Ngoài ra, việc nhận xét một người về độ tuổi, ngoại hình và cách ăn mặc cũng là hành vi không được đánh giá cao, thậm chí coi là quấy rối ở nơi làm việc.

Một báo cáo của chính phủ Nhật Bản công bố đầu tháng 10 năm nay cho biết có đến 1/3 trong số khoảng 1000 phụ nữ đang phải điều trị các vấn đề tâm lý do các hành vi quấy rối, tấn công, bắt nạt của cấp trên tại văn phòng.

Tại Hàn Quốc, theo số liệu của Hiệp hội Lao động nữ Hàn Quốc năm 2020, hơn 70% phụ nữ đã trải qua việc bị phân biệt đối xử và quấy rối ở nơi làm việc.

Còn một cuộc khảo sát năm 2014 từ Viện chống bắt nạt nơi làm việc cho thấy 27% công nhân Mỹ bị bắt nạt, quấy rối nơi công sở và 21% đã chứng kiến ​​những vụ bạo hành bằng lời nói đối với đồng nghiệp.

Hơn 65 triệu người Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi nạn quấy rối nơi làm việc.

Theo LÊ VY / TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , , ,