Một cái nhìn về Đảng Cộng sản Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình

Khi Tập Cận Bình tiếp quản, Đảng đang trong tình trạng bị chia rẽ bởi đấu đá nội bộ. Ở thời điểm hiện tại, thứ ông Tập muốn chính là không ai trong Đảng có thể thách thức vị thế của ông.

Ông Tập củng cố quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc như thế nào?

Nguồn: “Trying to heal the party’s wounds”, The Economist, 23/06/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thanh Hải

Chỉ vài ngày sau khi lên nắm quyền vào tháng 11/2012, Tập Cận Bình đã cho triệu tập phiên họp “học tập tập thể – 集体学习” của Bộ Chính trị. Bên trong tòa nhà cổ thuộc quần thể Trung Nam Hải, nơi đặt trụ sở Đảng, lướt nhìn các ủy viên tham dự (gồm 22 nam và 2 nữ), ông Tập khó có thể thấy thoải mái. Hầu hết họ có được vị trí ngày hôm nay không phải do sự hẫu thuẫn của ông Tập, mà là từ người tiền nhiệm của ông. Đảng đã bị suy yếu sau cuộc đấu đá quyền lực khốc liệt. Vậy có thể đặt niềm tin vào ai đây? Bên ngoài bức tường cao kia, xã hội Trung Quốc đang thay đổi chóng mặt, một tầng lớp trung lưu đông đảo đang nổi lên và một cuộc cách mạng thông tin đang bùng nổ từ sự ra đời của Internet. Có thể đặt niềm tin vào công chúng không?

Trước sự lan truyền của một bức vẽ truyền thống được cho là lời sấm về vận mệnh của Trung Quốc, ông Tập đã bày tỏ lo ngại. “Nhiều điểm thiếu sót” đã làm suy yếu khả năng của Đảng trong việc hoàn thành “sứ mệnh lịch sử” của mình cũng như thích ứng với sự thay đổi đang diễn ra. Một số Đảng viên đã không giữ vững được niềm tin, ông nói. Xương của họ đang mất đi can-xi. Lưu ý đến trường hợp của Mùa xuân Ả Rập vừa nổ ra, ông cảnh báo rằng ở những quốc gia khác, sự phẫn nộ của công chúng đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn xã hội và khiến các chính phủ sụp đổ. Ở Trung Quốc, tham nhũng có thể “hủy hoại Đảng và Đất nước”, ông nói.

Đó là cụm từ mà những người tiền nhiệm của ông Tập cũng đã từng sử dụng. Tuy nhiên, ý ông muốn đề cập ngoài tình trạng tham nhũng thông thường còn có một mối nguy chính trị bên trong nội bộ Đảng mà nạn tham nhũng tràn lan là dấu hiệu cảnh báo cho điều đó. Ông Tập lên nắm quyền trong bối cảnh nội bộ các quan chức cấp cao của Đảng vừa có sự rạn nứt nghiêm trọng nhất kể từ thập niên 1980. Những mục tiêu nổi bật nhất của chiến dịch mà ông Tập sắp triển khai là các nhân vật có thân thế “khủng” trong Đảng bị ông cáo buộc là “sống xa hoa và phung phí” cũng như có âm mưu “lật đổ Đảng để nắm quyền” thông qua việc dàn dựng một cuộc đảo chính trong thực tế.

Để biết tại sao ông Tập tiến hành cải cách, thanh trừng thành phần tham nhũng và mở rộng quyền lực của Đảng, điều quan trọng là phải hiểu những thách thức mà ông đối mặt vào thời điểm năm 2012. Chiến dịch có quy mô như ta thấy là vì cáo buộc lần này liên quan tội âm mưu đảo chính, các Đảng viên cấp cao chưa từng bị gán tội danh này kể từ sau vụ bắt giữ Giang Thanh – vợ của Mao và “Bè lũ bốn tên” vào năm 1976. Những người mà chiến dịch nhắm đến đều thuộc nhóm các nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc. Trong đó có Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh; Chu Vĩnh Khang, người phụ trách giám sát các lực lượng an ninh và cơ quan tư pháp của Trung Quốc, bao gồm cảnh sát và tòa án; Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu, hai vị tướng từng là những sĩ quan cấp bậc cao nhất trong lực lượng vũ trang. Tất cả họ hiện đang ở trong tù trừ trường hợp của tướng Từ Tài Hậu đã chết (do ung thư).

