Mối quan hệ triết học – mỹ học – nghệ thuật trong văn hóa nghệ thuật

Triết học, mỹ học và nghệ thuật học có nhiều cách trả lời cái đẹp của văn hóa nghệ thuật là gì. Những câu trả lời nằm ở hai trục tách biệt. Một bên là cái đẹp khái quát, một bên là cái đẹp cụ thể. 

Mối quan hệ triết học – mỹ học – nghệ thuật trong văn hóa nghệ thuật

Tác giả: Nguyễn Duy Cường.

Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 348, tháng 6/2013.

Mối quan hệ bộ ba phương pháp luận triết học – mỹ học – nghệ thuật là mối quan hệ đặc biệt giữa tính phổ biến, tính đặc thù và tính đơn nhất. Ở đó không chỉ đơn thuần là mối quan hệ phương pháp luận của triết học với tư cách là một khoa học đối với các lĩnh vực khoa học, xã hội và tự nhiên mà thực chất là mối quan hệ biện chứng đối với hai lĩnh vực khác là mỹ học và nghệ thuật học. Đó cũng chính là mối quan hệ của triết học với các lĩnh vực hoạt động tổng thể của các hình thái của cái đẹp, trong đời sống và trong nghệ thuật, để lý giải chiều sâu của các hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Triết học với tư cách là hạt nhân lý luận của thế giới quan phản ánh cái chung nhất thuộc phạm vi hoạt động lý luận. Nó phản ánh hiện thực khách quan một cách trừu tượng, khái quát bằng các khái niệm, phạm trù, quy luật nhằm định hướng các ý tưởng, các triết lý trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Mỹ học phản ánh cái đặc thù, thuộc phạm vi hoạt động lý luận về các quan hệ thẩm mỹ giữa con người và hiện thực, về sự thống nhất giữa nhận thức luận thẩm mỹ, bản thể luận thẩm mỹ và giá trị luận thẩm mỹ. Thông qua cái đẹp, mỹ học phản ánh không chỉ cái chung mà còn cái riêng, cái chung so với cái riêng, cái riêng so với cái chung và hệ thống giá trị của chúng. Công cụ chủ yếu của mỹ học vừa là cái chung, vừa là cái đặc thù gắn với các khái niệm, phạm trù, quy luật của cái đẹp, giúp văn hóa nghệ thuật lựa chọn cách thức hoạt động.

Nghệ thuật học, với tư cách một khoa học về các loại hình nghệ thuật, là lý luận về hoạt động của hình tượng, phản ánh cái chung thông qua hình tượng nghệ thuật, các loại hình nghệ thuật để phản ánh cái đẹp đặc thù, các hiện tượng thẩm mỹ khách quan trong văn hóa nghệ thuật. Nghệ thuật học giúp các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn tình cảm với lý trí, cá nhân với xã hội, nội dung với hình thức.

Vai trò phương pháp luận khoa học của triết học – mỹ học – nghệ thuật học được quy định bởi phương pháp luận nhận thức đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ đặc trưng của tri thức triết học (tri thức khái quát về cái chung nhất) đến đặc trưng của tri thức và cảm quan về cái đẹp (cái chung trong biểu hiện cái đặc thù), từ đặc trưng của tri thức loại hình nghệ thuật (cái chung được biểu hiện thông qua sức mạnh của cái riêng) đến đặc trưng sáng tạo hình tượng của tác phẩm nghệ thuật (cái chung được biểu hiện thông qua cái đơn nhất).

Hegel cho rằng, trong ba phương thức nhận thức thế giới của nhân loại trong lịch sử là hình tượng, biểu tượng, khái niệm thì nhận thức khái niệm trong triết học là cao nhất. Từ phạm vi lý tính nhìn vào lĩnh vực hình tượng, triết học sẽ gặp phải những hạn chế khi nghiên cứu bản chất của văn hóa nghệ thuật và cái đẹp.

Trong tác phẩm Phê phán năng lực phán đoán, Kant đã nhấn mạnh tính phổ biến và tất yếu của những phán đoán xuất phát từ thị hiếu thẩm mỹ căn cứ vào sự tồn tại của cảm xúc gọi là cảm xúc chung (cái đẹp là tất yếu được thích thú không cần khái niệm). Trong khi lý giải cái chung và cái riêng của thị hiếu thẩm mỹ, ông đã gắn văn hóa nghệ thuật với lĩnh vực tài năng và thiên tài.

