Mối quan hệ dân số và môi trường: Bài toán khó cho phát triển bền vững

Khi mà dân số thế giới vẫn cứ tiếp tục gia tăng trong khi “quỹ đất của Trái Đất chỉ có vậy” thì vấn đề đặt ra là chúng ta có lời giải nào cho bài toàn “dân số – môi trường” đảm bảo hàng tỷ người được ổn định trong môi trường trong lành?

Mối quan hệ dân số và môi trường: Bài toán khó cho phát triển bền vững

Hơn 2.000 năm trước đây, trái đất chỉ có khoảng 250 triệu người; năm 1820, tăng lên 1 tỷ; năm 1930, đã là 2 tỷ; 30 năm sau – năm 1960 – 3 tỷ; 15 năm sau – năm 1975 – 4 tỷ. Tỷ thứ 5 đạt vào năm 1987. Năm 1998, dân số thế giới đạt 6 tỷ. Và đến năm 2018 dân số thế giới đã đạt ngường gần 8 tỷ người.

Các nhà nghiên cứu về dân số dự đoán với mức độ tăng dân số của cả thế giới như hiện nay thì đến năm 2055, số dân sẽ lên tới 10 tỷ người. Sự bùng nổ dân số trên toàn thế giới đã ở mức báo động.

Quá tải dân số không chỉ phụ thuộc ở kích cỡ hay mật độ dân số, mà vào tỷ lệ của dân số với các nguồn tài nguyên có thể duy trì, vào các biện pháp sử dụng tài nguyên và sự phân bố do số lượng dân đó sử dụng.

Nếu cho một môi trường có 10 người, nhưng chỉ có đủ nước và thức ăn cho 9, khi ấy trong một hệ kín nơi không có quan hệ thương mại, môi trường đó là quá tải dân số; nếu dân số là 100 nhưng có đủ thức ăn, chỗ ở và nước cho 200 người cho tương lai không giới hạn, thì khi đó không phải là quá tải dân số.

Các nguồn tài nguyên được xem xét khi đánh giá liệu một hệ sinh thái có là quá tải dân số hay không gồm nước sạch, không khí, thức ăn, nơi ở, trạng thái ấm và các nguồn tài nguyên khác cần thiết để duy trì sự sống.

Nếu chất lượng cuộc sống con người được xem xét, có thể cân nhắc cả những nguồn tài nguyên khác như chăm sóc y tế, giáo dục, xử lý nước thải và rác thải thích hợp. Các địa điểm quá tải dân số gây áp lực trên các nguồn tài nguyên duy trì sự sống, dẫn tới sự giảm sút chất lượng cuộc sống.

Dân số là một biến số của bài toán: dân số với môi trường, dân số với tài nguyên, dân số với phát triển, dân số với chất lượng cuộc sống, dân số với lao động và việc làm, dân số với chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, dân số với giáo dục nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài… Bài toán này cần tìm ra đáp số.

Ngày nay, loài người chỉ có hai cách lựa chọn. Một là tiếp tục con đường “cưỡng bóc” vô tội môi trường, tài nguyên thiên nhiên, và cuối cùng là đi đến chỗ nghèo đói, bệnh tật, tình trạng lạc hậu, kém phát triển và mọi thảm họa khác. Hai là, thích ứng với thiên nhiên, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, tạo ra sự cân bằng giữa tăng dân số của loài người, sản xuất vật chất của con người và môi trường, tài nguyên thiên nhiên mà trái đất có được.

Chỉ có hạn chế sự gia tăng dân số mới có khả năng đẩy lùi sự nghèo đói và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, đó là kế hoạch hóa gia đình.

Năm 1970 các nhà khoa học câu lạc bộ Roma đưa ra khuyến cáo: Dân số tăng theo cấp số nhân, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt, môi trường ngày càng ô nhiễm dẫn đến sự đói kém, loài người dẫn đến diệt vong do đói và ô nhiễm môi trường.

Với số dân tăng nhanh như đã đề cập ở trên, nguồn tài nguyên hiện có trên trái đất còn nuôi sống loài người được bao lâu nữa? Đó là câu hỏi khó trả lời.

Loài người là một bộ phận của thiên nhiên, luôn phụ thuộc vào thiên nhiên. Mọi hoạt động của con người phải đặt trong giới hạn nhất định của thiên nhiên, sức chịu đựng của Trái Đất và khả năng hồi phục của nó.

Theo MOITRUONG.COM.VN

Tags: ,