Cho đến tận bây giờ, một thập niên sau khi âm mưu bị đưa ra ánh sáng, người ta vẫn chưa biết chính xác những nhân vật này đã làm gì để khiến ông Tập phải lo lắng đến vậy. Âm mưu của họ vẫn còn được các quan chức nhắc đến một cách bí hiểm, điều đó cho thấy những hậu quả mà họ gây ra có tác động rất sâu sắc. Chi tiết duy nhất được tiết lộ là về tội tham nhũng của những nhân vật này. Tuần báo Phượng Hoàng, một tạp chí thân Đảng ở Hồng Kông, cho biết các nhà điều tra đã tìm thấy trong tầng hầm tại tư gia của Từ Tài Hậu hơn một tấn tiền mặt gồm đô-la, euro và nhân dân tệ.

Nhưng có một điều thấy được rõ ràng là ông Bạc, được ông Chu hậu thuẫn, là một mối đe dọa chính trị nghiêm trọng. Giống như ông Tập, ông Bạc cũng là một “Thái tử Đảng” – con trai của một vị lão thành cách mạng Trung Quốc. Trên con đường ông Tập đi đến chức vụ Tổng bí thư, ông Bạc ở Trùng Khánh đã nổi lên và làm lu mờ hình ảnh của ông Tập qua những thành tích như trấn áp các băng nhóm tội phạm kiểu mafia, vung tiền xây dựng nhà cho người nghèo và khuyến khích hoài niệm về chủ tịch Mao, đặc biệt là qua các bài “nhạc đỏ”. Điều này cho thấy những thay đổi đang diễn ra trong lĩnh vực chính trị. Ở thời đại của các mạng xã hội như Weibo và WeChat, một chính trị gia cấp tỉnh cũng có thể trở thành ngôi sao toàn quốc mà không cần sự trợ giúp từ truyền thông nhà nước. Ông Bạc bị bắt vào năm 2012 theo sau việc vợ ông sát hại một doanh nhân người Anh và thuộc cấp thân tín của ông xin tị nạn ở lãnh sự quán Mỹ. Đây là vụ bê bối chính trị lớn nhất thời hậu Mao.

Như Tony Saich từ Đại học Harvard nhận xét trong một quyển sách sắp xuất bản, cuộc đấu đá chính trị mà ông Bạc và các đồng minh của ông tham gia “thể hiện những tầm nhìn khác về tương lai của Trung Quốc cũng như các cách tiếp cận chính trị khác” so với quan điểm của nhà lãnh đạo Trung Quốc lúc bấy giờ là Hồ Cẩm Đào. Ông Bạc đã khai thác được sự phẫn nộ của công chúng về vấn đề tham nhũng và bất bình đẳng. Các bài nhạc đỏ giúp gợi nhớ lại thời kỳ mà cuộc sống dường như công bằng hơn, mặc dù khắc khổ hơn. Ông Tập chắc hẳn đã suy nghĩ nhiều về trường hợp nổi tiếng của ông Bạc. Điều thú vị là cách tiếp cận chính trị của ông Tập hiện nay rất giống với cách mà ông Bạc đã từng làm.

Vào năm 2012, có rất ít dấu hiệu cho thấy quần chúng đang chuẩn bị nổi dậy. Tuy nhiên Internet, dù đã bị kiểm duyệt, vẫn là một vũ khí lợi hại giúp người dân tổ chức các cuộc biểu tình về những vấn đề địa phương. Internet rồi sẽ dẫn đến điều gì? – câu hỏi này khiến ông Tập không khỏi lo lắng và nhớ về trường hợp của Liên Xô cùng những hiểm họa của một cuộc cách mạng thông tin đã từng xảy ra trước khi có Internet: Chính sách Công khai hóa do Mikhail Gorbachev khởi xướng.