Triết học duy lý đã gặp phải rất nhiều hạn chế khi lý giải bản chất của văn hóa nghệ thuật và triết học duy cảm, duy kinh nghiệm cũng gặp phải những hạn chế khó tránh khỏi. Nó đã lột bỏ mất tư duy của hoạt động thẩm mỹ. “Thi ca do quy luật cơ bản của nó công nhận nhà thơ được quyền tùy tiện”(1). Nó đã tuyệt đối hóa điều kiện, những nhân tố nằm ngoài lý tính.

Con người, với tư cách là đối tượng của văn hóa nghệ thuật và quá trình nhân hóa, luôn luôn mang tính tổng thể, hài hòa giữa bốn yếu tố: lý trí, ý chí, tình cảm và tính dục. Như vậy, con người là sự hài hòa giữa vật chất và tinh thần, tình cảm và lý tính. Văn hóa nghệ thuật được coi là trình độ người của mọi hoạt động sáng tạo, đánh giá, lưu giữ và phổ biến cái đúng, cái tốt và cái đẹp. Triết học – mỹ học – nghệ thuật học có tác dụng to lớn trong mọi định hướng nhân văn của hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Cái đẹp là kết tinh từ quan hệ thẩm mỹ và giữ vị trí trung tâm trong văn hóa nghệ thuật, tương tác trong mối quan hệ làm nảy nở cái đẹp chủ thể, cái đẹp của thế giới đối tượng đa dạng. Trong triết học nghệ thuật thì cái đẹp lại nằm trong thế giới tinh thần (cái đẹp ý niệm – Platon) có trước khi có con người. Trong quan niệm của mỹ học Marxist, cái đẹp hình thành trong quan hệ giữa chủ thể và thế giới đối tượng. Mỹ học Marxist cho rằng một tác phẩm nghệ thuật đang lúc thai nghén là chủ quan nhưng khi ra đời rồi, tồn tại trong đời sống cộng đồng thì là một khách thể độc lập.

Cái đẹp trong mỹ học Marxist phải là cái đẹp sinh thành và phát triển hài hòa giữa lý trí và tình cảm. “Khi bộ óc phát triển thì các công cụ trực tiếp của bộ óc tức là các giác quan cũng song song phát triển lên, ý thức càng sáng suốt hơn, năng lực trừu tượng hóa và năng lực suy lý càng phát triển hơn”(2). Khi lý tính và cảm tính của con người càng phát triển và thống nhất thì sự khái quát những đặc trưng của cái đẹp sẽ ngày càng được hoàn thiện và tổng thể hơn. Và từ những vấn đề vật chất và tinh thần của triết học, mỹ học lại chuyển sang vấn đề bản thể người: “Bất cứ nơi nào trong xã hội, đối với con người, hiện thực khách quan cũng đều trở thành hiện thực của những lực lượng con người… Cho nên đối với con người, tất cả mọi đối tượng đều trở thành sự khách quan hóa của bản thân mình, trở thành những đối tượng đang thể hiện và thực hiện cái bản thể của mình”.

K. Marx khi coi văn hóa nghệ thuật là quá trình xã hội hóa các năng lực bản chất người, đồng thời cũng chỉ ra rằng lĩnh vực của văn hóa nghệ thuật quán triệt thế giới bằng phương thức tổng thể, ở đó thống nhất cái riêng với cái chung, cá nhân với xã hội, nội dung và hình thức, tình cảm và lý trí. Khi lý giải cái đẹp của văn hóa nghệ thuật, mỹ học Marxist dùng tư duy lý tính, tư duy trừu tượng khái quát hóa cao hướng đến các thuộc tính chung của cái đẹp. Điển hình hóa hình tượng bằng cách liên kết giữa tư duy hình tượng và hình tượng nghệ thuật, khái quát hóa cao độ các thuộc tính chung và biểu hiện ra những cái cá biệt hóa sinh động như phong cách, cá tính, ngôn từ, hình tượng điển hình.

