⠀
Lịch sử bị chia cắt của đất nước Yemen
Nói đến những quốc gia từng bị chia cắt, nhiều người chỉ biết nhiều đến Việt Nam, Đức và Triều Tiên. Tuy nhiên, còn một quốc gia nữa ở Trung Đông cũng từng bị chia cắt là Yemen.
Đất nước có vị trí chiến lược
Yemen nằm trong thế giới Ả Rập, trong nửa phía nam của bán đảo Ả Rập, giáp biển Ả Rập, vùng vịnh Aden, và Biển Đỏ. Quốc gia này nằm ở phía nam của Ả Rập Saudi và phía tây của Oman, giữa vĩ độ 12° và 19°B và kinh độ 42° và 55°Đ. Đất nước này có một vị trí chiến lược với con đường hàng hải từ Ấn Độ dương sang phương Tây thông qua Biển Đỏ và kênh đào Suez ở Ai Cập.
Một số các đảo Biển Đỏ, bao gồm cả quần đảo Hanish, Kamaran, và Perim, cũng như Socotra ở Biển Ả Rập, thuộc về Yemen. Nhiều số đảo trong số các đảo là núi lửa, ví dụ Jabal al-Tair đã có một vụ phun trào núi lửa trong năm 2007 và trước đó vào năm 1883.
Với tổng diện tích 527.970 km2, Yemen là quốc gia lớn thứ 49 thế giới về diện tích. Quốc gia này có diện tích ngang với Thái Lan và tiểu bang California của Hoa Kỳ.
Từ thời Cổ đại, vùng này đã có những mối quan hệ với các nền văn minh Lưỡng Hà, văn minh Ba Tư và văn minh Ấn Độ. Xứ sở này được Hồi giáo hóa và thuộc quyền kiểm soát của triều đại Abbasid từ thế kỷ VII. Từ năm 1508 đến năm 1648, lãnh thổ này do người Bồ Đào Nha kiểm soát, sau đó lại rơi vào tay người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc đế quốc Ottoman, nhưng đến năm 1741 Ahmah ibn Sa’id đã đánh đuổi người Thổ Nhĩ Kỳ. Hậu duệ của Quốc vương (Sultan) Ahmah cai trị Oman đến ngày nay.
Quốc gia này sớm phát triển về lãnh vực thương mại nhờ vị trí địa lý thuận lợi, có ảnh hưởng rộng lớn khắp các vùng tại vịnh Ba Tư, Ấn Độ Dương và một số vùng ven biển ở phía đông châu Phi.
Cộng hòa Ả Rập Yemen
Năm 1920, lợi dụng sự sụp đổ của đế quốc Ottoman, Bắc Yemen tuyên bố độc lập và các Imam (Giáo trưởng Hồi giáo) duy trì quyền cai trị đến năm 1962. Trong khi đó, Nam Yemen vẫn thuộc quyền bảo hộ của đế quốc Anh cho đến năm 1967.
Năm 1962, cuộc đảo chính quân sự được sự trợ giúp của Ai Cập đã lật đổ vị Giáo trưởng Hồi giáo với sự ra đời của nền cộng hòa. Phái bảo hoàng, do Ả Rập Saudi yểm trợ, đã tiến hành cuộc chiến chống lại những người cộng hòa và quân đội Viễn chinh Ai Cập. Năm 1972, cuộc chiến tranh giữa hai miền Yemen bùng nổ và kết thúc bằng một hiệp ước dự kiến thống nhất đất nước nhưng vẫn không có hiệu lực. Năm 1974, Đại tá Ibrahim al-Hamdi lên nắm quyền và thành công trong việc thực thi quyền lực của chính phủ trung ương trên toàn lãnh thổ Bắc Yemen.
Cuộc mưu sát Tổng thống Cộng hòa Ả Rập Yemen (1978) đã dẫn đến việc cắt đứt các mối quan hệ ngoại giao, cuộc chiến tranh giữa hai miền lại bùng nổ. Trung tá Ali Abdullah Saleh được bổ nhiệm vào chức vụ Tổng thống. Năm 1980, Saleh kêu gọi sự giúp đỡ của Liên Xô, bất chấp áp lực từ Hoa Kỳ và Ả Rập Saudi, cải thiện các mối quan hệ với Nam Yemen.
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen
Trong khi Bắc Yemen từng là thuộc địa của Đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ và giành độc lập sau Đại chiến Thế giới lần thứ nhất thì Nam Yemen lại chưa có độc lập cùng thời điểm đó vì đang là thuộc địa của nước Anh.
Những năm 1960, một phong trào đấu tranh giành độc lập ở đất nước này do Mặt trận giải phóng dân tộc Yemen lãnh đạo đã thành công năm 1967 và lấy tên nước là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen.
