Luận án tiến sĩ về chiếc áo ngực: Đôi lời cho những kẻ cười cợt vô tâm

Luận án tiến sĩ nghiên cứu về ảnh hưởng nhân trắc ngực tới áp lực và độ tiện nghi của chiếc áo ngực gây tranh cãi trên mạng, thậm chí bị chê cười, mỉa mai là vô bổ. Thú thực là ban đầu, khi mới đọc, tôi cũng không tránh khỏi cảm giác này. Áo ngực mà cũng phải viện đến trình độ tiến sĩ nghiên cứu cơ à?

Luận án tiến sĩ về chiếc áo ngực: Đôi lời cho những kẻ cười cợt vô tâm

Sự nghiêm túc với vấn đề “nhạy cảm”

Nhưng, hóa ra là mọi chuyện không đơn giản như vậy. Nếu gõ “bra research” (nghiên cứu áo ngực) lên công cụ tìm kiếm Google, bạn thu được 132 triệu kết quả và hàng trăm nghìn trong số này là các công trình nghiên cứu nghiêm túc, từ nhiều năm qua. Đơn cử như nghiên cứu có tên “Đánh giá chuyên nghiệp về các tiêu chí áo ngực vừa khít ở Vương quốc Anh” (2011), với lý do nghiên cứu là “áo ngực vừa vặn rất quan trọng với sức khỏe phụ nữ”.

Nếu bạn cảm thấy chưa đủ “đô” thì hãy thử đọc một nghiên cứu nghe khá kỳ quặc khác về đồ lót: Loại quần lót bạn mặc và thang điểm liên quan đến chức năng của tinh hoàn. Nghiên cứu này đi sâu vào ảnh hưởng của quần lót đến chức năng sinh sản của nam giới, thông qua các biểu hiện của tinh hoàn với các loại quần lót khác nhau. Tất nhiên là nếu xuất hiện trên báo mạng Việt Nam, đây có thể lại thành một chủ đề cười cợt cho độc giả là chính.

Nhưng, hãy đọc thử về tập mẫu của nghiên cứu này, bạn có thể thấy một góc nhìn hoàn toàn khác: “Đây là một nghiên cứu dựa trên khảo sát 656 nam giới của các cặp vợ chồng đang tìm cách điều trị vô sinh tại một trung tâm chữa bệnh hiếm muộn từ năm 2007-2017”. Nguyên văn trong mở đầu nghiên cứu ghi vậy.

Vấn đề lại trở nên nghiêm túc hẳn. Bất kỳ ai có lẽ cũng hiểu được nỗi đau của các cặp vợ chồng hiếm muộn và một trong những giải pháp đơn giản bắt nguồn từ nghiên cứu nghe-có-vẻ-kỳ-quặc ở trên: Anh nên lựa chọn quần lót cho tốt, vì nó có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Các ý tưởng nghiên cứu có vẻ kỳ quặc kiểu đó, thật ra, thường luôn nhắm tới một mục đích nghiêm túc. Năm 2013, các nhà nghiên cứu ở Slovakia đã thử cho các tình nguyện viên… hôn nhau kiểu nồng nhiệt trong ít nhất 2 phút, để khảo sát xem liệu có thể tìm thấy DNA của người nam trong thời gian bao lâu sau khi nụ hôn kết thúc.

Nghiên cứu này nhằm áp dụng để điều tra các nghi phạm tấn công tình dục: Nước bọt người phụ nữ có thể lưu lại bằng chứng của kẻ thủ ác. Nó thực sự có ý nghĩa và các nhà nghiên cứu cũng hoàn toàn tâm huyết với dự án của họ.

Nhưng, chúng ta có một “tập quán” không hay ho gì khi đối diện với tư duy khoa học kiểu này: Phản xạ đầu tiên là cười cợt, như những gì đã diễn ra với “nghiên cứu áo ngực” vừa rồi. Và, đi xa hơn, cho rằng những nghiên cứu nghe không lọt tai cho lắm ấy là vô bổ. Luận án tiến sĩ gì mà đi làm cái đề tài “tầm xàm” thế này. Đánh giá này hoàn toàn là sai lầm.

Hãy tạm bỏ qua vấn đề sức khỏe chị em thì nghiên cứu về áp lực của chiếc áo ngực với vòng 1 có lẽ là một trong những nghiên cứu thực dụng bậc nhất, trên khía cạnh kinh tế. Đồ lót chiếm 4% trong tổng số sản phẩm quần áo nữ bán lẻ trực tuyến trên toàn bộ thị trường Mỹ và Vương quốc Anh. Nghe có vẻ nhỏ nhưng dự kiến ngành này sẽ đạt lợi nhuận khoảng 79 tỷ USD vào năm 2027, tức là 4% đấy vẫn là con số khổng lồ.