Giấc mộng của Tập Cận Bình

Ngay sau phiên họp của Bộ Chính trị, ông Tập đã than phiền rằng không ai “đủ dũng cảm để đứng lên và kháng cự” khi Đảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ. Vài tuần sau, ông hồi tưởng lại việc Liên Xô đã sụp đổ một cách “đột ngột kèm theo chấn động lớn” như thế nào sau hơn 90 năm tồn tại và hơn 70 năm cầm quyền. “Tại sao?” ông hỏi. “Bởi vì mọi người đều có thể tự do nói và làm những gì mình muốn. Đó là loại đảng chính trị gì? Nó chỉ là một đám đông hỗn loạn”. Vào năm 2018, ông tiếp tục đề cập về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô, nhắc nhở rằng, chỉ với 2 triệu Đảng viên họ đã đánh bại được Hitler nhưng khi Đảng có 20 triệu Đảng viên thì lại đánh mất quyền lực. “Tại sao? Bởi vì lý tưởng và niềm tin về Đảng đã biến mất”. Dưới khẩu hiệu của “cái gọi là Chính sách Công khai hóa”, các thành viên đã được quyền chỉ trích đường lối của Đảng.

Vào thời khắc kỷ niệm tiếp theo đánh dấu một thế kỷ cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2049, “giấc mộng Trung Hoa” về một “sự phục hưng vĩ đại” sẽ thành hiện thực, ông Tập nói. Bảo vệ Đảng tránh rơi vào kết cục giống như Liên Xô hay một sự kiện như Thiên An Môn lặp lại là điều rất quan trọng để có thể đạt được giấc mộng đó. Theo lời ông Tập, chỉ dưới sự dẫn dắt của Đảng, đất nước Trung Quốc mới thịnh vượng và mạnh mẽ hơn. Nếu không có Đảng, Trung Quốc sẽ rơi vào hỗn loạn, ông nói.

Nhiều người sẽ cho rằng giờ đây ông Tập có thể thảnh thơi. Việc học theo phong cách chính trị của ông Bạc dường như đang có hiệu quả. Khả năng xảy ra một sự kiện tương tự Thiên An Môn là rất thấp. Ngoài lý do quảng trường được bảo đảm an ninh nghiêm ngặt giống như tại các sân bay thì sự ủng hộ của người dân dành cho chế độ cũng là một yếu tố khó có thể phủ nhận. Trong cuốn sách vừa ra mắt, “The Party and the People” (Đảng và nhân dân), Bruce Dickson từ đại học George Washington cho rằng rất ít người Trung Quốc sẵn sàng đứng lên đấu tranh cho dân chủ “bởi vì họ tin rằng họ đã và đang sống dưới chế độ dân chủ”. Việc quản trị đất nước có những cải thiện, nền kinh tế đang phát triển và chất lượng cuộc sống đang tốt lên được xem là bằng chứng cho điều đó, ông nói. Nhiều người cho rằng dân chủ có nghĩa là cai trị vì lợi ích chung của xã hội.

Nhưng ông Tập vẫn rất cảnh giác. Năm ngoái, ông đã tiến hành một cuộc thanh trừng khác nhắm vào hệ thống cảnh sát, mật vụ, tư pháp và nhà tù, những lĩnh vực mà ông Chu (người bị kết án tù chung thân vào năm 2015) từng quản lý. Một lần nữa, mục đích là để diệt trừ tham nhũng nhưng cũng đồng thời “xóa bỏ sâu sắc và triệt để ảnh hưởng xấu” của ông Chu. Do vậy, cuộc chiến chống tham nhũng vẫn đang là một chiến dịch chính trị mang tư duy của những cuộc đấu đá đã có từ một thập niên trước.

Mức độ lo lắng của ông Tập không được thể hiện quá rõ ràng trong các bài viết được dịch sang tiếng Anh. Bộ sách ba tập do ông chấp bút “The Governance of China” (Về quản lý đất nước Trung Quốc) được quảng bá như sự chắt lọc của “Tư tưởng Tập Cận Bình” chỉ gồm các bài phát biểu tương đối an toàn, những phần gai góc hơn đều bị lược bỏ. Đọc qua những ấn phẩm chỉ có phiên bản tiếng Hoa, ta thấy một bức tranh khác xuất hiện. Năm 2016, ông Tập đề cập đến những Đảng viên “công khai lên án Đảng”. Năm 2018, ông nói: “Các vấn đề chính trị trong nội bộ Đảng về cơ bản vẫn chưa được giải quyết”. Ông cáo buộc một số Đảng viên “chỉ biết ủng hộ suông” với ban lãnh đạo Đảng và vẫn còn tham nhũng. Phát biểu hồi tháng 1 tại Trường Đảng Trung ương, nơi đào tạo các quan chức cấp cao, ông Tập cho biết đất nước đang phải đối mặt với sự gia tăng của “các mối nguy chưa từng có” cả trong và ngoài nước.