Trong lịch sử, triết học, mỹ học và nghệ thuật học có nhiều cách trả lời cái đẹp của văn hóa nghệ thuật là gì. Một số nhà duy vật phi Marxist cho rằng đó là sự hài hòa, cân xứng, đẹp nội dung, hình thức… nhưng chưa chắc cái hài hòa, cân xứng đã là đẹp. Còn Kant đã nghiên cứu cái đẹp ở phương diện chủ quan theo sở thích cá nhân: “Cái đẹp không nằm trên đôi má hồng của cô thiếu nữ mà nằm trong đôi mắt của kẻ si tình”.

Như vậy, câu hỏi sẽ có những câu trả lời khác nhau nằm ở hai trục tách biệt. Một bên là cái đẹp khái quát, một bên là cái đẹp cụ thể. Mỹ học Marxist khi giải quyết vấn đề này luôn luôn khẳng định cái đẹp là gì và cái gì là đẹp đan xen, thâm nhập vào nhau. Dù chủ quan hay khách quan, cảm tính hay lý tính thì cái đẹp đều phát triển song song với lực lượng vật chất của con người.

Trong hoạt động văn hóa nghệ thuật thì nhận thức thẩm mỹ phải liên kết với cảm giác. Nhận thức thẩm mỹ đã bao hàm tư duy khái quát song hành với tư duy cụ thể rồi lại liên kết với cảm giác, siêu cảm giác (trực giác trí tuệ), nội cảm giác (xúc cảm thẩm mỹ), ngoại cảm giác (bên ngoài tác động).

Khi đề cập đến vấn đề tác động của văn hóa nghệ thuật, các phạm trù của mỹ học, nhận thức thẩm mỹ có một năng lực hết sức đặc biệt. Trong bi kịch: bản chất của nó là tiếng khóc nhưng khi đạt đến đỉnh cao cảm xúc bi kịch thì tiếng khóc con người trào lên khoái cảm đặc biệt đó là thanh lọc tâm hồn, thỏa mãn lạc quan (Arixtot). Nhận thức thẩm mỹ luôn luôn đi kèm với nghệ thuật (nội dung xã hội) và tạo ra khoái cảm (nhận thức được giá trị xã hội, bản thân mình được thanh lọc). Vì thế, nghiên cứu mối quan hệ giữa triết học – mỹ học – nghệ thuật học trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, các nhà văn hóa học Marxist hết sức chú ý đến chức năng tiềm ẩn của hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật trong nhận thức thẩm mỹ luôn luôn là cái toàn thể. Mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật đều phản ánh cái tổng thể nhưng là cái tổng thể mang tính đặc thù, lý tính nằm trong sự điều hòa những cảm xúc, tình cảm, thông qua cái đẹp, cái chung (lý tính) thâm nhập vào cái riêng (cảm xúc tổng thể). Từ sự thâm nhập này văn hóa nghệ thuật đã nhận thức được lý tưởng thẩm mỹ nằm trong bản chất con người, bản chất cái đẹp là bản chất con người.

Các hoạt động văn hóa nghệ thuật có nhiệm vụ giải quyết những mâu thuẫn nội tại trong quy luật của sáng tạo nghệ thuật với nền tảng chung của thời đại. Nó phản ánh cái đơn nhất, nghệ sĩ không lặp lại bất kỳ ai và cũng không lặp lại chính mình, tác phẩm nghệ thuật chỉ có một mà thôi. Tính độc đáo đã làm phong phú bức tranh toàn cảnh của hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Bản thể người trong hoạt động văn hóa nghệ thuật là một tồn tại đặc thù bao gồm thể xác và linh hồn và nổi lên ở tính tổng thể của cả ba triết lý vật chất, tinh thần và thân thể với sự thống nhất chân, thiện, mỹ. Thống nhất tư tưởng, tình cảm trong các hoạt động của con người, trên cơ sở đó, triết học – mỹ học – nghệ thuật học đều có đặc điểm chung là nhằm giải quyết vấn đề tồn tại người, bản thể người (nhân bản) trên cơ sở thước đo của con người (nhân thể) và ngợi ca giá trị, vẻ đẹp của con người (nhân văn). Và điều này quy định ngay trong mỗi tác phẩm nghệ thuật. Mỗi tác phẩm đều có lớp triết – mỹ ẩn sâu trong từng cấu trúc của tác phẩm hay như một xu hướng rất phổ biến của triết học là lấy nghệ thuật, tư duy hình tượng làm công cụ để biểu đạt tư tưởng.