Theo thống kê của một công ty đồ lót vào năm 2018, quy mô thị trường nội y hiện tại ở Việt Nam rất lớn, với 60 triệu/100 triệu dân sử dụng đồ lót. Nếu trung bình một người sử dụng 6 bộ một năm với giá mỗi sản phẩm là 100 ngàn đồng thì tổng doanh thu thị trường lên đến 36.000 tỷ đồng.

Luận án tiến sĩ về áp lực áo ngực vừa rồi đã “thiết lập được hệ thống đo đồng thời áp lực áo ngực lên cơ thể người mặc bằng cảm biến áp khí tại 8 vị trí đo” và qua đó, có thể “góp phần xây dựng cơ sở lựa chọn kích thước ngực cho các nghiên cứu về nhân trắc ngực và áp lực của áo nữ”. Đọc kỹ, ta hiểu ngay thông điệp của những người nghiên cứu: Nó có thể phục vụ cho một sản phẩm tiêu dùng của một thị trường khổng lồ.

Tiến sĩ đang làm gì?

Từ 8 năm trước, có một bài báo khuấy động dư luận thời đó trên trang Vietnamnet có tựa đề “24.000 tiến sĩ Việt Nam đang làm gì?”. Lúc đó, 633 tiến sĩ đang là giảng viên các trường cao đẳng và hơn 8.500 người là giảng viên đại học. Với hàm thứ trưởng trở lên, số người có trình độ tiến sĩ ở Việt Nam “gấp 5 lần Nhật Bản”, bài báo viết. Lãnh đạo các tổng công ty, tập đoàn, doanh nghiệp… trên danh thiếp thường kèm 2 chữ “TS”.

Điều nghịch lý là chúng ta thường phê phán các “tiến sĩ giấy”, những người chỉ có bằng cấp mà không có kết quả thực tiễn nhưng lại cũng hay cười cợt khi ai đó suy nghĩ nghiêm túc về một chuyện mà ngẫm kỹ ra rất cần thiết, thậm chí là vô cùng hữu ích. Trong tư duy của chúng ta, hình ảnh tiến sĩ đã bị đóng đinh vào những tháp ngà kinh viện, những việc “đao to búa lớn” và những luận văn leng keng, nghe thì rất hay nhưng nhiều khả năng chỉ là một sản phẩm cóp nhặt đâu đó trên mạng. Họ bảo vệ luận điểm của mình trước một hội đồng và nếu phản biện thành công, họ sẽ thành tiến sĩ, không cần biết ý tưởng đó có đi vào thực tế hay không.

Hãy nghĩ về những điều chúng ta cần cải thiện trong cuộc sống: Đó hầu hết là những chuyện nhỏ nhặt, như cái kim, sợi chỉ, quần áo lót. Nếu là một người tiêu dùng, bạn hẳn sẽ lựa chọn chiếc áo lót ít ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mình và được “đo ni đóng giày” cẩn thận cho phù hợp với cá nhân. Các nhà sản xuất, đương nhiên, biết ơn các luận văn tiến sĩ đã chịu ám ảnh với chi tiết “tầm xàm” này.

Tất nhiên là những ai muốn làm tiến sĩ để thăng quan tiến chức hay kiếm cái bằng cho oai có thể tiếp tục chặng đường của họ. Không ai cấm việc ấy cả và nó cũng là một con đường để tìm kiếm địa vị phổ biến trong nhiều năm qua. Chính con đường kiểu này cũng đã biến tiến sĩ mà đi kèm “áo ngực” trở thành thứ mà giờ chúng ta cảm thấy buồn cười và phi lý.

Nhưng, khi phản xạ ấy qua đi và ngẫm nghĩ kỹ lại, tôi nhận ra rằng chính những người ám ảnh vì chiếc áo ngực mới là tiến sĩ mà tôi, bạn, cũng như xã hội chúng ta đang cần. Cười cợt, vùi dập những ý tưởng như thế là một chuyện đáng buồn. Càng đáng buồn hơn, việc này đã trở thành một phản xạ, trong một thời đại mà người ta không muốn suy nghĩ quá nhiều, kể cả những chuyện thực sự có ích cho bản thân họ.

Theo BAN CẦM / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: ,