Năm 1970, nhà lãnh đạo Salim Ali Rubayyi đã quyết định xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở đất nước này. Tuy nhiên, đến năm 1978, Rubayyi bị quân đội lật đổ. Ali Nasir Muhammad kiêm nhiệm lãnh đạo Đảng Dân chủ Nhân dân và Nhà nước. Năm 1986, Ali Nasir Muhammad bị lật đổ và cuộc nội chiến kéo dài 15 ngày đã làm cho 12.000 người thiệt mạng. Abu Bakr al-Attas trở thành nhà lãnh đạo mới và tạo mối quan hệ thân thiện với Bắc Yemen.
Thủ đô của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Yemen là thành phố cảng Aden với vị trí chiến lược trên con đường hàng hải từ Ấn Độ Dương sang phương Tây thông qua Biển Đỏ và kênh đào Suez ở Ai Cập.
Thống nhất thành Cộng hòa Yemen
Cả hai miền Yemen trong giai đoạn chưa thống nhất đều không hẳn thuộc phe tư bản và xã hội chủ nghĩa nên mức độ đối lập về tư tưởng không thực sự quá lớn. Chính vì thực tế đó, những tiếp xúc cấp để xích lại gần nhau giữa hai miền cũng là thuận lợi hơn và cũng không quá chịu ảnh hưởng về chính trị của Hoa Kỳ và Liên Xô.
Sau cuộc họp thượng đỉnh tại Aden ngày 22/5/1990, sau nhiều năm thương thuyết, hai vị nguyên thủ quốc gia của hai miền đã cùng nhất trí thống nhất đất nước và tuyên bố thành lập Nhà nước Cộng hòa Yemen với thủ đô là Sana’a. Ali Saleh trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Yemen thống nhất. Tuy nhiên, những căng thẳng giữa hai miền Nam và Bắc đã làm bùng nổ cuộc chiến tranh năm 1994. Chiến thắng của lực lượng miền Bắc củng cố thêm quyền lực Tổng thống và đảng do Saleh cầm quyền.
Yemen hiện là nước kém phát triển nhất ở khu vực Trung Đông và cũng nằm trong những nước kém phát triển trên thế giới. Địa hình khô cằn, sự ẩn náu của Al-Qaeda, không có mấy tài nguyên khoáng sản (dầu mỏ, khí đốt,…) và nạn tham nhũng khiến Yemen là một trong những nước nghèo trên thế giới. Nạn thất nghiệp gia tăng, chính phủ yếu kém, nạn đói,… nên Yemen phần lớn phải nhờ Hoa Kỳ hỗ trợ.
Xét về thu nhập bình quân đầu người, Yemen là một trong những nước nghèo nhất so với các nước Ả Rập khác. Nền kinh tế Yemen dựa vào 3 nguồn chính là khai thác dầu lửa, sản xuất nông nghiệp và đánh cá. Dầu lửa có trữ lượng khoảng 4 tỷ thùng; sản xuất trung bình 402.500 thùng/ngày và tiêu thụ 128.000 thùng/ngày. Khí đốt trữ lượng 480 tỷ m³. Yemen đang cố gắng đa dạng hóa nguồn lợi thu về, không chỉ riêng dầu. Vì vậy, năm 2006 Yemen đã bắt đầu một chương trình cải cách kinh tế chú trọng vào các ngành kinh tế phi dầu mỏ và đầu tư nước ngoài.
Kết quả của chương trình này, Yemen đã thu về khoảng 5 tỷ USD từ các dự án phát triển. Bên cạnh đó, những năm gần đây Yemen đã có sự tiến bộ trong việc cải cách các chính sách nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài. Ngân sách của Yemen năm 2007 là 7,407 tỷ USD, nhưng con số chi tiêu là 8,177 tỷ USD đã vượt hơn cả ngân sách cả nước. Yemen đang đối mặt với việc nợ cao, chiếm 33,7% của tổng sản phẩm nội địa GDP (theo CIA-2007). Tính đến năm 2016, GDP của Yemen đạt 31,326 tỷ USD, đứng thứ 99 thế giới, đứng thứ 33 châu Á và đứng thứ 13 Trung Đông.
Sau 30 năm thống nhất, đất nước Yemen vẫn chưa thực sự có hòa bình bởi vẫn có những phe phái đối lập cầm súng chống lại Chính phủ. Những năm gần đây, nội chiến ở Yemen đã lan ra tại nhiều vùng trên lãnh thổ và phe đối lập đã chiếm được thủ đô Sana’a. Thành phố cảng Aden hiện là thủ đô tạm thời của Chính phủ nước Yemen thống nhất.
Theo VIETTIMES
Tags: Trung Đông, Yemen