Về thế giới quan, triết học ban đầu bước ra từ thần thoại (thế giới quan tiền triết học) thông qua hệ thống hình tượng các vị thần đại diện cho lực lượng tự nhiên và lực lượng xã hội đã khái quát nên phạm trù vật chất và ý thức, hình ảnh thân thể của con người, vật biểu hiện ở hình ảnh nhân sư. Như vậy, trong các thần thoại đã có triết lý. Thần thoại là thế giới đa nghĩa tôn giáo, văn học nghệ thuật và triết học. Từ những hình tượng nghệ thuật, triết học đã khát quát thành những khái niệm để nhận thức thế giới. “Các hiện tượng – quan niệm thần thoại là đa nghĩa, mơ hồ không xác định. Triết học đã cố gắng biến đổi các hình tượng đó thành khái niệm, nhưng một thời gian dài, nó vẫn chưa có đủ khả năng khôi phục được tính đa nghĩa, mơ hồ đó mặc dù đã làm giảm đi một cách đáng kể tính đa nghĩa, mơ hồ trong các hình tượng thần thoại ấy. Đặc trưng vốn có đó của tư duy triết học là một trong những biểu hiện quan trọng nhất của quá trình duy lý hóa vừa được nhắc tới, quá trình mà nhờ đó triết học tách khỏi thần thoại”(3).

Thế giới quan trong thần thoại còn có sự mơ hồ, hỗn độn. Triết học cần phải xây dựng thế giới quan khoa học để giải quyết các vấn đề về phương pháp luận, nhận thức luận và lôgic – lịch sử. Khi hình thành thế giới quan khoa học, triết học tích cực tác động tới mỹ học và nghệ thuật học, định hướng các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở mọi thời đại.

Thông qua triết học, mỹ học coi các quy luật cơ bản và phổ biến của đời sống thẩm mỹ là có tính bản thể, nằm ngay trong bản chất của sự vật, hiện tượng. Mỹ học Marxist đã phát hiện ra bản chất cái đẹp là bản chất con người đồng thời tiếp thu chủ nghĩa duy vật lịch sử của triết học để giải quyết vấn đề cái đẹp theo tiến trình phát triển kinh tế – xã hội trong sự tồn tại, vận động kịch tính của nó; tức là “đồng nhất cái đẹp với lực lượng bản chất của con người trong tính tổng thể của nó, đồng nhất với văn hóa người tại những trình độ tương ứng của bước tiến văn minh và quá trình cải biến công cụ sản xuất”(4). Quan niệm duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin đã coi cái đẹp là lực lượng bản chất của con người trong quá trình lao động. Như vậy cái đẹp đã được đồng nhất với văn hóa, văn minh và với chính con người, từ đó xác lập các thuộc tính xã hội phổ biến của cái đẹp và các quy luật khách quan của cái đẹp đối với sự phát triển xã hội. Và từ đây con người cũng xây dựng thước đo riêng trong quá trình nhào nặn vật chất.

Đến thế kỷ 20, triết học hiện sinh, phân tâm học… ra đời, chủ yếu để phân tích và hiểu sâu con người như một cá thể độc lập. Từ đây, mỹ học cũng thay đổi đối tượng của riêng mình. Cái đẹp mỹ học không còn thuộc về siêu hình học nữa mà nó là những gì cụ thể, nhỏ bé trong cuộc đời.

Tiếp theo, triết học – mỹ học – nghệ thuật học chú trọng các chuẩn mực, các giá trị mà con người cần phải có, chi phối các hoạt động văn hóa nghệ thuật theo các chuẩn mực: chân – thiện – mỹ, luận giải, định hướng các hoạt động văn hóa nghệ thuật qua cái đúng, cái tốt, cái đẹp

Chân là lý trí thuần túy có ứng dụng chủ yếu về vật chất, tinh thần đến thực tiễn, giúp con người được giải phóng, giúp các hoạt động văn hóa nghệ thuật hoạt động theo khoa học, theo quy luật, theo lý tưởng tiến bộ.

Thiện là lương tri và lương tâm trong mối quan hệ giữa hành vi và pháp luật, giữa cá nhân và xã hội, giúp các hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với cái tốt, với chủ nghĩa yêu nước, với sự giúp đỡ tận tâm cho đồng loại.

Mỹ bao gồm cái chân thực và sức truyền cảm để đạt đến tính chân thực của cuộc sống, tâm hồn lương tri nhân loại, tình yêu và lý trí con người.

