Lộ trình nào cho sự chuyển đổi từ thế hệ ‘điện tử’ sang thế hệ ‘thông minh’?

Trên thế giới mươi năm trước, người ta đã hoàn thành cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba với việc gắn mọi hàng hóa, khái niệm, quá trình với tính từ “điện tử”, viết tắt bằng tiền tố “E” ở đầu từ như: thương mại điện tử (E-commerce), chính quyền điện tử (E-government), xã hội điện tử (E-society) hay công dân điện tử (E-citizen).

Lộ trình nào cho sự chuyển đổi từ thế hệ ‘điện tử’ sang thế hệ ‘thông minh’?

Bài viết của GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi trường.

Ngày nay, con người bàn về cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư với việc gắn tính từ “thông minh” vào trước nhiều thứ như: cuộc sống thông minh (smart life), thành phố thông minh (smart city), quản lý thông minh (smart administration) hay xã hội thông minh (smart society). “Thông minh” được hiểu là trí tuệ nhân tạo, giúp con người đưa ra lựa chọn tối ưu khi mọi thông tin chính xác được kết nối đầy đủ qua mạng Internet.

Nhưng vấn đề là Việt Nam đang ở đâu? Trên nền tảng của một thế hệ điện tử mà thực ra ta chưa làm được bao nhiêu trong suốt ba chục năm qua. Liệu chúng ta có đủ thông tin cần thiết để đưa đất nước chuyển ngay qua thế hệ “thông minh” hay vẫn tiếp tục loay hoay với cụm từ bóng bẩy này?

Một số ý kiến với hoài bão rất lớn rằng ta có thể đi tắt qua thế hệ “điện tử” để đón đầu thế hệ “thông minh” – vẫn được ký hiệu là “4.0”. Chủ tịch Klaus Schwab tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng 1/2016 khi bàn về khái niệm này đã cho rằng công nghệ là động lực cho phát triển. Ý kiến này không sai, nhưng cũng không hoàn toàn đúng.

Hãy hình dung chúng ta đang có những trí tuệ nhân tạo (AI) siêu việt về tư duy, nhưng lại chẳng có một chút thông tin nào đáng tin cậy để phục vụ cho “tư duy”. Vậy thì trí tuệ nhân tạo cũng “dở khóc, dở mếu” mà đầu hàng vì chẳng “nghĩ” ra được điều gì cả. Động lực cho phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phải là thông tin trước rồi mới đến công nghệ với trí tuệ nhân tạo.

Tôi nhớ lại câu chuyện vào năm 1995. Lúc đó, Chính phủ có chương trình chuẩn bị kỹ lưỡng cho phát triển công nghệ thông tin giai đoạn 1996 – 2000. Chương trình này được giao cho GS. TSKH. Phan Đình Diệu chủ trì, tôi cũng là thành viên Ban chỉ đạo. Các ngành đưa lên rất nhiều đề xuất, nhiều dự án đồ sộ toàn về công nghệ, trong đó có một đề tài lớn, mang tính thời thượng là xây dựng “xa lộ thông tin tốc độ cao”, thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Anh Diệu suy nghĩ rồi đưa ra ý kiến: “Đề tài rất hay, khá lãng mạn, nhưng chúng ta chẳng có một đề xuất nào về thông tin thì lấy cái gì để chạy trên xa lộ này đây?”. Anh bổ sung một chương trình trọng điểm về “xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia”, trong đó tôi được giao chuẩn bị xây dựng cơ sở dữ liệu địa lý và đất đai đóng vai hạ tầng thông tin, tức là để quy chiếu mọi loại dữ liệu khác vào nó nhằm xác định chính xác hai thuộc tính không gian và thời gian của các dữ liệu khác.

Chương trình này được phê duyệt, nhưng rồi dang dở. Một hôm, tôi gặp anh Diệu trên phố, với nét mặt hồ hởi: “Tôi vừa nhận quyết định về hưu được ký đúng sinh nhật thứ 60 ông à. Vui thật đấy!”. Tôi nhận thấy nét đượm buồn trong sâu thẳm ở anh, rồi công nghệ sẽ là một tập đầy, mà thông tin sẽ vẫn là một tập rỗng. Năm 1996, anh Diệu về hưu. Tôi đã tiếp tục hoàn thành cuốn sách về cơ sở dữ liệu địa lý và đất đai quốc gia với hơn 600 trang, nhưng rồi cũng nằm yên trong lưu trữ.

