Lao động nghèo mua nhà ở xã hội: Kịch bản phim viễn tưởng ở Việt Nam?

Nói là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng có những đối tượng mua được lại không nghèo chút nào. Để cho người ta tự kinh doanh, thổi giá tự do như hiện nay, thì biết bao giờ người nghèo mới mua được nhà để ở?

Lao động nghèo mua nhà ở xã hội: Kịch bản phim viễn tưởng ở Việt Nam?

Tôi mua nhà ở xã hội khó như phim viễn tưởng

Có một chỗ ở đàng hoàng là mong mỏi của tất cả những người lao động muốn bám trụ lại thành phố. Tuy nhiên, với giá nhà ở mức rất cao (từ 1-1,6 tỷ đồng), cộng thêm số lượng lại rất ít, khả năng tiếp cận nhà ở xã hội với họ gần như bằng “0”. Theo tính toán của Sở Xây dựng TP HCM, trung bình cứ 5 năm, thành phố lại đón thêm một triệu người lao động mới. Nhưng sau 15 năm, chỉ có 31 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, tương ứng 18.800 căn hộ và 16 nhà lưu trú công nhân với khoảng 21.400 chỗ ở tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất.

Câu chuyện an cư lạc nghiệp từ lâu đã là nỗi trăn trở của của người lao động nghèo. Hai vợ chồng tôi cũng làm công nhân viên nhà nước. Sau 10 năm đi làm, chúng tôi tích góp được một ít vốn để mua nhà. Năm 2018, nghe nói thành phố có chính sách hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho công nhân viên nhà nước, tôi khấp khởi mừng vì hy vọng mua được nhà sắp thành hiện thực.

Lên tận nơi để hỏi về thủ tục mua nhà, tôi được tư vấn như sau: “Anh chị cứ về huy động vốn rồi mua căn hộ, căn nhà mình cần, làm thủ tục sang tên chính chủ hết đi. Sau đó, anh chị cầm giấy tờ lên đây, tôi tư vấn làm hồ sơ để được vay gói hỗ trợ”. Nghe những lời tư vấn đó, tôi chỉ biết cười trừ. Nếu chúng tôi có thể tự huy động đủ tiền để mua nhà, thì cần gì phải lên đây nhờ hỗ trợ?

Tiếp tục hành trình tìm chốn an cư, năm 2020, chúng tôi quyết định dạt về Bình Dương, vì vừa tiếp giáp TP HCM, giao thông cũng thuận tiện, mà giá nhà lại rẻ hơn. Tôi chọn mua một dự án nằm ngay cổng chào Bình Dương, đã xây 28 tầng, mở bán rất rầm rộ, hoành tráng và háo hức vì được chủ đầu tư hứa hẹn cuối năm sẽ bàn giao nhà.

Thế nhưng sau đó, họ lại thông báo hoãn bàn giao nhà vô thời hạn vì có tranh chấp trong nội bộ. Kết quả, tôi và hàng ngàn người khác với mong muốn tìm chốn an cư, lạc nghiệp, dù đã bằng sự cố gắng của tự bản thân để mua một căn nhà cho mình và gia đình, nhưng nay lại phải vác đơn đi cầu cứu các cấp chính quyền của tỉnh, trong khi tin tức về chủ đầu tư đến nay vẫn mờ mịt.

Đấy, mua nhà ở bằng “tiền tươi thóc thật” như tôi còn khổ ải, gian nan như thế, thì mơ ước có nhà ở xã hội, nói thật, chẳng khác nào một bộ phim viễn tưởng.

Le Vo Hong Thanh

Nhà ở xã hội nhưng không dành cho người thu nhập thấp

Xung quanh câu chuyện về nhà ở xã hội cho công nhân, tôi cho rằng không phải là không khả thi. Thực tế, nếu người lao động làm việc liên tục trong 20-30 năm mà chưa thể mua được nhà thì rất khó nói là an sinh. Trong khi đó, thực tế chung cư xây nhiều không lấp hết chỗ. Ngoài ra, quỹ đất ở các khu công nghiệp cũng còn nhiều để xây dựng thêm nhà ở xã hội.

Thật ra, ai cũng biết giá xây dựng không cao, chủ yếu là tiền đất. Chỉ cần có thiết kế chuẩn nhà 30-50 m2 (cho gia đình gồm hai vợ chồng, hai đứa con), thiết kế tối giản để giảm bớt chi phí, chủ trương đúng và quản lý được, thì tôi tin người lao động hoàn toàn có thể tiếp cận nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thực tế lại không giống như vậy, nói là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhưng đối tượng có thể tiếp cận và mua được lại không nghèo chút nào. Đó là một nghịch lý đang tồn tại bấy lâu nay.

Theo tôi, để người lao động thực sự tiếp cận được với nhà ở xã hội, chúng ta cần phải làm được những việc như sau:

Thứ nhất, đất phải do nhà nước hỗ trợ về giá (không thể lấy giá đầu cơ thu gom của các bên làm bất động sản thương mại để áp vào). Vị trí xây dựng cũng phải ở nơi phù hợp như khu công nghiệp, vùng ven (như Bình Chánh, Củ Chi, TP HCM). Quỹ đất mấy khu đó còn nhiều, rẻ hơn nội đô. Xây gần chỗ làm, công nhân lại tiết kiệm chi phí đi lại, sức khỏe, ngoài ra còn giúp giảm tải giao thông, có lợi cho nền kinh tế.

Thứ hai, về quy hoạch và xây dựng và chi phí vận hành, cần nghiên cứu những khối nhà chuẩn, đủ điều kiện sinh sống tối thiểu; tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng, minh bạch các khoản thu chi; không kê, không đội, không phát sinh phí ảo… Giá vận hành cũng cần ở mức phù hợp với mức sống của người lao động.

Thứ ba, cấm sang nhượng, mua bán sai mục đích. Vấn đề này trước nay cũng có đề cập và ra luật, tuy nhiên thực tế vẫn để lọt nhiều trường hợp “không nghèo vẫn mua được nhà ở xã hội”.

Tất nhiên, chủ trương là vậy, nhưng đến thực tế lại là cả một khoảng cách dài. Nói chung, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp hoàn toàn khả thi nếu thực sự được làm đúng với giá trị của nó, để công nhân có thể mua được. Còn nếu để cho người ta tự kinh doanh, thổi giá tự do như hiện nay, thì biết bao giờ người nghèo mới mua được nhà để ở?

Doctor X

Theo tính toán của Sở Xây dựng TP HCM, trung bình cứ 5 năm, thành phố lại đón thêm một triệu người lao động mới. Nhưng sau 15 năm, chỉ có 31 dự án nhà ở xã hội được đưa vào sử dụng, tương ứng 18.800 căn hộ và 16 nhà lưu trú công nhân với khoảng 21.400 chỗ ở tại 11 khu công nghiệp, khu chế xuất.

Hiện, giá mỗi m2 căn hộ nhà ở xã hội khoảng 25 triệu đồng, tương đương 1-1,6 tỷ đồng mỗi căn. Mỗi người được vay tối đa 900 triệu đồng, không quá 70% giá trị căn hộ, thời gian trả 15 năm. Trong khi đó, số lượng bán lại rất ít, nên khả năng tiếp cận nhà ở xã hội với người lao động thu nhập thấp gần như bằng “0”.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,