Một trong những mối bận tâm của ông Tập là củng cố sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội (mà ông là Tổng tư lệnh). Năm 2017, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định ông là “hạt nhân” của ban lãnh đạo Đảng, ông Tập đã có bài phát biểu trước giới lãnh đạo quân đội. Ông một lần nữa nhắc đến sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô, phong trào mùa xuân Ả Rập và các cuộc cách mạng màu. Một nguyên nhân lớn của những biến cố này là do “tại những thời khắc quan trọng, quân đội chỉ đứng ngoài quan sát, hoặc thậm chí là đổi phe”, ông nói. Và trong một lần hiếm hoi đề cập đến sự kiện Thiên An Môn, ông Tập cho biết lý do chính để có thể kết thúc “nhanh chóng” các cuộc biểu tình vào năm 1989 là vì quân đội vẫn giữ được lòng trung thành.

Cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Tập khởi xướng một phần là để bảo vệ Đảng khỏi các mối đe dọa từ bên trong. Đây là chiến dịch kéo dài nhất kể từ khi thời kỳ cải cách bắt đầu. Hơn 200 quan chức đương nhiệm và đã nghỉ hưu với cấp bậc từ phó tỉnh trưởng trở lên, trong đó có một tá tướng lĩnh cao cấp, đã bị cơ quan kỷ luật nội bộ của Đảng điều tra. Khoảng 3/4 đã bị kết án tù hoặc đang phải hầu tòa. Trong 5 năm đầu ông Tập cầm quyền, cơ quan này đã chuyển hồ sơ sang cho các công tố viên trung bình gần 12.000 quan chức mỗi năm, nhiều hơn gấp đôi so với 5 năm trước đó. Một lượng lớn hơn nhiều bị trừng phạt theo những cách khác, chẳng hạn như khai trừ khỏi Đảng. Các quy định mới ban hành vào năm 2017 được cho là đã bổ sung nhiều biện pháp bảo vệ hơn cho những người bị bắt giữ, chẳng hạn như phải thông báo việc bắt giữ cho gia đình nghi phạm trong vòng 24 giờ và các cuộc thẩm vấn phải được ghi hình lại. Nhưng các cán bộ của Đảng vẫn được trao rất nhiều quyền hành động bí mật nếu họ thấy rằng việc thông báo có thể cản trở cuộc điều tra của họ. Tình trạng tra tấn được cho là còn rất phổ biến. Quyết tâm của ông Tập nhận được sự ủng hộ từ công chúng.

Ở cấp cao nhất, ông Tập có một cách tiếp cận khác. Thay vì trao nhiều quyền lực hơn cho các cơ quan chóp bu của Đảng – Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, ông lại cắt giảm nó đi. Hành động này nhằm tạo ra các cơ chế mới để đảm bảo rằng quyền lực được tập trung vào tay ông Tập. Ông đã cho thành lập các ủy ban giám sát những lĩnh vực như kinh tế, đối ngoại, an ninh quốc gia và chính ông là người đứng đầu tất cả các ủy ban này. Hiến pháp sửa đổi vào năm 2018 giúp ông Tập dễ dàng nắm giữ quyền lực trọn đời hơn (ông Tập gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng để lãnh đạo thêm 5 năm nữa trong Đại hội Đảng được tổ chức vào năm sau).

Khi ông Tập lên nắm quyền thì Đảng đã mất đi nhiều quyền kiểm soát đối với xã hội. Hồi những năm 1980, trong hầu hết mọi nơi làm việc đều có một lãnh đạo là người của Đảng. Sau đó thì khối doanh nghiệp tư nhân đã giúp tạo ra một tầng lớp trung lưu và những người này ít có liên hệ trực tiếp với Đảng. Dưới thời ông Tập, Đảng đã “quay trở lại kiểm soát mọi tổ chức trong xã hội”, David Shambaugh từ đại học George Washington cho biết. Một lần nữa, Đảng đang trở thành một thế lực mạnh mẽ chi phối đời sống thường nhật của người dân.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,