Đến nay, mọi cơ sở dữ liệu quốc gia đã được định dạng nhưng vẫn chưa được hoàn thành và vận hành theo đúng nghĩa, không được chuẩn hóa và quy chiếu vào đâu. Nói đơn giản hơn, các dữ liệu mô tả cuộc sống thực đang vận động phải được ghim vào mô hình mô tả trái đất thực cũng đang vận động. Bởi mọi hoạt động của con người đều diễn ra trên trái đất thực theo thời gian thực.

Dựa trên những thông tin mô tả đầy đủ cuộc sống thực đang vận động, trí tuệ con người cùng trí tuệ nhân tạo tư duy và tìm cách tác động để cuộc sống tốt đẹp hơn. Như vậy, nếu thông tin không đủ hoặc thông tin sai thì dù trí tuệ có cao siêu đến mấy cũng khó có thể đưa ra được các quyết định; nếu cố đưa ra thì cũng chỉ là các quyết định sai. Để tiến tới thế hệ “thông minh”, thông tin phải được quan tâm trước và phải được sắp đặt để khi cần, ta sẽ lấy ra được thông tin đầy đủ, chính xác và thời sự. Đi không đúng lộ trình, chúng ta sẽ lãng phí và không thể đến đích.

Hiện nay, nhiều thành phố đang định hướng trở thành đô thị thông minh với nhiều cách tư duy khác nhau. Họ đã có kế hoạch mua sắm rất nhiều thiết bị thu nhận, tích hợp, xử lý thông tin… nhưng lại không có tư duy nào về tổ chức hệ thống thông tin, quy chiếu thông tin vào không gian – thời gian nào và độ chính xác bao nhiêu thì vừa đủ. Một số thành phố đã kết nối thông tin hoạt động của đô thị với bản đồ thành phố đó nhưng chỉ ở dạng 2D đã quá cũ kỹ, không được cập nhật, độ chính xác quá yếu kém, kết quả xử lý thông tin đưa ra sẽ là vô nghĩa.

Ngược dòng thời sự một chút, tiến trình phát triển thế giới dựa trên công nghệ thực ra do Alvin Toffler, một cây viết Mỹ, trình làng đầu tiên. Ông đã viết 3 cuốn sách: “Cú sốc tương lai”, “Làn sóng thứ ba” và “Thăng trầm quyền lực”, mỗi 10 năm hoàn tất một cuốn. Ông là người tiên đoán lần đầu về một thế giới thay đổi mạnh mẽ khi thông tin tạo ra động lực phát triển và tạo nên nền văn minh thứ ba: văn minh thông tin. Alvin Toffler cho rằng “thông tin” đã tạo nên làn sóng phát triển mới như một cú sốc cho toàn nhân loại và cũng làm thay đổi phương thức thực hiện quyền lực.

Trí tuệ con người luôn tư duy theo kiểu cảm tính và định tính, dựa trên 5 giác quan trời phú, nhưng lại bị giới hạn khá hẹp. Ví dụ, mắt người chỉ nhìn thấy được ánh sáng từ đỏ tới tím, giả như nhìn thấy cả hồng ngoại thì mọi loại quần áo đều trở nên vô nghĩa. Ngược lại, trí tuệ nhân tạo lại luôn tư duy theo kiểu định lượng, khi có đủ thông tin đo đếm được thì nó luôn đưa ra lời giải tối ưu, “với tới” cả những thông tin mà ngũ giác con người không cảm nhận được. Đó chính là quyền lực của thông tin.

Như vậy, với Việt Nam, phải thực sự tìm được lộ trình chuyển đổi từ thế hệ “điện tử” sang thế hệ “thông minh”, trong đó trước hết là một hệ thống thông tin toàn diện để mô tả chính xác nhất cuộc sống thực. Các thông tin này được tạo dựng dựa trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia trong mọi lĩnh vực, được tích hợp thống nhất theo thời gian thực và được kết nối với mô hình chính xác của trái đất thực (cũng đang vận động theo thời gian thực). Sau đó mới tới bước xác định ta cần công nghệ nào để thu nhận, kết nối, xử lý để tư duy bằng thông tin, chỉ ra cách giúp tất cả mọi người bỏ ra chi phí ít nhất song đạt được lợi ích nhiều nhất.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,