Nghệ thuật học giúp cho hoạt động văn hóa nghệ thuật phản ánh được màu sắc, âm thanh, đường nét theo từng loại hình mà con người đã sáng tạo. Một tác phẩm nghệ thuật chân chính cần phải đầy đủ 3 yếu tố chân, thiện, mỹ không thể tách rời. Nhưng không phải chân lý nào cũng có thể trở thành đối tượng của nghệ thuật. Nghệ thuật luôn đòi hỏi thứ chân lý mang tiềm tàng trong bản thân nó khả năng chuyển thành hình thức cụ thể cảm tính.

Nghệ thuật có hệ thống phương pháp sáng tác của nó thông qua các trào lưu sáng tác. Do cái đẹp là đa thế giới quan, nhiều màu sắc cuộc sống nên không thể thiếu triết học với vai trò định hướng, điều hòa. Các phương pháp sáng tác, trào lưu sáng tác phản ánh thế giới quan dưới dạng nhận thức cái đẹp.

Nghệ thuật phản ánh cái chung, thống nhất giữa khách quan và chủ quan (vĩ mô: vũ trụ, xã hội; vi mô: nội tâm con người) thông qua sử dụng ngôn ngữ hình tượng. Nghệ thuật thực sự đã trở thành nhân học về cái đẹp, nó đã tác động tích cực trở lại mỹ học và triết học. Chính sự tồn tại của lịch sử nghệ thuật cuối cùng đã khiến triết học quay trở về nghiên cứu con người. Mỹ học cũng quay trở lại nghiên cứu bản chất cái đẹp chính là bản chất con người.

Triết học về nghệ thuật và toàn bộ lịch sử của nó sẽ trở thành hệ chuẩn xã hội đánh giá bộ phận tư tưởng trong một tác phẩm nghệ thuật. Triết học về các hình thái lao động thực tiễn sẽ trở thành hệ chuẩn đánh giá thuộc tính xã hội phổ biến khách quan của nội dung tác phẩm nghệ thuật.

Và ngược lại, nghệ thuật sẽ trở thành hệ chuẩn đánh giá ở trục nhân văn (nhân đạo), nhân bản, nhân thể (con người) trong tính toàn vẹn của nó. Nghệ thuật cũng sẽ định hướng cho triết học bởi nghệ thuật cũng có phương pháp luận của riêng mình và thực ra, triết học bước ra từ thần thoại – nghệ thuật. Như vậy, “Nghệ thuật không chỉ đơn thuần là sự nhận thức của con người về thế giới và bản thân mình bằng cảm tính – sự vật, mà bằng lý luận, qua sự thống nhất và đối lập giữa chúng. Đây cũng không còn là biểu tượng trực giác – ngây thơ của người nguyên thủy về hiện thực xung quanh anh ta mà là biểu tượng duy lý, ở mức độ nhất định dựa trên cơ sở các số liệu của khoa học tự nhiên và xã hội. Triết học dần dần coi mình là sự phản tỉnh trên tinh thần phê phán của con người”(5). Và ngay từ thời cổ đại, Arixtot cũng như các nhà triết học duy vật thế kỷ 18 đã luôn coi nghệ thuật là một hình thức nhận thức chân lý đặc thù. Và ngay cả với Hegel một đại biểu của chủ nghĩa duy tâm khách quan cũng đã coi đặc trưng của nhận thức nghệ thuật là nhận thức chân lý trực tiếp – bằng cảm tính, không sử dụng bộ máy lôgic – khái niệm của khoa học…

Sự tương tác giữa triết học – mỹ học – nghệ thuật học Marxist là công cụ phân tích, giáo dục, định hướng mọi hoạt động văn hóa nghệ thuật ở nước ta theo hướng phát triển dân tộc, hiện đại, nhân văn, tạo cơ sở lý luận đúng đắn để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

———————-

CHú thích:

1. Sleghen, Lịch sử văn học phương Tây, tr.346.
2. Mác, Ănghen, Lênin bàn về văn học và nghệ thuật, tr.26.
3. Lịch sử phép biện chứng, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.40.
4. C.Mác, Ăngghen, Lênin, Về văn học và nghệ thuật, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977.
5. M.F. Ốpxiannhicốp, Mỹ học cơ bản và nâng cao, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.518.

Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT

Tags: ,